Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

CON MẮT PHÂN ĐỊNH

                                       small 1241626324.nv

Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. ( Mt 7,16)

Một phút suy gẫm

        Lạy Chúa Giêsu, trước mặt Chúa, mọi hành vi của con đều được phơi bày một cách trung thực, hoặc đó là một việc tốt, hoặc đó là một việc xấu. Các việc làm của con đều biểu lộ con người thật của con. Qua ví dụ về cây vả, Chúa muốn con trở nên người tốt, sống tốt, sống ngay lành, để hoa quả cuộc đời con là những trái ngon, quả ngọt.

Với kinh nghiệm thông thường về trồng cây, con biết rằng muốn có trái ngon, quả ngọt, người làm vườn phải tốn bao công sức để phun thuốc, cuốc xới, bón phân, tưới tắm. Cũng vậy, để cho cuộc đời con được tốt đẹp, con cũng cần rất nhiều công chăm sóc. Là một học sinh, con sẽ phải hy sinh các thú giải trí để chăm chú vào việc học tập. Là người công nhân, con sẽ phải thể hiện tốt vai trò và trách nhiệm của bậc mình. Là người Kitô hữu, con sẽ phải sống tốt ơn gọi của mình theo tinh thần phúc âm.
        Lạy Chúa, tất cả những điều ấy,sao con thấy nặng nề, khó khăn, cực nhọc, và có lúc con đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại phải phấn đấu như vậy?”. Lời Chúa hôm nay đã đem lại cho con câu trả lời: “Muốn có quả tốt, đòi hỏi cây phải tốt; không thể có quả tốt nơi cây xấu được!”
        Xin Chúa cho con biết xác tín vào Lời Chúa dạy để đời con không ngừng sống tốt trước mặt Chúa. Amen.



Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

DỌN ĐƯỜNG


                                     

Tên cháu là Gioan. ( Lc 1,63)

Một phút suy gẫm

       Đặc điểm của thánh Gioan Tiền Hô là dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Đặc điểm ấy đang hiện lên rực sáng nơi Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thánh Cha Bênêđictô. Mỗi đấng dọn đường cho Chúa một cách riêng biệt.
       Đức Phanxicô dọn đường cho Chúa bằng những việc cải cách. Cải cách lối sống, cải cách giáo triều, cải cách hàng giám mục. Cải cách của Đức Phanxicô hiện đang tiếp diễn mạnh mẽ ở nhiều lãnh vực của Giáo Hội, Ngài đáng gọi là một Gioan Tiền Hô thế kỷ XXI.
       Còn Đức Bênêđictô thì đang dọn đường cho Chúa bằng đời sống khiêm nhường, cầu nguyện và từ bỏ.
Đúc Cha Bùi Tuần rất sợ một điều là lương tâm trở nên chai đá. Nhiều người cũng chia sẻ về nguy cơ “xơ cứng” của lương tâm đang có chiều hướng phát triển tại Việt Nam hiện nay. Vì thế, nhìn Đức Bênêđictô âm thầm cầu nguyện trong sự từ bỏ thẳm sâu, mà thấy lòng mình trở về nội tâm hơn, Ngài chính là Đấng đang dọn đường cho Chúa một cách hữu hiệu.
       Nguyện  xin Chúa Thánh Thần soi sáng và dẫn dắt  chúng con cầu nguyện và chiêm ngắm nhiều trước Chúa Giêsu, để Người trở thành thân mật với chúng con và chúng con trở thành gần gũi với Người.
Thêm vào đó, chúng ta phải gặp Chúa Giêsu nơi những người khác, nhất là nơi những kẻ nghèo khó, bệnh tật, cô đơn. Những liên hệ trực tiếp với những người xung quanh, khi có Chúa trong tâm tình chân thành, cũng nảy sinh được nhiều sinh lực thiêng liêng, có sức dọn đường cho Chúa.
        Lạy thánh Gioan Baotixita, xưa Ngài đã sửa đường cho Chúa, không phải chỉ bằng những lời giảng, mà còn bằng tất cả đời sống cầu nguyện, chiêm niệm, hãm mình, với biết bao nhọc nhằn đau khổ.
        Nay, cũng có nhiều người đang bước theo Ngài mà sửa đường cho Chúa trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Xin Ngài thương cầu nguyện cách riêng cho họ.

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

SỰ SỐNG TRƯỜNG SINH

                                                      Yêu mến Thánh Thể
                                 

Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. ( Ga 6,55)

Một phút suy gẫm

     Ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa không những nhắc nhở chúng ta niềm tin vào sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể và vào hiệu lực của Bí tích tình yêu duy nhất hóa chúng ta trong Thân thể Ðức Kitô nhờ việc Người hiến dâng Thịt Máu trong hy lễ hòa giải. Các bài đọc của Thánh lễ hôm nay còn gợi lên bối cảnh chúng ta phải nhớ mỗi lần đến với Mình Máu Thánh Chúa. Ðây là Bánh hằng sống bởi trời xuống như manna, dành cho Dân Chúa đang trên đường sa mạc trần gian. Chúa đòi dân phải cảm thấy thiếu thốn, bất lực và đặt hết niềm tin vào Người. Và chờ mong được sống nhờ mọi sự do Lời Chúa phán ra. Chúa muốn chúng ta luôn luôn ý thức thân phận khó nghèo về hạnh phúc đời đời để trông chờ Nguời ban sự sống vĩnh cửu, khi chúng ta giữ Lời Người và kết hợp với Người nhờ Bí tích Thánh Thể. Và khi chúng ta thi hành hai điều này thì nhất định chúng ta sẽ trở thành Kitô hữu hoàn toàn hơn, tức là sống giống như Người hơn. Và cuộc đời của Người rõ ràng là đã hy sinh cho Thiên Chúa và tận hiến cho hạnh phúc của mọi người. Chúng ta sẽ đạo đức và phục vụ. Chúng ta sẽ mến Chúa và yêu người. Chúng ta sẽ làm đẹp đạo và tốt đời.

       Ðó là điều chúng ta phải ao ước mỗi khi đến với Thánh Thể và đặc biệt trong Thánh Lễ hôm nay.

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

TÌNH YÊU DẤU CHỈ CỦA SỰ HIỆP NHẤT

                                   

   Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. ( Ga 3, 17)

Một phút suy gẫm

 Dòng sông

        Hôm nay toàn thể Hội thánh mừng kính trọng thể mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm quan trọng nhất của Kitô giáo. Không một ngày nào Hội thánh và mỗi người chúng ta lại không tuyên xưng mầu nhiệm ấy, bởi vì mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, mỗi khi đọc kinh sáng danh thì đó là lúc chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng có lẽ chẳng mấy khi ta quan tâm để tìm hiểu xem mầu nhiệm này có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc đời của chúng ta. Bởi vì nói tới các mầu nhiệm, đặc biệt là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta dễ có cảm tưởng đó là những chuyện xa vời và chẳng liên hệ gì tới đời sống của mình. Nhưng không phải thế. Mầu nhiệm nào cũng rất gần gũi và liên hệ mật thiết với đời sống của con người, bởi mầu nhiệm nào cũng là một luồng ánh sáng soi cho chúng ta hiểu rõ thân phận mình và dẫn lối để chúng ta đi tới bến bờ hạnh phúc.

       Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta không thể tìm được một hình ảnh, một ngôn từ nào để diễn tả cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ được. Tuy nhiên chúng ta có thể tạm dùng hình ảnh một dòng sông để diễn tả ảnh hưởng của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời mình.      Con sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, cho các vườn cây được tươi tốt và đơm bông kết trái. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có chút nước nào để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao?     

     Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông. Như cây cối sẽ không thể tươi tốt và đơm bông kết trái nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông mang lại. Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy. Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô. Bởi đó, sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào. Đón nhận dòng nước là đón nhận Chúa Kitô và tin vào Người. Lời Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay dạy ta như thế. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình, để những ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Mà tin vào Chúa Kitô chính là thể hiện trong đời mình cuộc sống của Người, nghĩa là suy nghĩ, nói năng, hành động và cư xử như Người. Điều Chúa Kitô quan tâm nhiều nhất và đã sống triệt để nhất chính là tình yêu thương. Người yêu Chúa Cha nên thi hành mọi sự theo ý Cha. Người yêu con người nên chấp nhận chết để cho con người được sống.       

        Yêu Chúa và yêu người, đó chính là ta đang sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vậy. Amen.   


Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

TÔN TRỌNG SỰ THẬT

                                                

Thầy bảo cho anh biết: đừng thề chi cả. ( Mt 5,34)

Một phút suy gẫm

        Ca dao Việt Nam có câu:
                                         Lưỡi người độc quá đuôi ong
  Xui người tan hợp rút lòng nghĩa nhân.
        Lưỡi mềm là lưỡi không cứng rắn như đá, không sắc nhọn như dao. Ấy vậy, mà lưỡi độc quá đuôi ong, tức là độc hơn nọc ong. Lưỡi nói xấu ai thì người ấy mất bạn bè, mất danh giá; lưỡi vu khống ai thì người ấy bị tù tội, mất cơ nghiệp, có thể mất cả tính mạng.
        Giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin Mừng nhấn mạnh tính chân thật trong lời nói và hành động. Khi tôn trọng chân lý thì chân lý ấy trở nên nhân đức giúp con người thành thật trong mọi hành vi và lời nói, không gian dối, không đạo đức giả...Khi tôn trọng chân lý, người ta cũng đang sống tương quan với Đức Giê-su, vì Đức Giê-su chính là sự thật.
        Để đảm bảo sự khả tín của lời nói, đôi khi con người nại đến lời thề. Nhưng Đức Giê-su lại cấm đoán vì làm sai lệch vẻ đẹp chân thực của thụ tạo và đi ngược lại bản chất chân thật của Thiên Chúa. Lời dạy của Đức Giê-su " tôn trọng sự thật" đã được nói cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng chúng ta đã đón nhận và sống điều ấy như thế nào.
        Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sống theo sự thật, để chúng con được lớn lên trong tình yêu của Ngài. Amen.

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

CÁCH THẾ VƯỢT THẮNG XUNG ĐỘT

                                     

Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. ( Mt 5,21)

Một phút suy gẫm

        " Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có  thể cứu vãn được nhân loại trong một thế giới thiếu vắng tình người và đầy bạo lực hôm nay: đó là cuộc cách mạng mà Đức Giê-su đã đề ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương mới có thể tiêu diệt được hận thù. Đó là cuộc cách mạng mà người Ki-tô hữu phải theo đuổi mỗi ngày..." ( suy niệm " Lẽ Sống")
        Luật dạy người xưa: " Không được giết người." Nếu ai giết người sẽ bị xử tử. Chính cách hành xử này đã đẩy tình yêu ra khỏi con tim và thay vào đó là sự hận thù, và làm cho mối xung đột ngày càng tăng.
        Đức Giê-su lên án kiểu hành xử này vì không lấy tình yêu làm nền tảng. Chỉ có tình yêu mới giúp con người ta vượt qua những bất đồng, mâu thuẩn. Đức Giê-su còn chỉ ra phương thế thắng vượt hận thù chính là tha thứ là một đòi hỏi luân lý cần thiết để trở nên người môn đệ đích thực của Đức Giê-su.
        Lạy Chúa, " Báo thù là điều quá nhỏ mọn, tha thứ mới cao cả lớn lao hơn nhiều," xin cho con thực hiện điều này trong đời sống hằng ngày. Amen.

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

DẤU CHỈ NƯỚC TRỜI


                                                      

Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. ( Mt 10, 8)

Một phút suy gẫm

Thánh Banaba tông đồ 

        Sau một thời gian hoạt động công khai, Chúa Giêsu kêu gọi, chọn lựa và huấn luyện nhóm Mười Hai để tạo nên một nếp sống mới cho các ông. Đến lúc này Chúa sai các ông đi thực tập công việc là rao giảng Tin Mừng, chữa bệnh và trừ quỷ như là nối dài công việc của chính Chúa. Họ sẽ lên đường với năng quyền của Chúa, với tâm tình của Chúa và chia sẻ sứ mạng của chính Chúa, vì thế mà họ phải cho không như đã được cho không, nghĩa là không tìm kiếm danh lợi hay phần thưởng, không cậy dựa vào những phương tiện trần gian, mà chỉ trông cậy vào ơn Chúa và chỉ chăm chú vào công việc được giao mà thôi.         

       Thánh Banaba không thuộc nhóm Mười Hai nhưng cũng được gọi là tông đồ vì vai trò quan trọng của ngài trong các hoạt động của Hội Thánh tiên khởi, nhất là ảnh hưởng của ngài trong việc phát hiện, giới thiệu và bảo lãnh cho một người lừng danh là Phaolô, tông đồ dân ngoại. Có thể nói nếu không có Banaba thì cũng không có Phaolô. Chính thánh Banaba đã cùng với thánh Phaolô đã lên đường đến với dân ngoại trong hành trình truyền giáo đầu tiên vào khoảng năm 45.

        Qua Bí Tích Rửa Tội, mỗi người cũng mang trong mình sứ vụ loan báo Nước Trời cho toàn thể nhân loại. Đời sống chứng tá của các Tông đồ năm xưa là mẫu gương mời gọi mỗi người dõi theo khi sống trong thế giới hưởng thụ hôm nay. 
Lạy Chúa Giê-su, những người biết từ  bỏ mình vì Chúa sẽ chiếm được mình trong chính Ngài. Amen.

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

MUỐI CHO ĐỜI


                                           muoi va anh sang.jpg

Chính anh em là muối cho đời. ( Mt 5,13)

Một phút suy gẫm

        Một tu sĩ Ẩn giáo nhìn thấy một con bò cạp đang chới với giữa dòng nước. Ông chìa tay cứu con vật, nhưng bị vòi độc đốt lấy. Ông kiên nhẫn chịu đựng để cứu sống nó khỏi dòng  nước trôi. Có người trách vị tu sĩ: " Ông mất giờ vô ích. Nó là con bò cạp, bản chất của nó là dùng nọc độc để chích." Người tu sĩ điềm nhiên trả lời: " Bản chất của bò cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất của con người là cứu vớt."
        Đức Giê-su trong Tin Mừng sử dụng hình ảnh " muối" để nói lên sứ mạng của các môn đệ. Đó là một ơn gọi. Nếu đây là ơn gọi, thì người môn đệ Đức Giê-su không có thời gian " nghỉ hè". Họ luôn phải  " là"
        Hình ảnh " muối cho đời" ám chỉ sứ mạng chứng tá của người môn đệ, là luôn luôn " ướp " đời để giữ cho xã hội này khỏi suy thoái và gip1 mọi người thăng tiến hơn. Vì vậy, sự hiện diện chứng tá của người Ki-tô hữu trong thế giới là quan trọng và cần thiết. Thế nhưng, nếu chúng ta không sống đúng ơn gọi, " muối" đức tin chúng ta đã lãnh nhận sẽ trở nên vô dụng và bị quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
        Lạy Chúa, điều thích đáng nhất trong cuộc đời, đó là con có thể hiến phần lớn bản thân cho người khác. Amen.

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

CON ĐƯỜNG ĐI TÌM HẠNH PHÚC


Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó. ( Mt 5, 3)

Một phút suy gẫm

        Sống trên đời ai cũng khát khao có được hạnh phúc. Kẻ giàu sang cũng như người nghèo khổ, người lành thánh cũng như kẻ ác nhân, thậm chí ngay cả người tự tử cũng mong muốn chiếm hữu hạnh phúc cho bản thân mình. Vậy, con đường nào giúp ta đi tìm hạnh phúc?
       Đức Giê-su trong Tin mừng chỉ ra con đường đưa đến hạnh phúc, đó là sống " các mối phúc thật." Các mối phúc thật vừa họa lại dung mạo Đức Giê-su( nghèo khó, hiền lành...) vừa mô tả đức ái của Người( lòng thương xót, sự hòa giải...) Khi sống đầy đủ các mối phúc thật, người Ki-tô hữu đang bước đi trên con đường " hẹp", con đường đưa chúng ta đến các phúc lộc, đó chính là hạnh phúc đời đời mà chúng ta hằng tìm kiếm.
        Thực vậy, " các mối phúc thật" chính là con đường hạnh phúc, nhưng cũng là thách đố cho ai bước theo Đức Giê-su. Họ phải đánh đổi, nhưng phần thưởng lớn lao là chính Chúa sẽ luôn dành cho những ai dám đi vào đường lối này.
      " Lạy Chúa, con phải tìm Chúa thế nào? Vì khi con tìm Chúa là con tìm hạnh phúc. Con mốn tìm Chúa để linh hồn con được sống vì thân xác sống nhờ linh hồn và linh hồn con sống nhờ Chúa ".  Amen

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

QUÀ TẶNG THÁNH THẦN

Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. ( Ga 20,21-22)

Một phút suy gẫm



                           

      " Mọi người đều có thể làm nên đại sự...vì mọi người đều có thể phục vụ. Bạn không cần phải có một bằng cấp Đại học để phục vụ. Bạn cũng chẳng cần biết chia động từ để phục vụ. Bạn chỉ cần có một trái tim tràn đầy ân sủng. Đó là một tâm hồn được tái sinh nhờ tình yêu"
" Bình an cho các con". Bình an của Đức Giê-su, một ân ban Thánh Thần, không phải là sự bình an dễ dãi, thụ động, không có sóng gió. Nhưng là sự bình an trước thử thách và trong đau khổ. Một sự bình an như hoa trái của cuộc chiến đấu cam go để trung thành với Thánh ý Chúa mỗi ngày.

       Xin Chúa Thánh Thần ngự trong con dạy con biết cách cầu nguyện sâu sắc nơi tâm hồn. Xin Ngài dẫn chúng con vượt qua những thần tượng chúng con có về Thiên Chúa, để chúng con sống trong mầu nhiệm Cha, Con và Thánh Thần, trong những mối tương qua liên tình yêu. Amen.