Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013
Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013
TỈNH THỨC VÀ TRÔNG CHỜ
Khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. ( Lc 21,30)
Một phút suy gẫm
Chúng ta biết rằng nàng Tô Thị với núi vọng Phu đã trở thành biểu tượng của lòng chung thủy sắt son. Vào ngày 27/7/1991 sau một tiếng nổ lớn, mọi người thấy tượng nàng Tô Thị trên núi Vọng Phu, biểu tượng bất hủ của sự thủy chung đã đổ ập xuống.
Vào tháng ba bên thánh địa, cây vả lại nảy lộc đâm chồi dù cho thời tiết thế nào. Vì thế, hình ảnh cây vả nảy lộc là dấu hiệu mùa hè đang tới. Trong sinh hoạt thường nhật, qua những dấu chỉ bên ngoài chúng ta có thể nhận ra ý nghĩa giấu ẩn bên trong.
Tượng đá nàng Tô Thị tượng trưng cho lòng chung thủy son sắt, đợi chờ ngày về của người chồng, tưởng đâu sẽ bền vững mãi với thời gian, nhưng đã sụp đổ. Cho dù nàng Tô Thị bằng đá có đỗ và qua đi, nhưng Lời Chúa thì trường tồn mãi vì Đức Giê-su đã dạy: " trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu".
Lời mời gọi tỉnh thức vì " mọi sự rồi sẽ qua đi", không chỉ dành cho dân tộc Do Thái mà còn cho người tin qua mọi thời đại. Hãy tỉnh thức và đợi chờ ngày Chúa quang lâm, bởi vì cuộc sống của con người vắn vỏi và vô thường. Tinh thần tỉnh thức và trông ngày Chúa quang lâm là điều các Ki-tô hữu phải thực hành trong đời sống hằng ngày.
Lạy Chúa, mọi sự sẽ qua đi, chỉ còn Lời Chúa và tình yêu Chúa là tồn tại mãi. Xin cho chúng con luôn tỉnh thức nhận ra những dấu chỉ Chúa muốn nói với chúng con trong cuộc sống, ngõ hầu Lời Chúa trở thành ngọn đèn soi bước chúng con đi . Amen.
Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013
NGƯỜI LÀ NÚI ĐÁ VỮNG VÀNG
Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.
( Lc 21,24)
Một phút suy gẫm
Sự việc cháu bé 11 tuổi ở Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh có khả năng " phát cháy" gây không ít tranh cãi. Tại thời điểm hiện tại, các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã vào cuộc, áp dụng nhiều phương pháp, nhiều máy móc để nghiên cứu nhưng vẫn chưa có kết quả.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay là lời cảnh báo của Đức Giê-su về ngày thế mạt. Trong ngày đó, sẽ có những hiện tượng tự nhiên khủng khiếp, nhưng đó cũng là ngày Thiên Chúa thực hiện trọn vẹn ơn cứu độ. Những " xáo trộn" trong vũ trụ và trong lòng người mà bài Tin Mừng diễn tả ý tưởng, theo kiểu nói của Thánh Phao-lô, sự khởi đầu cho một sự sống " muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở, " sinh nở" một thế giới mới.
Trong ngày đó, muôn dân sẽ nhận ra Thiên Chúa là núi đá vững vàng. Hạnh phúc sẽ thuộc về những ai đứng thẳng và ngẩng cao đầu theo Thiên Chúa. Khi tin tưởng vào sự trung tín của Thiên Chúa, con cái ánh sáng sẽ bước đi trong tư thế của người tự do, chứ không phải của người nô lệ. Điều này đòi hỏi đời sống của người môn đệ Đức Giê-su phải theo lẽ công bình, chính trực và tin vào quyền năng Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận biết Ngài là núi đá vững vàng, và mỗi ngày sống của chúng con là thời gian chuẩn bị để sẵn sàng đón Chúa. Amen.
Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013
TRUNG TÍN ĐẾN CÙNG
Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đàu anh em sẽ không bị mất đâu. ( Lc 21, 17, 18)
Một phút suy gẫm
Cuộc sống mỗi người luôn có rất nhiều khó khăn vất vả, rất nhiều âu lo làm cho tôi thấy hoang mang sợ hãi. Nhưng khi đọc đoạn tin mừng này, tôi cảm thấy bình an thật nhiều. Ngày xưa, Chúa Giêsu an ủi động viên những người theo Chúa, những môn đệ của Chúa đừng sợ trong bất cứ hoàn cảnh nào vì có Chúa luôn ở bên, luôn bảo vệ và ban ơn giúp sức cho họ: “dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”… thì giờ đây trước những hoàn cảnh của cuộc sống, tôi cảm thấy rằng Chúa Giêsu cũng đang an ủi khích lệ và động viên tôi.Và với niềm xác tín, tôi cũng cảm thấy Chúa luôn bênh đỡ, bảo vệ, giúp sức và dìu dắt tôi từng giờ từng ngày:§ Tôi không sợ khó khăn vất vả, vì có Chúa giúp tôi..§ Tôi không sợ đau khổ, vì có Chúa nâng đỡ tôi..§ Tôi không sợ thất bại, vì có Chúa lo cho tôi..§ Tôi không sợ bất cứ điều gì, vì có Chúa ở cùng tôi..§ Tôi có Chúa, chính vậy, tôi cảm thấy rất bình an trước những thách đố trong cuộc sống.Lạy Chúa, xin cho con dám sẵn sàng đối diện và đón nhận cuộc sống mỗi ngày dù đó là những điều trái ý hay những vất vả khổ đau. Xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa bên con thật gần để con sống trong bình an, luôn trung thành với Chúa và làm chứng cho Chúa trong đời sống mỗi ngày. Amen.
Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013
PHÙ HOA CHỈ LÀ PHÙ HOA
Sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. (Lc 21, 6)
Một phút suy gẫm
Báo Dân Trí đưa tin: Khoảng 16 giờ chiều ngày 31/3/2012, ngôi nhà 5 tầng tại 49 phố Huỳnh Thúc Kháng đã đổ sập xuống. Tại hiện trường, toàn bộ ngôi nhà 5 tầng chỉ còn là đống gạch vở ngổn ngang. Siêu thị máy tính Đăng Khoa nằm ở tầng một tòa chung cư đối diện bị ngôi nhà đổ vào, gây hư hỏng nhiều thiết bị bên trong.
Thực tế cho thấy, chỉ cần một tai ương, mọi nổ lực, thành công, vinh hoa, danh vọng mà con người thủ đắc sẽ trở về cát bụi. Vì vậy, chúng ta hãy tự vấn, mình đang xây nhà trên cát, hay trên đá? Xây trên đá tức là trên chính Chúa. Có thể mới tồn tại và vững bền theo thời gian dù mưa sa nước cuốn. Sự kiện Đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và sụp đổ vào năm 70 cho thấy sự vô thường, chóng qua của những gì được xem là kiên cố, bền vững ở đời này.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn tin tưởng vào tình thương bao la của Chúa. Xin cho chúng co hẳng bám chặt vào Chúa, dù mọi sự chuyển dời và thay đổi. Amen.
Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013
MỘT HÀNH TRÌNH - MỘT LỰA CHỌN
Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. (Lc 9,24)
Một phút suy gẫm
" Đông qua tiết lại thời xuân tới
Khổ tạm mai sau hưởng phúc an
Làm kẻ anh hùng chi quản khó
Nguyện xin cùng gặp chốn thanh nhàn."
( Thánh An-rê Trần An Dũng Lạc)
Trình thuật Thánh Lu-ca đưa ra những điều kiện mà người môn đệ cần có để theo Đức Giê-su. Những điều kiện ấy có thể tóm về ba điểm này:
- Bỏ mình.
- Vác Thập giá mình
- Hy sinh mạng sống mình
Có thể nói các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay chúng ta mừng kính, đã chu toàn ba điều kiện trên để trở nên người môn đệ của Thầy Giê-su. Hơn 350 năm qua, giá máu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã minh chứng cho chọn lựa chung kết của các ngài. Nhờ giá máu ấy, Thiên Chúa đã không ngừng làm cho mảnh đất tâm hồn con người Việt trổ sinh hoa quả ơn cứu độ.
Lạy Chúa Giê-su, trong ngày Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, xin cho chúng con luôn biết noi gương các ngài, để chúng con luôn can đảm sống niềm tin cho dù có gặp những khó khăn thử thách. Amen.
Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013
VỊ VUA NHÂN LÀNH
Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! (Lc 23,42)
Một phút suy gẫm
Đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy, chính vào lúc Ngài hấp hối trên thánh giá giữa những lời sỉ nhục và thách thức của các thủ lãnh và lính tráng, thì tiếng nói của anh trộm lành bất ngờ vang lên. Anh ta chấp nhận hình phạt: Chúng ta chịu như thế này thật là đích đáng vì xứng với việc chúng ta đã làm. Rồi anh tuyên xưng sự vô tội của Chúa Giêsu: Còn ông này, ông có làm điều gì trái đâu. Điều lạ lùng hơn nữa là anh đã tuyên xưng vương quyền của Ngài, khi mà mọi sự dường như đã sụp đổ: Khi nào Ngài về nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng. Trong cái nhìn của anh, thì cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá không phải là một dấu chấm hết, anh vẫn tin có ngày Ngài sẽ đến trong nước của Ngài và anh hy vọng mình sẽ được dự phần vào ngày đó.Và Chúa Giêsu đã ban một ơn trọng đại vượt quá lòng anh mong ước: Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta.
Chúa Giêsu là một vị vua khác thường, Ngài không thống trị bằng sức mạnh nhưng Ngài phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Ngài vẫn thu hút chúng ta đến với Ngài. Thập giá là nơi vương quyền của Ngài được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm. Chúng ta cần ngắm nhìn Ngài trên thập giá để biết cách chinh phục thế giới. Bởi vì thế giới hôm nay xúc động trước lòng tha thứ.
Với những hành động bác ái và yêu thương, cho dù là tầm thường và nhỏ bé, chúng ta vẫn có thể làm chứng cho Đức Kitô. Mừng lễ Đức Kitô Vua, chúng ta hãy hạ bệ những thần tượng giả mạo, để cho Ngài chiếm hữu từng khoảng khắc cuộc đời, và ngự trị trong cõi lòng chúng ta. Amen.
Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013
THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG
Đúc Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống (Lc 20,38)
Một phút suy gẫm
Một triết gia Ðức bảo con người sinh ra để chết. Cái chết là số phận của mỗi người, nhưng nói chung ai cũng muốn sống. Kitô giáo cho rằng con người sinh ra là để sống mãi. Cái chết chỉ là cánh cửa mở vào cõi vĩnh hằng. Một số tôn giáo tin rằng đời người có nhiều kiếp. Kitô giáo chỉ nhận có một cuộc đời ta đang sống. Chính cuộc đời duy nhất này định đoạt số phận vĩnh cửu của ta. Không có một cơ hội thứ hai để làm lại. Chính vì thế phải sống hết mình cho đời này để đáng hưởng hạnh phúc đời sau. Ðời sau mãi mãi là một mầu nhiệm. Chẳng ai chụp hình được thiên đàng hay hỏa ngục. Người đã khuất cũng không trở lại để kể ta nghe. Bởi thế, nhiều người không tin có đời sau. Cả những tín hữu cũng bị cuốn hút bởi vật chất,và sống như thể chỉ có đời này. Ðời sau là chuyện ở đâu đó, hoàn toàn xa lạ. Người thuộc phái Xađốc tin rằng sau cái chết linh hồn con người vất vưởng như cái bóng nơi âm phủ. Âm phủ là nơi tối tăm, buồn chán, thiếu sự sống. Người Pharisêu lạc quan hơn, cho rằng đời sau là sự kéo dài của đời này. Người ta sống như trước, nhưng tràn trề hạnh phúc. Ðức Giêsu vén mở cho ta phần nào bức màn đời sau. Ðời sau khác hẳn đời này. Người ta không cưới vợ lấy chồng, không cần con nối dõi, nhưng sống như các thiên thần, nghĩa là chỉ lo phụng sự và ca ngợi Thiên Chúa. Ðời sau là nơi không còn bóng dáng của thần chết.Người ta thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người được sống lại: cả hồn lẫn xác. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian,nhưng sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc với linh hồn. Trong tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, chúng ta nghĩ đến cái chết và đời sau. Cái chết dạy tôi biết cách sống. Ðời sau kéo tôi ra khỏi những hạnh phúc giả tạo, và những nỗi khổ đau do mê lầm. Tôi đang đi về đời sau để gặp Ðấng mà tôi đã tin yêu suốt đời. Tất cả cuộc hành trình đều phải hướng về nguồn cội. Chúng ta đã được dựng nên cho Thiên Chúa, và chúng ta còn khắc khoải mãi cho đến khi gặp được Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, trần gian này quá đẹp khiến con mải mê, quên mình là lữ khách; thiên đàng lại xa xôi, chẳng có chỗ trong con. Con loay hoay vun quén cho đời sống cá nhân, như thể con sẽ sống mãi trên mặt đất. Xin khơi dậy nơi con niềm khát khao những điều cao cả. Xin đừng để con mãn nguyện với những cái tầm thường. Ước gì Chúa cho con nếm chút vị ngọt của trời cao, khi con quên mình để sống cho anh em trên mặt đất. Amen.
Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013
THIÊN CHÚA VÀ TRẦN THẾ
Các ngươi đã biến thànhNhà Thiên Chúa thành sào huyệt của bọn cướp.
( Lc 19,46)
Một phút suy gẫm
Những lễ hội văn hóa tín ngưỡng tại một số nơi vào dịp lễ lớn ở Việt Nam trở thành cơ hội " thương mại thần thánh". Tâm thức đáng quý của người Việt về một trực cảm siêu nhiên hướng lên Đấng Tạo Hóa đôi khi bị ảnh hưởng của môi trường xã hội và ý thức hệ, khiến nó trở nên biến dạng và ra như một thứ mê tín làm lẫn lộn giữa hai thực tại tâm linh và thế tục.
Tiếp theo hành trình lên Giê-ru-sa-lem là việc Đức Giê-su vào đền thờ và thanh tẩy đền thờ. Trình thuật này cũng được các văn bản Tin Mừng khác nói đến. Qua việc đuổi các con buôn ra khỏi đền thờ, Đức Giê-su đã xác định một ranh giới rõ ràng giữa hai thực tại thuộc về Thiên Chúa và thực tại thuộc về trần thế.
Người ta thường hay lẫn lộn hoặc cố tình " đặt ngang hàng" những gì thuộc về Thiên Chúa với những gì của con người. Hẳn là Đức Giê-su không chê bỏ trần thế, ngược lại là khác! Tuy Nhiên, Người lại cho thấy Thiên Chúa là Đấng mà mọi loài phải tôn thờ. Người xứng với muôn lời chúc tụng và ngợi khen. Niềm tin vào Thiên Chúa phải trở thành nguồn sống tâm linh khả dĩ đưa con người ngày càng đến gần Người hơn, chứ không phải là việc trở thành kẻ " quảng cáo" cho một thứ niềm tin không được sống!
Lạy Chúa, hằng ngày chúng con lên Đền thờ để Tạ ơn Chúa, để cầu xin và noi gương Người. Nhưng xin Chúa chúng cho con khi ra khỏi Đền thờ hình ảnh của Chúa lúc nào cũng ở trong chúng con để chúng con biến thành hành động. Amen.
Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013
ĐÂY LÀ MẸ TÔI
Đức Giê-su giơ tay chỉ các môn đệ và nói: " Đây là Mẹ tôi, đây là anh em tôi." (Lc 12, 50)
Một phút suy gẫm
Những cha mẹ đạo đức thường dâng con mình cho Chúa, trong lúc mang thai cũng như sau khi sinh. Đối với một số người Dothái, họ có thói quen dâng con cho Chúa lúc chúng còn thơ ấu. Họ đem con đến Đền thờ, cho chúng ở lại đó phục vụ các tư tế trong việc phụng tự. Chúng ta gặp thấy nhiều cuộc dâng hiến như thế, như trường hợp của Samuen và nhiều vị thánh khác. Riêng Đức Maria, Phúc âm không nói gì về thời thơ ấu của ngài, nhưng truyền thống nói rằng lúc lên ba tuổi, cha mẹ đã đem dâng ngài trong đền thờ.
Hôm nay Hội thánh mừng ngày kỷ niệm Đức Mẹ dâng mình đó. Lễ này mới được Hội thánh công nhận và phổ biến rộng khắp vào thế kỷ 14. Việc Đức Mẹ dâng mình chắc chắn rất đẹp lòng Chúa, vì ngài đã được Vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai, vì Chúa đã định chọn Mẹ cưu mang và sinh Con của Ngài. Và Mẹ đã dâng mình cách trọn vẹn, trọn hảo.
Chính trong đền thờ, Mẹ chuẩn bị sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa. Mười hai năm trời Mẹ suy niệm, cầu nguyện, sống gần gũi thân mật với Chúa. Theo thánh Giêrônimô, chương trình sống một ngày của Mẹ ở trong đền thờ gồm có kinh nguyện, suy gẫm, học hỏi Lời Chúa, hát thánh vịnh. Mẹ làm các việc thiêng liêng đạo đức đó với cả lòng sốt sắng nhiệt thành, nêu gương cho mọi người khác.
Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, đó chính là điểm đặc sắc nhất của đời sống Mẹ. Theo thánh Augustinô: “Thánh Mẫu Maria đã thực hiện hoàn toàn ý định Chúa Cha, và vì thế, việc ngài được làm môn đệ Đức Kitô thì có giá trị hơn là việc được làm Mẹ Đức Kitô. Do đó, Đức Maria thật diễm phúc vì đã mang Chúa trong lòng trước khi sinh ra Người”.
Như thế, Đức chính Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa. Việc Mẹ dâng mình vào đền thánh là thể hiện ngôi Đền thờ sống động trong tâm hồn.
Chúng ta cũng thế, chúng ta là đền thờ sống động của Chúa, nên chúng ta biết noi gương Mẹ, dâng mình cho Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa hằng ngày trong đời sống.
Noi gương Đức Mẹ, tôi dâng mình hằng ngày cho Chúa, hiến trọn đời sống tôi để làm theo ý Chúa, chăm chỉ lắng nghe và làm theo Lời Chúa dạy suốt đời.
Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con hợp mừng Đức Trinh Nữ Maria vinh hiển.
Cúi xin Chúa nhận lời Người chuyển cầu, mà ban cho chúng con được dư đầy ơn phúc. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013
TRAO VÀ TRẢ
Sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng. ( Lc 19,23)
Một phút suy gẫm
Có những người khi sinh ra được nhận lãnh rất nhiều từ môi trường sống, điều kiện gia đình, tình thương cha mẹ, có một xác thân bình thường và khỏe mạnh. Nhưng lắm khi họ lại lãng quên ân huệ vô giá được trao ban này. Ngược lại, có những người, dù ở trong điều kiện thiếu thốn hơn, nhưng một khi ý thức những gì họ có là do Chúa ban, họ đã làm sinh lợi từ " nguồn vốn" ban đầu ấy.
Dụ ngôn mười nén bạc trong Tin Mừng Luca phác họa cách rõ ràng giáo huấn của Đức Giê-su. Câu chuyện xoay quanh việc sinh lợi và không sinh lợi giữa Đấng trao ban và kẻ đáp trả.
Thật vậy, chính Thiên Chúa là Đấng đã trao ban và con người được mời gọi đáp trả. Hiện hữu của mỗi người là hồng ân của Thiên Chúa. Hồng ân ấy được trao ban nhưng không và như nhau cho hết thảy mọi người. Việc đáp trả cho thấy đó vừa là lời mời gọi, vừa là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người trong cuộc hiện sinh của kẻ làm con và là môn đệ.
Những ai ý thức về điều và đã lãnh nhận và làm sinh lợi thì sẽ như người có và được cho thêm. Những ai không trân trọng hay thiếu sót bổn phận phải đáp trả này sẽ như kẻ không có mà ngay cái đang có cũng bị lấy mất.
Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nghiệm được những Hồng ân Chúa đã ban cho chúng con, để nhờ đó chúng con luôn sống tâm tình tạ ơn Chúa. Xin cho những ân huệ Chúa ban được sinh hoa kết quả dổi dào nơi chúng con. Amen.
Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013
ĐỔI ĐỜI
Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất. (Lc 19,10)
Một phút suy gẫm
Vào Đêm Giáng Sinh, Chúa Giêsu Hài Nhi hiện ra với Ẩn sĩ Giêrônimô trong Hang Belem. Chúa hỏi:“Này Giêrônimô, hôm nay Ngày Lễ Sinh Nhật của Ta, con có gì dâng cho Ta không ?”Ẩn sĩ thưa: “Lạy Chúa, con xin dâng linh hồn và xác con cho Chúa!”- “Được, còn gì nữa không ?”- “Con xin dâng mọi hy sinh hãm mình, lời kinh nguyện lên Chúa.”- Chúa nói:“Còn gì nữa không ?” -“ Con xin dâng tất cả những gì con có, tất cả sách vở, đồ dùng cho Chúa.” Chúa hỏi: “Còn gì nữa không ?” “Lạy Chúa, có gì con dâng hết cả rồi, đâu còn gì nữa, !”…Chúa nói :“Còn, con còn cái mà con chưa dâng cho Ta!” -“Lạy Chúa, còn gì nữa, con không nghĩ ra…” “ Con hãy dâng cả những tội của con cho Ta …để ta tha thứ cho con!” Ôi Lạy Chúa, Chúa làm con cảm động đến phát khóc lên được ! Cả đến tội lỗi, mà cũng dâng cho Chúa được sao !”
Dâng tội cho Chúa, là khiêm nhường nhìn nhận mình là tội nhân, là kẻ đã hư mất, là đối tượng của Lòng Thương Xót Chúa ! Vì “Chúa đến để tìm và cứu những gì đã hư mất.”Bởi vậy, Dakêu cũng mừng đến phát khóc lên, khi được chính Chúa đoái thương, không chỉ tha thứ, mà còn đến thăm gia đình, chia sẻ cuộc sống và đưa về với Tổ phụ Ápraham !”
Lạy Chúa Giêsu, không ai lên trời được, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống , Vì thế, Chúa đã phải từ trời xuống chỉ Con Đường lên trời cho chúng con, là “Đời sống của Chúa”.
Xin ban cho chúng con biết noi gương Ông Dakêu về hai điều này : một là, Ưu tiên lo cho Phần Rỗi Linh Hồn mình, là mỗi khi được Ơn Chúa soi sáng, thì Mau Mắn Khiêm Nhường Hoán Cải ; hai là, Biết Đền Đáp lại Tình thương Tha thứ của Chúa, và Sửa chữa Đền Bù những tổn hại do tội lỗi chúng con gây ra. Amen.
Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013
MUỐN VÀ TIN
Anh muốn tôi làm gì cho anh? - Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.
(Lc 18,41)
Một phút suy gẫm
Việt-Nam có câu tục ngữ: “Có đau mắt thì mới biết thương người mù.” Vì không thấy đường nên tất cả thế giới đẹp đẽ đối với anh là một bóng đen, và công việc duy nhất anh có thể làm được là ngồi ăn xin lòng thương xót của người qua đường. Anh mù chứ không điếc nên khi nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giêsu Nazareth đang đi qua đó. Chắc chắn anh đã nghe về Đức Kitô chuyên chữa lành bệnh nhân, nên anh không bỏ lỡ cơ hội, anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi!"
Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi. Không ai có thể hiểu nỗi đau khổ của anh; tất cả đều bận tâm với những toan tính riêng tư của họ. Những người quát nạt này có lẽ bực mình vì tiếng kêu cứu của anh làm họ không nghe rõ những gì Chúa Giêsu đang giảng giải. Nhưng anh mù không sờn lòng và càng kêu lớn tiếng hơn: "Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót tôi!"
Việc anh kêu lớn tiếng hơn có thể anh sợ Chúa Giêsu chưa nghe thấy tiếng kêu nài của anh; nhưng cũng để biểu tỏ tấm lòng kiên trì kêu cầu của anh, không một sức mạnh nào có thể ngăn ngừa anh đừng trông cậy vào Thiên Chúa. Với bệnh tật của anh, anh nghĩ có lẽ đây là cơ hội ngàn năm một thuở anh có cơ hội được Chúa Giêsu chữa lành.
Làm sao Thiên Chúa của lòng thương xót không động lòng trước tiếng kêu bi thương của con cái mình? Ngài dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh ta đáp: "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được." Người mù không xin tiền, không xin bất cứ sự gì khác, nhưng xin cho được thấy, vì anh biết sự sáng quan trọng thế nào đối với anh. Đức Giêsu nói: "Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." Lập tức, anh ta nhìn thấy và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Anh biết Chúa Giêsu có lòng thương xót, anh biết Chúa Giêsu là người duy nhất có thể chữa anh, và chính anh đã được Chúa Giêsu thương xót chữa lành; nên chuyện anh đi theo Ngài để ngợi khen Thiên Chúa là chuyện tự nhiên phải làm. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.
Cuộc sống với quá nhiều quyến rũ vật chất và hưởng thụ dễ làm cho trái tim con người ra chai đá, khiến chúng ta không còn nhạy cảm với tình thương Thiên Chúa. Chúng ta hãy làm sống lại tình yêu ban đầu của chúng ta dành cho Thiên Chúa, bằng cách năng nhớ lại những gì Ngài đã làm cho chúng ta, để biết ơn, để ca tụng, và biết sống xứng đáng với tình yêu của Ngài. Amen.
GIỮ MẠNG SỐNG
Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình. (Lc 21,19)
Một phút suy gẫm
Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay Chúa Giêsu đã tiên báo về sự tàn phá đền thờ Giêrusalem, cũng như về ngày tận cùng của vũ trụ vật chất.
Trước ngày trọng đại ấy sẽ có những biến cố xảy ra: nào là các tiên tri giả xuất hiện, nào là chiến tranh, động đất, bệnh tật và đói kém, nào là bắt bớ và cấm cách cho những người môn đệ của Chúa. Tuy nhiên điều làm cho chúng ta tò mò và băn khoăn hơn cả đó là bao giờ thì ngày trọng đại ấy sẽ đến?
Đứng trước câu hỏi này Chúa Giêsu đã không trả lời, vì đó là một bí mật, một mầu nhiệm trong quyền năng của Thiên Chúa. Thế nhưng chúng ta thường phản ứng ra sao, chúng ta thường sống như thế nào trước vấn đề này? Trải qua dòng lịch sử chúng ta có thể ghi nhận được ba loại phản ứng, ba kiểu sống khác nhau.
Kiểu sống thứ nhất của những người cho rằng đó chỉ là một câu chuyện viển vông, bịa đặt. Họ sống như là không phải chết bao giờ, và vũ trụ này sẽ tồn tại mãi mãi. Họ bình thản lặn ngụp trong tội lỗi và thoả sức thực hiện những mưu đồ gian tham của mình, để rồi cuối cùng, bừng con mắt dậy thấy mình tay không, họ sẽ mất cả chỉ lẫn chài, cả vốn lẫn lãi, cả đời này lẫn đời sau.
Kiểu sống thứ hai của những người cho rằng ngày tận thế sắp đến nơi rồi, và họ trở thành như tê liệt, không còn thiết tha gì đối với cuộc sống hôm nay. Việc quan trọng đối với họ đó là chờ đợi ngày Chúa sẽ đến. Đây cũng là thái độ của một số các tín hữu sơ khai, làm cho họ trở thành bi quan và chán nản.
Kiểu sống thứ ba phải là kiểu sống của chúng ta. Vậy thì kiểu sống ấy như thế nào? Trước hết chúng ta xác tín rằng: Bản thân chúng ta cũng như vũ trụ vật chất này, đã có một khởi đầu thì cũng sẽ có một kết thúc. Bao giờ thì kết thúc ấy sẽ xảy ra, thiết tưởng chúng ta không cần biết đến, điều quan trọng trong giây phút hiện tại đó là chúng ta phải biết chuẩn bị để chúng ta sẽ không trở thành những kẻ bị thua lỗ khi ngày trọng đại ấy xuất hiện.
Chúng ta chuẩn bị bằng cách khử trừ thói hư tật xấu. Chúng ta chuẩn bị bằng cách thực hiện những hành động bác ái yêu thương giúp đỡ những người chung quanh. Làm như thế, chúng ta tích góp phần xây dựng cho xã hội này mỗi ngày một tốt đẹp, cũng như nhờ đó mà chúng ta thực hiện được mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta, là sẽ được trở về cùng Chúa trên quê hương Nước Trời.
Như thế, niềm tin tưởng vào Chúa lại đến trong vinh quang, sẽ không làm cho chúng ta bị tê liệt, hay thất vọng chán ngán, trái lại sẽ làm cho chúng ta thêm hăng hái, thêm phấn khởi để chu toàn những bổn phận trần thế của mình bởi vì hiện tại sẽ xác định cho tương lai. Ngày mai của chúng ta có tươi sáng hay không là do tất cả những gì chúng ta đang cố gắng xây dựng trong hiện tại, trong hôm nay, bởi vì tương lại phải được bắt đầu từ hiện tại và ngay mai phải được bắt đầu từ hôm nay. Amen.
Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013
KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN
Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm
hằng kêu cứu với Người. (Lc 18, 7)
Một phút suy gẫm
Một lá thư được viết nguệch ngoạc của một đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ tới là Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ liền mở ra đọc. Thư viết rằng: "Chúa thân mến, con là Tommy, con sáu tuổi. Ba con đã chết và mẹ con phải cực khổ để nuôi sáu anh em con. Xin Chúa cho chúng con 300 đồng nhé".
Đọc thư xong, anh nhân viên bưu điện rất xúc động và đưa cho các bạn đồng nghiệp xem. Họ quyết định quyên góp để giúp gia đình cậu bé. Số tiền tổng cộng là 100 đồng, và họ gởi tới địa chỉ cậu bé.
Vài tuần sau, họ nhận được lá thư thứ hai. Họ cũng mở ra đọc, thư viết như sau:"Lần tới, Chúa có thể gởi trực tiếp cho gia đình con, vì gởi qua bưu điện, họ giữ lại 200 đồng!"
Nghe xong câu chuyện, chúng ta phải bật cười vì sự ngây ngô của cậu bé, nhưng liền sau đó chúng ta lại cảm thấy hổ thẹn vì thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong hình ảnh cậu bé: Chúng ta cầu nguyện và muốn được Chúa đáp lời tức thì theo yêu cầu chúng ta đề ra, nếu Người chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ "chỉ tiêu"chúng ta đưa ra, thì chúng ta lại khó chịu, và cũng chẳng thèm cám ơn Người.
Phúc Âm hôm nay Chúa dạy các môn đệ: "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18,1). Người muốn chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện và cầu nguyện cách kiên trì. Như Môsê quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do Thái thắng trận, như bà goá suốt bao ngày tháng cầu xin quan toà minh xét cho bà, như thánh Mônica ròng rã 20 năm trường cầu nguyện cho người con là Augúttinô trở lại, chúng ta hãy cầu nguyện liên tục và bền chí, không hề nhàm chán, cả khi xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ.
Chúng ta không nên tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa sẽ đáp lời chúng ta lúc nào và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta, theo như thánh ý nhiệm mầu của Người. Thời gian Chúa nhậm lời có thể sẽ lâu hơn chúng ta tưởng, cách thức Người ban ơn có thể sẽ khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng là lúc thích hợp nhất cho linh hồn chúng ta, bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu của mỗi người.
Lạy Chúa, chúng con là những người yếu đuối, bất toàn và bất nhẫn, không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải đạo. Xin cho chúng con biết khiêm tốn, vâng theo ơn soi sáng của Thánh Thần, để chúng con biết sống theo Thánh ý Chúa, hầu bền đỗ trong Đức Tin và trung thành theo Chúa đến cùng. Amen.
Lạy Chúa, chúng con là những người yếu đuối, bất toàn và bất nhẫn, không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải đạo. Xin cho chúng con biết khiêm tốn, vâng theo ơn soi sáng của Thánh Thần, để chúng con biết sống theo Thánh ý Chúa, hầu bền đỗ trong Đức Tin và trung thành theo Chúa đến cùng. Amen.
Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013
NGÀY CÁNH CHUNG
Ngày Con Người được mặc khải cũng như thế. ( Lc 17, 30)
Một phút suy gẫm
Gần đây, trong một cuộc thăm dò dư luận, khi được hỏi về mức độ hạnh phúc, đa số dân Việt Nam đều trả lời là họ hài lòng với đời sống hiện nay, vì so với vài chục năm trước, họ đã có cái ăn cái mặc, của ăn của để. Như vậy, xem ra người ta chỉ dừng lại ở nhu cầu vật chất và cảm thấy hài lòng khi nó được đáp ứng.
Trong Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã khuyến cáo các môn đệ: những người thời ông Nô-ê chẳng làm điều gì có tội, chỉ làm những việc bình thường: " ăn uống, cưới vợ lấy chồng"; những người thời ông Lót cũng thế: " Ăn uống, mua bán,trồng trọt, xây cất." Nhưng họ bị chết trong nước lụt và mưa diêm sinh. Tội lỗi của họ là không làm những việc phải làm. Họ làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng không làm việc gì cho linh hồn cả.
Đây cũng là lời khuyến cáo cho những ai có thái độ sống tôn thờ vật chất. Dẫu biết rằng, con người dễ bị cuốn hút trong những lo lắng cho cuộc sống thường ngày: "ăn uống, cưới vợ, lấy chồng", " ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất". Nhưng không vì thế mà lãng quên tìm kiếm Nước Trời. Những điều tưởng như không thể nào xảy ra được, lại xảy ra: bệnh tật, rủi ro, và sau cùng là cái chết. Những cái bất ngờ đến nhanh qúa khiến con người không kịp trở tay. " Hai người cùng nhau xay bột... hai người đang ở ngoài đồng, thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại". Như vậy, sự khác biệt là có chuẩn bị cho đời sau hay không.
Lạy Chúa Giê-su, cuộc sống luôn ẩn chứa yếu tố bất định. Con người không ai biết ngày mai mình sẽ ra sao. Cuộc sống luôn có nhiều điều bất ngờ xảy đến. Xin Chúa giúp chúng con luôn sẵn sàng cho ngày giờ Chúa đến. Amen.
Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013
BAO GIỜ TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA ĐẾN
Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông. ( Lc 17,21)
Một phút suy gẫm
Tìm kiếm Thiên Chúa vẫn luôn là thao thức của con người. Nhiều người Do Thái nôn nao chờ đợi Nước Thiên Chúa nhưng dù có thao thức, có chờ đợi họ cũng không gặp dẫu rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Chúa Giêsu đã giải thích lý do: "Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được". Tìm kiếm Thiên Chúa chỉ để thỏa mãn hay để biện minh cho hành động của mình thì chẳng bao giờ có thể gặp được Ngài.
Trọng tâm của bài giảng của Chúa Giêsu là mầu nhiệm nước Chúa. Mầu nhiệm ấy không thể nắm bắt được bằng mắt trần hay bằng lý luận của con người. Chúa Giêsu mời gọi mọi người đi vào mầu nhiệm Nước Chúa. Nước Chúa không ở chỗ này hay chỗ kia. Nước Chúa chỉ đến bằng cái chết của Chúa Giêsu mà thôi. Chúa Giêsu đã hé mở cho các môn đệ thấy cuộc khổ nạn của Ngài và các cuộc bách hại mà Giáo Hội sẽ trải qua. Chính qua các cuộc bách hại mà hạt giống đức tin được gieo vãi, Giáo Hội được thanh luyện, củng cố và lớn lên. Do đó, không phải cái vẻ hào nhoáng với các cơ cấu tổ chức và biểu dương bên ngoài rầm rộ của Giáo Hội thể hiện mầu nhiệm Nước Chúa, nhưng là chính ở sức mạnh tinh thần của niềm tin, một niềm tin sẵn sàng mất tất cả, ngay cả sự sống của mình để được trung thành với những giá trị của Tin Mừng. Chính niềm tin ấy mới thể hiện được mầu nhiệm thâm sâu của Nước Chúa.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết cởi bỏ cái nhìn hẹp hòi ích kỷ để nhận ra Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Xin cho chúng ta luôn tâm niệm rằng chúng ta chỉ gặp được Thiên Chúa trong yêu thương và phục vụ mà thôi. Amen.
Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013
CẦU XIN VÀ TẠ ƠN
Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này. ( Lc 17, 18)
Một phút suy gẫm
Trong phép lịch sự xã giao của xã hội, mà ngay từ khi một đứa trẻ bập bẹ biết nói, người ta đã dạy chúng hai từ căn bản, đó là: xin lỗi và cám ơn. Đây là thái độ của một con người được đánh giá là lịch sự, là có giá trị. Giá trị ở chỗ nhận ra những gì xảy đến trong cuộc đời là do ân ban do tình thương của người khác. Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Thánh sử Luca đã đề cao một hành vi nhỏ bé ấy, vốn xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. "Trên đường lên Giêrusalem, thay vì tiếp tục con đường xuống phía nam, Chúa Giêsu rẽ qua hướng đông, giữa Samari và Galilê (x.c 11), vì thế chúng ta dễ hiểu hơn việc có mặt của một người Samari trong nhóm người bị phong cùi. Nhóm này gồm mười người, họ sống trong một ngôi làng riêng lẻ vì bị coi là nhơ uế. Khi thấy Chúa Giêsu vào làng, họ ra đón gặp Người. Nhưng "họ chỉ dừng lại ở đàng xa và kêu lớn tiếng: Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi" (c.13). Họ không dám đến gần Chúa Giêsu để nài nỉ, để chạm vào gấu áo Người như những bệnh nhân khác, vì đó là luật cấm của Do Thái. Họ biết Chúa Giêsu là vị lương y tài giỏi chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, nên cố kêu lớn tiếng cầu xin lòng thương xót của Người. Động lòng thương", Chúa Giêsu bảo: Hãy đi trình diện tư tế (14a). Một lệnh truyền được ban ra và họ đã thi hành. Chúa Giêsu bảo họ đi đến với các tư tế là những người theo luật (Lv 14, 2tt) có nhiệm vụ cứu xét về việc lành bệnh, để họ được gia nhập cộng đồng. Chúa Giêsu đã không làm một cử chỉ "giơ tay" hay "chạm vào", vì thế việc chữa lành không xảy ra ngay tức khắc: "đang khi đi, họ được sạch" (14b). Như thế, chỉ với một lệnh truyền mà mười người này đã tuân lệnh, chứng tỏ họ có lòng tin tưởng mạnh mẽ vào Lời của Đức Giêsu- Lời của Người có sức mạnh và uy quyền chữa lành. "Một người trong bọn họ thấy mình được sạch, liền quay trở lại, tôn vinh Thiên Chúa" (15). Chúng ta chú ý về thái độ của anh: khi vừa thấy ơn lành xảy ra với mình, anh ý thức điều ấy ngay tức khắc trong thái độ: "liền quay trở lại" tìm gặp Chúa Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa đã thực hiện nơi anh việc lạ lùng qua Lời của Người. "Anh sấp mình.dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn". Một thái độ tôn thờ, tin tưởng và suy tôn uy quyền của Thiên Chúa; thái độ của một thụ tạo trước Đấng tác tạo muôn loài, trước Tình Yêu nhưng không của Ngài chỉ còn biết: Tạ ơn; như thái độ của Đức Maria trong kinh Magnificat vậy. Anh ý thức mình chỉ là một tạo vật nhỏ bé tầm thường nhưng được Thiên Chúa ưu ái đặc biệt. Thánh Luca nói tiếp: Anh là người Samari. Trong ba câu 17 – 18, Chúa Giêsu lên tiếng trách cứ chín người phong hủi Do Thái, không thấy trở lại để tôn vinh Thiên Chúa. Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh tương phản giữa lòng biết ơn của Người dân ngoại và sự vô ơn của những người mệnh danh là "dân Thiên Chúa". Và Ngài còn đẩy xa hơn, cao hơn là "lòng tin của anh đã cứu anh" (19). Mười người phong được chữa lành, nhưng chỉ có người Samari biết ơn mới được tuyên bố là: được cứu độ. Như vậy ơn cứu độ thì cao cả hơn việc chữa bệnh thể xác và niềm tin trọn vẹn của kẻ quay trở lại thì cao quí hơn sự tin tưởng đã thúc đẩy cả mười người đi trình diện tư tế trước khi được chữa lành.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, hai chữ cám ơn nhau thật cần thiết cho tương quan giữa người với người. Hai chữ cám ơn nối kết người cho và người nhận nên một niềm vui ngọt ngào của hoa trái yêu thương. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con lại hẹp hòi hai tiếng cám ơn với những người thân của chính mình. Chúng con ngại cám ơn về những vất vả ngược xuôi, cùng bao mưa nắng trong đời mà cha mẹ dành cho chúng con. Chúng con vô tâm trước những hy sinh, cống hiến của cha mẹ, của vợ chồng, anh em bè bạn đang hy sinh vì chúng con. Chúng con xem đó là bổn phận mà quên rằng bổn phận đó họ đã làm vì yêu mến chúng con. Xin dạy chúng con biết tri ân nhau ngay trong những điều nhỏ nhất nhất, biết cám ơn nhau ngay trong những việc tầm thường hằng ngày. Xin cho chúng con luôn mau mắn nói lời cám ơn với những ai đang hy sinh vì chúng con. Amen.
Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013
VIỆC BỔN PHẬN
Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi. ( Lc 17, 10)
Một phút suy gẫm
Nhân vật nổi tiếng trong Giáo Hội hiện nay được thế giới nhắc nhớ và thương mến nhất, hẳn phải là Mẹ Terêsa Calcutta, một người đã được nhiều giải thưởng nhất: giải Magsaysay do chính phủ Phi Luật Tân dạo thập niên 60; đầu năm 1971, Mẹ lại được Ðức Phaolô VI trao giải Gioan XXIII vì hòa bình; giải thưởng Kenedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng, tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng để xây dựng trung tâm Kenedy tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Calcutta; tháng 12/1972 chính phủ Ấn nhìn nhận sự đóng góp của Mẹ và trao tặng Mẹ giải Nêru; nhưng đáng kể hơn nữa là giải Nobel Hoà bình năm 1979, đây là giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến, cũng như những lần khác, khi một viên chức chính phủ Ấn gọi điện thoại để chúc mừng, Mẹ đã trả lời: "Tất cả vì vinh quang Chúa". "Tất cả vì vinh quang Chúa", đó là động lực đã thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người nghèo trên khắp thế giới. Với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc do các giải thưởng mang lại, Mẹ vẫn tiếp tục là một nữ tu khiêm tốn, nghèo khó, làm việc âm thầm giữa những người nghèo khổ nhất. Thông thường, các giải thưởng cho một người nào đó như một sự nhìn nhận vào cuối một cuộc đời phục vụ làm việc hay một công trình nghiên cứu; nhưng đối với Mẹ Têrêsa, mỗi giải thưởng là một bàn đạp mới, một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người biết đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.Qua cuộc đời của Mẹ Têrêsa, chắc chắn thế giới sẽ hiểu hơn thế nào là tinh thần phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Một Giáo Hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng sáng tỏ hơn; trái lại, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ lu mờ đi, nếu Giáo Hội chưa thể hiện được tinh thần phục vụ đích thực của Ngài.Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã khẳng định: "Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi". Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao?Như vậy, ở đây, Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: "Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi".Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại định hướng cơ bản trong cuộc sống chúng ta: đâu là mục đích và ý nghĩa cuộc sống chúng ta? đâu là giá trị đích thực mà chúng ta đang tìm kiếm và xây dựng trong cuộc sống hiện tại.
Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013
LÒNG TIN VÀ THA THỨ
Nếu một ngày kia nó trở lại và nói với anh : " Tôi hối hận",
thì anh cũng phải tha cho nó. (Lc 17, 3)
Một phút suy gẫm
Ngày 13/5/1981, Mehmet Ali Agca bắn Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II với ba phát súng. Tuy nhiên, Ngài đã không chết. Hơn hai năm sau, Ngài đích thân vào phòng giam thăm hỏi và tha thứ cho người đã bắn Ngài. Cũng gần đây, phong trào khủng bố diễn ra khắp nơi. Người khủng bố nhằm trả đũa một lý do nào đó. Người bị khủng bố cũng sẽ tìm cách trả thù. Đâu là sự khác nhau giữa hai câu truyện trên?
Hôm nay Đức Giê-su dạy: nếu có ai xúc phạm đến ta, rồi hối hận và đến xin lỗi thì ta phải tha cho họ. Dù cho họ xúc phạm đến ta bao nhiêu lần đi nữa, ta vẫn phải tha thứ. Bảy là con số tượng trưng nói lên sự tròn vẹn, có nghĩa là sự tha thứ không có giới hạn. Các Tông đồ thấy điều này khó khăn quá nên xin Đức Ki-tô thêm lòng tin. Đức Giê-su khẳng định nếu có lòng tin, dù bé bằng hạt cải thì việc gì cũng sẽ thành.
Con người ngày nay đang thiếu kiên nhẫn với lỗi lầm của người khác. Vì tự ái, vì ích kỷ, vì muốn làm khổ người khác, thay vì tha thứ, người ta hay dày vò nhau, đay nghiến nhau, sỉ nhục nhau. Tha thứ thật là khó nếu như không có đức tin và tình yêu như gương mẫu Đức Giê-su để lại. Người sẵn lòng tha thứ ngay khi bị treo trên Thập Gía.
Lạy Chúa Giê-su, tha thứ thật là khó nếu như chúng con không có đức tin và tình yêu. Xin tăng thêm lòng tin vốn yếu kém của chúng con, để trong mọi hoàn cảnh, chúng con biết mở rộng vòng tay tha thứ cho nhau. Amen.
Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013
THIÊN CHÚA LÀ CHỦ SỰ SỐNG VÀ SỰ CHẾT
Đức Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa
của kẻ sống. ( Lc 20,38)
Một phút suy gẫm
Trong chương trình “Những điều bạn có thể chưa biết” của đài VTV3 có tường thuật một trường hợp lạ lùng: Một phụ nữ bị nhồi máu cơ tim. Chị tắt thở. Chị đã chết. Nhưng nhiều giờ sau, chị tỉnh lại. Các bác sĩ hỏi chị đã thấy gì trong thời gian ấy. Chị trả lời: chị thấy mình như bay bổng lên cao, và từ trên cao chị nhìn xuống thấy các bác sĩ, các y tá đang chăm sóc cho mình, nhìn thấy thân xác mình nằm bất động, nhìn thấy thuốc men, dụng cụ y tế. Chị cũng nhìn thấy một chiếc giày tennis cũ màu xanh da trời, đế giày bị mòn ở mép trong bàn chân, giây giày màu trắng, đầu một sợi dây thòng xuống dưới đáy giày. Nghe lời tả rất chi tiết của chị, vị bác sĩ chuyên điều tra băn khoăn để ý tìm kiếm. Một hôm vị bác sĩ đi qua tòa nhà đối diện nhìn sang bệnh viện, bà giật mình kinh hãi vì thấy ở tầng ba của tòa nhà, trên một gờ xi măng rất cheo leo, có một chiếc giày tennis cũ ai đã đặt ở đó tự hồi nào. Vị bác sĩ quan sát kỹ lưỡng và thấy chiếc giày giống từng chi tiết với chiếc giày mà người chết kể lại: chiếc giày vải cũ màu xanh, đế giày mòn ở mép trong, dây giày màu trắng, đầu một dây thòng xuống nằm ở dưới đáy giày.
Đó là một trong 1370 trường hợp trở về từ cõi chết mà các bác sĩ Đức và Mỹ đã điều tra. Theo những người có kinh nghiệm về cái chết này thuật lại thì: Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này. Và sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc, danh vọng, lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. Tất nhiên đây chưa phải là bằng chứng chắc chắn về việc người chết sống lại. Nhưng nó rất gần với mặc khải của Lời Chúa hôm nay.
Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta bao niềm hy vọng. Chúa cho ta biết, đời ta sẽ không đi trong bất định, lạc vào hư vô, nhưng đời ta có một cùng đích, đó là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của ta. Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ, nhưng sẽ vươn lên hạnh phúc, hạnh phúc làm con Thiên Chúa, hạnh phúc chia sẻ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đời ta như vậy sẽ không đi vào mạt kiếp lụi tàn, nhưng sẽ triển nở trong vinh quang tự do. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,43-44)
Lạy Chúa, xin cho con biết sống ở đời này theo đúng Lời Chúa dạy, để mai sau con xứng đáng được trở nên con của Chúa. Amen.
Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013
ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA
Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em. ( Lc 16,11)
Một phút suy gẫm
Tham nhũng là cám dỗ xưa như cõi lòng tội lỗi của con người. Người tham nhũng là người chỉ nghĩ đến mình, bất chấp thiệt hại có thể gây ra cho người khác. Xúc phạm đến con người, tham nhũng rốt cuộc cũng là một xúc phạm đến Thiên Chúa.
Chính vì tính cách trầm trọng của tham nhũng, nên Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đưa ra một đòi hỏi: "Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của", bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó như cùng đích cuộc sống. Thật ra, không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm, sử dụng xấu của con người mà thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi con người bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh em, chối bỏ Thiên Chúa. Kẻ tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng thực ra, họ cũng là kẻ đang tự hủy, chối bỏ cùng đích của cuộc sống.
Tham nhũng và lừa đảo ở mọi qui mô trong xã hội chúng ta, đó là một kết luận hiển nhiên. Thế nhưng "thà đốt lên một ngọn nến, hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối". Chúng ta hãy bắt đầu chống tham nhũng, lừa đảo, ích kỷ ngay trong con người của chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Nếu các con không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm và giao phó của cải chân thật cho các con?". Nếu chúng ta chưa loại được tham lam, lừa đảo trong những sinh hoạt hằng ngày, liệu chúng ta có thể chống tham nhũng ở qui mô lớn hơn không?
Tham nhũng đối với mỗi người chúng ta có thể mang nhiều tên gọi: ích kỷ, khước từ chia sẻ, liên đới, cảm thông. Xét cho cùng, của cải là đển mọi người cùng hưởng dùng; nếu tham nhũng, lừa đảo là chỉ muốn lấy của người để dành riêng cho mình, thì bất cứ hành động ích kỷ nào, bất cứ khước từ san sẻ nào cũng là một hình thức tham nhũng. "Không ai có thể làm tôi hai chủ": của cải vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta thờ phượng người chủ duy nhất và đích thực là Thiên Chúa.
Trong khi mưu cầu cho cuộc sống, xin Chúa cho chúng ta biết tìm kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời. Xin cho chúng ta biết nhìn xa hơn về của cải vật chất, biết ra khỏi chính mình để gặp Chúa qua những chia sẻ, cảm thông đối với tha nhân.
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng mọi sự con có trong tay, dù là tinh thần hay vật chất, không phải là của con mà là của Cha. Cha giao cho con quản lý chứ không phải làm chủ. Con phải sử dụng chúng theo ý Cha chứ không phải theo ý con. Xin cho con biết sử dụng những thứ Cha giao cho con quản lý để tạo nên kho tàng vĩnh viễn cho con ở trên trời. Xin cho con biết trung tín trong mọi việc nhỏ nhặt của đời sống thường ngày, để con đáng được Cha và mọi người tín nhiệm trong những việc lớn lao hơn. Amen.
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng mọi sự con có trong tay, dù là tinh thần hay vật chất, không phải là của con mà là của Cha. Cha giao cho con quản lý chứ không phải làm chủ. Con phải sử dụng chúng theo ý Cha chứ không phải theo ý con. Xin cho con biết sử dụng những thứ Cha giao cho con quản lý để tạo nên kho tàng vĩnh viễn cho con ở trên trời. Xin cho con biết trung tín trong mọi việc nhỏ nhặt của đời sống thường ngày, để con đáng được Cha và mọi người tín nhiệm trong những việc lớn lao hơn. Amen.
Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013
KHÔN KHÉO
Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người
đồng loại. ( Lc 16,8)
Một phút suy gẫm
Một đạo sĩ đi ngang qua cây dừa, một chú khỉ hái dừa ném xuống đầu ông. Ðạo sĩ lẳng lặng bổ ra lấy nước uống rồi ăn luôn cùi dừa, còn lại vỏ dừa, ông làm thành chén ăn cơm. Nét điềm tĩnh của đạo sĩ là nắm lấy mọi cơ hội trong cuộc sống để mưu ích cho mình. Ông quên đi niềm đau trên đầu của mình cũng như sự tinh nghịch của chú khỉ, để sử dụng tối đa ích lợi của trái dừa.
Khôn ngoan để luôn luôn tích cực xây dựng Nước Trời, đó là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ qua dụ ngôn người quản lý trong Tin Mừng hôm nay. Dụ ngôn có lẽ dựa trên một cuộc biển lận xẩy ra trong bất cứ xã hội nào. Chúa Giêsu không có ý tán thành hành vi biển lận của người quản lý; Ngài chỉ khen cung cách giải quyết vấn đề của ông: ông biết nhìn xa thấy rộng để tìm phương thế cho hoạn nạn sắp phủ xuống trên ông. Bài học có thể rút ra từ dụ ngôn chính là tận dụng thời gian, biết tất cả thành cơ may để gặp gỡ Chúa và xây dựng Nước Trời.
Thái độ của con người thường là nổi loạn, than trách, buông xuôi, bỏ cuộc. Chúa Giêsu khuyên chúng ta khôn ngoan điềm tĩnh để biến đau khổ thành cơ may đưa đến một ơn ích cao đẹp hơn. Ðạo sĩ trong câu truyện trên đây không dừng lại để rủa xả con khỉ, nhưng điềm nhiên sử dụng trọn vẹn trái dừa. Người điềm tĩnh khôn ngoan là người biết nhìn một cách lạc quan những thất bại, mất mát trong cuộc sống. Thánh Phaolô đã có cái nhìn lạc quan ấy, khi nói: "Ðối với những ai yêu mến Chúa, thì mọi sự đều dẫn về điều thiện".
Dưới cái nhìn của con người, loài người được xếp theo những hơn thua về tài năng, may mắn, thành công, thông minh, nhưng trong cái nhìn yêu thương của Chúa, tất cả đều là ân sủng. Chúng ta hãy tín thác cho Chúa, đón nhận mọi biến cố như lời mời gọi yêu thương, tin tưởng. Bên kia những gì chúng ta có thể ước đoán, tưởng tượng, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Hãy xử thế như người quản lý trong dụ ngôn: biến tất cả thành cơ may để nhận ra tình yêu Chúa, để loan báo, chia sẻ tình yêu ấy với mọi người.
Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa, dù cho sự lựa chọn đời này đòi hỏi con phải có nhiều hy sinh, vì con biết rằng những hy sinh đó mang lại cho con sự bảo đảm Nước Trời. Amen.
Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa, dù cho sự lựa chọn đời này đòi hỏi con phải có nhiều hy sinh, vì con biết rằng những hy sinh đó mang lại cho con sự bảo đảm Nước Trời. Amen.
Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013
THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI TỘI NHÂN
Trên trời ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối. ( Lc 15, 10)
Một phút suy gẫm
Người phụ nữ được mô tả như là một nông dân nghèo, và mười đồng quan tương ứng với mười ngày tiền lương, cũng có khả năng đó là khoản tiết kiệm của gia đình, cũng có thể là của hồi môn. Mọi suy đoán có vẻ hợp lý với xã hội Do Thái bấy giờ, và đã nói lên tính cấp bách của người phụ nữ khi tìm kiếm đồng bạc bị mất, và niềm vui mừng của bà lớn đến dường nào khi tìm lại được nó.
Cũng giống như Dụ ngôn Mười trinh nữ, đây là một dụ ngôn nói về phụ nữ xuất hiện ngay sau một dụ ngôn về người đàn ông. Trong tiếng Hy Lạp, cụm từ "bạn bè, hàng xóm" là nói đến phụ nữ.
Việc người phụ nữ này mời "bạn bè, hàng xóm" có thể phản ánh về một bữa ăn mừng, y như việc Chúa Giêsu bị cáo buộc ngồi ăn với "người tội lỗi". Hoạt động cần mẫn tìm kiếm đồng bạc của người phụ nữ có thể tượng trưng "hoạt động của Chúa Giêsu hay của Thiên Chúa Cha trông ngóng, tìm kiếm tội nhân quay trở về. Sự vui mừng của người phục nữ và "bạn bè, hàng xóm" tượng trưng cho sự vui mừng của các thiên thần trên trời cùng với Thiên Chúa.
Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013
TỪ BỎ ĐỂ THEO THẦY
Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.
( Lc 14, 33)
Một phút suy gẫm
Đôi bạn trẻ đã đính hôn xem ra khá hạnh phúc chỉ một nổi vóc dáng bên ngoài như đôi đũa lệch. Chàng ta “ngắn tầm” hơn cô nàng gần 20 phân (20 cm). Sau buổi học giáo lý hôn nhân, được sự đồng ý của cô nàng, anh chàng bèn trao nụ hôn đầu đời cách say đắm trong cái thế phải đứng trên viên đá chẽ của công trình đang xây dựng, để cho vừa tầm cao. Sau đó anh chị bên nhau đi về. Cô nàng thoáng thấy người yêu dáng đi hơi nặng nhọc mà chưa hiểu nguyên do. Có lẽ vì trời tối. Đi được một quảng anh chàng thỏ thẻ xin lặp lại “việc yêu” như ban nảy. Gật đầu chấp thuận thì cô nàng chợt thấy người yêu dừng lại, đặt viên đã lớn đã giấu sau lưng, mang theo nảy giờ, rồi đứng lên trên bày tỏ tình yêu. Được yêu nhưng xem chừng quá vất vả. Không biết kiên trì được bao lâu. Bỗng khi tay trong tay, anh chàng nghe cô nàng thầm thỉ: “Anh ơi, đừng cố vất vả quá! Em cúi xuống một chút là ổn thôi”.
Làm bạn của Giêsu thì đã là môn đệ của Người. Đây là một kiểu khôn ngoan mà nhiều vị thánh như Gioan Thánh Giá, Têrêxa Avila, Têrêxa Hài Đồng Giêsu...đã chọn lựa. Các ngài đã bền chí vác thập giá mình đi trọn con đường đời vì nhờ có một người đã tự nguyện cúi xuống trên các ngài đó là Giêsu – Kitô.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)