CẦU XIN VÀ TẠ ƠN
Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này. ( Lc 17, 18)
Một phút suy gẫm
Trong phép lịch sự xã giao của xã hội, mà ngay từ khi một đứa trẻ bập bẹ biết nói, người ta đã dạy chúng hai từ căn bản, đó là: xin lỗi và cám ơn. Đây là thái độ của một con người được đánh giá là lịch sự, là có giá trị. Giá trị ở chỗ nhận ra những gì xảy đến trong cuộc đời là do ân ban do tình thương của người khác. Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Thánh sử Luca đã đề cao một hành vi nhỏ bé ấy, vốn xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. "Trên đường lên Giêrusalem, thay vì tiếp tục con đường xuống phía nam, Chúa Giêsu rẽ qua hướng đông, giữa Samari và Galilê (x.c 11), vì thế chúng ta dễ hiểu hơn việc có mặt của một người Samari trong nhóm người bị phong cùi. Nhóm này gồm mười người, họ sống trong một ngôi làng riêng lẻ vì bị coi là nhơ uế. Khi thấy Chúa Giêsu vào làng, họ ra đón gặp Người. Nhưng "họ chỉ dừng lại ở đàng xa và kêu lớn tiếng: Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi" (c.13). Họ không dám đến gần Chúa Giêsu để nài nỉ, để chạm vào gấu áo Người như những bệnh nhân khác, vì đó là luật cấm của Do Thái. Họ biết Chúa Giêsu là vị lương y tài giỏi chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, nên cố kêu lớn tiếng cầu xin lòng thương xót của Người. Động lòng thương", Chúa Giêsu bảo: Hãy đi trình diện tư tế (14a). Một lệnh truyền được ban ra và họ đã thi hành. Chúa Giêsu bảo họ đi đến với các tư tế là những người theo luật (Lv 14, 2tt) có nhiệm vụ cứu xét về việc lành bệnh, để họ được gia nhập cộng đồng. Chúa Giêsu đã không làm một cử chỉ "giơ tay" hay "chạm vào", vì thế việc chữa lành không xảy ra ngay tức khắc: "đang khi đi, họ được sạch" (14b). Như thế, chỉ với một lệnh truyền mà mười người này đã tuân lệnh, chứng tỏ họ có lòng tin tưởng mạnh mẽ vào Lời của Đức Giêsu- Lời của Người có sức mạnh và uy quyền chữa lành. "Một người trong bọn họ thấy mình được sạch, liền quay trở lại, tôn vinh Thiên Chúa" (15). Chúng ta chú ý về thái độ của anh: khi vừa thấy ơn lành xảy ra với mình, anh ý thức điều ấy ngay tức khắc trong thái độ: "liền quay trở lại" tìm gặp Chúa Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa đã thực hiện nơi anh việc lạ lùng qua Lời của Người. "Anh sấp mình.dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn". Một thái độ tôn thờ, tin tưởng và suy tôn uy quyền của Thiên Chúa; thái độ của một thụ tạo trước Đấng tác tạo muôn loài, trước Tình Yêu nhưng không của Ngài chỉ còn biết: Tạ ơn; như thái độ của Đức Maria trong kinh Magnificat vậy. Anh ý thức mình chỉ là một tạo vật nhỏ bé tầm thường nhưng được Thiên Chúa ưu ái đặc biệt. Thánh Luca nói tiếp: Anh là người Samari. Trong ba câu 17 – 18, Chúa Giêsu lên tiếng trách cứ chín người phong hủi Do Thái, không thấy trở lại để tôn vinh Thiên Chúa. Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh tương phản giữa lòng biết ơn của Người dân ngoại và sự vô ơn của những người mệnh danh là "dân Thiên Chúa". Và Ngài còn đẩy xa hơn, cao hơn là "lòng tin của anh đã cứu anh" (19). Mười người phong được chữa lành, nhưng chỉ có người Samari biết ơn mới được tuyên bố là: được cứu độ. Như vậy ơn cứu độ thì cao cả hơn việc chữa bệnh thể xác và niềm tin trọn vẹn của kẻ quay trở lại thì cao quí hơn sự tin tưởng đã thúc đẩy cả mười người đi trình diện tư tế trước khi được chữa lành.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, hai chữ cám ơn nhau thật cần thiết cho tương quan giữa người với người. Hai chữ cám ơn nối kết người cho và người nhận nên một niềm vui ngọt ngào của hoa trái yêu thương. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con lại hẹp hòi hai tiếng cám ơn với những người thân của chính mình. Chúng con ngại cám ơn về những vất vả ngược xuôi, cùng bao mưa nắng trong đời mà cha mẹ dành cho chúng con. Chúng con vô tâm trước những hy sinh, cống hiến của cha mẹ, của vợ chồng, anh em bè bạn đang hy sinh vì chúng con. Chúng con xem đó là bổn phận mà quên rằng bổn phận đó họ đã làm vì yêu mến chúng con. Xin dạy chúng con biết tri ân nhau ngay trong những điều nhỏ nhất nhất, biết cám ơn nhau ngay trong những việc tầm thường hằng ngày. Xin cho chúng con luôn mau mắn nói lời cám ơn với những ai đang hy sinh vì chúng con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét