Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

HÃY KÝ THÁC ĐƯỜNG ĐỜI CHO CHÚA


                                     

Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.

 ( Mt 6, 33)

Một phút suy gẫm

        Bước vào năm mới, lòng mọi người tràn đầy niềm vui và chào chúc nhau những lời tốt đẹp nhất. Dẫu chúc nhau với cả lòng thành, nhưng chúng ta đều biết, không ai có khả năng đem đến niềm vui, hạnh phúc, sự thành đạt và may mắn cho những người chúng ta thương mến.
       Các bậc tiền nhân đã nói lên kinh nghiệm về sự giới hạn của con người và nhìn nhận quyền năng vô biên của Đấng Tạo Hóa: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.” Người Kitô hữu thì xác tín: mọi sự đều nhờ bởi ơn Chúa. Niềm xác tín ấy mời gọi và thúc đẩy chúng ta thực hiện lời Chúa dạy: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa.” (Tv 36, 5)
      Tìm kiếm Nước Thiên Chúa là chọn sống theo ý Người, cố gắng làm việc thiện và giữ tâm hồn trong sạch.
      Sống là chọn lựa, chọn điều này, đích đến có thể là bóng tối; chọn điều kia, đường đi sẽ là ánh sáng. Chọn sống theo lời Chúa là nguồn lợi lớn, vì giúp chúng ta trở nên những người thân nghĩa với Người: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3, 35) Nhờ siêng năng cầu nguyện, học hỏi và suy niệm lời Chúa, chúng ta dễ nhận ra và can đảm sống theo thánh ý Chúa trong từng biến cố cuộc đời.
        “Ai cậy trông thì không thất vọng.” (Rm 5, 5) Thật vậy, ai biết cậy trông, tin tưởng và ký thác đời mình cho Chúa, chắc chắn Người sẽ ban cho dư đầy ơn phúc.
       Chúng ta đang sống những giờ phút linh thiêng khởi đầu cho năm mới, tương lai ở trước và chẳng ai biết điều gì sẽ xảy đến. Trong niềm tin vào Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót, chúng ta xin phó thác quá khứ, hiện tại và tương lai của bản thân, gia đình và giáo xứ cho Chúa. Xin Người luôn che chở, hướng dẫn và chúc phúc, để ngay từ bây giờ, chúng ta như đã nếm cảm niềm vui và hạnh phúc của mùa xuân bất diệt. Amen.
        Chắc hẳn nhiều người đang có mặt nơi đây đã cảm nghiệm sâu sắc về sự nâng đỡ và ơn trợ giúp của Chúa trong cuộc đời. Một quả phụ đã kể lại: Vào năm 1978, tôi mới 46 tuổi, chồng vừa qua đời, để lại mười một người con, đứa bé nhất được 5 tuổi; chỉ có người con cả lập gia đình nhưng chưa ra riêng. Thời gian ấy, nhiều đêm tôi mất ngủ vì lo lắng, không biết sẽ lấy gì nuôi từng ấy người con! Hai mươi năm sau, tám người con đã lập gia đình, các con đều có nghề nghiệp và việc làm ổn định. Hai mươi năm đầy gian nan khốn khó ấy, ngoài việc giáo dục con cái và tất bật với công việc, ngày nào tôi cũng cố gắng tham dự thánh lễ để xin Chúa ban ơn nâng đỡ và thêm sức. Giờ đây tôi chỉ ao ước một điều: xin Chúa ban cho mạnh khỏe để giúp bà cụ hàng xóm hơn 80 tuổi, bị tai biến và đang nằm liệt.
       “Ai cậy trông thì không thất vọng.” (Rm 5, 5) Thật vậy, ai biết cậy trông, tin tưởng và ký thác đời mình cho Chúa, chắc chắn Người sẽ ban cho dư đầy ơn phúc.        Chúng ta đang sống những giờ phút linh thiêng khởi đầu cho năm mới, tương lai ở trước và chẳng ai biết điều gì sẽ xảy đến. Trong niềm tin vào Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót, chúng ta xin phó thác quá khứ, hiện tại và tương lai của bản thân, gia đình và giáo xứ cho Chúa. Xin Người luôn che chở, hướng dẫn và chúc phúc, để ngay từ bây giờ, chúng ta như đã nếm cảm niềm vui và hạnh phúc của mùa xuân bất diệt. Amen.

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

MẢNH ĐẤT TÂM HỒN


                                             

Người gieo giống đi ra gieo giống. ( Mc 4,3)

Một phút suy gẫm

        Một người Ả Rập sống ở Sa mạc có thói quen úp tai trên cát mỗi ngày. Có người hỏi tại sao, anh giải thích: " Tôi nghe sa mạc khóc vì nó muốn làm một khu vườn xinh tươi." Sa mạc mong mỏi được trở thành ngôi vườn, cũng thế, tâm hồn con người luôn hướng về điều thiện. Cõi lòng con người sẽ mãi là sa mạc cằn cỗi nếu không được vun xới và tưới tắm bằng phục vụ và yêu thương.
       Dụ ngôn " Người gieo giống" mạc khải về mầu nhiệm Nước Trời. Vì vậy, để hiểu được cần phải có thái độ " mở lòng." Thái độ  " tin và sẵn lòng đón nhận" chính là mảnh đất tâm hồn để hạt giống Lời Chúa được đơm bông kết trái.
       Thực tế, mảnh đất tâm hồn mỗi người thường là mảnh đất sỏi đá hay gai góc khiến Lời Chúa luôn bị chết ngạt bởi " lo lắng việc đời", bả vinh hoa cùng những đam mê khác. " Lời Chúa hôm nay cho thấy, chỉ có sự " thinh lặng nội tâm" mới có thể làm cho Lời Chúa được thấm nhập và sinh hoa kết quả. Chúng ta hãy đặt mình vào từng loại thửa đất để kiểm điểm lại thái độ của mình khi lắng nghe và suy niệm Lời Chúa.
      Chúa, xin soi sáng tâm trí để chúng con luôn hiểu và sống Lời Chúa, hầu tâm hồn chúng con trở nên mảnh đất tốt cho hạt giống Lời Chúa được trổ sinh hoa trái đúng mùa. Amen.

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

GIA ĐÌNH CỦA CHÚA


                                                         

Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi. 

(Mc 3,35)

Một phút suy gẫm

        Theo Thánh Mác-cô, mẹ và anh em Đức Giê-su ' đứng ở ngoài". còn đám đông nghe Người giảng thì " ngồi chung quanh." Dường như những người nghe Lời Chúa còn gần gũi và thân thiết hơn những người thân thuộc.
        Và chính Đức Giê-su đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người: " Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi." Đức Giê-su không coi thường hay phủ nhận gia đình ruột thịt. Nhưng Người cho thấy Người còn có một gia đình lớn hơn nhiều, và ai cũng có cơ hội trở thành anh chị em của Người, nếu họ lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
        Hôm nay, Đức Giê-su cũng mời gọi mọi người hãy bước vào gia đình của Người và cũng làm cho gia đình, cộng đoàn và giáo xứ của mình thật sự trở thành một gia đình của Chúa.
        Lạy Chúa, xin cho con biết tôn trọng địa vị cao sang Chúa dành cho con là được làm " mẹ" và làm " anh chị em" của Ngài, mà để tâm lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Amen.

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

HOẠT ĐỘNG CỦA XA-TAN


                                     


Xa - tan đã tận số. ( Mc 3,26)

Một phút suy gẫm

      Trong một tác phẩm về chủ nghĩa vô thần, Glibet Keith Chesteton đã viết: " Nếu bạn bẽ gẫy thập giá bạn sẽ phá hủy thế giới có thể sống được này. Nơi nào có thập giá, nơi đó con người có thể tin vào sức mạnh của tình yêu. Môt thế giới không có tình yêu là thế giới của chết chóc."
       Bài Tin Mừng cho thấy sự cố chấp của các kinh sư. Vì không tin vào Đức Giê-su, nên họ không nhận ra quyền năng Thiên Chúa qua hành động của Người. Trước sự cứng lòng của họ, Đức Giê-su tuyên bố về tội được tha và không được tha.
      Tội phạm đến Chúa Thánh Thần sẽ không được tha, không phải vì Thiên Chúa thiếu lòng khoan dung, nhưng vì con ngưới thiếu điều kiện để được tha thứ. Bao lâu không tin nhận Thiên Chúa thì bấy lâu con người sẽ không đón nhận ơn tha thứ.
       Chúng ta phải không ngừng đào sâu lòng tin vào Thiên Chúa, để tránh những xúc phạm đến người. Đức tin nông cạn, hời hợt chính là căn nguyên đưa chúng ta đến sự từ chối Thiên Chúa và xúc phạm đến Người.
       Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết mở tâm hồn mình ra trước ân sủng, để chúng con nhận biết những hoạt động của Xa-tan trong thế giới này, và không bị cám dỗ tin theo. Amen.

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

LỰA CHỌN CỦA CHÚA GIÊ-SU

                                         

Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. (Mt 4,17)

Một phút suy gẫm


       Việc lựa chọn môn đệ của Chúa Giêsu cũng rất độc đáo. Người không lựa chọn môn đệ trong đền thờ, nhưng lựa chọn môn đệ giữa chợ đời. Người không lựa chọn những kẻ nhàn hạ rảnh rang, nhưng lựa chọn những người đang tất bật làm việc. Người không chọn những người trí thức uyên thâm, thông kinh hiểu luật, nhưng lựa chọn những anh thuyền chài, đơn sơ, cục mịch. Ý định truyền giáo của Người là rất rõ ràng. Người lựa chọn những người dám ra đi, dám mạo hiểm, sẵn sàng từ bỏ, không ngần ngại, không do dự. Người lựa chọn những con người có trái tim mở rộng, biết hy sinh quên mình, không bám víu vào bất cứ một điểm tựa nào, dù là lề luật, dù là đền thờ, dù là kiến thức. Buông tất cả để chỉ nắm lấy Thiên Chúa. Bỏ tất cả để chỉ đi theo Chúa.

      Những lựa chọn của Chúa Giêsu khiến tôi hiểu rằng: Người yêu thích những tâm hồn rộng mở biết sống hài hòa, biết đón nhận anh em. Người yêu thích những tâm hồn đơn sơ nhỏ bé, ưa thích sống đời khiêm nhường bình dị. Người yêu thích những tâm hồn nồng nàn yêu thương. Đó là những tâm hồn dễ dàng đón nhận và chia sẻ Tin Mừng. Đó là những thửa đất tốt cho hạt giống Tin Mừng nảy mầm, đơm bông kết trái.
      Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng con để con đón nhận được Lời Chúa và để Lời Chúa sinh nhiều bông hạt.

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

AI TIN SẼ ĐƯỢC CỨU ĐỘ


                                                

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng. ( Mc 16,15)

Một phút suy gẫm

       Trong hơn 7 ngàn trường hợp được hoàn toàn bình phục mà không giải thích được nhờ đến cầu xin tại Lộ Đức, thì cho đến ngày 20/6/2013, mới chỉ có 69 trường hợp được giáo quyền công nhận là phép lạ. Tuy nhiên, phép lạ cả thể nhất  tại Lộ Đức chính là phép lạ của lòng tin. Trong nỗi đau tột cùng của thân xác, con người vẫn thấy được ý nghĩa cuộc sống, thấy được tình yêu Thiên Chúa.
      Đức Giê-su trao cho các môn đệ sứ vụ trọng đại: loan báo Tin Mừng cho muôn dân để những ai tin sẽ được cứu độ. Sứ vụ đó vẫn luôn được tiếp tục trong dòng lịch sử của Giáo hội.. Là môn đệ của Đức Giê-su, mỗi môn đệ phải luôn ý thức về ơn gọi và bản chất của đời sống ki-tô hữu chính là làm chứng về Đức Giê-su cho tha nhân.
       Vậy, chúng ta đã ý thức về ơn gọi và bản chất của đời sống Ki-tô hữu như thế nào? Chúng ta đã can đảm sống chứng tá đức tin để thuyết phục người khác
      Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức ơn gọi và bản chất của đời sống Ki-tô hữu là luôn biết làm chứng về Chúa cho tha nhân trong tất cả mọi tình huống của cuộc sống. Amen.


Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

ĐẾN ĐỂ ĐƯỢC SAI ĐI


                                        

Đức Giê-su gọi những kẻ Người muốn, để các ông ở với Người. ( Mc 3,13-14)

Một phút suy gẫm

        Hạnh phúc không phải là một nơi để đến, mà là một hướng đi. Đức Giê-su, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống đã vạch cho chúng ta hướng đi đó, chính là biết sống cho tha nhân. Ai càng tích trữ và chiếm giữ, người đó càng nghèo nàn. Ai càng đóng kín quả tim và khép chặt bàn tay, người đó sẽ không được nhận lãnh.
       Bài Tin Mừng mời gọi mỗi tín hữu sống kết hợp mật thiết với Đức Giê-su như các môn đệ xưa, để được nên một và thấm nhuần tinh yêu của Người. Thật vậy, sứ vụ của người môn đệ phải bén rễ trong tình yêu của Đức Giê-su. Qua đó, các ông có thể trao ban tình yêu cho tha nhân, không là tình cảm riêng tư, ích kỷ, nhưng là tình yêu được thanh luyện trong đức tin và lòng mến.
       Trong bối cảnh thế giới tục hóa, để trở thành nhà truyền giảng Tin Mừng, đòi hỏi người môn đệ phải thâm  nhuần tình yêu của Đức Giê-su. Nhờ đó, chúng ta có thể nói về Chúa với tất cả niềm xác tín, hầu có thể mang ơn cứu độ cho các linh hồn.
       Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nhận được tình yêu của Chúa trong những giờ kinh nguyện hằng ngày, nhờ đó chúng con biết sống chứng nhân cho tình yêu cứu độ của Ngài. Amen.

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

LUẬT YÊU THƯƠNG

                                            

Ngày sa-bát, được cứu mạng người hay giết đi?( Mc 3,4)

Một phút suy gẫm

       Lần kia, Chúa hứa với một bà lão rằng sẽ đến thăm bà. Rất hãnh diện về chuyện này, bà lau chùi, quét dọn, đánh bóng và thu xếp mọi thứ ngăn nắp. Thình lình có tiếng gõ cửa, bà vội vàng mở, nhưng bà chỉ thấy một người ăn mày tả tơi đứng đó, bèn nói: "Ồ không, ông hãy đi nơi khác dùm cho. Tôi đang đợi Chúa, Người đến ngay bây giờ đấy, xin đứng quấy rầy tôi."
      Người Do Tháí dành ngày sa-bát để thờ phượng Thiên Chúa, nhưng lại lãng quên bổn phận bác ái với tha nhân. Họ có thể dành nhiều thời gian để cầu nguyện nhưng không có thời gian cho tha nhân. Họ tìm kiếm Chúa trong nhà thờ, nhưng quên rằng Chúa cũng hiện diện nơi những người nghéo khổ, bé mọn, bị loại trừ.
     Tình yêu vẫn hiện diện, nhưng do tâm trí chúng ta bị danh vọng, tiền tài che mờ nên đức mến không thể biểu dương. " Tôi không thể giúp bởi tôi phải đi cho kịp giờ làm, tôi phải đi không thì lỡ hẹn, tôi phải đi vì tôi không muốn bị rắc rối,"...Đó là những rào cản, khiến chúng ta không thể sống yêu thương và mang Chúa đến cho mọi người.
     Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn bước theo đường yêu thương của Chúa. Đó là con đường của hy sinh và phục vụ, nhờ đó chúng con cũng biết yêu thương tha  nhân như Ngài. Amen.

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

THAY ĐỔI


                                                 

Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày 

sa-bát. ( Mc 2,27)

Một phút suy gẫm

        Một nhà giảng thuyết giơ cao một tấm giấy có một chấm đen và hỏi thính giả: " Ông thấy gì không?" mọi người đều đáp: " Một chấm đen." Rất điềm tỉnh và thong thả, bà nhấn mạnh: " Vâng, đúng là có một chấm đen, nhưng không ai trong quý vị nhắc tới tờ giấy trắng thật lớn..."
       Giáo huấn của Đức Giê-su về ngày sa- bát cho thấy sự khác biệt giữa tinh thần luật mới và luật cũ. Do nệ luật mà con người đánh mất ý nghĩa ban đầu của lề luật. Thiên Chúa thiết định lề luật là vì hạnh phúc con người.
       Nhưng ngược lại, những người Pha-ri-sêu coi lề luật như tiêu chuẩn để xét đoán hơn là vì lợi ích con người. Lề luật trở thành một gánh nặng. Ngược lại, Đức Giê-su coi trọng con người hơn lề luật, vì con người là "hình ảnh của Thiên Chúa."
      Giáo huấn của Đức Giê-su là bài học cho mọi người. Đôi khi, vì lợi ích cá nhân, chúng ta dùng lề luật như phương tiện để trốn tránh trách nhiệm, hay để biện minh cho thái độ từ chối giúp đỡ tha nhân đang cần sự giúp đỡ của chúng ta.
      Lạy Chúa, xin soi dẫn chúng con mỗi ngày, giúp chúng con biết đâu là lẽ phải, để dấn thân và mở lòng ra với tha nhân, nhất là những người khốn khổ, bần cùng. Amen.

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

SỐNG TINH THẦN MỚI CỦA ĐỨC GIÊSU


                                               


Chàng rể còn ở với họ. ( Mc 2,19)

Một phút suy gẫm

          Ăn chay là một cố gắng tự nguyện để kiềm chế những ham muốn của xác thịt hầu dễ nâng tâm hồn  lên với Chúa là nguồn vui sướng bất tận.


      Ăn chay cũng nói lên khát vọng muốn theo gương  Chúa Giêsu khi Người vào hoang địa xưa kia để chay tịnh và cầu  nguyện suốt  40 đêm ngày trước khi khởi sự rao giảng Tin Mừng Cứu độ .Sau nữa, ăn chay đi đôi với  cầu nguyện  là một  nỗ lực  nội tâm nhằm  xa tránh tội lỗi đến từ những đòi hỏi bất chính của xác thịt , cám dỗ của ma qủy và gương xấu của môi trường xã hội.Như thế ,việc đạo đức này rất cần thiết để thăng  tiến siêu nhiên ,để giúp trấn áp những đòi hỏi của mọi khuynh hướng xấu và nhất là  để xích lại gần Chúa là nguồn hạnh phúc thật.
      Vậy phải cắt nghĩa thế nào về câu trả lời trên đây của Chúa Giêsu về vấn đề ăn chay?   Chúa tự ví mình như chàng rể đang hiện diện trong bữa tiệc cưới, là dịp vui nhất  của một đời người.Đang khi bữa tiệc diễn ra thì khách dự tiệc  không thể “ăn kiêng” để mừng chú rể được.Họ phải ăn uống thoả thích,tưng bừng trong dịp vui này. Chỉ sau khi tan tiệc trở về thì ai muốn ăn uống cách nào tùy ý.  Một cách thiêng liêng bóng bẩy, Chúa Giêsu không đòi các môn đệ của Chúa  ăn chay bao lâu  Chúa còn ở bên  họ như chàng rể đang hiện diện giữa khách dự  tiệc cưới. Có Chúa ở gần bên thì các môn đệ được che chở khỏi mọi  nguy cơ của sự dữ, ví như khi  ánh sáng bừng lên thì bóng đen phải biến mất không thể tồn tại chung được. .Vì thế họ không cần ăn chay để tránh nguy cơ tội lỗi bao lâu có Chúa ở bên họ như ánh sáng xua tan bóng đêm.
Chỉ khi nào Chúa không còn ở gần bên họ nữa, như chàng rể đã rời khỏi phòng tiệc,  thì lúc đó họ mới phải đương đầu với những cám đỗ của ma quỷ, xác thịt và thế gian. . Và khi  đó họ mới cần ăn chay, hãm mình, và cầu nguyện để có đủ sức đứng vững trước mọi nguy cơ của tội lỗi., của sự dữ đang chực sẵn để tấn công.
      Mùa Chay Thánh sắp đến là dịp cho chúng ta thực hành  chay tịnh và cầu nguyện  để không những ý thức sâu xa hơn nữa  về nguy cơ của tội lỗi , cản trở cho đời sống ơn phúc với Chúa mà còn để chỉnh trang lại  tâm hồn mình với những “trang trí nội thất” thích hợp  như “bình mới để chứa rượu mới”  hay  “aó mới không thể vá vải cũ được”.
       Rượu mới ,bình mới, áo mới ,vải mới như đựợc nói đến trong bài  Tin Mừng  này chính là tinh thần, là cốt lõi  của đời sống mới theo PhúcÂm Sự sống mà Chúa Giêsu đã rao giảng và trả giá bằng chính mạng sống của mình.
      Sự sống mới này không thể sinh tồn trong những tâm hồn đang sống theo  “văn hoá sự chết” ,đang tôn thờ  của cải vật chất , tiền bạc và vui thú  vô luân như  bộ mặt đáng sợ của thế giới ngày nay. Đó là những bình cũ , áo cũ nên  không thể dùng để đựng rượu mới hay vá miếng vải mới vào được vì hoàn toàn không thích hợp.
      Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thay đổi bản thân theo tinh thần của Chúa. Đồng thời, nhờ ơn Chúa, chúng con cũng biết làm cho những giá trị trần thế thấm nhuần tinh thần mới của Ngài. Amen.



Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT


                                         
             

Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian. ( Ga 1,29)

Một phút suy gẫm

      Vào các ngày từ 4 đên 5 tháng 10 năm 1997 "Ngày Gia Đình Thế Giới gặp gỡ Đức Thánh Cha" họp tại Rio de Janerio, nước Brasil, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã đến chủ tọa Đại Hội này. Trong Đại Hội ngoài các phần nghi lễ, phát biểu, còn có phần chứng từ của chị Emmanuella  năm ấy 36 tuổi, chị đã đứng trước Đại Hội để làm chứng về trường hợp của chị. Chị nói:
      " Cách đây vừa tròn 36 năm, mẹ tôi, một người mẹ Công giáo bình thường như bất cứ một người mẹ nào. Và bà cũng có một trái tim, trái tim của một người mẹ biết yêu thương và biết hy sinh tất cả cho con. Tấm lòng bình thường của một người mẹ đã không còn bình thường, không còn tầm thường nữa mà đã trở nên phi thường đứng trước một chọn lựa thiết thân liên quan đến sinh mạng của bà.
      Mẹ tôi lúc đó đang mang thai tôi. Bà bị bệnh nặng. Bác sĩ bảo phải phá thai mới cứu được mẹ. Nếu để thai thì mẹ sẽ phải chết, và thai nhi cũng khó sống. Đứng trước sự chọn lựa sinh tử đó, mẹ tôi đã chọn cái chết để thai nhi được sống. Thật là một chọn lựa anh hùng và can đảm. Chỉ có con người, và chỉ có tấm lòng của một người mẹ có một tình thương bao la mới có thể có chọn lựa đó mà thôi. Bà đã không lầm khi chọn điều đó.
      Kết quả là 36 năm sau tôi được vinh dự đứng trước đại hội về Gia Đình để làm chứng cho tình yêu bất diệt của mẹ tôi. Đây cũng là cơ hội để tôi nói lên lòng biết ơn sâu xa đối với người mẹ đã cưu mang tôi, đã sinh ra tôi và đã hy sinh vì tôi. Mạng sống của tôi được đổi bằng chính mạng sống của người. Thật là một sự hy sinh cao cả, sự hy sinh này đã là dấu chỉ họa lại sự hy sinh lớn lao của Đức Giê-su, Đấng đã hy sinh mạng sống mình vì nhân loại.
      Tôi xin làm chứng cho điều đó. Và tôi xin nhân danh những người con tỏ lòng biết ơn cha mẹ, tán dương công ơn trời bể của các Ngài.
      Được biết, bà mẹ của chị Emmanuela được Giáo Hội tôn phong Chân Phúc.

    Lạy Chúa Giê-su xin biến đổi chúng con thành những nhân chứng sống động của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.


Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

HOÁN CẢI


                                                   


Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.

 ( Mc 2,17)

Một phút suy gẫm

       Huyền thoại bóng đá Anh Paul Gascoinge cảm thấy vui mừng sau khi dđã cai nghiện rượu thành công và trở về từ nước Anh từ trại cai nghiện ở Mỹ. Cựu tuển thủ này cho biết việc mình cai rượu là điều thần kỳ bởi vì ông là một trong  những cầu thủ có đời sống bê tha nhất nước Anh.
       Đang khi Đức Giê-su giảng dạy dọc bờ hồ, người " thấy " ông Lê-vi ở trạm thu thuế và gọi ông: ' Hãy theo Ta!" Và ông bỏ mọi sự đi theo Người. Một khoảnh khắc đã thay đổi cuộc đời ông. Từ hôm đó, không ai thấy Lê-vi nơi quầy thu thuế nữa, mà chỉ nghe nói về ông như một vị tông đồ.
      Sự thánh thiện nơi con người không hệ tại ở việc tuân giữ bao nhiêu lề luật, mà hơn hết là sự khiêm nhường và thành tâm sám hối. Sự công chính của Luật Cũ là lề thói " tự mãn" về sức riêng con người. Họ không chấp nhận thân phận bệnh tật nên không cần thầy thuốc. Và họ không được chữa lành.
     Thật vậy, sự công chính hệ tại ở việc tin vào Đức Giê-su và can đảm từ bỏ mọi sự để sống cuộc sống của Người.
     Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hoán cải mỗi ngày và xin cho chúng con luôn biết nhìn tha nhân bằng đôi mắt của Chúa, chứ không bằng những phán đoán ích kỷ của bản thân. Amen.


Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN

                                    


Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội. ( Mc 2, 10)

Một phút suy gẫm

        Năm 2010, vận động viên cầu lông Pert Koukal đang trên đà sung túc và chơi rất thành công ở nhiều giải đấu quốc tế, bị phát hiện ung thư tinh hoàn, phải trải qua cuộc giải phẩu khẩn cấp và hóa trị dài ngày. Anh đã chiến đấu để "đánh bại " tử thần và miệt mài tập luyện, rồi cầm cờ và thi đấu cho đoàn thể thao Cộng Hòa Czech tại thế vận hội London 2012.
       Các kinh sư tranh cãi và nghi ngại trước hành động tha tội của Đức Giê-su. Phải chăng quyền năng chữa lành đồng nghĩa với quyền tha tội? Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa? Qua việc chữa lành và tha tội, Đức Giê-su mặc nhiên trả lời cho họ về căn tính của mình Người chính là Thiên Chúa. Nhưng vì cứng lòng, họ không tin và chối bỏ  căn tính đích thực của Đức Giê-su chính là Thiên Chúa. Song...
      Niềm tin đưa Thánh An-tôn viện phụ xa rời sự giàu sang chọn lối đời ẩn dật để hoa trái thiện lành kết trái. Niềm tin phá đổ ngăn cách giữa con người với Đức Giê-su. Và chính niềm tin giúp người bại liệt được chữa lành.
        Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn trước tình yêu, vì đó là dấu chỉ duy nhất để con nhận ra trong  cuộc sống và nơi tha nhân. Amen.

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC GIÊ-SU



                                             


Bệnh phong biến khỏi và anh được sạch. (Mc 1,42)

Một phút suy gẫm

        Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chạy qua sáu quận nội thành Thành Phố Hồ Chí Minh, vốn được mệnh danh là " con kênh thối" trước đây, nay đã hồi sinh, nước kênh đã dần xanh và xuất hiện nhiều loại cá. Hai bên bờ kênh, hàng trăm người dân ra tập thể dục buổi sáng, đi dạo mát vào mỗi buổi chiều. Thậm chí nhiều người tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đưa các thành viên trong gia đình đến đây dã ngoại.
      Câu chuyện hôm nay khắc ghi hình ảnh thật đẹp của Đức Giê-su trong lòng nhân loại. Mang thân cùi nhơ uế, anh bị người thân xa lánh, xã hội rẻ khinh. Anh không thuộc về vùng đất của người thanh sạch. Anh cũng không thể đến gần ai vì mặc cảm tội lỗi và định kiến xã hội khắt khe. Tương lai phía trước khác gì là trầm luân muôn kiếp.
       Nhưng một vị Thiên- Chúa- Làm - Người đến với anh. Người chạm vào anh và anh được sạch. Người phục hồi, mang lại cho anh một đời sống mới.
      Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sử dụng đời sống Chúa ban để làm việc thiện và giúp đỡ tha nhân. Ước gì mỗi người chúng con, qua đời sống của mình, lại trở nên những sứ giả mang lại sự bình an và yêu thương cho tha nhân. Amen.

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

LỜI GIẢNG UY QUYỀN


     


Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền. ( Mc 1,22)

Một phút suy gẫm

       Chuyện  "kính thưa" ở nhiều hội nghị, lễ kỷ niệm, mít tinh, các cuộc họp, hội nghị...xuất phát từ truyền thống văn hóa dân tộc, thể hiện sự tôn trọng tôn ti trật tự trong xã hội.
      Tuy nhiên với nhiều người, vì quá câu nệ vào lề thói mà chuyện kính thưa đã đi quá giới hạn cần có của nó khiến trở nên sáo rỗng, dài dòng.
      Không như những người với kiểu cách lê thê vô bổ, hôm nay Đức Giê-su thể hiện những lời đầy uy quyền, lời có sức chữa lành và giai3 thoát, lời đem lại giao hòa và an vui, lời khơi nguồn sự sống.
      Đức Giê-su đã giải thoát người bệnh khỏi ách kìm hãm của tà thần. Người khôi phục tư cách dân Thiên Chúa, trả lại phẩm giá và tương quan liên đới vốn đổ vỡ do Luật Cũ. Người giao hòa anh cùng gia đình, xã hội, và đặc biệt hơn cả là với chính anh. Thật vậy, uy quyền của Người thể hiện trong sức mạnh của lòng nhân ái.
      Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn ý thức dùng lời nói để biểu lộ tình yêu và lẽ công chính, để xây dựng, nâng đỡ và chữa lành những phận người bé nhỏ. Amen.

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

BỎ LẠI VÀ BƯỚC THEO

                                           CN 3 TN B.gif

Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. ( Mc 1,15)

Một phút suy gẫm

         Ngày xưa, Chúa Giêsu đã kêu mời các tông đồ đi theo Ngài bằng sứ điệp ngắn gọn, rõ ràng,nhưng dứt khoát.''Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng'' vì Chúa cũng cho biết.''Thời kỳ đã mãn và nước trời đã gần đến.'' Điều cốt yếu để vào nước trời không phải là những gì cao trọng, những biến cố này hoặc biến cố kia. Mà chỉ đơn giản là sám hối, nhìn lại những gì mình đã sai phạm và từ đó tin vào Tin Mừng mà Chúa rao giảng để từ bỏ mọi tội lỗi. Ăn năn trở về cùng Chúa.

       Lâu nay chúng ta nghe nhiều Phúc Âm của Chúa. Nhưng điều cốt lõi của Phúc Âm không phải chỉ  tham gia những công việc như đóng góp vào việc chung, làm bố thí,tham dự Thánh lễ,rước mình máu Thánh thường xuyên, hoặc tổ chức những đại lễ long trọng? tất cả những việc đó có thể làm hài lòng những người thế gian nhưng chưa đủ.Chúa muốn chúng ta phải thật lòng sám hối và lòng tin.
       Khi ta đem Lời Chúa đến cho người khác hãy cẩn trọng vì hình thức bên ngoài cũng cần, nhưng quan trọng là phải cho anh em nhận ra sự sâu thẳm là phải sám hối, phải có niềm tin.
       Trước khi làm các việc đạo đức bạn hãy dọn mình bằng cách sám hối tội lỗi của mình và giục lòng tin vào Chúa.
        Lạy Chúa, Chúa muốn con đến với Chúa với cả tấm lòng hơn là của lễ. Xin giúp con biết sám hối thật lòng và tăng thêm lòng tin cho con. Amen.

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

BƯỚC XUỐNG DÒNG ĐỜI



                                      

Chịu phép rửa xong. Đức Giê-su thấy Thần Khí Thiên Chúa đến ngự trên Người. ( Mt3,16)

Một phút suy gẫm

       Có người ví cuộc đời này “như một dòng chảy”, hay “như một dòng sông”. Ý tưởng này thật chí lý khi nối kết với vấn đề liên hệ được đặt ra từ sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa.

     Việc Đức Giêsu bước xuống dòng sông Gio-đan chịu phép rửa mở ra cho chúng ta con đường khiêm hạ để luôn biết nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa, và có thái độ phù hợp trong mối tương giao với anh em.

      Đức Giêsu đã bước xuống dòng đời thực sự khi Ngài đảm nhận thân phận con người bất toàn để cảm hoá và vực dậy nhân loại đang chìm ngập giữa dòng yếu đuối phàm tục. Ngài muốn con người tiếp tục cộng tác với Ngài trong công cuộc đồng hành, vực dậy những tâm hồn đang đắm mình trong vũng bùn tội lỗi. Quá trình này phải bắt đầu từ việc chúng ta có sẵn sàng chấp nhận gột rửa con người đầy tham vọng của ta để can đảm “bước xuống” dòng đời hôm nay.

      Những hố sâu ngăn cách trong cuộc sống hiện tại có nguy cơ làm cho con người ngày càng tách biệt nhau, lạnh nhạt với nhau hơn. Đó là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Đó là khoảng cách về trình độ nhận thức, khả năng tiếp nhận giữa các bộ phận quần chúng, các cá nhân…, mà nguyên nhân là do các chính sách kinh tế, chế độ an sinh chưa đảm bảo, phù hợp, các quyền lợi tối thiểu chưa được đáp ứng thoả đáng.

    Đức Giêsu đã bước xuống dòng sông Gio-đan để xoá đi khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người. Ước mong nhân loại chúng ta biết “bước xuống” giữa dòng đời để cùng nhau chung tay lấp đầy những khoảng cách kia. Ước mong, chúng ta cũng biết đưa mắt nhìn xuống bao kiếp đời đang vật lộn giữa dòng thác dữ của bất hạnh, bi kịch. Và mong sao, chúng ta cũng biết đến với họ bằng lời sẻ chia chân thành, bằng sự hy sinh dù rất nhỏ bé có thể giúp họ hướng về bến bờ hy vọng, hạnh phúc.

    Như Đức Kitô, chúng ta hãy khiêm hạ nhìn nhận những bất toàn của bản thân trước Thiên Chúa và anh em. Nhờ đó, ta biết phát triển và canh tân đời sống mỗi ngày, đồng thời biết đồng hành cùng anh em trong tư cách người bạn và người phục vụ. Amen.

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

NỔI BẬT VÀ LU MỜ

                                         

Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi. ( Ga 3, 30)

Một phút suy gẫm

      Trong tập hồi ký của Albrecht Durer, một nhà họa sĩ tài ba và rất nỗi tiếng người Pháp đã ghi lại sự việc sau đây:
      Khi Albre Durer khởi sự tiến thân với nghề họa sĩ, ông đã kết nghĩa thân thiết với một người học trò cũng nghèo như ông. Hai người đồng ý thỏa thuận với nhau là người học trò nghèo sẽ tận tụy với công việc lao động tay chân để hổ trợ Durer trong khi ông tiếp tục học và thực thi nghề vẽ, sau khi Durer thành công sẽ vẽ và hỗ trợ lại để bạn ông tiếp tục học ngành họa. Nhưng tới ngày Durer thành công đỗ đạt thì tiếc thay hai bàn tay của bạn đã trở nên chai đá vì công việc nặng nhọc, không sao cầm bút vẽ được nữa.
      Một hôm, khi Durer nhìn bạn chấp tay lặng lẽ cầu nguyện, một tư tưởng thoáng qua trong tâm trí ông. “Tôi đã không thể nào làm cho đôi bàn tay bạn trở nên mềm mại để cầm bút vẽ được nữa nhưng tôi có thể diễn tả lòng biết ơn của tôi đối với bạn đã không ngại vất vả làm lụng để giúp tôi ăn học thành tài như ngày nay, tôi biết tôi sẽ phải làm gì. Tôi sẽ vẽ đôi bàn tay đang chắp lại cầu nguyện của bạn”, và đó là hoàn cảnh gợi ý cho tác phẩm danh tiếng nhất của Albrect Durer, bức họa “Bàn Tay Cầu Nguyện”.  
      Người bạn trong câu chuyện trên đây đã cho chúng ta một bài học quý giá về tình liên đới. Người bạn đã làm cho bản thân mình lu mờ đi để hình ảnh, cuộc đời, và sự nghiệp của bạn mình được sáng lên.
     Ông Gioan Tẩy Giả cũng là người đi trước dọn đường cho Chúa đến. Ngài lặng lẽ dâng trọn cuộc đời mình mở đường cho Chúa đến, để mọi người được phúc chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi Đức Giêsu. Qua đó chúng ta cần phải biết làm cho Chúa lớn lên trong ta và phần xác thịt, tội lỗi và khuynh hướng xấu dần dần nhỏ lại.
    Ước gì mỗi Kitô hữu là Gioan Tẩy Giả trong xã hội hôm nay bằng chính cuộc sống tầm thường nhưng chứa đầy chất Phúc Âm. Amen.



Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

TIN ĐỂ ĐƯỢC SÔNG


                                                  Chua chua 10 nguoi phong cui

Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh ( Lc 5, 13)

Một phút suy gẫm


       Người bệnh nhân phong trong tin mừng thật can đảm, vì anh ta đã đi ra khỏi khu vực cấm dành riêng cho các người bệnh phong. Anh ta quỳ sụp dưới chân Đức Giêsu. Đức Giêsu cũng cho thấy Ngài chẳng có chút sợ sệt bị lây nhiễm, Ngài đã giơ tay đụng vào anh để chữa lành anh. Thật sống động.

      Tất cả tùy thuộc vào hai ý muốn: ý muốn của người bệnh phong van xin: ‘Thưa Ngài, nếu Ngài muốn’, và ý muốn của Đức Giêsu: ‘Tôi muốn’. Thật đẹp bàn tay của Chúa giơ ra chạm đến làn da mưng mũ của người bệnh, và lập tức anh ta được sạch bệnh. Hai ý muốn kết vào nhau để chiến thắng sự dữ bằng sự lành.

       Cùng với ánh sao đưa đường cho các đạo sĩ, ánh sáng của Mùa Giáng sinh, tin mừng cứu độ cho mọi người, đoạn tin mừng hôm nay khuyến khích chúng ta vun xới và làm lớn lên trong ta hết sức có thể một ý hướng tốt: thiện tâm thiện ý.

       Những dự tính, những cơ hội hành động thật nhiều. Cần phải đọc ra nhờ ánh sáng của Đức Giêsu trong thánh ý Chúa Cha, Đấng luôn luôn ước muốn điều thiện hảo. Và từ ý muốn đó phát xuất lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy biến con nên khí cụ của Tình yêu Chúa, là bình an cho mọi người.

      Khi chúng ta làm điều Thiên Chúa muốn, mọi sự đều có giá trị và cuộc sống có ý nghĩa. (Mẹ Têrêxa Calcutta)

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

KHÔNG GIAN PHỤC VỤ

                                      

Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe. ( Lc 4, 21)

Một phút suy gẫm

      Theo truyền thống của người Do Thái, vào ngày Sa-bát người ta hội họp nơi hội đường để đọc sách luật, các sách ngôn sứ rồi tiếp theo là một bài giảng giải. Lần rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su đã diễn ra trong một khung cảnh phụng vụ như thế ở Na-da-rét.
      Phụng vụ Ki-tô giáo đã thừa kế truyền thống dọc sách Thánh mỗi khi hội họp cùng nhau cầu nguyện. Qủa thật, trong không gian thánh thiêng của phụng vụ, những bài đọc Lời Chúa sẽ dễ dàng đi vào lòng người, giúp chúng ta nhận ra chân lý Tin Mừng và trở nên môn đệ của Đức Giê-su.
      Phụng vụ chính là " không gian" để Lời Chúa hoạt động và " ứng nghiệm" trong cuộc đời mỗi người. Lời Chúa mà chúng ta nghe không phải là một lời nói đã qua, nhắc lại những biến cố của một thời xa xưa, nhưng là những lời sống động đang nói với chính chúng ta hôm nay. Vì thế, để sống đức tin một cách cụ thể và hữu hiệu, mỗi cử hành phụng vụ của chúng ta phải là cử hành điều ta tin, cử hành điều ta sống.

     Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết tham dự thánh lễ cách ý thức, linh động và trọn vẹn, ngõ hầu chúng con được gặp Ngài. Amen.


Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

ĐỪNG SỢ VÌ CÓ CHÚA


   

Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! (Mc 6,50)

Một phút suy gẫm

        Một em nhỏ đang hoảng loạn gào khóc vì bị ket trong đám cháy. Mọi người tìm cách dỗ dành để đưa em ra khỏi đó, nhưng em không nín và không chịu theo bất kỳ ai. Bỗng một người đàn ông lao tới, ôm đứa trẻ, la lớn "Bố đây! Bố đây! Con đừng sợ." Đứa trẻ nấc mấy cái rồi nín lặng. Xung quanh, lửa vẫn cháy, mọi người vẫn náo loạn, còn em nhỏ bình yên trong vòng tay người cha.
      Qua trình thuật dẹp yên sóng gió. Tin Mừng hôm nay cho thấy sức mạnh của thiên nhiên, sức mạnh chèo chống của các môn đệ, và sức mạnh của Đức Giê-su. Ai mạnh hơn ai chúng ta đã rõ!
      Thực tế, nhiều lúc trước sức mạnh của thiên nhiên, trước sức mạnh của thế lực đen tối, trước những khó khăn của cuộc sống, chúng ta đã không vượt qua được sự sợ hãi, đã quá cậy  dựa vào sức mạnh bản thân, và thậm chí nghi ngờ sự hiện diện cũng như quyền năng của Thiên Chúa.
      Lạy Chúa, trước những sóng gió của cuộc đời, xin cho chúng con luôn tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Ngài, để cũng được nghe tiếng Ngài trấn an: " Thầy đây, đừng sợ." Amen.

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

TẤM LÒNG CỦA CHÚA



                                                

         Khi Đức Giê-su thấy một đoàn người đông đảo, thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. ( Mc 6, 34)

Một phút suy gẫm

        Tại Roma, có một thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis... Du khách thường viếng thăm vì có một tượng thánh giá rất đặt biệt: bất kỳ ai đến cầu nguyện với tất cả lòng thành đều nhận được sức mạnh và nguồn an ủi thâm sâu. Đức Giê-su vẫn luôn có đó. Người mang lấy tất cả buồn đau sầu tủi của con người. Thật vậy, những ai liên kết với Đức Ki-tô trên thập giá sẽ dễ dàng liên đới với mọi người đang đau khổ. 
        Bài Tin Mừng nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi thấy đoàn người đông đảo đến với mình, Đức Giê-su đã " chạnh lòng thương". Người khiến cho bánh và cá trở nên đủ cho tất cả, thậm chí còn dư thừa. Ân huệ của Chúa luôn có đủ và dư tràn dành cho con cái mình, tức là tất cả những ai tin và đón nhận Đức Giê-su, Con của Người.
       Lòng nhân từ của Thiên Chúa trải rộng khắp hết thảy mọi người. Đức Giê-su bảo: " Chính anh em hãy cho họ ăn. " Lời ấy mời gọi chúng ta hãy sống chia sẻ với những ai thiếu thốn, cả về thể lý lẫn đời sống đức tin, để mọi người không chỉ no thỏa vật chất, mà còn hạnh phúc vì biết ơn cứu độ.
      Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống tình bác  ái, để mọi người thấy tình yêu của Ngài. Amen.

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO

                                               

Nước Trời đã đến gần. ( Mt 4, 17)

Một phút suy gẫm

      Cuộc sống người kitô hữu chúng ta có đôi chút giống người dân Galilêa thời Đức Giêsu. Vùng giao lộ giữa người kitô hữu với anh em lương dân. Các anh em lương dân ở quanh chúng ta nhưng đồng thời cũng có cái phần ‘lương dân’ đang ngủ yên bên trong mỗi con người chúng ta: Những ai khước từ Ngôi Lời Thiên Chúa làm người và hành động như thể Đức Kitô đã không đến thế gian.
Hãy nghe Đức Giêsu mời gọi: ‘Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đến gần’. Sám hối, đi ra khỏi những lối mòn cũ kỹ, khỏi những ý nghĩ quen thuộc, để nhận ra những dấu chỉ của Nước Chúa đã hiện diện và đã đến. Hãy mở rộng lòng ra để cho ánh sáng của Thiên Chúa vào.
      Lễ Hiển Linh tiếp nối bằng những cuộc hiển linh khác trong cuộc đời, bằng những biểu lộ khác nhau của Chúa, từ việc chữa lành tinh thần đến việc nhận ra sự hiện diện của Ngài trong các bí tích. Chúng ta là đám đông dân chúng đang tìm đến nghe tin vui, hay chúng ta vẫn còn ở lại bên kia bờ, thờ ơ không muốn sang? Amen.

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

KHAO KHÁT TÌM CHÚA

                                        

Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người. ( Mt 2,2)

Một phút suy gẫm

        Truyền thống quen gọi các Ngài là ba vua. Trong thực tế, có lẻ các Ngài chẳng làm vua ai bao giờ. Nhưng vì tâm hồn ba nhà đạo sỹ luôn có một khát mong rất mãnh liệt là lên đường, tìm Đấng Cứu Tinh nhân loại. Dựa theo những dấu chỉ, những báo trước trong các lãnh vực tâm linh, họ  đi tìm Hài Nhi Giê-su.

       Một ngôi sao rất lẻ loi trên bầu trời, ánh sáng nếu về phương diện tự nhiên cũng chưa thể soi hết  trên bầu trời Giê-ru-sa-lem năm ấy. Cả triều thần cùng vua Hê-rô-đê đâu để ý gì đến một chòm sao, chứ nói gì đến một ngôi sao. Cho đến lúc các nhà Đạo sỹ xuất hiện, họ lạc đường và tìm đường: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2, 2). Ngớ ngẩn vô cùng, đến trước một quân vương đang ngồi chễm chệ trên ngai vàng mà hỏi vua mới sinh ra ở đâu. Họ đâu biết rằng, nguy hiểm cho họ và cả Hài Nhi Giê-su, họ chỉ mong mỏi và bằng mọi cách gặp cho được vị Quân vương của nhân loại. Thánh Vịnh viết :

      “ Lạy Chúa, linh hồn con luôn  khao khát Ngài” (Tv 62). Có tìm kiếm, khám phá thì mới mong gặp được, các nhà Đạo sỹ không quản ngại đường xa, những hiểm nguy rình rập họ trên đường đến Giê-ru-sa-lem. Họ vững tin vào những lời Kinh Thánh mặc dù bản thân các Ngài là người ngoại đạo. Niềm say mê, sự kiên trì không nao núng đã giúp họ vượt qua mọi trở ngại để đến với Chúa Hài Nhi. Họ thờ lạy và tôn vinh Ngài dù trong hình hài của một con trẻ.
      Lạy Chúa, mùa Giáng sinh, những niềm vui lan tỏa và kết tủa trong đời sống của chúng con. Xin cho chúng con trở thành những ngôi sao chỉ lối soi đường cho mọi người đến, gặp, thờ lạy và dâng cuộc đời cho Chúa Hài Đồng. A-men.

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

GẶP GỠ

                                              

Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a. (Ga 1, 41)

Một phút suy gẫm

        Thông thường, hai chữ "xuống đường" gợi lên hình ảnh của chống đối, biểu tình. Nhưng cũng có trường hợp người ta "xuống đường" để gặp gỡ, cảm thông với người khác, những người  không nhà cửa, những người nghèo, người bị loại trừ trong xã hội.
       Tin Mừng Gio-an không ghi lại cuộc đối thoại nào giữa Đức Giê-su và ông Gio-an Tẩy Gỉa. Tin Mừng chỉ cho biết, ông Gio-an gặp và nhận ra Đức Giê-su chính là "Chiên Thiên Chúa" và ông giới thiệu về Người cho các môn đệ của mình.
       Qua sự giới thiệu của ông Gio-an, các môn đệ đã gặp Đức Giê-su. Cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời của các môn đệ. Các ông nhận ra Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a và quyết định bỏ mọi sự đi theo Người.
Nhận ra căn tính của Đức Giê-su, các ông vui mừng và ở lại với Người. Còn chúng ta thì sao? Đức Giê-su vẫn mời gọi mỗi ngày. Điều quan trọng là chúng ta có biết ra khỏi những tiếng ồn, những lo lắng của " tiền bạc, danh vọng", để lắng nghe tiếng Chúa trong cầu nguyện và sẵn sàng tín thác vào Người không?
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tâm tình của hai môn đệ xưa, biết đến và ở lại với Chúa, vì chỉ nơi Ngài chúng con mới tìm hạnh phúc đích thực. Amen.