Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

TỘI KHÔNG ĐƯỢC THA


        "Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời." (Mc 3,29)

Một phút suy gẫm

      Trong các lớp giáo lý dành cho thiếu nhi cũng như người lớn khi nhắc đến tội phạm đến Thánh Thần, là thứ tội không được tha, ai cũng thường thắc mắc không biết tội ấy là tội gì, biết để mà tránh sợ " mất linh hồn đời đời", cứ nghĩ rằng chắc là tội " to lắm" đến nỗi không bao giờ được tha. Thật ra, người đã sợ mắc tội không được tha này thì rõ ràng người ấy chưa bao giờ phạm tội đó. Bởi vì nếu một người phạm tội mà xin Chúa tha thứ thì không bao giờ Ngài từ chối

     Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội mang nội dụng sau đây:
Hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa là Cha nhân lành giầu lòng xót thương và tha thứ.
- Từ khước ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.
- Phủ nhận Chân Lý mà Thần Khí Chúa đã mặc khải cho con người.
- Không còn nhìn nhận tội lổi đã phạm để xin  được tha thứ. 
      Tội nào cũng có thể được tha thứ nếu người ta còn tin tưởng vào lòng xót thương của Thiên Chúa. Vậy, nếu  nhờ Thần Khí Chúa mà ta nhận biết Người  là Cha nhân lành để chạy đến xin tha thứ mọi lỗi phạm vì yếu đuối,  vì lầm lạc, thì điều kiện để được tha thứ là phải nhìn nhận  tội lỗi của mình và còn  tin tưởng nơi  lòng thương xót, thứ tha của Chúa.Ngược lại,  nếu chối từ Thiên Chúa, thất vọng hoàn toàn về tình thương tha thứ của Người cũng như  không còn tin  và yêu mến Người  nữa  là xúc  phạm nặng nề  đến chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã giúp  ta nhận biết Thiên Chúa là Cha nhân hậu, nhận biết công trình cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, cũng như giúp ta nhìn  nhận  tội lỗi đã phạm.Chúa Thánh Thần  cũng là Đấng  đã nung  lửa yêu mến Thiên Chúa trong lòng mọi tín hữu.  Do dó, xúc phạm đến  Chúa Thánh Thần là bác  bỏ mọi công việc Người  đã làm trong linh hồn  ta và trong Giáo Hội của Chúa Kitô. 
 Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, trong Tông Thư   “Dominum et Vivificantem” cũng nói  như sau về tội phạm đến Chúa Thánh Thần: “Tội phạm đến Chúa Thánh Thần không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Người bằng lời nói  mà hệ tại sự chối từ nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa ban cho con người qua Chúa Thánh Thần hoạt động qua quyền lực của Cây Thập Giá.”(.ibid. no.46.3) .

   Ngày nay với cuộc sống buông thả, người ta không nghĩ đến tội nữa cứ cho rằng việc mình làm là đúng, tìm mọi cách để biện minh cho hành động của mình và chẳng cần sám hối. Chúa Giê-su của chúng ta rất giàu lòng nhân ái, Ngài có một trái tim nhân từ và luôn tha thứ hết mọi tội lỗi của chúng ta khi con người tỏ lòng sám hối ăn năn.

      Sau một ngày mệt nhọc với đủ thứ lo toan của cơm áo gạo tiền, của chồng của con, gánh nặng oằn trên đôi vai gầy yếu  và như thế chúng ta dễ dàng quên Chúa, không còn một phút giây nào nữa để dành cho Ngài. Lạy Chúa xin cho chúng con biết dành một phút cho Chúa, lắng đọng lại tâm hồn và lúc đó Chúa ngự vào tâm hồn chúng con. Xin giúp chúng con nhìn thấy những thiếu sót của một ngày để chúng con sám hối và được Chúa thứ tha.Xin Chúa nhậm lời chúng con. Amen.


THÁNH TÔ-MA A-QUI-NÔ, (St. Thomas Aquinas)
Linh Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh,
ngày 28/01

           Thánh Tô-ma A-qui-nô sinh năm 1225 tại thành Naples Ý Ðại Lợi trong một gia đình phú quí và đạo hạnh. Ngài được hấp thụ một nền đạo đức sâu sắc, đặt căn bản trên đức tin và giáo lý chân chính của Chúa Giêsu và các tông đồ. Cha của Tô-ma là lãnh Chúa đảo Aquinô. Tuy danh vọng cao vời, nhưng gia đình cha mẹ của thánh nhân luôn biết kính sợ Chúa và giáo dục con cái theo luật Chúa và Giáo Hội. Nhờ thế, thánh Tôma Aquinô đã sớm tiến tới trong đàng nhân đức, có một đức tin sắt đá và một nền học vấn uyên thâm để có thể hiểu và giải đáp được những vấn nạn trong xã hội cũng như những giải đáp cho thời đại đang tiến bộ.Trong quá trình theo học, Tôma được gửi học ở tu viện Cassino do các Cha Bênêđitô điều khiển. Một biến cố chính trị đưa đến việc giải tán tu viện sau 9 năm thánh hân đã theo học với các cha Bênêđitô. Sau đó, thánh nhân lại tiếp tục học ở Naples, nơi đây thánh nhân có dịp tiếp xúc với các cha dòng Ðaminh, Tôma say mê với lý tưởng sống cho người nghèo và làm việc trí thức để truyền bá cho những người khác chân lý, lý tưởng mà Ngài đã ghiền gẫm, đã suy nghĩ. Lý tưởng của thánh Ðaminh đã đánh động Ngài tới tận căn, nên Ngài đã quyết định xin vào dòng thánh Ðaminh vào năm 1244. Việc này làm phật ý thân mẫu thánh Tôma vì bà luôn muốn Tôma làm tu viện trưởng Cassino. Thân mẫu của Tôma quyết định bắt Tôma về giam trong gia đình và dùng mọi mưu kế để cho Tôma trở về thế gian. Mọi mưu chước của mẹ đều bị thất bại. Sau cùng trong cơn mù quáng tột độ, bà đã dùng một cô gái trắc nết để quyến rũ thánh nhân, vì bà hy vọng Tôma sẽ bị ngã gục. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Tôma đã chiến thắng, đuổi cô gái hư ra khỏi nơi Ngài ở. Chúa đã yêu thương Ngài, sai thiên thần đến cột giây trinh khiết cho Ngài để biểu tỏ sự chiến thắng của Ngài, đúng như lời sách đệ nhị luật đã viết:" Chúa ấp ủ và lo dưỡng dục Tôma , luôn gìn giữ chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa"(�Ðnl 32, 10 ). Với ý chí sắt đá, lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, thân mẫu Ngài đành để Ngài trốn về lại tu viện. Thánh Tôma lúc đó được thụ huấn với thánh Albertô, một học giả uyên bác, nổi tiếng thời đó. Năm 27 tuổi, thánh Tôma đã trở thành giảng sư đại học với một kiến thức uyên bác có thể hướng dẫn� được giới trí thức đang say mê triết học Hy Lạp ngoại giáo. Ngài đã viết bộ" Tổng luận thần học" đầy giá trị, để lại cho Giáo Hội và hậu thế. Ngài nói Ngài đã múc tất cả sự khôn ngoan nơi Chúa Giêsu qua suy niệm và cầu nguyện để viết nên:" Tổng luận thầnhọc" này.         Ngài qua đời lúc mới có 49 tuổi, cái tuổi đang sung sức và việc dậy học đang nổi tiếng vào năm 1274. Ðức thánh cha Gioan XXII phong Ngài lên bậc hiển thánh năm 1328. Năm 1567, Ðức Giáo hoàng Piô V lại cất nhắc Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh với tước hiệu:" Tiến Sĩ Thiên Thần ". Năm 1880, Ðức thánh cha Lêo XIII đặt Ngài làm quan thầy các trường công giáo.
        Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh Tôma trở nên một bậc thầy lỗi lạc vì đã ban cho Người lòng tha thiết sống cuộc đời thánh thiện và hăng say giảng dạy đạo lý cao siêu. Xin Chúa thương mở lòng soi trí để chúng con ngày càng hiểu biết điều Người dạy và ra công bắt chước điều Ngài làm. Xin Chúa nhậm lời chúng con. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét