Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

ĐẤNG PHỤC SINH TỎ MÌNH

                                                     

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. ( Mc 16,15)

Một phút suy gẫm

        Năm 1858 tại đồi Palatino, Rô-ma, các nhà khảo cổ phát hiện trên vách hang khắc một cây thập giá. Trên thập giá vẽ hình một người mang đầu lừa, dưới có hàng chữ: Alexanenos thờ lạy Chúa của hắn. Đó là hình vẽ thập giá cổ nhất bị nhạo báng: Thiên Chúa chết trên thập giá là hành động khờ dại của con lừa và những ai thờ lạy thập giá cũng như thế. Thập giá với kẻ khho6ng tin là đi6n dại nhưng đối với người tin là sức mạnh Thiên Chúa và là cách Thiên Chúa tỏ mình.
       Đức Giê-su hiện ra trước hết cho bà Maria Macdala. Bà chạy đi loan báo Tin Mừng cho các môn đệ, nhưng các ông không tin. Người hiện diện lần thứ hai cho hai môn đệ tại Emmau. Và lần thứ ba, Người tỏ mình trực tiếp, đồng thời trách mắng sự chậm tin của các môn đệ.
       Tin nhận biến cố Phục Sinh không là chuyện dễ dàng, ngay cả đối với các môn đệ. Đó cũng là thách đố đức tin của con người hôm nay. Mầu nhiệm phục sinh hướng chúng ta đến sự sống mai hậu. Vậy mà, nhiều khi chúng ta loan báo Tin Mừng với vẻ mặt buồn bã, nói về đời sau mà lòng còn quá nặng với vinh hoa đời này.
       Lạy Chúa, sự phục sinh của Chúa là lời mời gọi mỗi Ki-tô hữu thay đổi cái nhìn về cuộc đời: nhìn tất cả từ trên cao để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo. Amen

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

CHÚA ĐÓ

                                    110.jpg


Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho môn đệ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. ( Ga 21, 9-10)

Một phút suy gẫm

       Một linh mục thuật lại kinh nghiệm Phục Sinh của mình: " Tôi ấn tượng về một người đàn ông bị liệt, hằng ngày ăn xin ở đường phố Rio de Janeiro. Ngày kia, tôi mạnh dạn đến hỏi: " Ông có thể đứng dậy không?"- "Tôi luôn hy vọng nhưng không thể." Lúc đó tôi cảm thấy bất lực và khi trở về giáo xứ, tôi kêu gọi cộng đoàn làm gì đó giúp ông ta. Thật bất ngờ, số tiền lạc quyên nhiều hơn tôi mong đợi. Và Lễ Phục Sinh năm đó, ông có thể đứng đi trên đôi chân giả của mình.
       Như các lần trước, Đức Giê-su Phục Sinh đến bất ngờ. Lúc đầu họ chưa nhận ra Người. Nhưng qua mẻ cá lạ lùng, họ nhận ra Chúa. Và từ những cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su, các tông đồ đã được biến đổi: từ những người nhút nhát, mộc mạc trở nên  can đảm làm chứng về niềm tin Phục Sinh ( Cv 4, 1-12)
       Chính sự gặp gỡ với Đức Ki-tô Phục Sinh đã biến đổi các tông đồ và các tín hữu tiên khởi. Họ đồng tâm nhất trí, yêu thương nhau, chuyên chăm cầu nguyện và cử hành nghi lễ Bẻ Bánh. Đời sống mới của Cộng Đoàn tiên khởi cũng là đời sống lý tưởng của người môn đệ Đức Giê-su qua mọi thời đại.
       Lạy Chúa, xin cho mỗi lần chúng con gặp gỡ Chúa qua Bí tích Thánh Thể, chúng con được đổi mới, được sống sự sống mới của Đấng Phục Sinh và luôn gắn bó với Ngài. Amen.

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

ĐỨC TIN ĐƯỢC THỬ THÁCH

                                             
                                    

Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại. ( Lc24, 46)

Một phút suy gẫm

        " Những ai đã mở cửa tâm hồn mình cho Tình yêu của Thiên Chúa, đã nghe thấy giọng nói của Ngài, thì không thể giữ món quà này cho riêng mình. Vì khi Đức tin được nghe và được thấy, nó cũng được truyền lại như lời nói và ánh sáng" ( Đức Phan-xi-cô, Thông điệp Lumen Fiei, 37).
      Sau biến cố Em-mau, Đức Giê-su một lần nữa hiện ra với các môn đệ tại Giê-ru-sa-lem. Các ông kinh hồn bạt vía vì sợ. Nhưng Đức Giê-su trấn an bằng cách cho các ông xem những thương tích trên thân thể Người.
       Sự ngờ vực này của các môn đệ là một đảm bảo cho tính vững chắc của đức tin. Tôi có thể tin vào Tình Yêu này, một Tình Yêu không lùi bước trước cái chết để chứng tỏ Người yêu tôi thế nào.
       Đức Tin có thể gặp nhiều vấn nạn và trở ngại. Tuy nhiên, việc hoàn toàn tự hiến của Đức Giê-su thắng vượt mọi nghi ngờ và cho phép chúng ta phó thác vào Người: Đấng Phục sinh luôn hiện diện để biến đổi chúng ta dấn thân để sống một cách mãnh liệt hơn trong cuộc hành trình trần thế.
      Lạy Chúa, xin nâng đỡ và củng cố Đức Tin yếu kém của chúng con, để chúng con có thể làm chứng cho Ngài. Amen.

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

" NHẬN RA CHÚA"

                                        Road to Emmaus

Họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh( Lc 24, 31)

Một phút suy gẫm

       Có một thiếu nữ đến xin gia nhập dòng Thừa Sai Bác Aí của mẹ Tê-rê-sa Calcutta. Mẹ nói với người thiếu nữ; " Con đã nhìn thấy vị linh mục dâng Thánh lễ. Con đã thấy Ngài sờ vào Thánh Thể bằng tình yêu dường nào thì hãy đi và làm như thế ở nhà hấp hối." Người thiếu nữ ra đi và trở lại với nụ cười rạng rỡ: " Thưa mẹ, con đã sờ được thân thể của Chúa Giê-su trong suốt ba tiếng đồng hồ."
       Chỉ có Thánh Luca thuật lại biến cố Em-mau. Trước kia, các môn đệ nghĩ mình " biết " Chúa. Nhưng giờ đây, nỗi thất vọng phá tan tất cả. Điều đó cho thấy họ chưa thật sự biết Người. Các ông cần được khai mở đức tin! Và chính cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh đã làm thay đổi tất cả.
       " Biết" Đức Giê-su khi lắng nghe lời Người và nhận ra Đức Giê-su khi cùng bẻ bánh với Người. Đó là cách thế mới để sống tương quan với Đấng Phục Sinh, Người môn đệ phải lắng nghe Lời Chúa để khai mở Đức Tin, và nhận ra sự hiện diện tình yêu của Đức Giê-su khi đón nhận Mình và Máu Người.
       Lạy Chúa, xin cho chúng con xác tín vào sức sống của Lời Chúa khi học hỏi, lắng nghe và biết đi vào tương quan sâu xa với Ngài mỗi khi tham dự mầu nhiệm Thánh Thể. Amen.

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

SỐNG NIỀM TIN PHỤC SINH

                               

Tôi đã thấy Chúa, và Người đã nói với tôi.( Ga 20, 18)

Một phút suy gẫm


Người ta thường nói: ‘Sau cơn mưa trời lại sáng’. Còn Chúa Giêsu từng dạy các tông đồ là sau thập giá sẽ đến vinh quang. Thật vậy, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, bà Maria rất hạnh phúc sau những giọt nước mắt (Ga 20,13-16). Bà khóc khi Chúa bị đánh đòn, khi Chúa chết trên thập giá. Bà khóc vì sự đau đớn của Chúa Giêsu; khóc vì sự yếu hèn của con người và khóc vì tình thương của bà dành cho Chúa. Hôm nay bà khóc vì xác của Chúa Giêsu biến mất. Từ đau buồn này nối tiếp đau buồn khác nhưng nỗi buồn biến thành niềm vui. Vui vì xác Chúa không những không bị mất, nhưng xác của Ngài đã phục sinh và hiện ra với bà. Thật là hạnh phúc khi tìm được những gì mình tưởng chừng đã mất nhưng tìm lại được (Ga 20,18).Có lẽ ai trong chúng ta từng có cảm nghiệm nỗi buồn biến thành niềm vui. Có người mất vật chất. Có người vì lý do nào đó đánh mất niềm hy vọng. Có người cách này hay cách khác đánh mất niềm tin, đánh mất tình yêu… nhưng đã tìm lại được. Nếu những ai còn đang mang nỗi buồn, chúng ta hãy noi gương bà Maria chạy đến với Chúa phục sinh để Ngài đong đầy niềm vui, hạnh phúc cho chúng ta, cách riêng là trong những ngày hoan lạc mừng Chúa sống lại. Thấu hiểu điều này, Thánh Gioan Vianey khuyên chúng ta: ‘Khi các thập giá vào đau khổ đến, chúng ta cũng hãy qùy gối trong vườn cây Dầu; chúng ta hãy uống cạn chén đắng đồi Golgotha; chúng ta hãy ngẩng đầu lên với lòng dũng cảm và với lòng nhiệt thành thánh thiện. theo sau ngày thứ Sáu tuần thánh là buổi sáng vui mừng phục sinh của Thiên Chúa nhập thể, và chúng ta cũng có một ngày vui mừng như vậy. Bởi vì nếu chúng ta cùng chịu đau khổ với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ được hưởng vinh quang với Người’ (Sermon of St. Gioan Vianney, p. 340-342)Lạy Chúa, hằng năm chúng con đều mừng lễ Phục Sinh với tâm hồn đầy phấn khởi hân hoan, nhưng chúng con không hoàn toàn giữ được niềm vui đó trong cuộc sống vì nhiều thử thách. Xin cho chúng sức mạnh để vượt qua những thử thách và luôn xác tín điều Chúa dạy: Sau thập giá là vinh quang.


NIỀM VUI GẶP GỠ ĐẤNG PHỤC SINH

                                     

Hãy về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó. 

( Mt 28,10)

Một phút suy gẫm

        Sống vui tươi và hạnh phúc là cách bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa. Niềm vui là cách đơn sơ, chân thành biểu lộ tình yêu đối với Người. Chúng ta cũng được mời gọi đem niềm vui phục sinh vào môi trường làm việc và vào mọi quan hệ xã hội. Thế giới hôm nay đầy bất an và lo lắng. Vì vậy, trên hết, thế giới hôm nay cần bình an và niềm vui của chính Đấng Phục sinh.
     Lạy Chúa, các tông đồ vì yêu mến đã nhận ra Chúa, xin cho chúng con cảm mến những giây phút được gần Chúa để mỗi người thêm xác tín loan báo về Chúa cho người khác. Amen.

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

MẦU NHIỆM THẬP GIÁ



Giáo hoàng cúi mình hôn chân người tàn tật - 2
Đức Giáo Hoàng cúi xuống hôn cna6n một cậu bé tàn tật
                                         

 Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta.

Một phút suy gẫm

        Trận động đất khủng khiếp tại Armenia ( 12/1987) đã vùi lấp hai mẹ con bà Suzanna Petrosyan dưới hàng tân gạch, đá. Lương thực và nước uống đã hết. Tình mẫu tử gợi cho bà một ý tưởng táo bạo: lấy chính máu mình cho con uống để cầm cự. Bà lấy miếng kính cắt đầu ngón tay chảy máu và đưa cho con mút cho đỡ khát....Sau khi được cứu sống, bà chia sẻ: "Lúc đó, tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống."
       Thập giá là nỗi ô nhục đối với người Do Thái. Nhưng kỳ diệu thay, Thiên Chúa đã biến Thập Gía nên biểu tượng Tính yêu của Người đối với nhân loại  để cho con người thấy rằng chỉ có tình yêu mới là ý nghĩa tuyệt đỉnh sự hy sinh đến cùng tận.
       Suy niệm mầu nhiệm thập giá không có nghĩa là đề cao một hình phạt, nhưng là ca ngợi tình yêu của Đấng đã hy sinh vì con người. Nơi thập giá, tình yêu Thiên Chúa được thể hiện cách trọn vẹn và tuyệt đối nhất. Và con người chỉ sống trọn ý nghĩa làm người khi biết hiến thân cách vô vị lợi với tha nhân.
       Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trên con đường Thập giá của Ngài, để chúng con biết sống trọn vẹn mầu nhiệm thập giá nơi chính mình, và biết phục vụ tha nhân như chính Chúa. Amen.

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

" RỬA CHÂN CHO NHAU"

                                            
                          Giáo hoàng quỳ xuống rửa chân cho 12 phạm nhân tại Rome

Đức Giê-su yêu họ đến cùng. ( Ga 13,1)

Một phút suy gẫm

        Một thổ dân Aborigines sống trong một túp lều xiêu vẹo. Một lần, mẹ Tê-rê-sa đến thăm. Trong lúc quét dọn, mẹ thấy một cây đèn cũ. Mẹ hỏi: " Có bao giờ ông thắp đèn này chưa?" Ông trả lời: " Nhưng thắp cho ai? Có ai vào căn nhà này đâu." Mẹ nói tiếp: "Nêu như  các nữ tu đến thăm thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn này lên không?" - " Dĩ nhiên rồi." Từ ngày đó, các nữ tu thường xuyên ghé thăm nhà ông.
       Rửa chân là công việc của người tôi tớ. Vậy mà, hôm nay Đức Giê -su đã rửa chân cho các môn đệ. Qua đó, Người nêu gương về tinh thần phục vụ. Phục vụ chính là " rửa chân" cho nhau, là liên lụy trong những yếu đuối của nhau.
       Chính Đức Giê-su đã nói nếu chúng ta không biết rửa chân cho nhau, chúng ta sẽ không được chung phần khổ đau và vinh phúc với Người. Vì vậy Ki-tô hữu luôn được mời gọi phục vụ lẫn nhau như chính Đức Giê-su. Hơn nữa, " rửa chân cho nhau" còn là vui lòng đón nhận chén đắng, những thiệt thòi trong cuộc sống khi mang danh là Ki-tô hữu.
       Lạy Chúa, xin ban sức mạnh Thánh Thần, để chúng con biết sẵn sàng phục vụ lẫn nhau vì lòng yêu mến Chúa. Amen.

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

CHẲNG LẼ CON SAO


                                       



Con người phải ra đi như Kinh Thánh đã chép về Người, nhưng khốn  cho kẻ nào nộp Con Người. ( Mt 26, 24)

Một phút suy gẫm

        " Một hôm Sa-tan sai các sứ giả đến trần gian cho con người biết Thiên Chúa đã chết. Các sứ giả ra đi và mau chóng trở về. Sa-tan ngạc nhiên hỏi lý do, các sứ giả trả lời: " Bởi tất cả những nơi chúng tôi đi qua, nơi nào cũng sống như thể Thiên Chúa đã chết. Họ hận thù, gian tham, trộm cắp, dù nhiều người xưng danh là kẻ tin Thiên Chúa. Cách sống của họ cho thấy Thiên Chúa đã chết. Như vậy chúng ta đâu cần tốn công thuyết phục con người nữa."
        Ki-tô hữu là một thành phần của thế giới. Đó là cơ hội để người tín hữu mang Tin Mừng vào thế giới. Thế nhưng trong thực tế, nhiều khi Ki-tô hữu làm cho xã hội mất đi " nét" Tin Mừng bằng chính đời sống phản chứng của mình. Lối sống phản chứng của Ki-tô rất nhiều: bất công, gian lận, xảo quyệt trong buôn bán hay công việc thường ngày...
        Bước vào Tuần Thánh, mỗi người hãy nhìn lại cách sống của mình, để luôn ý thức rằng một khi chúng ta sống phản chứng trong ơn gọi của một Ki-tô hữu, là chúng ta đã " trao nộp" Đức Giê-su và "đóng đinh" Người.
        Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết hy sinh, biết từ bỏ tội lỗi để kết hiệp mật thiết với cuôc khổ nạn của Chúa mỗi ngày. Amen.

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

DẤU HIỆU NÀO CHO TÔI


                                              Thứ Ba Tuần Thánh

Một người trong anh em sẽ nộp Thầy...Gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.
 ( Ga 1338)

Một phút suy gẫm

        Con người ngày nay với những tiến bộ về khoa học dường như không còn tin vào phép lạ nữa. Tại sao Thiên Chúa không làm phép lạ để xóa tan nghi ngờ con người? Thiên Chúa có lối sư phạm riêng của Người. Thiên Chúa chọn con đường khiêm hạ để chinh phục con người. Cái chết của Người là dấu lạ cả thể nhất về tình yêu dành cho con người.
       Đức Giê-su đã đánh động Giu-đa. Người biết rõ những toan tính của ông: " Anh làm gì thì làm mau đi." Đó là " dấu chỉ" cho thấy Người muốn ông sám hối.
      Những " dấu chỉ" luôn hàm ẩn một ý nghĩa nào đó. Ngay cả thế giới tự nhiên cũng là " dấu chỉ" cho con người. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra điều Chúa muốn nói  đằng sau những  " dấu chỉ "  đó.
      Cái chết đến bất ngờ, không trừ một ai. Vì vậy hãy chuẩn bị kho tàng không bị hư nát Trên Trời ngay hôm nay. Những biến cố xảy ra đều mang một ý nghĩa nào đó. Điều quan trọng là có nhận ra ý nghĩa và sự can thiệp của Thiên Chúa trong những biến cố của cuộc đời mình.
      Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi sáng để chúng con có thể nhận ra được thánh ý Chúa trong từng biến cố của cuộc sống. Amen.


Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

NGƯỜI TÔI TRUNG

       alt

 Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. ( Ga 12,7)

Một phút suy gẫm

Lạy Chúa Giêsu,

        Năm xưa, gia đình Matta đã được diễm phúc đón rước Chúa viếng thăm. Ngày nay qua Bí tích Thánh Thể Chúa lại viếng thăm chúng con mỗi ngày. Chúa viếng thăm để gặp gỡ, để trao đổi, chia sẻ cảnh đời tha phương của chúng con.       Lạy Chúa Giêsu Thánh thể, chính tình yêu đã dẫn lối đưa đường để Chúa đến với chúng con. Theo lẽ thường, không có tình yêu, người ta sẽ không đến với nhau , không ở lại với nhau. Không có trao đổi nên cũng không có chia sẻ và đỡ nâng nhau. Chúa cũng vì yêu nên đã lưu lại nơi trái đất này. Điều này cũng nói lên một tình yêu ban tặng nhưng không của Chúa dành cho chúng con. Đây là một vinh hạnh thật lớn lao và vô cùng qúy báu. Vì ai đâu ngờ, trái đất nhỏ b.é so với vũ trụ bao la lại được vinh hạnh đón tiếp Chúa. Con người thọ tạo bé mọn lại được Thiên Chúa Đấng Tạo Thành viếng thăm. Amen

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

KHUÔN MẶT NÀO CHO TÔI

                                               

Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. ( Mt 26, 14 - 27,66)

Một phút suy gẫm

        Một trong những bức tranh nổi tiếng của danh họa Rembrandt, người Hà Lan, sống vào thế kỷ thứ XVII là bức họa " Ba Thập giá". Nhìn vào bức họa, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm, nơi Thập giá Đức Giê-su nổi bật giữa Thập giá của hai người bất lương. Dưới chân Thập giá là đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét, lẫn trong đám đông đó có cả khuôn mặt của tác giả.
       Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Đức Giê-su. Và qua sự có mặt của ông, Rembrandt muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng, họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Đức Giê-su.
       Trong Chúa Nhật Lễ Lá, Giáo hội đọc Bài Thương Khó để mời gọi các tín hữu cùng với Đức Giê-su bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng, mà đỉnh cao là cùng chịu khổ nạn với Người trong cuộc đời mỗi người. Bài Tin Mừng trình thuật ba khuôn mặt:
  1. Ông Giu-đa, chính là người đã nộp Thầy.
  1. Ông Phi-la-tô biết rõ Đức Giê-su vô tội. Nhưng vì tư lợi, ông đã giao Đức Giê-su cho sự cuồng loạn của đám đông.
  1. Ông Phê-rô là người đã chối Thầy. Nhưng từ sa ngã, ông đã đứng dậy và sau này lấy cả mạng sống mình mà làm chứng cho Đức Giê-su.
        Mỗi nhân vật ít nhiều đều phản ánh một khía cạnh nào đó nơi chúng ta. Không ít lần chúng ta đã " nộp" Chúa như ông Giu-đa khi sống giả hình. Không ít lần chúng ta như ông Phi-la-tô, trốn tránh làm chứng cho sự thật. Không ít lần chúng ta như ông Phê-rô đã chối Chúa, không dám tuyên xưng Đức Tin vì lợi ích bản thân. Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi lãng quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Đức Giê-su vào Thập giá.
        Lạy Chúa, xin giúp sức để chúng con luôn biết chọn Chúa là cùng đích, và xin giúp chúng con biết đứng lên sau mỗi lần sa ngã, với niềm trông cậy vào lòng thương xót của Ngài. Amen.


Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

NGƯỜI TÔI TRUNG

                                                    

Để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. ( Ga 11, 52

Một phút suy gẫm

     Tục ngữ có câu: " Làm ơn mắc oán." Trong tinh thần Gio-an cũng nói: " Người đã đến nhà mình, nhưng người chẳng chịu đón nhận." ( Ga 1, 11)
     Đức Giê-su là Ngôi Lời hằng hữu nhưng vì yêu thương, Người đã  "nhập thể" làm người và nên giống con người trong mọi sự...
     Dù sống kiếp con người, nhưng Đức Giê-su luôn sống phong thái của Con Thiên Chúa. Người đến để yêu thương, nói Lời của Chúa và chính Người là Lời, an ủi kẻ sầu đau, chữa lành kẻ tật nguyền,... và hơn hết, Người vâng phục Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá để nên dấu chỉ trao hiến tình yêu. Nhưng,  nhiều người D o Thái đã không nhận ra Người, bởi họ trông chờ một Đấng như ý họ mong muốn!
     Lạy Chúa Giê-su, Ngài đã " nhập thể" làm người để thi hành thánh ý Chúa Cha. Xin giúp chúng con luôn biết nhận ra và sống theo Thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Amen.

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

LÀM CON CHÚA


                                              

Nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thật sự là những người

 tự do ( Ga 8,36)

Một phút suy gẫm

        Theo thống kê của Uỷ ban Dân số - Gia đình và trẻ em, tính đến tháng 6 năm 2013, cả nước có khoảng trên 9000 trẻ em lang thang. Đây là những em không một mái nhà, không được tình cha nghĩa mẹ dưỡng nuôi và chắp cánh vào đời.
       Trong cuộc sống xô bồ hiện nay, ít ai dừng lại để cảm nghiệm, để nhận ra những hạnh phúc mìn đang có trong hiện tại. Tất cả đều là Hồng Ân của Thiên Chúa.
       Là Ki-tô hữu, chúng ta không đơn côi trên dương thế, ngoài gia đình là Giáo Hội thu nhỏ, chúng ta còn liên đới với ta nhân trong tình anh em cùng một Cha trên trời. Bởi vậy, chúng ta có trách nhiệm dẫn đưa anh em mình về cùng một mái nhà là Hội Thánh; đồng thời lo lắng để mọi người có được cuộc sống đúng với phẩm giá là con Chúa.
       Lạy Chúa, hạnh phúc là mơ ước của mỗi người. Xin cho chúng con cũng biết yêu quý gia đình Giáo hội, để nhờ đó chúng con được sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa là Cha và sống tình anh em một nhà với mọi người. Amen.

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

HÀNH TRÌNH

Thứ Ba sau CN V MC
                                             


Khi ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu. 

( Ga 8,28)

Một phút suy gẫm

        Một bạn trẻ ngoài Công giáo đã nói: " Sao người có đạo phải sống vất vả làm vậy, phải đi nhà thờ hàng tuần, phải giữ luật đạo một cách nghiêm khắc: không được bỏ lễ ngày Chúa Nhật, trong đời sống vợ chồng thì không được ly dị...."
         Là người Ki-tô hữu, việc thờ phượng Thiên Chúa là một bổn phận. Thiên Chúa dựng nên con người và cho con người được chia sẻ Tình yêu của Người. Vì vậy, chỉ ai sống trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa, mới cảm nghiệm được giá trị, ý nghĩa của việc thờ phượng Người.
        Thiên Chúa mời gọi chúng ta bước theo Người trong cuộc lữ hành trên trần thế để hướng về quê trời. Vì vậy, chúng ta ãy nhìn lên Đức Giê-su chịu đóng đinh. Người là đường, là sự thật và là sự sống, để mỗi bước đi trong đời được gần Chúa hơn trong cách ăn nết ở, trong niềm tin và hy vọng.
        Lạy Chúa, xin cho chúng con biết gắn bó mật thiết với Chúa Giê-su, Con của Cha để chúng con được sống dồi dào trong ngay phút hiện tại và luôn mãi mai sau. Amen.

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

XÉT ĐOÁN

                                        Untitled

Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước tiên. ( Ga 8, 7)

Một phút suy gẫm

        Cha ông ta thường nói: " Chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người."
        Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta thường bỏ qua nghững khiếm khuyết bản thân, nhưng dễ dàng kết án những thiếu sót của tha nhân.
       Tin Mừng kể lại: Người phụ nữ phạm tội đang bị đám đông xét xử và kết án. Ngược lại, Đức Giê-su, Đấng vô tội lại không kết án nhưng tha thứ và kêu mời sự sám hối.
       Thánh Augustino ghi nhận: chỉ còn lại con người yếu hèn và Đấng đầy lòng thương xót. Đức Giê-su không lấy luật mà truy xét, nhưng lấy tình thương mà sửa trị, chữa lành.
        Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn biết sống bao dung và tha thứ cho những người anh em vì chính Chúa đã luôn tha thứ cho những yếu đuối bất toàn của chúng con. Amen.

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

CUỘC ĐỜI CÓ CHÚA

                                     

                                

Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. ( Ga 11,25)

Một phút suy gẫm

        Anh Nick Vujicic, người không tay, không chân nổi tiếng khắp thế giới. Anh đi đến đâu, ngọn lửa hy vọng và tinh thần vượt khó được thổi bùng lên trong cuộc đời bao người. Anh có tài hùng biện, khôi hài và trên môi luôn nở nụ cười; và hơn ai hết, anh có sức thu hút các bạn trẻ cách lạ lùng. Người ta thắc mắc và không thể tin nổi, là một người khiếm khuyết tứ chi nhưng anh lại làm được biết bao việc phi thường trong tinh thần lạc quan và yêu đời. Đơn giản, anh Nick chia sẻ bí quyết: Anh tin có Chúa trong cuộc đời và Chúa luôn ở cùng anh, Chúa không bỏ rơi anh.
        Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cần có sự che chở của ai đó mà chúng ta tin cậy. Cũng vậy, vào lúc khốn quẩn, khó khăn cô Maria và Matta đã chờ Đức Giê-su hiện diện nhường nào. " Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." Dù tin vào Đức Giê-su, nhưng cô Maria và Matta chưa nhận ra rằng: Đức Giê-su không chỉ là Đấng Phục Sinh kẻ chết nhưng còn là Đấng mà ai tin vào Người sẽ không bao giờ chết.
       Ai có quyền trên sự sống, nếu không phải chỉ một mình Thiên Chúa! Đức Giê-su đã làm phép lạ " để họ tin" Chúa Cha đã sai Người; hầu ai tin cậy vào Người, Người sẽ chẳng để họ thất vọng trong khổ đau bao giờ.
        Lạy Chúa Giê-su, có những lúc chúng con cảm thấy tuyệt vọng trong cuộc sống, xin cho chúng con biết rằng, tựa nép bên lòng Chúa là chúng con được thảnh thơi an toàn, được vững tin trong cuộc sống. Amen.

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

KHỔ VÌ YÊU

                                                  
                                     
. Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng giờ của Người chưa đến. ( Ga 7, 30)

Một phút suy gẫm

 Người Do thái chỉ biết Ðức Giêsu xuất thân từ gia đình Nazarét, nhưng họ không biết Chúa Cha nên không tin nhận Ngài là Ðức Kitô. Còn Ðức Giêsu, Ngài biết Thiên Chúa, và thực sự Ngài là Ðấng Thiên Sai.      Biết Thiên Chúa và sống trong Thiên Chúa, đó là đích điểm cuộc đời mỗi người Kitô hữu. Ðể biết Thiên Chúa, chúng ta phải qua trung gian là Ðức Giêsu, con đường dẫn đến ơn cứu độ. Mỗi người chúng ta phải chuyên cần tìm hiểu, gặp gỡ Ðức Giêsu trong Thánh Kinh, trong cuộc đời và sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
 Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy cho chúng con biết: chỉ có Thiên Chúa mới là tuyệt đối; chỉ qua Ðức Giêsu chúng con mới thấy hạnh phúc đích thật. Xin Chúa ban Thánh Thần để Ngài hướng dẫn và dạy chúng con biết Ðức Kitô. Và qua Ðức Kitô, chúng con đến được với Thiên Chúa là Cha và là cùng đích của chúng con. Amen.


Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

LÀM CHỨNG

                                     Bible.jpg

Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy. ( Ga 5,45)

Một phút suy gẫm

        Trong một phiên tòa, bị cáo cần có luật sư bào chữa và các nhân chứng. Luật sư giỏi có thể giúp anh ta giải gỡ khó khăn, lời chứng của người có uy tín và thế giá thì có sức thuyết phục hơn là anh ta tự làm chứng về mình.
       Tin Mừng đề cập 3 lời chứng về Đức Giê-su. Lời chứng trực tiếp từ Chúa Cha, lời chứng cuả Gio-an Tẩy Gỉa và cuối cùng là qua những hành động của Người.
       Là người môn đệ, chúng ta cũng được mời gọi làm chứng về Đức Giê-su cho mọi người. Chúng ta không sợ hãi vì chính Đức Giê-su sẽ " ở cùng" và Thần Khí Thiên Chúa sẽ luôn đồng hành và bảo trợ trong những gian nan thử thách.
       Làm chứng về Đức Giê-su là một căn tính và là ơn gọi của tất cả những ai là môn đệ Người.
Lạy Chúa, xin ban Lời và trái tim của Chúa để chúng con biết phải sống và làm chứng như thế nào về tình yêu của Chúa. Amen.

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

GIỮ LUẬT

                                                        

Người ấy liền khỏi bệnh. ( Ga 5, 9)

Một phút suy gẫm

        Nếu có con lừa bị rơi xuống giếng ngày sa- bát, luật Do Thái cho phép người ta được xuống cứu con vật ấy mà không vi phạm luật. Nhưng trớ trêu thay, họ lại phản đối việc Đức Giê-su cứu chữa người bệnh!
       Đôi khi vì câu nệ lề luật khiến chúng ta trở thành kẻ mù quáng. Những người Do Thái giữ ngày Sa-bát thời Đức Giê-su là một trường hợp như vậy.
      Thay vì ngạc nhiên về sự lạ lùng xảy đến cho người bại liệt, người ta lại kết án hành vi phạm luật ngày nghỉ của anh. Nhưng ai đã khiến anhta vi phạm luật như thế?
      Chính ông Giê-su, Người đã dùng quyền năng Thiên Chúa để giải thoát con người khỏi sự trói buộc của tội lỗi. Nhưng người Do Thái đã không nhận ra mạc khải tình yêu đó.
      Giáo  hội mời gọi chúng ta dùng thời gian ngày Chúa Nhật đẻ thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ anh em. Vậy, chúng ta đang sống và giữ chay ngày Chúa Nhật như thế nào?
      Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống ngày Chúa Nhật thật hợp lý, để những việc con làm luôn mang lại lợi ích cho người khác và trở thành lời ca tụng Chúa không ngừng. Amen.