Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

TẤT CẢ VÌ NƯỚC TRỜI

                                                  

Người ấy bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng đó. ( Mt 13, 44)

Một phút suy gẫm

       Trong đời sống hằng ngày, vì lợi nhuận, các nhà doanh nghiệp chẳng ngần ngại đầu tư tiền bạc vào các công trình; vì muốn chiến thắng, các vận động viên đầu tư mọi sức lực vào việc luyện tập; vì tương lai, người trẻ sẵn sàng đầu tư chất xám và thời gian cho việc học hỏi... Tuy nhiên, có mấy ai tự hỏi " vì Nước Trời, tôi đã dám nghĩ tới chuyện đầu tư cho đức tin chưa nhỉ?".
        Đức Giê-su đã ví Nước Trời giống như kho báu và viên ngọc quý. Nếu trong cuộc sống, kho báu và ngọc quý được quý chuộng như thế nào thì Nước Trời cũng giống như vậy. Hai dụ ngôn này có cùng một ý nghĩa: Nước Trời rất quý giá nên đáng cho người ta bán tất cả những gì mình có để đổi lấy.
        Nước Trời đã được Đức Giê-su loan báo và Người đảm bảo cho chúng ta một chỗ. Tuy nhiên, để đạt được một chỗ trong Nước Trời, chúng ta phải biết từ bỏ, hy sinh và chế ngự ham muốn vật chất. Qủa vậy, chúng ta biết rằng cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ và của cải chúng ta có cũng chỉ là những thứ chóng qua. Do đó, tại sao hôm nay chúng ta không dám tự ý từ bỏ mọi sự để đi tìm Nước Trời? Đâu là cản trở thực sự khiến chúng ta không thể đến gần Chúa?

        Lạy Chúa, qua hình ảnh Nước Trời mà Chúa giới thiệu, xin cho chúng con biết sẵn sàng đánh đổi tất cả, để chúng con đạt được một chỗ trong Nước Trời. Amen.


Ngày 31 tháng 7: Thánh Inhaxiô Loyola, linh mục (1491-1556) - Lễ nhớ


Inhaxio_Loyola

       Thánh Inhaxiô Loyola qua đời tại Roma ngày 31 tháng Bảy năm 1556 và được phong thánh năm 1622. Ngài đã sống trong một thời kỳ nổi bật chủ nghĩa lạc quan nhân bản và chủ trương sức mạnh cá nhân vốn là đặc trưng của phong trào baroque.
       Inigo Lopez de Loyola sinh năm 1491, là con thứ mười một trong một gia đình hiệp sĩ nổi tiếng vùng Basque, Tây Ban Nha. Sau một thời gian sống tại triều đình ở Castille và một thời thanh xuân không mấy đáng khích lệ, Inigo gia nhập quân ngũ. Bị thương nặng trong cuộc vây hãm Pampelune (1521) do François IV tấn công, Inigo đành phải chịu đựng một giai đoạn dưỡng thương dài tại lâu đài gia đình. Trong thời gian dưỡng thương bắt buộc, cậu mê say đọc các tiểu thuyết hiệp sĩ và cả một số tác phẩm về cuộc đời Chúa Giêsu và các thánh. Được Ơn Chúa thúc đẩy, Inigo de Loyola trở lại vào chính năm Luther bị khủng hoảng, rút lui về lâu đài Wartburg ở Đức. Từ đây cuộc đời Inigo bước qua nhiều chặng đường khác nhau. Trước tiên là Catalogne, tại đây Inigo dừng chân trong một buổi canh thức theo tập tục người hiệp sĩ, trước tượng Đức Mẹ ở Montserrat. Tiếp đến, tại Manrèse, trong một hang đá, ngài bắt đầu ghi những điểm đầu tiên trong cuốn Linh thao sẽ là cơ bản cho linh đạo của Dòng Tên. Năm 1523, ngài hành hương sang Jérusalem. Từ 1524 đến 1527, theo học ở Tây Ban Nha, buổi đầu ở Barcelone, về sau ở Salamanque. Tại Barcelone, bị coi là "người ảo tưởng", Inigo bị bỏ tù, cũng như sau này ở Salamanque bị tố cáo là "tâm thần".
        Năm 1528, Inigo đến Paris, ở đó đến 1535, ban đầu là sinh viên, về sau là "tiến sĩ nghệ thuật" (maýtre ès arts) (dạy triết học). Chính tại Paris năm 1534, Thánh Inhaxiô thâu nhận các người bạn đầu tiên, trong đó có Thánh Phanxicô Xavie, để chia sẻ lý tưởng với mình. Tại Montmartre, trong nhà nguyện các thánh tử đạo, các ngài tuyên khấn ba lời khấn dòng thông thường, ngoài ra còn thêm lời khấn đi truyền giáo cho lương dân tại Đất Thánh và nếu dự tính không thể thực hiện thì sẵn sàng tuân theo ý Đức Giáo Hoàng. Năm 1537, sau khi thụ phong linh mục, Thánh Inhaxiô cùng các bạn sang Roma, nhưng không thể sang Palestine vì đang có chiến tranh giữa Venise với quốc vương Hồi Giáo, Đức Phaolô III sai các ngài đến các điểm truyền giáo ở Italia, và năm 1540, Đức Giáo Hoàng phê chuẩn luật Dòng Chúa Giêsu. Thánh Inhaxiô Loyola là bề trên tổng quyền đầu tiên của dòng. Hiến pháp cố định của dòng được phê chuẩn năm 1550.
        Thánh Inhaxiô qua đời tại Roma, thọ 65 tuổi, sau thời gian làm bề trên tổng quyền mười lăm năm.

     Ðức Thánh Cha Phaolô V tuyên ngài vào hàng ngũ các Chân Phước vào năm 1609. Ngày 12 tháng 3 năm 1622, Ðức Thánh Cha Urbanô VIII tuyên ngài vào hàng ngũ các Hiển Thánh và năm 1922, Ðức Thánh Cha Piô XI phong ngài làm Ðấng Bảo Trợ những tuần tĩnh tâm.



Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI

                                       

              Như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. (Mt 13,40)

Một phút suy gẫm

        Cỏ lùng và lúa tuy là hai loại khác nhau, nhưng rất khó phân biệt khi chúng cùng lớn lên trong ruộng lúa. Để cho cây lúa phát triển tốt, người nông dân phải tìm mọi cách loại bỏ cỏ lùng trong ruộng lúa mình. Lý do là không diệt cỏ lùng đi thì khi lớn lên, cỏ lùng sẽ lấn át và có thể làm chết cây lúa.
      Tuy nhiên trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su lại dạy làm điều ngược lại. Hãy để cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, chắc hẳn ở đây phải có lý do. Đức Giê-su giải thích lý do Người kiên nhẫn cho đến ngày cuối cùng là vì Người yêu thương chờ đợi sự hối cải của con người. Thật thế, vì tình thương, Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta. Chờ đợi để chúng ta biết tìm kiếm và nuôi dưỡng những điều tốt đẹp, chờ đợi để chúng ta biết sửa sai lỗi lầm. Thiên Chúa cho chúng ta có đủ thời gian và cơ hội để làm những điều tốt, nhưng quan trọng là chúng ta có biết tận dụng hay không.

    Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nghiệm được lòng nhân từ của Chúa, để chúng con biết được rằng, dù có như thế nào chăng nữa, Chúa vẫn luôn chờ đợi chúng con hối cải. Amen.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

CHỊ CÓ TIN THẾ KHÔNG?

                                     

Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, con Thiên Chúa. (Ga 11, 27)

Một phút suy gẫm

       Trong những lần hành hương kính Đức Mẹ ở La Vang, chúng ta thường chứng kiến một cách cầu nguyện đặc biệt của các tín hữu: dùng tay chạm vào Đức Mẹ rồi xoa trên cơ thể mình với niềm hy vọng sẽ được Ngài chữa bệnh xác hồn.
       Khi cô Matta đang than khóc về cái chết của em mình là Lazaro và nhà đang đầy khách đến chia buồn, thì cô nghe biết Đức Giê-su đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, cô bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Đức Giê-su.
       Cuộc đối thoại của Matta với Đức Giê-su chứng tỏ dức tin và sự can đảm của cô. Trong cuộc đối thoại Matta khẳng định rõ ràng là cô tin vào quyền năng của Đức Giê-su, tin vào sự Phục Sinh, và nhất là tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa.
       Dựa vào thế giá của Đức Giê-su, cô đã dám tin một điều tưởng như không thể xảy ra: Em mình đã chết bốn ngày sống lại! Qua dấu lạ này, cô được mời gọi tiến đến một niềm tin cao xa và sâu xa hơn. Ai sống và tin vào  Đức Giê-su sẽ không bao giờ phải chết và Người chính là Đấng phải đến thế gian.

    Lạy Chúa Giê-su, thánh nữ Matta đã tin vào quyền năng và tình thương của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết noi gương thánh nữ, luôn tin tưởng và phó thác vào lòng nhân lành Chúa. Amen.


Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

CẦU NGUYỆN

                                                     

Anh em cứ xin thì sẽ được. ( Lc 11,9)

Một phút suy gẫm

       Cầu nguyện là nhu cầu tôn giáo tôn giáo cần thiết rất đỗi bình thường đối với con người. Khi gặp cảnh khó khăn, người ta thường bày tỏ tâm tình bằng cách cầu nguyện. Tuy nhiên cầu nguyện như thế nào cho phải thì rất ít người làm được. Các môn đệ là những người theo Đức Giê-su, đã từng chứng kiến người cầu nguyện; thế mà vẫn xin Đức Giê-su chỉ cho cách thức cầu nguyện. Thấy được nhu cầu của các môn đệ. Đức Giê-su đã không ngần ngại dạy các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha tóm kết những điều then chốt nhất cần phải có khi cầu nguyện.
       Thái độ cần có khi cầu nguyện là phải kiên trì. Để minh họa cho thái độ kiên trì, Đức Giê-su diễn tả thái độ cầu nguyện qua dụ ngôn " người bạn quấy rầy". Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tất cả, nên Người biết chúng ta cần gì, thiếu gì, biết ơn nào ích lợi cho chúng ta hơn. Chúng ta chỉ cần vững lòng tin vào Người, kiên nhẫn chờ đợi và thanh luyện động cơ trong đời sống cầu nguyện của chúng ta.

    Lạy Chúa, cầu nguyện rất cần thiết với chúng con, xin cho chúng con biết luôn chạy đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, và xin cho chúng con luôn biết kiên trì khi cầu nguyện. Amen.

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

THỬA RUỘNG

                                   


Cứ để cả hai lớn lên cho tới mùa gặt. (Mt 13, 30)

Một phút suy gẫm

       " Nước Trời ví như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình". Thửa ruộng ở đây chính là Hội Thánh. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã rộng tay gieo vãi sự thật, niềm cậy trông, bác ái, tình yêu chân chính... nhưng kẻ thù của Chúa là Xa- tan cũng ra sức gieo vào lòng Hội Thánh sự lầm lạc, óc tranh chấp... Vì thế, có những lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi, không đủ kiên nhẫn và cậy trông, nên đã kêu xin Chúa mau quét sạch những cái xấu xa ra khỏi thửa ruộng này. Thế nhưng, Chúa lại muốn chúng ta phải kiên nhẫn đợi chờ cho tới khi mùa gặt tới. Lúc đó, chúng ta sẽ rất dễ phân biệt cỏ lùng với  lúa tốt. Trong giờ phán xét, người lành kẻ dữ, điều tốt điều xấu, tất cả sẽ được phân định rõ ràng và Hội Thánh sẽ trở nên thánh thiện như lòng Chúa mong ước.

      Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sửa đổi các nết xấu và luyện tập các nhân đức, để khi đến giờ phán xét chúng con được trở nên những chi thể tốt lành trong Hội Thánh của Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

CHÚC LÀNH


Gioakim__Anna


THÁNH GIO-A-KIM và THÁNH ANNA, song thân của ĐỨC MARIA, ngày 26/7Mt 13, 1-9CHA MẸ TUYỆT VỜI

     Cây thấy xanh tươi chưa chắc là đã tốt, nhưng phải là cây cho sinh nhiều hoa trái xinh tươi. Mẹ Maria là hoa trái quí hóa, tuyệt vời của ông bà thánh Gio-a-kim và Anna…Dù rằng Tin Mừng không ghi lại điều gì về cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria, nhưng thánh truyền đã đề cập đến vai trò của hai ông bà Gio-a-kim và Anna. Ta đi ngược dòng lịch sử cứu độ để hiểu hơn vai trò của thánh Gio-a-kim và thánh Anna. Thánh Gio-a-kim và thánh Anna có thể là cầu nối giữa Cựu Ước và Tân ước, giữa Israen cũ và Israen mới. Hai vị thánh này đã được Thiên Chúa tuyển chọn, chúc phúc và ban nhiều ân huệ quí giá, qua đó, các Ngài sinh ra Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Đức Giêsu…     Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay đề cập đến người gieo giống. Gieo giống là dấu hiệu của hy vọng. Nước Trời như mầm non đang chồi lên từ mặt đất khắp đó đây mà hạt giống ở dưới đất ta đâu có thấy được chúng, ta đâu có nghe đượctiếng khi chúng đang tí tách vươn mình lên khỏi đất. Đức Hồng y Etchaygaray đã nói một câu rất chí lý:” Người ta dễ nghe tiếng cây đổ, nhưng có hàng triệu triệu hạt mầm đang tí tách vươn mình khỏi đất, nào ta có nghe được tiếng kêu. Thánh Gio-akim và thánh Anna là những cây tươi tốt, đã từng là những hạt giống tốt xinh, đã hiện diện ở cuộc đời này và sinh ra hoa trái rất tốt tươi là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Con Thiên Chúa. Quả thực, chính hạt giống là hai thánh Gio-a-kim và Anna đã chịu thối  đi trong lòng đất, nên đã sinh ra hoa trái xinh tươi là Đức Giêsu Kitô.      Thánh Gio-a-kim tượng trưng cho người gia trưởng mẫu mực đạo đức, thánh thiện và luôn sẵn sàng bảo vệ, nâng đỡ bà thánh Anna, còn bà thánh Anna được tôn sùng như mẫu gương của các bà mẹ, đồng thời Hội Thánh tặng cho bà danh hiệu Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria. Sách nguyï thư của thánh Giacôbê có ghi: “ Hai ông bà đã già mà không có con, đây là một thử thách lớn lao của hai ông bà, nhưng cuối cùng thiên thần Chúa đã hiện ra loan báo cho hai ông bà một tin vui mừng: bà sẽ thụ thai và sinh ra Đức Trinh Nữ Maria và hai ông bà đã dâng Đức Mẹ trong đền thờ cho Thiên Chúa “.      Hội Thánh đã chọn ngày 26/7 hằng năm kính nhớ hai thánh Gio-a-kim và Anna. Lòng sùng hai vị thánh này đã có từ cổ xưa và ngày nay đã lan trànn khắp thế giới.      “Lạy thánh Gioakim và thánh Anna, đôi bạn hạnh phúc, tất cả mọi tạo vật đều mang ơn các Ngài, vì nhờ các Ngài mà tạo vật đã dâng lên cho Đấng Hóa Công một lễ vật cao trọng, đó chính là Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa “ ( lời cầu của thánh Đamascênô ).       Xin cho mỗi người chúng con luôn noi gương bắt chứoc hai thánh Gioakim và thánh Anna luôn hết lòng tôn vinh tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Amen.

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

THƯA UỐNG NỔI

                                                

THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ, (St. James, Apostle)

Ngày 25/7

 Chén của Thầy, các người sẽ uống. (Mt 20,23)

Một phút suy gẫm



        Đọc lại ơn gọi của các thánh tông đồ, nhân loại không khỏi ngạc nhiên vì tính cách huyền nhiệm và diệu kỳ của Thiên Chúa trên từng con người, trên từng cá nhân. Tin Mừng của thánh Matthêu viết:” Đang đi dọc theo biển hồ Galilê, Chúa Giêsu thấy ông Giacôbê, con ông Dê-bê-đê, và ngươi em là ông Gio-an, cả hai đang vá lưới”( Mt 4, 18.21 ).

ƠN GỌI CỦA THÁNH GIACÔBÊ

       Chúa muốn gọi ai là tùy ý Chúa, không ai có quyền buộc Chúa phải làm thế này, phải làm thế khác. Ơn gọi là một ơn huệ nhưng không của Chúa. Thánh Giacôbê là anh của thánh Gioan, con của ông Dêbêđê. Thánh nhân là bạn đồng nghiệp với thánh Phêrô và thánh Anrê, tất cả đều làm nghề chài lưới và là những tay chài thiện nghệ. Các Ngài đã làm nghề cổ truyền này từ đời cha ông và nay  họ vẫn tiếp tục sống bằng nghề đánh cá ở biển hồ Giênêsarét. Thánh Matthêu đã tường thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên như sau:” Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông:” Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người”( Mt 4, 18-22 ). Tin Mừng nói: Chúa gọi và lập tức họ bỏ tất cả mà theo Chúa Giêsu. Đó là một sự lạ lùng vì chỉ một tiếng gọi, các môn đệ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Thánh Giacôbê dù rằng có bị mang tiếng vì bà mẹ của hai người con ông Dêbêđê đã suy nghĩ theo ý trần gian xin cho một ông ngồi bên tả, một ông ngồi bên hữu Chúa trong vương quốc của Ngài, nhưng với sự tác động của Chúa Thánh Thần và với sự thay đổi của ơn Chúa, thánh Giacôbê và thánh Gioan đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Chúa.

THÁNH GIACÔBÊ TRỞ THÀNH NGƯỜI THÂN THIẾT CỦA CHÚA

        Được Chúa yêu thương, cải hóa, biến đổi, thánh Giacôbê đã trở nên người thân cận của
Chúa, cùng với thánh Phêrô và thánh Gioan. Thánh nhân đã được chứng kiến con ông Zairô Chúa làm cho sống lại, việc chúa biến hình trên núi Tabôrê, và cơn hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu. Tất cả những điều đó nói lên con người đặc biệt và vô cùng thân tín của Ngài đối với Chúa Giêsu. Chính vì được yêu mến tin tưởng, thánh Giacôbê đã được phước trở thành người tử đạo tông đồ đầu tiên đã đổ máu ra để minh chứng choChúa Giêsu phục sinh dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I năm 43 hoặc 44 trước lễ phục sinh. Chúa đã trao  chén đắng cho Ngài và Ngài đã chấp nhận uống chén đắng Thầy trao. Chúa đã thưởng công và trao mũ triều thiên cho Ngài. Thánh nhân đã được tôn kính đặc biệt trên thế giới từ thế kỷ IX và lòng tôn kính thánh nhân toả lan khắp thế giới.

       Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho thánh Giacôbê vinh dự là tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho Hội Thánh tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của thánh nhân, và nhờ Người cầu thay nguyện giúp, Hội Thánh được luôn nâng đỡ phù trì.
       Lạy Chúa, xin cho người tông đồ hôm nay biết lắng nghe Lời Chúa để đón nhận những giáo huấn của Chúa, để sống trọn vẹn cho Chúa như gương Thánh Gia-cô-bê tông đồ khi xưa. Amen.

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

HẠT GIỐNG TỐT

                                                    

Hạt được gấp trăm. (Mt 13, 8)

Một phút suy gẫm

        Trong thế giới của loài cây ăn trái, mỗi loài cây đều thích ứng với từng loài đất trên các vùng miền khác nhau. Ví dụ như: dù chúng ta có sử dụng hạt giống vải tốt gieo vào mảnh đất miền Nam để trồng thì kết quả sẽ là những quả vải không ngọt và tốt như nó trồng tại miền Bắc.
        Người gieo giống bao giờ cũng mong ước cho hạt giống sinh hoa kết quả tốt. Vì thế, hạt giống bao giờ cũng được chọn lựa, nghĩa là phải tốt và có tiềm năng sinh hoa kết quả tốt. Nhưng khi được gieo xuống đất thì còn phải tùy thuộc vào thửa đất có thuận tiện hay không!
        Thật vậy, ơn Chúa và những việc Chúa làm làm cho chúng ta bao giờ cũng hứa hẹn hiệu quả cao nhất cho phần rổi của chúng ta. Tuy nhiên, hiệu quả này còn tùy thuộc vào thái độ đón nhận của mọi người chúng ta nữa. Vì thế,, chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng và tươm tất cho việc đón nhận ơn Chúa ban qua các Bí tích.

     Lạy Chúa, Lời Chúa là hạt giống tốt đã được gieo vào tâm hồn chúng con, thì xin cho chúng con biết ăn năn sám hối và xưng thú những lỗi lầm đã phạm với Chúa và tha nhân, dể tâm hồn chúng con trở nên thửa đất tốt cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả gấp trăm, gấp năm mươi, gấp ba mươi. Amen.


Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

GIA ĐÌNH

                                         

Đức Giê-su giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi." (Mt 12, 49)

Một phút suy gẫm

        Ngày nay, rất nhiều gia đình trên thế giới bị tan rã, đổ vỡ bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, nguyên nhân thường gặp của tình trạng trên là do người ta đặt nền tảng hôn nhân gia đình dựa vào những điều kiện giá trị vật chất, hoặc những lợi ích cá nhân, trái lại, họ ít nghĩ đến sự kết hợp đời sống thiêng liêng của từng thành viên trong gia đình với nhau.
       Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Giê-su đã sống thân phận con người trong một gia đình tự nhiên. Trong gia đình này, Người là con bà Ma-ri-a và ông Giu-se, có mối liên hệ máu mủ với những người họ hàng. Nhưng hôm nay, khi Đức Giê-su hỏi: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" là nhằm gây sự chú ý để giới thiệu cho mọi người về một gia đình thiêng liêng. Qủa thực, Đức Giê-su đã giới thiệu những người đang lắng nghe Lời Chúa là thành viên trong gia đình thiêng liêng này: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi". Những thành viên này trở nên anh em với nhau bằng cách thi hành ý muốn của Chúa Cha là làm cho mọi người được ơn cứu độ.

     Lạy Chúa, nhờ ơn Chúa ban mà chúng con được làm con cái Chúa, xin cho đời sống chúng con luôn là chứng tá cho ơn cứu độ của Chúa, hầu làm cho những người xung quanh nhận ra tình Chúa thương để tin nhận vào Chúa mà trở thành con cái Chúa luôn. Amen.

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

TÔI ĐÃ THẤY

                                                     

Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?

Một phút suy gẫm

        Một người Ki-tô hữu nọ luôn thích đi đến từng nhà trong xóm làng để giảng đạo. Thế nhưng, khi trở về nhà mình, anh ta không ngừng mắng nhiếc vợ con và đánh đập họ. Một lần kia, anh bước vào nhà một người ngoại đạo và chuẩn bị giảng đạo, tức thì cụ già lên tiếng: "Anh không cần nói nhiều, đời sống của anh khiến tôi nhận ra anh có phải là người môn đệ đích thực của Chúa Giê-su hay không?"
       Câu chuyện trên là lời cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta. Bà Ma-ri-a Mac-đa-la trong bài Tin Mừng hôm nay là mẫu gương cho những ai muốn trở thành môn đệ của Đức Giê-su. Bà đã tha thiết yêu mến Đức Giê-su nên đi theo và phục vụ Người theo hoàn cảnh và khả năng của mình. Bà cũng là người đầu tiên được diễm phúc gặp Chúa Phục Sinh và được sai đi báo cho các môn đệ.
      Do vậy việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh là việc của mọi người chứ không dành riêng cho ai hay cấp bậc nào, nhưng cách thế loan báo lại tùy thuộc vào sứ mạng của mỗi người.

    Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết noi gương Thánh nữ Ma-ri-a Ma-da-lê-na mà làm việc Tông đồ cách âm thầm, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình, để Tin Mừng của Chúa được vang xa. Amen.

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

LÒNG TỐT

                                    
                

Cô Mác-ta đón Đức Giê-su vào nhà. Cô Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất. (Lc 10,42)

Một phút suy gẫm



        Hai người phụ nữ trong Tin Mừng cho thấy hai cách gặp Chúa. Ta có thể gặp Chúa khi nghe Lời của Ngài. Ta cũng có thể gặp Chúa qua những hoạt động bác ái. Cả hai cách gặp Chúa đều đáng khích lệ. Người tín hữu không thể chỉ chọn một trong hai, mà mỗi người đều phải chuyên tâm cầu nguyện và thực hành bác ái. Hai phương pháp ấy bổ túc cho nhau: khi chuyên tâm cầu nguyện, công việc bác ái của chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái hơn; khi nhiệt thành làm việc thiện, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ sâu sắc và thực tế hơn, vì ta được gặp Chúa trong anh chị em mình, nhất là nơi những người nghèo khổ bất hạnh.
     Mac-ta tượng trưng cho người tận tình phục vụ, nhưng bị công việc và sự náo nhiệt làm cho tâm hồn ra sao nhãng. Ma-ri-a mới là hình ảnh của người môn đệ chân chính của Đức Giê-su: ngồi bên chân Chúa và nghe lời Chúa dạy. Đây là cách chọn phần tốt nhất.
     Lạy Chúa, chúng con thường chứng minh tình yêu của mình đối với Chúa bằng cách loại trừ tính xấu và tập luyện các nhân đức. Nhưng hôm nay, Chúa lại muốn chúng con tiến thêm một bước nữa, đó là giữa những điều tốt nhất đáp trả tình Chúa yêu thương con. Xin cho chúng con biết làm sáng danh Chúa qua những điều tốt chúng con thực hiện. Amen.

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

NGƯỜI CHỮA LÀNH HẾT

                                             

Đức Giê-su cấm dân chúng không được tiết lộ Người là ai, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I- sai -a đã nói. (Mt 12, 15)

Một phút suy gẫm

        Khi còn trẻ, thánh nữ Tê-rê-sa Giê-su đã bị bệnh nặng hầu như không có thuốc chữa. Mọi người đều thương tiếc và đợi ngày Chúa gọi cô về. Thế nhưng nhờ lời cầu xin thống thiết và lòng tín thác vào tình thương Chúa, cô đã được cứu chữa và khỏe mạnh. Sau đó, cô dâng hiến trọn cuộc đời cho Chúa và trở thành vị đại thánh của Giáo hội.
        Để kêu gọi mọi người ăn năn sám hối cải thiện đời sống, Đức Giê-su đã thực hiện nhiều phép lạ. Những phép lạ đó chứng tỏ Người đích thực là Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa. Sứ mạng của Người là đem lại cho muôn dân sự bình an đích thực. Chính vì thế, Người đã đến để đồng cảm, chia sẻ và cứu chữa những con người khốn khổ. Bất cứ ai đến với Người và đặt niềm tín thác vào tình yêu củaThiên Chúa đều được chữa lành.
        Là môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi chạy đến cùng Người để được chữa lành. Đức Giê-su đi vào thế gian để đem bình an, hạnh phúc và sự tha thứ cho mọi người. Chúng ta là những cánh tay nối dài của Chúa để tiếp tục thực hiện sứ vụ " chữa lành" bệnh tật tinh thần cho tha nhân.

      Lạy Chúa, có những rào cản khiến chúng con không thể đến gần Chúa để được chữa lành. Những rào cản đó có thể từ bên trong chúng con, nhưng cũng có thể từ bên ngoài. Xin giúp chúng con vượt qua những rào cản đó, đồng thời năng đến với Chúa để kín múc nguồn sức mạnh thần linh. Amen.


Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

TA MUỐN LÒNG NHÂN CHỨ ĐÂU CẦN LỄ TẾ

                                             

                                         Mc2_23-28.jpg

Con người làm chủ ngày Sabat. (Mt 12, 8)

Một phút suy gẫm

       Người con thứ nghèo khổ nhưng hiếu thảo, luôn cố gắng làm việc phụng dưỡng cha. Người con cả giàu có hàng tháng gửi tiền về cho cha mẹ, nhưng rất hiềm khi thăm hỏi, an ủi và quan tâm đến cha mẹ những khi ốm.
       Đức Giê-su không ngần ngại quở trách những người Pha-ri-sêu vì thái độ giả hình của họ. Họ cố giữ những lề luật cho nghiêm nhặt không phải vì yêu mến Chúa, nhưng muốn được người khác khen và coi trọng. Họ bị nô lệ cho lề luật mà quên đi giá trị đích thực của lề luật là hướng con người đến hạnh phúc. Đức Giê-su nhấn mạnh đến vai trò của đức ái trong đời sống. Không có đức ái, con người không thể đến gần Thiên Chúa vì Người là Tình yêu.
      Đức ái là tiêu chuẩn cho hành động của người môn đệ Đức Giê-su. Vậy đối với chúng ta, đức ái ở vị trí nào trong nấc thang giá trị sống và hành động của mỗi người.

     Lạy Chúa, chúng con rất dễ nhìn thấy thói xấu của người khác và hay chê bai, nhưng lại không can đảm nhìn lại chính mình. Chúng con dễ lên án nhưng lại khó tha thứ cho người anh em của mình. Xin dùng chúng con như khí cụ bình an của Chúa, qua đó mọi người nhận ra và yêu mến Chúa. Amen.

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

HÃY ĐẾN CÙNG GIÊ-SU

                                 


Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng ( Mt 11, 30)

Một phút suy gẫm

          " Con người có một điều tuyệt đẹp, đó là khả năng cầu nguyện và yêu thương. Bạn cầu nguyện, bạn yêu thương, đây chính là hạnh phúc của con người trên trái đất này... Cầu nguyện là nếm hưởng trước Thiên Đàng" ( Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê).       

         Đức Giê-su mời gọi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với Người. Đến với Đức Giê-su không phải để Người cất đi gánh nặng, nhưng đến với Đức Giê-su để được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Nơi trái tim nhân hậu của Người, chúng ta kín múc nguồn bình an và sức mạnh để vượt thắng những đau khổ, thất vọng và bất công trong cuộc sống.      

           Đáp lại lời yêu thương của Chúa, hôm nay, mỗi người cần dành một chút thời gian để lắng nghe Chúa trong thinh lặng. Hãy đặt tất cả những khó nhọc vất vả nơi trái tim nhân hậu của Chúa, để nhờ Người, chúng ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Chắc chắn Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta, nhưng luôn đồng hành và nâng đỡ mỗi khi chúng ta cần đến Người.     

           Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra vẻ đẹp và lòng nhân hậu của Chúa để luôn biết chạy đến với Người khi vui cũng như lúc buồn. Xin bổ sức để chúng con can đảm sống Lời Chúa mỗi ngày. Amen.

                             Lạy Chúa, xin hãy ban cho con tâm hồn bác ái,
                             Nguồn bác ái chính trung yêu mọi người và chẳng trừ ai.
                             Lạy Chúa, xin hãy đong tim con đầy tình nhân ái,
                             Cho con say mến Chúa và bác ái với cả mọi người
                                                                                         (Chính Trung)

        


Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

CON XIN NGỢI KHEN CHA

                                               

Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha (Mt 11, 25)

Một phút suy gẫm

                     Con xin sấp mình tôn thờ Thiên Chúa,
                     Lòng Xót Thương cứu chữa tội nhân.
                     Làm sao đền đáp cho cân
                     Nguyện xin dâng Chúa tấm thân mọn hèn.

        Thiên Chúa, Đấng Khôn Ngoan, đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những " người bé mọn " nhưng lại giấu không cho những " người khôn ngoan " biết. Vì " người khôn ngoan " đời này không chấp nhận cái " thiếu" của bản thân để được Chúa lấp đầy. Trái lại,, " người bé mọn " luôn ý thức mình " thiếu " và luôn cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
        Chúng ta chỉ sống thực sự khi cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha nhân từ, Đấng không những sáng tạo mà còn cứu chuộc chúng ta bằng bửu huyết của của Đức Giê-su, Con Một Người. Chính nơi Người, chúng ta mới tìm thấy niềm vui và hạnh phúc đích thực.

     Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ca tụng Chúa mỗi ngày qua công việc, thời gian và cuộc sống vui buồn của chúng con. Xin dạy chúng con biết chiêm ngắm kỳ công của Chúa sáng tạo và quan phòng, để không ngừng tán dương tình thương của Ngài. Amen.



Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

SÁM HỐI

                                        chuavacanhdong.jpg

Đến ngày phán xét, thành Tia, thành Xi-đôn và đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. (Mt 11, 20-24)

Một phút suy gẫm

        Từ ngữ " sám hối " theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là thay đổi tư tưởng của một con người. Như thế, tin vào Đức Giê-su và tiếp bước sứ mạng của người đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách sống của chính mình hằng ngày.
      Đức Giê-su khiển trách  dân  thành Kho- ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um vì chứng kiến nhiều phép lạ Người làm nhưng vẫn ngoan cố không tin. Nguyên nhân là sự kiêu ngạo và lòng dạ hẹp hòi của họ. Họ không chịu mở tâm hồn ra để hạt giống Lời Chúa đi vào và sinh hoa kết trái.
      Ngày nay, tuy con người có nhiều tiện nghi về vật chất hơn, nhưng tính tự kiêu, sự ích kỷ, lòng tham lam và sự gian dối cũng tăng theo. Đó thực sự là những rào cản khiến Lời Chúa không thể thâm nhập và làm biến đổi cuộc sống của con người.
     Sống tinh thần sám hối là trở về với Chúa, với chính mình mỗi ngày để sửa đổi bản thân và nên hoàn thiện hơn trong cuộc sống. Sám hối luôn đi đôi với ăn chay cầu nguyện. Đây là những điều kiện trở về với Chúa và đón nhận ân sủng của Ngài.
    Lạy Chúa, xin cho con nhận ra những yếu đuối của bản thân, và xin ban sức mạnh để giúp con hoán cải. Xin giúp con biết từ bỏ chính mình hằng ngày qua những hy sinh nhỏ bé, để " cái tôi " của con nhỏ đi và ý Chúa lớn lên mỗi ngày. Amen
Đức Mẹ Camêlô - 16/07

Đức Mẹ Núi Camêlô

Núi Camêlô là nơi ngôn sứ Êlia ẩn trú trong cơn bách hại, để bảo vệ niềm tin cho mình và cho những người muốn trung thành với Chúa.Dần dần những người muốn dâng mình cho Chúa tụ họp về đây, tập sống đời nhiệm nhặt, ăn chay hãm mình, cầu nguyện. Năm 38, họ xây cất một nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ Maria và chọn Đức Mẹ làm Đấng Bảo trợ cho cả cộng đoàn. Dòng Đức Mẹ Núi Camêlô xuất hiện từ đó, và được Đức Giáo Hoàng Hônôriút thứ 3 chuẩn nhận năm 1226.
Trong thời gian người Hồi giáo tấn công Thánh địa, tàn sát người Công giáo, các đan sĩ dòng phải rời bỏ núi Camêlô, chạy về nước Pháp, thành lập nhà dòng ở đây và cũng đến lập dòng tại nước Anh. Chính nơi đây, nhà dòng được tiếp nhận Thánh Simon Stóckô vào dòng. Và năm 1245, Thánh nhân nhận làm bề trên dòng. Ngài chỉnh đốn lại nếp sống các đan sĩ, đặc biệt củng cố lại lòng sùng kính Đức Mẹ.
Thánh nhân tha thiết kêu xin Đức Mẹ ban cho nhà dòng một ân huệ. Tương truyền ngày 16 tháng 07 năm 1251, Đức Mẹ đã hiện ra với Ngài. Đức Mẹ mặc áo Dòng Camêlô, xung quanh có thiên thần hầu cận, nét mặt tươi cười tay cầm chiếc “áo Đức Bà Camêlô” trao cho Ngài và bảo: “Hãy nhận lấy bộ áo dòng này Mẹ ban cho dòng và cho tu sĩ như dấu chỉ của lòng ưu ái và sự săn sóc Mẹ dành cho các con. Đây là dấu hiệu cứu rỗi. Giải thoát mọi hiểm nguy. Ai chết mà mang biểu hiện bình an này, sẽ khỏi bị lửa thiêu đời đời và Mẹ sẽ cứu họ khỏi lửa luyện tội vào ngày thứ bảy sau khi họ qua đời”.
Ngày lễ kính Đức Mẹ Camêlô hôm nay nhắc lại việc Đức Mẹ ban ân huệ đó. Và gốc tích Áo Đức Bà Camêlô phát xuất từ đây.
Ngoài ra, Đức Mẹ cũng cho Đức Giáo Hoàng Gioan 22 biết: những ai sống theo tinh thần Dòng Camêlô thì sẽ được Đức Mẹ cứu ra khỏi luyện ngục, ngày thứ bảy sau khi chết.
Từ đó, những ai không có điều kiện gia nhập Dòng mà tin tưởng lời hứa của Đức Mẹ, đều xin nhận áo Đức Bà Camêlô và mang trong mình hằng ngày cho đến chết. Việc sùng kính Đức Bà Camêlô ngày càng lan rộng khắp nơi trong Hội thánh. Có thể nói tất cả những ai có lòng mộ mến Đức Mẹ và mong được ơn chết lành đều mang áo nầy!
Năm 1726, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô thứ 13 ban hành sắc lệnh mừng lễ Đức Mẹ Núi Camêlô trong toàn thể Giáo hội, để kính nhớ ngày Đức Mẹ hiện ra ban cho áo đặc biệt nầy.
Mẹ luôn là người chở che bênh đỡ chúng ta. Xin cho mỗi chúng ta luôn biết chạy đến cậy nhờ tình thương của Mẹ, nhờ Mẹ giải quyết những khó khăn bất trắc trong cuộc đời.

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

AI ĐÓN TIẾP ANH EM LÀ ĐÓN TIẾP THẦY

                                         

                  Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy

              là đón tiếp Đấng đã sai Thầy ( Mt 10, 40)

Một phút suy gẫm


        Một người mặc y phục không xứng đáng vào dự đám tiệc. Ông chủ tiệc không đón tiếp nồng hậu và mời ngồi chỗ rốt hết. Người ấy về thay trang phục xứng đáng, ông chủ liền mời lên chỗ danh dự. Như thế, đón tiếp người còn phụ thuộc vào trang phục bên ngoài. 

        Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su cho biết sự quan trọng khi đón tiếp các môn đệ cũng như đón tiếp Người, “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40). “Gặp và đón tiếp Chúa” thể hiện qua việc sống theo giáo huấn của Hội thánh, sống yêu thương tha nhân. Thái độ sống yêu thương, phục vụ là cách thức đón tiếp mà Chúa muốn mỗi người thực thi trong cuộc sống hằng ngày. 
        Chúng ta thường phán xét tha nhân theo bề ngoài mà không nhận ra phẩm giá cao quý của họ. Chúng ta có can đảm sống theo các giá trị của Tin mừng và giáo huấn của Hội thánh không? Liệu chúng ta có dám quảng đại yêu thương anh chị em như Chúa đã thương chính chúng ta hay không? 
        Lạy Chúa, Chúa đã làm người để con người được trở nên con cái Chúa. Xin cho chúng con cũng biết theo gương Chúa mở lòng ra với anh chị em để đón nhận, chia sẻ, nâng đỡ và yêu thương. Xin lay động trái tim chúng con để chúng con biết rung cảm trước nỗi đau của người thân cận và sẵn sàng đưa tay giúp đỡ.


                                                               
THÁNH BONAVENTURA, (St. Bonaventure)
Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh, ngày 15/7

        Hội Thánh kính nhớ thánh Bonaventura, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh ngày hôm nay để làm rõ câu Tin Mừng:” Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng “( Mt 10, 27). Cuộc đời của thánh Bonaventura là một cuộc đời dấn thân cho Chúa tuyệt đối bằng sự dịu dàng, hiền lành, khiêm nhượng, Ngài có lòng mộ mến cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Thánh nhân trải qua tuổi niên thiếu ở dòng thánh Phanxicô dưới sự hướng dẫn của Alexandre de Hales, Ngài theo học văn chương và cũng theo học ngành khoa học. Chỉ mới 35 tuổi, Ngài đã được bầu làm Bề Trên cả dòng Phanxicô. Ngài nổi tiếng về sự khôn ngoan và thông minh. Chính vì vậy trước trách nhiệm rất nặng nề, Ngài luôn luôn can đảm, kiên trì và khiêm nhượng để điều khiển, lèo lài con thuyền dòng thánh Phanxicô. Ngài rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến không những vì những học thuyết sâu xa, uyên bác của Ngài mà người ta còn khâm phục sự thánh thiện của Ngài. Ngài sống liêm chính, ngay thẳng, nên sẽ bị nhiều người khác ghét bỏ như lời Kinh Thánh:” Trò không hơn Thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như Thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà”( Mt 10, 24-25 ). Thánh Bonaventura đã được máu Chúa Kitô biến đổi cuộc sống. Do đầu óc thông minh, khôn ngoan và học vấn uyên bác của Ngài, thánh Bonaventura đã được Đức Thánh Cha Grêgoriô X cất nhắc lên chức Hồng y coi sóc Giáo phận Albanô vào năm 1273. Thánh nhân đã viết  nhiều tác phẩm thần học rất có giá trị và Ngài đã chết tại Lyon nước Pháp vào năm 1274, hưởng thọ 53 tuổi.
       Thánh Bonaventura đã làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh đúng như lời Tin Mừng viết:” Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn “ ( Mt 10, 28 ). Thánh nhân đã trở thành cột trụ chống đỡ Giáo Hội chống lại các bè rối và bằng những học thuyết thấm nhuần Tin Mừng của Chúa Kitô. Ngài lưu tâm đến sự hiệp nhất giữa Hy Lạp và Roma, đồng thời Ngài củng cố dòng Phanxicô càng ngày càng vững mạnh và lớn lên. Đời của Ngài có thể nói là một cuộc lữ hành đức tin, một sự tiến triển từ từ dựa trên lòng tin và tình yêu. Ngài luôn khiêm nhượng, hiền lành và tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Chúa Kitô. Đức Giáo Hoàng Sixtô IV nâng Ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1542 và vào năm 1588, Đức Thánh Cha Sixtô V đã đặt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh vì những tư tưởng thâm sâu, uyên bác và thánh thiện của Ngài.
       Lạy thánh Bonaventura, xin giúp chúng con biết trung thành với Chúa và Giáo Hội bằng những đóng góp nhỏ bé, âm thầm của chúng con hằng ngày để chúng con luôn làm vinh danh Chúa. Amen.


Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI

                                     

Ai là người thân cận của tôi?

Một phút suy gẫm

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
 (Ca dao)

        Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho biết: bên vệ đường có người đàn ông bị đánh trọng thương đang cần giúp đỡ. Thầy tư tế đi qua, thấy rồi bỏ đi; thầy Lê-vi đi qua, thấy rồi cũng bỏ đi; người Sa- ma-ri đi qua, chạnh lòng thương và cứu chữa.
        Người Sa-ma-ri tốt lành đó cũng là mỗi chúng ta khi chạnh lòng thương người khốn khổ. Trong cuộc sống, một nụ cười, một lời cám ơn, một cử chỉ nhân ái cũng giúp làm vơi đi đau khổ.Trái lại, một hành động dửng dưng, vô cảm, một lối sống thiếu trách nhiệm sẽ làm cho người khác thêm đau khổ và cuộc sống thêm nặng nề. " Đừng ngồi than trách bóng tối, nhưng tốt hơn hãy thắp lên một ngọn nến". Khi chúng ta làm một việc gì đó hữu ích cho đời, thì dù bé nhỏ, vẫn tốt hơn ngồi oán trách cuộc sống.
        Nhận ra tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, chúng ta có thái độ nào trước những đòi hỏi của cuộc sống? Chúng ta hành xử như người Sa-ma-ri nhân hậu hay như thầy tư tế, thầy Lê-vi. Đó là quyết định của mỗi người và cũng là câu trả lời trước tòa Chúa.

   Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra tha nhân là hình ảnh của Ngài. Ngài mời gọi con hành động để nước Cha trị đến. Xin Chúa mở lòng để con biết rung cảm trước những đau khổ của tha nhân, trong gia đình, trong cộng đoàn, khu xóm và ngoài xã hội để mọi người nhận ra Ngài. Amen.

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

THIÊN CHÚA ĐẤNG QUAN PHÒNG

                                                

Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác. (Mt 10, 28)

Một phút suy gẫm


         Kinh nghiệm bản thân của các Tông Đồ khi loan báo Tin Mừng cho Giáo Hội tiên khởi bị bách hại cho thấy có ba lý do để không sợ hãi

  1.  Một là Nước Thiên Chúa xuất hiện làm ta phấn khởi tin tưởng.
  2.  Hai là những kẻ bách hại ta không thể hủy diệt sự sống thật của ta.
  3.  Ba là Thiên Chúa hằng gìn giữ lo lắng cho chúng ta. Làm chứng nhân cho Tin Mừng là bản chất của sứ vụ tông đồ. Người tông đồ phải coi trọng giá trị thiêng liêng và liên kết với Đức Giêsu, Đấng sẽ bảo vệ họ trước mặt Thiên Chúa Cha.


         Con người thường sợ hãi trước dư luận, sợ mất danh dự, sợ mất quyền lợi, sợ mất mạng sống. Vấn đề đặt ra vẫn là chúng ta sợ hay tin, vì ở đâu có sợ, ở đấy chưa có tin. Ở đâu còn nghi ngờ về tương lai, ở đấy còn ngờ vực Thiên Chúa không quan tâm đến chúng ta. Không sợ có nghĩa là vững tin giữa cơn phong ba cuộc đời. Dù bản chất ta yếu đuối nhát sợ, ta vẫn có chỗ trong công việc truyền giáo. Loan báo Tin Mừng đòi ta can đảm và biết kín múc sức mạnh từ nơi Thiên Chúa.
        Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời luôn đong đầy những thử thách gian truân. Kiếp sống con người còn quá nhiều những những phiền lụy khổ đau. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể luôn là sức mạnh nâng đỡ cuộc đời chúng con. Xin thần lương Chúa là Mình Máu Thánh Chúa nên sức mạnh cho hồn xác chúng con. Xin Chúa luôn ở lại để nâng đỡ cho những yếu đuối bất toàn của chúng con.
       Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa đã từng nói: “Tôi tớ không trọng hơn chủ.” Chúa đã đến trần gian trong con đường khiêm hạ, nghèo khó. Chúa đã sống một cuộc đời yêu thương và phục vụ. Chúa đã sống tận hiến và hy sinh. Hy sinh cả tính mạng cho người mình yêu. Xin giúp chúng con luôn biết theo gương Chúa cho đến cùng. Cho dẫu có vì Chúa mà bị người đời khinh chê. Cho dẫu có vì Chúa mà bị thua thiệt. Xin ban cho chúng con một tâm hồn trong sáng và một lương tâm an lành để chúng con luôn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi được sống theo gương Chúa.
        Lạy Chúa, Chúa là Đấng hằng sống. Ai theo Chúa sẽ được sống đời đời. Xin giúp chúng con thắng vượt những cám dỗ, những nguy nan để trung kiên sống theo giáo huấn của Chúa. Xin giúp chúng con luôn sống nên một trong Chúa hôm nay và mãi mãi trên thiên quốc. Amen


Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

CHÂN DUNG NGƯỜI MÔN ĐỆ

                                          thứ 5 tuần 14tn

Anh em đã được cho không , thì cũng phải cho không như vậy. ( Mt 10, 8)

Một phút suy gẫm


          Lạy Chúa Giêsu, khi sai cáctông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa đòi hỏi họ thật gắt gao, và lệnh truyền của Chúa thật quyết liệt. Con rùng mình khi đọc lại trang Tin Mừng này. Chúa có quyền làm như thế, vì các tông đồ là kẻ được sai đi, là người có bổn phận làm điều Chúa đòi hỏi.
         Ngày nay Chúa cũng sai con đi vào thế giới với tư cách người tông đồ. Chúa biết rõ con ngại ngùng nhưng Chúa không rút lại lệnh truyền. Chúa biết con do dự nhưng Chúa vẫn đòi hỏi gắt gao. Hành trang Chúa cho mang theo chỉ là hai bàn tay trắng, cùng với lòng tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào quyền năng Chúa. Và nếu ra đi với hai bàn tay trắng, nhưng khi trở về nặng trĩu những hoa trái thành công, con cũng không dám tự mãn kể công, vì tất cả đều là ân huệ Chúa ban. Ngay cả khi ra đi với hai bàn tay trắng và trở về vẫn với bàn tay không, con cũng không mặc cảm buồn sầu, nhưng phó thác tất cả nơi Chúa. Vì thế, lạy Chúa, con không còn bận tâm đến thành công hay thất bại, nhưng chỉ quan tâm một điều duy nhất là: thực hiện điều Chúa muốn với tất cả tấm lòng nhiệt tình mến yêu.
        Lạy Chúa, việc rao giảng Tin Mừng thành công không phải vì con có nhiều tiền bạc, không phải vì con có nhiều tài cán khả năng. Xin Chúa giúp con luôn biết giữ tâm hồn siêu thoát, nhẹ nhàng, trên đường phục vụ trong khiêm tốn. Xin giúp con làm tròn nhiệm vụ của mình trong gia đình, trong đoàn thể, trong giáo xứ, như một quyết tâm sống Lời Chúa dạy, như một thực hành đúng sứ mạng Chúa truyền ban. Amen.

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

CHÍNH THẦY ĐÃ CHỌN ANH EM

                                                


Anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít1-ra-el. (Mt 10, 6)

Một phút suy gẫm

        Hội thánh Công giáo là tập hợp những người thuộc nhiều đất nước, nhiều nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Nhưng tất cả thành viên của Hội thánh đều là con chiên của Đức Ki-tô.
       Qua trình thuật Tin Mừng, chúng ta nhận thấy các môn đệ của Đức Giê-su có ba đặc điểm: Chính Đức Giê-su chọn; từ nhiều môi trường khác nhau; nhiệm vụ là ra đi rao giảng Nước Trời.
  1.  Chính Đức Giê-su đã chọn các môn đệ. Chúa Cha đã sai Đức Giê-su xuống trần gian để thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Để cộng tác với Đức Giê-su trong công cuộc loan báo Tin Mừng, chính Đức Giê-su đã chọn các môn đệ. Mỗi người Ki-tô hữu cũng được Chúa chọn qua trung gian là Giáo hội. Cũng qua Giáo hội, Chúa đã huấn luyện, dạy dỗ các Ki-tô hữu biết cộng tác với Chúa trong công cuộc truyền giáo.
  2. Các môn đệ của Chúa xuất phát từ nhiều môi trường khác nhau. Người Ki-tô hữu cũng thuộc nhiều chủng tộc, quốc gia, ngôn ngữ, văn hóa...khác nhau, khi trở thành người môn đệ của Chúa cần biết bỏ qua những khác biệt để cộng tác và hiệp thông trong đời sống của Giáo hội.
  3. Nhiệm vụ các môn đệ là đi rao giảng Nước Trời. Khi lãnh nhận Bí tích  Rửa tội, mỗi người Ki-tô hữu trở thành ngôn sứ. Vì thế, rao giảng Tin Mừng không những là nhiệm vụ của các linh mục, tu sĩ mà còn là nhiệm vụ của tất cả mọi người.

      Lạy Chúa Giê-su, xin giúp mỗi người chúng con tở thành những nhân chứng tốt chứ không là các thầy dạy giả hình. Amen.


Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

ĐỨC GIÊ-SU CHẠNH LÒNG THƯƠNG DÂN CHÚNG


                                             

Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. ( Mt 9, 37)

Một phút suy gẫm

    Nhờ tiếp xúc với người dân, Chúa Giêsu có thể nhận thấy đời sống thực tế của họ. Thánh sử Mátthêu nói rõ: "Thấy dân chúng đông đảo, Ngài chạnh lòng thương, vì họ lầm than, vất vưởng, như chiên không người chăn dắt". Ðứng trước thảm trạng này, Chúa Giêsu gợi ý để các môn đệ của Ngài suy tư: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít".   Quan niệm Cựu Ước về các chủ chăn của dân là quan niệm rộng rãi và ám chỉ vừa các thẩm phán, vừa các tư tế và tiên tri. Hình ảnh rất quen thuộc với nền văn hóa của các dân du mục. Chính tổ tiên của họ cũng là những người chăn chiên, như Môsê, Ðavít. Yêrêmia và Êzêkiel đã báo trước là chính Thiên Chúa sẽ trở nên người chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Lời tiên tri này đã được thực hiện đầy đủ nơi Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành chạnh thương và chăm sóc các con chiên của Ngài, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho chúng. Như vậy, các Kitô hữu có thể tin tưởng tiến bước, bởi vì họ biết rằng Chúa là mục tử của họ. Hình ảnh về mùa gặt hái đã được các Tiên Tri dùng để chỉ Nước Chúa Cứu Thế sau này. Thời kỳ sau cùng là thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa. Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt. Thế giới ngày nay như một cánh đồng mênh mông, nơi có rất nhiều linh hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời nhưng phải có người chỉ đường cho họ. Chúa muốn cứu thế gian và Ngài kêu gọi sự cộng tác của con người. Lời kêu gọi của Ngài vẫn có giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại. Là người Kitô hữu, chúng ta có lo lắng để Nước Chúa được lan rộng tới các tâm hồn không? Ðức tin của chúng ta có sống động bằng việc làm cụ thể hay chỉ là đức tin chết? Xin Chúa đổ tràn tâm hồn chúng ta lửa nhiệt tâm truyền giáo. Xin cho chúng ta thực sự trở nên chứng nhân của Chúa bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng lời cầu nguyện và gương sáng. Amen.


Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

LÒNG TIN CỦA CON ĐÃ CỨU CHỮA CON

Mt 9,18-26

Con gái tôi vừa mới mất. Nhưng xin Ngài đến là nó sẽ sống. (Mt 9, 18)

Một phút suy gẫm

        Tập đoàn Vinashin bị thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, vụ việc vẫn chưa xử lý xong thì Vinalines " bùng nổ", hàng ngàn tỷ đồng của dân chúng đổ sông, đổ biển và đổ vào ...túi các cá nhân. Lòng tin của nhân dân biết đặt vào đâu?
        Qua trình thuật Tin  Mừng, chúng ta nhận ra để đón nhận ơn Chúa, con người cần có đức tin. Đức tin không phải là nhân đức do con người thủ đắc được, nhưng là ân huệ Thiên Chúa ban.
Tùy theo hoàn cảnh, khả năng và lòng mến của mổi người mà hình thức biểu lộ và tuyên xưng đức tin có thể khác nhau. Do đó, mỗi người được mời gọi sống và tuyên xưng niềm tin của mình phù hợp giáo huấn của Giáo hội.
        Đức tin có sức chữa lành như trường hợp người đàn bà bị băng huyết trong trình thuật Tin Mừng, Thiên Chúa luôn muốn ban cho con cái mình những điều tốt lành, Người không nỡ nhìn con cái mình sống trong đau khổ. Vì vậy, đức tin mang lại ơn cứu độ cho những ai tin và sống theo giáo huấn của Đức Giê-su và Giê-su và Hội Thánh.

     Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chữa lành người phụ nữ bị băng huyết vì nhận thấy đức tin mạnh mẽ của bà. Xin Chúa cũng ban cho chúng con được lòng tin vững vàng để chúng con vượt thắng mọi cám dỗ trong cuộc lữ hành ở trần gian này. Amen.

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

THỢ GẶT CỦA THIÊN CHÚA

                                   

Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy. (Lc 10, 6)

Một phút suy gẫm

       Thánh Phanxico Xavie là vị thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo. Thánh nhân đã dùng cả cuộc đời để truyền giảng Tin Mừng  cho các dân tộc trên khắp thế giới, đặc biệt là các dân tộc Á Châu.
      " Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít". Thợ gặt là ai? Thợ gặt là tất cả những ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, bởi vì mỗi người là một ngôn sứ khi nhận lãnh bí tích đó. Các linh mục, tu sĩ dâng trót đời để trở thành những người thợ gặt lành nghề của Thiên Chúa. Điều này không có nghĩa là việc rao giảng Tin Mừng chỉ dành riêng cho họ, nhưng là cho tất cả Ki-tô hữu.
      Sứ mệnh của người thợ gặt là rao giảng những giáo huấn của Đức Ki-tô. Khi thi hành sứ mệnh này, người thợ gặt sẽ gặp nhiều khó khăn, có cả bách hại " như chiên con đi vào giữa bầy sói". Tuy nhiên, phần thưởng của họ vô cùng lớn lao " vì tên anh em đã được ghi trên trời."
      Hành trang của người thợ gặt không phải là tiền bạc hay áo quần nhưng là sự bình an. " Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: " bình an cho nhà này." Sự bình an người môn đệ mang lại là bình an của Đức Giê-su Phục Sinh. Vì thế, người thợ gặt của Chúa không làm việc vì tư lợi, nhưng vì mục đích làm vinh danh Cha trên trời.

    Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi chúng con thành những thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo của Chúa. Amen.

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

CŨ VÀ MỚI

                                               

 Chẳng lẽ khách dự tiệc tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rễ còn ở với họ? ( Mt 9,15)

Một phút suy gẫm

      Con người sợ bị coi là lạc hậu, lỗi thời, cổ lỗ. Vì thế, khi nghe có dòng điện  thoại di động mới, một loại    máy vi tính mới hay một bộ phim mới...là họ nô nức đi xem, tìm hiểu và mua.
      Con người dành rất nhiều sự quan tâm cho những phương tiện vật chất, tinh thần mới, nhưng lại thiếu sự quan tâm như thế cho đời sống tâm linh của mình. Điều này thể hiện rất rõ trong bài Tin Mừng hôm nay. Từ thời Cựu Ước, người Do Thái sống đạo, giữ đạo để khỏi bị Chúa phạt, để vâng lời lề luật, thậm chí để đòi Chúa ban thưởng ơn lành vì đã giữ luật Chúa. Khi Đức Giê-su đến, Người đã mang lại một tinh thần sống đạo mới: sống đạo vì kính mến Chúa chứ không phải vì sợ hãi Chúa, sống đạo với con tim vui tươi chứ không phải với bộ mặt sợ hãi. Tuy nhiên, họ đã không chấp nhận điều mới mẻ này, mà còn tỏ ra khó chịu qua việc chất vấn Người không ăn chay giống như họ. Họ vẫn cố chấp và cứng lòng trong kiểu suy nghĩ cũ kỹ của mình.
      Ngày hôm nay, chúng ta cũng vậy. Đã 2000 năm trôi qua nhưng chúng ta vẫn sống lối suy nghĩ cũ kỹ của người Do Thái năm xưa: vẫn đi lễ vì Chúa bảo phải thế, vẫn đọc kinh  vì cha mẹ bảo thế...Đối với Chúa, chúng ta vẫn " kính nhi viễn chi" chứ chẳng có sự thân mật, gần gũi và yêu mến nào.

    Lạy Chúa, xin tha thứ cho sự cứng lòng và cố chấp của chúng con. Xin ban cho chúng con một quả tim mới, một tâm tình mới của người con hướng về Cha yêu dấu của mình. Amen.

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

LÒNG NHÂN


                                                

  Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc. Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. ( Mt 9,12)

Một phút suy gẫm

        Chiếc ghế bị hỏng, chúng ta vất bỏ. Đứa con ra đời không đúng lúc, đúng ý, chúng ta phá bỏ. Cha mẹ già yếu không làm gì được, chúng ta ruồng rẫy. Người vợ, người chồng bệnh tật nằm bất động, sống đời thực vật, chúng ta hủy bỏ hôn ước.
       Trong cuộc sống, chúng ta sẵn sàng vất bỏ những gì hư hỏng, khiếm khuyết, không mang lại lợi ích của chúng ta. Thiên Chúa thì khác. Người là Đấng trọn tốt trọn lành. Người rất ghét sự tội, điều xấu. Tuy vậy, Người không bao giờ bỏ rơi người có tội, nhưng luôn yêu thương, tìm kiếm để chữa lành và giúp họ trở nên tốt hơn.
      Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Người thu thuế là những người tội lỗi, bị coi thường trong xã hội và bị mọi người xa lánh, vì họ làm tay sai cho người Rô-ma đô hộ đồng thời ăn gian tiền bạc của người dân. Thế nhưng, Đức Giê-su đã không loại trừ và bỏ rơi họ. Ngược lại, chính Người còn chủ động đến với họ, để tha thứ và mời gọi họ trở nên môn đệ của Người, qua việc Người kêu gọi ông Mat- thêu. Cũng vậy, hằng ngày, Đức Giê-su vẫn không ngừng tha thứ, yêu thương, ban ơn và mời gọi chúng ta đến với Người.
        Lạy Chúa, con đọc và suy gẫm Kinh Thánh hằng tuần, , có khi hằng ngày, nhưng sao con không thấm nhuần được tinh thần yêu thương tha thứ của Đức Giêsu. Mặc dù con vẫn chê bai người Pharisêu, nhưng đối với người tội lỗi, phản ứng của con thường rất giống người Pharisêu: họ ưa tẩy chay, xa lánh, kết án, loại trừ những người tội lỗi, đồng thời tự hào rằng mình công chính. Chẳng hạn họ thích áp dụng luật lệ để ném đá cho chết những người phụ nữ ngoại tình, hơn là làm theo đòi hỏi của tình thương trong lòng họ (x. Ga 8,3-5). Còn Đức Giêsu, trong những trường hợp ấy, Ngài không kết án, nhưng thông cảm sâu xa với hoàn cảnh và sự yếu đuối của họ, đồng thời tìm cách cảm hóa để họ đi vào con đường ngay chính (x. Ga 8,11). Xin hãy giúp con hành xử theo tinh thần yêu thương của Đức Giêsu (JK). Amen.

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

THA NHÂN

                                             
  

Đức Giê-su bảo người bại liệt: ' Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi. (Mt 9,2)

Một phút suy gẫm

        Ngạn ngữ La tinh cho rằng: Người là chó sói của người". Triết giaJean Paul Sartre viết: " Tha nhân là địa ngục".     

        Đôi lúc, chúng ta tưởng tha nhân là những người xấu xa, nhưng họ là những chiếc cầu dẫn chúng ta đến với Chúa. Qủa vậy, bài Tin Mừng hôm nay là sự minh chứng hùng hồn cho điều này.    

        Người bại liệt không thể đến với Đức Giê-su. Nhưng may mắn thay, anh đã được những người xung quanh khiêng đến và đã được chữa lành. Ngược lại, nhờ chứng kiến phép lạ Chúa Giê-su làm, dân chúng được củng cố đức tin và dâng lời tôn vinh Thiên Chúa.      

      Như anh bại liệt, chúng ta cũng bị liệt cách này hay cách khác: bị " liệt thể lý" hay bị " liệt tâm lý" do buồn bực, thất vọng hay bị " liệt tâm linh" do phạm tội. Vì thế chúng ta cần những người khác - những chiếc cầu - đưa ta đến với Đức Giê-su để Người chữa lành. Những chiếc cầu trung gian này có thể là một vị linh mục, một người bạn thân thiết... Ngược lại, chúng ta cũng được mời gọi trở nên một chiếc cầu để đưa người khác đến với Đức Giê-su.Lạy Chúa, xin dạy chúng con nhớ rằng; sống đạo là sống vì, sống với và sống cùng tha nhân. Hơn nữa, qua việc phục vụ và yêu thương tha nhân, chúng con được gặp chính Chúa, như Chúa đã từng nói: 'mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy".         

      Lạy Chúa Giêsu, xin nhìn đến lòng tin non yếu của con, xin thương đổ tràn sự sống của Chúa trong con, để con tìm đến với Chúa, hoàn toàn tín thác vào Chúa, thanh thản để Chúa chữa lành hồn xác và hướng lối con bước trên hành trình đời tạm này. Nhất là xin cho niềm tin trong con đủ lớn để hân hoan và tạ ơn vì nhận ra rằng Chúa luôn ở bên con, sẵn sàng hồi sinh tâm linh dòn mỏng vì tội tình của con bằng bí tích Hòa giải, để con mau mắn tìm đến Chúa nơi tòa giải tội. Amen.

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

LÒNG THƯƠNG XÓT

                                         

Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! ( Gioan 20, 28)

Một phút suy gẫm

LỄ THÁNH TÔMA, tông đồ
Ga 20, 24-29
Ngày 3-7

       Đoạn Tin Mừng của thánh Gioan 20, 24-29 gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Cái lạ lùng kỳ diệu của con người Tôma là đức tin của Ngài cần được kiểm chứng. Tôma rất thực dụng khi chưa thấy Chúa hiện ra, ông không thể nào tin được. Và quả thật, Tôma đã không có mặt những lần Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các tông đồ khác. Do đó, các bạn của Ngài báo tin họ đã gặp Chúa Giêsu sống lại, Tôma không tin :” Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” ( Ga 20, 25 ). Đọc câu trả lời của Tôma đối với các tông đồ khác, chúng ta có thể đánh giá lòng tin của ông còn thua xa với lòng tin của viên bách quản hay của người đàn bà băng huyết. Tuy nhiên, khi ngẫm nghĩ lại, chúng ta hoàn toàn cảm thông với cách suy nghĩ thực dụng của Tôma.
      Không được xỏ ngón tay vào lỗ đinh, không đặt bàn tay vào cạnh sườn của Chúa Giêsu, không thấy các dấu đinh của Chúa, Tôma đâu có tin. Đức tin đòi hỏi sự khiêm tốn và phó thác hoàn toàn vào Thiên chúa. Tin tưởng và phó thác vào bàn tay uy quyền của Chúa, cộng tác với Chúa, chắc chắn phép lạ sẽ xẩy ra. Tôma lúc này vẫn chưa trực giác được tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu. Tôma vẫn chưa trực giác được uy quyền tuyệt đối của Chúa Giêsu:” Người có quyền trên vũ trụ, vạn vật, trên con người. Ngài có quyền trên sự sống và sự chết. Phép lạ lớn lao nhất là Ngài làm cho thân xác Ngài sống lại sau ba ngày bị chôn trong mồ”. Nên, Tôma đã không dám tin vào lời của các tông đồ khác. Tuy nhiên, đức tin đòi hỏi con người phấn đấu. Chỉ cần lời chứng của các tông đồ, chúng ta cũng đã tin Chúa sống lại vì tin vào Chúa phục sinh không đòi hỏi chúng ta phải thấy Ngài, nhưng Kinh Thánh minh chứng về Ngài, các tông đồ làm chứng về Ngài chúng ta hoàn toàn tin vào sự sống lại của Chúa. Tôma, nói thế thì nói, nhưng khi Chúa hiện ra, ông đâu có dám đòi hỏi gì thêm mà trước sự kiện hiển nhiên Thầy mình đang đứng trước mặt mình, Tôma chỉ có thể thốt lên:” Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” ( Ga 20, 28 ).
       Lời chúc bình an của Chúa Giệsu như muốn đưa các tông đồ về thực tế của vấn đề. Chúa đã sống lại rồi, đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin…Cả Tôma và cả các tông đồ khác chỉ biết cúi đầu vâng phục và tin tưởng hoàn toàn vào Chúa phục sinh.
      Người Kitô hữu chúng ta phải luôn đi ngược dòng: điều người đời cho là yếu hèn, có lẽ chúng ta cho là mạnh mẽ. Điều người đời cho là dại khờ, có lẽ chúng ta phải cho là khôn ngoan. Thập giá đối với kẻ không tin là dại khờ nhưng đối với những kẻ tin lại là khôn ngoan. Chúa Giêsu đã chẳng nói:” Phúc thay những người không thấy mà tin”( Ga 20, 29 ). Người Kitô hữu chúng ta có phúc vì chúng ta không được may mắn như các tông đồ xưa thấy Chúa phục sinh hiện ra, nhưng chỉ nhờ lời chúng của các tông đồ và nhờ Kinh Thánh, huấn quyền, chúng ta tin vào sự phục sinh của Chúa.
     Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn tin vào Chúa.