Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

CHIA SẺ NIỀM VUI

                                      

Bởi đâu tôi được Thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này. (Lc 1, 43)

Một phút suy gẫm

       Ở nhà thờ Westminter Abbey có dòng chữ khắc trên bia mộ của Christopher Chapman năm 1680 như sau: "Những gì tôi cho đi là tôi có. Những gì tôi tiêu xài là tôi đã có. Những gì tôi giữ lại là tôi mất. "
       Đó là những lời triết lý được rút ra từ những thực tại trần thế, và cũng thật có ý nghĩa khi dùng lời triết lý này để suy niệm về những thực tại thiêng liêng. Một khi có Chúa trong tâm hồn, thì người ta không thể ngồi im và giữ riêng cho mình. Thật vậy, khi có Chúa trong cung lòng mình, Mẹ Maria đã vội vã lên đường đi thăm và chia sẻ niềm vui lớn lao này với bà Elisabet. Với một tâm hồn nhạy bén, Mẹ biết rằng Người chị em của mình cũng đang tràn ngập niềm vui mừng vì, Chúa đã cất đi nổi tủi nhục và ban cho bà Elisabet được mang thai khi tuổi đã cao. Chính vì vậy, niềm vui của cả hai người phụ nữ như đan quyện vào nhau ngay khi họ vừa cất lời chào nhau. Bà Elisabet cũng đã được Thánh Thần soi sáng và nhận ra ân lộc đầy tràn mà Chúa ban cho người em gái của bà Maria. Vì thế, bà đã ngợi khen: Em thật có phúc hơn mọi người nữ và người con em cưu mang cũng được chúc phúc. Còn Mẹ Maria thì cất lên lời ngợi khen Đức Chúa.


       Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đến với nhau bằng sự chân thành và quảng đại, biết dành cho nhau những tình cảm thân thiện, để góp phần làm cho bầu khí gia đình, lối xóm, xứ đạo mỗi ngày thêm ấm cúng, thân tình hơn. Amen.


Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

ĐẾN VỚI CHÚA

                                            Bartime_530492142.jpg

Thưa Thầy , xin cho tôi nhìn thấy được. ( Mc 10, 51)

Một phút suy gẫm

      Trước cửa Thiên Đàng, lúc sáng sớm, một tu sĩ mang theo một bị chứa đầy những nhân đức của mình. Nhưng cánh cửa vẫn khép kín và có tiếng vọng lại: "Điều ấy tốt, nhưng Ta không thể mở cửa cho con vào." Buổi chiều, vị tu sĩ trở lại và đem theo công nghiệp của việc suy niệm và cầu nguyện lâu giờ. Tuy nhiên, ông vẫn nhận được lời này: "Thật là tốt, nhưng Ta vẫn không thể mở cửa cho con vào." Vị tu sĩ lại ra đi, đến tối, ông trở lại. Lần này, ông chỉ đến với con người của ông mà thôi. Nhưng tức khắc cánh cửa mở rộng để cho ông bước vào.
      Câu chuyện trên đây nhắc chúng ta về thái độ, tinh thần cần phải có để đến với Chúa. Thực vậy, khi đến với Chúa, mỗi người hãy đến bằng chính thực tế con người mình, bằng tâm tình tin tưởng và cậy trông vào lòng nhân từ của Chúa. Đó cũng là thái độ chúng ta có thể thấy được nơi anh mù gần thành Giê-ri -khô mà Tin Mừng hôm nay ghi lại.
       Anh mù đến với Chúa bằng chính thực tại đau thương của mình và trông cậy vào tình thương của Chúa: " Lạy con vua Đa- vít, xin dủ lòng thương tôi." Đây là lời cầu xin của một tâm hồn khiêm tốn và tin tưởng, như Đức Giê-su đã ghi nhận sau khi chữa lành anh :" Lòng tin của anh đã cứu anh"

      Trong từng giây phút, xin Chúa cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa và đến với Ngài, để được nâng đỡ trong cuộc sống thiêng liêng của chúng con. Amen.

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

SỐNG MẦU NHIỆM THẬP GIÁ

                                              
 

         Vì Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. ( Mc 10, 45)

 Một phút suy gẫm

       Trước khi bắt đầu cuộc hành hương về Núi Thánh, vị Tu viện trưởng dẫn các tu sĩ của mình tới nơi có trưng bày nhiều Thánh Gía và nói : " Mỗi người hãy đến chọn một thánh giá để vác suốt cuộc hành hương này." Các tu sĩ tranh nhau để dành cho mình một cây thánh giá nhỏ nhất, vì nghĩ rằng nó sẽ có lợi cho cuộc hành trình xa. Khi các tu sĩ đã chọn xong, thì chỉ còn lại một cây thánh giá lớn. Vị Tu viện trưởng bước đến và nhẹ nhàng vác thánh giá lên vai.
      Câu truyện trên phản ánh tâm lý của người Ki-tô hữu. Chúng ta quả quyết mình sẵn sàng vác thánh giá mình theo Chúa, nhưng trong thâm tâm, chúng ta lại mơ ước một thánh giá nhẹ nhàng theo ý riêng  hơn là chấp nhận Thánh giá Chúa gửi đến. Chúng ta cũng có thể xin Chúa cho mình được địa vị, danh vọng như hai Tông đồ Giacobe và Gioan trong Tin Mừng hôm nay. Hai anh em Giacobe và Gioan vừa nghe Chúa nói về việc từ bỏ mọi sự để theo Chúa, nhưng liền sau đó đã xin cho được địa vị trong nước Chúa.
      Trong cuộc sống, chúng ta cũng mơ ước vinh quang quyền lực hơn là vác Thánh giá theo Chúa. Như các tu sĩ trong câu truyện trên, chúng ta cũng có thể tranh nhau đi tìm Thánh giá theo ý  mình, mà tự thâm tâm không hề nghĩ đến việc mầu nhiệm thập giá trong đời sống mình.
      Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá, để chúng con can đảm theo Chúa vác thập giá mỗi ngày. Amen.


Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

PHẦN THƯỞNG CỦA VIỆC TỪ BỎ

                                              Xem hình

       Anh em nhận được gấp trăm ở đời này cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. ( Mc 10,30)

Một phút suy gẫm

      Có lần, khi lên cơn đau quá mức, thánh nữ Tê-rê-sa A-vi-la nói: "Nếu cho tôi chọn: một đàng là phải chịu đau khổ cho đến tận thế để được thêm một chút vẻ vang trên trời, và đàng khác là không phải đau đớn nhọc nhằn gì, nhưng phải chịu mất đi một phần nhỏ vinh sáng trên trời, thì chắc chắn tôi sẽ chọn con đường đau khổ hôm nay, nghĩa là tôi sẽ sẵn sàng bỏ tất cả mọi sự bỏ cả mạng sống tôi để theo Chúa."
      Câu chuyện của thánh nữ đánh động đến tâm hồn chúng ta, đồng thời cho thấy ý nghĩa của việc từ bỏ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, cách nói gấp trăm ở đời này cần được hiểu theo nghĩa phẩm chất hơn là theo nghĩa vật chất. Từ bỏ tất cả ở đây không phải là để được nhà cửa anh em, chị em, cha mẹ gấp trăm. Nhưng " sự từ bỏ" ở đây có nghĩa là từ bỏ để được điều cao quý hơn, được có Chúa làm cơ nghiệp, được sống kết hợp với mọi người trong đức tin.
      Câu trả lời của Chúa còn có thêm một chi tiết, đó là ngoài những gì nhận ngay từ bây giờ thì còn có những bách hại, đau khổ. Đó là vận mệnh của người theo Chúa. Theo Chúa là cùng chấp nhận thập giá với Chúa trên con đường sống Đức tin. Vì vậy, cần có tình yêu mật thiết với Chúa, ta mới có thể đi trọn ơn gọi của mình.

    Lạy Chúa, xin thương ban cho chúng con được luôn yêu mến Chúa mỗi ngày một mạnh mẽ hơn, để chúng con có thể chu toàn sứ mệnh của mình. Amen.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

SỰ LỰA CHỌN DỨT KHOÁT

                                       

                                      

Hãy đi bán những gì anh có, rồi hãy đến theo tôi. (Mc 10,21)

Một phút suy gẫm

        Một người giàu có nhưng không hạnh phúc thường đến xưng tội với Thánh Phi-lip-phê Ni-rê. Thánh nhân đề nghị: "Ông là người cao lớn, ông thử với coi có tới Thánh Gía không? Người đàn ông đứng dậy, giơ cánh tay lên, nhưng không thể nào chạm tới Đức Giê-su trên Thánh giá. Bấy giờ thánh nhân mới dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giàu có đến bên cạnh ông, và bảo ông hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với cây Thánh giá. Người đàn ông làm theo ý thánh nhân, ông đã chạm được Đức Giê-su trên Thánh giá.
     Câu chuyện cho chúng ta bài học: Để có thể chạm tới Đức Giê-su, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng trên tiền của. Qủa vậy, câu trả lời của Đức Giê-su cho chàng thanh niên cũng là câu trả lời cho tất cả những ai muốn dấn thân bước theo Chúa, muốn làm môn đệ Chúa và muốn được sống đời đời.
       Như thế, không phải chỉ tuân giữ những giới răn, những đòi hỏi của lương tâm ngay chính, mà còn phải tiến xa hơn, tức là bước theo Chúa với tâm hồn thanh thoát, không bị nô lệ bởi những của cải vật chất. Dù chúng ta là ai, ở địa vị nào trong xã hội mà không yêu mến Chúa trên hết mọi sự, không thoát ra khỏi sự say mê bận bịu của cải vật chất, thì khó mà theo Chúa thật sự.
       Lạy Cha, xin cho chúng con dám hy sinh tất cả để phục vụ những người đau khổ, nghèo đói, túng thiếu, bệnh tật, và tội lỗi. Đức Giêsu muốn những ai theo Ngài phải thực hiện điều ấy trước đã rồi mới theo Ngài sau. Không thực hiện điều ấy mà đã đòi theo Ngài,  chúng con sẽ chỉ là những kẻ theo Ngài giả hiệu. Xin Cha hãy giúp chúng  con theo Đức Giêsu thật sự. Amen.A

men.

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

DÒNG CHẢY TÌNH YÊU

                                             

        Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần Khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. (Ga 16,15)

Một phút suy gẫm

        Nhà văn Nga, Tolstoy kể lại câu chuyện: một đêm kia, ông cầu nguyện với Thiên Chúa trước ngọn đèn đêm đang cháy. Nhìn ra ngoài ban công, lúc ấy đêm tối đen như mực, ông thấy bầu trời đầy sao rực rỡ. O6ng cảm phục Thiên Chúa và thốt lên: "Đó là một kỳ diệu. Làm thế nào mà người ta không tin vào linh hồn bất tử khi người ta cảm thấy sự vĩ đại vô biên như thế trong bản thân mình? Tôi có thể chết. Và tôi nghe một tiếng trong nội tâm nói với tôi: Người đấy, ông hãy bái quỳ Người và thinh lặng".
        Cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới là một phúc lành cao cả, nhưng cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta là một phúc lành còn cao cả hơn. Vì sự hữu hạn của lý trí, nên con người cần được sự soi sáng, hướng dẫn của đôi mắt Đức tin qua các chân lý được mặc khải.
        Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh Đức Giê-su sắp về với Chúa Cha. Đức Giê-su còn nhiều điều muốn nói với các môn đệ, nhưng các môn đệ chưa thể hiểu được vì Người chưa gửi Đáng Bảo Trợ đến. Và các môn đệ  cần được giúp đỡ mới có thể hiểu được những điều Đức Giê-su giảng dạy. Đấng Bảo Trợ là Đấng sẽ cứu giúp đỡ họ.
        Đức Giê-su chẳng tìm gì cho riêng mình, và Thánh Thần cũng vậy. Thánh Thần có sứ mạng là đưa con người đến với Chúa Cha và Con là Đức Giê-su. Thánh Thần chẳng tim vinh quang cho mình, nhưng chỉ tôn vinh và làm chứng cho Đức Giê-su.
        Ba Ngôi Thiên Chúa là dòng chảy Tình yêu không bao giờ khép kín, nhưng luôn vươn ra ngoài mình, để cho hạnh phúc tuôn đổ trên toàn bộ công trình sáng tạo. Cha yêu loài người sai Con Một làm người. Con yêu loài người đến độ dám sống và chết cho loài người. Thánh Thần yêu loài người đến độ ở bên để an ủi nâng đỡ. Mọi hoạt động của Ba Ngôi đều nhằm đưa mọi người và hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.
        Lạy Ba Ngôi Chí Thánh, xin cho chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới. Xin dạy chúng con biết yêu như Ba Ngôi Thiên Chúa đã yêu, biết quảng đại cho đi va khiêm nhường nhận lãnh. Amen.

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

VUI TƯƠI TRONG MỌI LÚC

                                           

        Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. (Mc 10,14)

Một phút suy gẫm

Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
Trong con, hồn lặng lẽ an vui.
(Tv 131, 1-2)

        Các môn đệ đã đi theo Đức Giê-su, được Người dạy dỗ, được chứng kiến các việc Người làm, nhưng các ông lại không hiểu được đường lối vá tinh thần của Thầy, nên đã tỏ thái độ khó chịu, bực bội vì thấy người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su. Điều này khiến Đức Giê-su bực mình. Vì thế, Đức Giê-su đã giáo huấn các môn đệ rằng: " Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào."
        Giống như các môn đệ xưa, chúng ta là Ki-tô hữu, là Tông đồ của Chúa. Nhưng nhiều khi chúng ta chưa hiểu và thực thi đường lối, cũng như cách cư xử theo tinh thần của Chúa, nhất là khi gặp những gì không vừa ý, không phù hợp với thói quen, chẳng hạn khi phải đối xử cách nhân từ, vị tha đối với những kẻ bé mọn. Điều này nhắc nhở chúng ta tránh mọi thái độ, cử chỉ, lời nói và ý nghĩ không tốt về tha nhân. Trên hết, chúng ta cần tạo điều kiện và phương tiện để những kẻ bé mọn được đến với Chúa. 

       Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yên ủi kẻ âu lo, thăm viếng kẻ liệt, chăm sóc các trẻ em, khuy6n bảo kẻ có tội....với lòng yêu mến chân thành và sẵn sàng phục vụ cách vô vị lợi và vị tha. Amen.

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU

                                                       

Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. (Mc 10,9)

Một phút suy gẫm

        Nhà văn Nga I. Tourgueniev tâm sự: "Tôi sẵn sàng đổi hết tài năng và tác phẩm của tôi để được cái thú êm đềm biết rằng ở một nơi nào đó có một người đàn bà lo âu vì tôi về trễ." Không gì hạnh phúc cho bằng biết rằng mình được yêu, cũng như không có gì chua xót cho bằng từ tình yêu chuyển thành hận thù. Hôm nay, Đức Giê-su nhắc ta hai điều:
  1. Con người cần có người bạn đời chung sống với mình ( " sỏi đá cũng cần có nhau", huống gì con người!).
  2.  Hai người nam nữ hợp nhất nhất nên một, không phải chỉ nên một trong thân xác, nhưng còn cả trong lý tưởng, trong trách nhiệm, trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình... Nhờ vậy, vợ chồng vừa đem lại hạnh phúc cho nhau, vừa dìu nhau tiến về hạnh phúc Nước Trời..
      Hôn nhân không phải chỉ đem lại thú vui, mà còn mang đến trách nhiệm. Chúng ta chỉ thấy niềm vui thật sự khi chúng ta chu toàn trách nhiệm của mình trong gia đình
      Lạy Chúa! Ngày nay, nhiều gia đình đang đối diện với khủng hoảng trầm trọng. Chồng bỏ vợ, vợ bỏ chồng, con cái thì bơ vơ vất vưởng không người chăm lo săn sóc. Xin ban ơn giúp sức để vợ chồng biết trung thành và gắn bó kết hợp với nhau trong cuộc sống yêu thương gia đình.  Xin cho hai vợ chồng, mỗi người bớt một chút ích kỷ, thêm một chút khiêm tốn, bớt một chút tự ái, thêm một chút phục vụ, bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…Nhờ đó họ biết cộng tác với Ơn Chúa trong việc bảo vệ và chăm bón tình yêu gia đình. Amen.


Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

YÊU THƯƠNG KẺ BÉ MỌN

                                                      

       Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thi thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. (Mc 9, 42)

Một phút suy gẫm

       Truyền hình Trung Quốc đã tường thuật câu chuyện thương tâm và khiến nhiều người phẫn nộ. Tại một thành phố nọ của Trung Quốc, một đứa bé đang chơi trước hiên nhà, vô tình chạy ra đường và bị một chiếc xe hơi tông bị thương. Có nhiều người đi qua nhưng không một ai cứu giúp đứa bé, để mặc nó đau đớn. Cuối cùng, một người phụ nữ quét rác đã thấy và ra tay cứu giúp. Câu chuyện này đã thổi bùng sự tranh luận  trên mạng về sự vô cảm của con người trong xã hội hiện nay.
       Chén nước, xét theo giá trị, nó chẳng đáng là bao. Việc giúp ai đó một chén nước chỉ là chuyện vặt, chuyện thường. Nhưng ở đây, chén nước lại trở nên có giá trị vì nó được dâng hiến cho Đức Ki-tô qua các môn đệ của Người, " vì lẽ anh em thuộc về Đức Ki-tô". Như vậy, những việc tầm thường, như một chén nước, vẫn có một giá trị cao cả vì nó dẫn đến sự sống đời đời, khi những việc ấy được thực hiện vì danh Đức Giê-su.
       Vì thế, càng thuộc về Đức Ki-tô, qua đời sống tin - cậy - mến, chúng ta càng làm tăng giá trị siêu nhiên nơi bản thân, trong tương quan với tha nhân trong cuộc sống hằng ngày. Cho nên, chúng ta cần tập làm những việc tầm thường hằng ngày với ý hướng khác thường vì lòng mến Chúa, để biến mọi sự thành công phúc cho sự sống đời đời của mình và của tha nhân.

     Lạy Chúa, xin cho chúng con khi phục vụ tha nhân bằng những việc làm bình thường, thì luôn nghĩ rằng mình đã phục vụ Chúa qua tha nhân với lòng mến Chúa và yêu người. Amen.

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

KHOAN DUNG VÀ BÁC ÁI

                                             

Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. (Mc 9,40)

Một phút suy gẫm

        Bà Anne- Maria Drevet là cựu thư ký tòa thị chính. Bà nghe tin một bệnh nhân tàn tật đang tuyệt vọng, muốn kết liễu đời mình cho xong. Bà vội vã đến thăm và tiếp tục thăm viếng mọi ngày. Các cuộc thăm viếng thường xuyên khiến cho người tàn tật lên tinh thần và không muốn chết nữa. (Theo Sr: Jean Berchmans Minh Nguyệt)
        Sau khi nghe ông Gioan nói, Đức Giê-su nhận thấy quan niệm thiếu quảng đại, khoan dung của các môn đệ, Đức Giê-su liền sửa sai ngay "đừng ngăn cấm người ta." Đồng thời Đức Giê-su cũng giải thích lý do Người không ngăn cấm ai cả, "vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy".
        Lời dạy của Đức Giê-su cho các môn đệ cũng cho cả chúng ta nữa. . Khi thấy ai làm điều tốt, việc tốt, nhất là làm dưới danh nghĩa Đức Giê-su thì chúng ta phải có lòng quảng đại, bao dung và bác ái để đón nhận họ và cùng cộng tác để những công việc tốt đẹp đó được nhân rộng. Mỗi người cần loại bỏ thái độ chỉ dựa vào hình thức bên ngoài để đánh giá người khác, hoặc vì không cùng phe nhóm với mình mà từ chối, ngăn cản. Chúng ta được mời gọi noi gương Đức Giê-su sống tinh thần bác ái, rộng lượng với hết mọi người, không loại trừ hay ngăn cản với bất cứ ai.

      Lạy Chúa, xin cho chúng con phải biết từ bỏ những thiên kiến, hẹp hòi, ích kỷ, kỳ thị, hiếu thắng, tự ái và đón nhận những điều hay, cái tốt của tha nhân dù họ là ai. Amen.

Thánh Rita ở Cascia
(1381 -- 1457)  
      Trong nhiều thế kỷ, Thánh Rita ở Cascia là một trong những vị thánh nổi tiếng của Giáo Hội Công Giáo. Người ta thường gọi ngài là "Vị Thánh Bất Khả," vì bất cứ điều gì nhờ ngài cầu bầu đều được Thiên Chúa nhận lời.

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

TINH THẦN PHỤC VỤ

                                                  

Con người sẽ bị nộp. Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải phục vụ mọi người. (Mc 9,34)

Một phút suy gẫm

      Cha Raniero Can talamessa, tu sĩ Phan Sinh, cho biết: "Tinh thần phục vụ là món quà đẹp nhất Ki-tô giáo gửi tặng thế giới. Sự phục vụ thể hiện tình yêu vị tha của người Ki-tô hữu, noi gương Chúa Ki-tô đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Nguyên lý phục vụ được thực thi trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Sở dĩ tinh thần phục vụ là món quà đẹp nhất, vì qua đó Lời Chúa trong Phúc Âm sẽ tác động và sinh ích lợi trong xã hội" (theo Zenit, 15.4.2001).
      Lời loan báo lần thứ hai về cuộc khổ nạn được Đức Giê-su giãi bày như một lời tâm sự với các môn đệ. Tuy nhiên, các ông không hiểu được và cũng chẳng quan tâm, bởi vì các ông còn đang tranh luận sôi nổi xem ai là kẻ lớn nhất trong nước Thầy. Biết vậy, Đức Giê-su cũng không la mắng, không đe nẹt, nhưng Người lại dựa vào hoàn cảnh lúc đó để dạy dỗ các ông.
      Tâm trạng của chúng ta nhiều lúc giống tâm trạng của các môn đệ. Chúng ta cũng co những hành vi cạnh tranh, so bì, tranh luận về địa vị, danh vọng, lợi lộc trong công tác tông đồ, truyền giáo...Như các tông đồ khi xưa, chúng ta cũng được Chúa dạy dỗ, chỉ vẽ, giáo huấn trong những lần cầu nguyện với bầu khí thinh lặng qua Lời Chúa, để nghe tiếng Chúa, để được Chúa dạy dỗ biết hy sinh phục vụ tha nhân.

     Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống khiêm nhường trong phục vụ, để nhận ra rằng càng phục vụ trong khiêm nhường, chúng con càng giống Chúa hơn. Amen.

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

CÁC ÔNG KHÔNG LÀM NỔI

                                                     

Thưa Thầy, tôi tin, nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi. ( Mc 9,24)

Một phút suy gẫm


       Cha Thomas Euteneuer, phụ trách mục vụ trừ quỷ, trong 5 năm thuộc giáo phận Arlington, Virginia, Hoa Kỳ cho biết: " Nếu bạn sống một cuộc sống phạm tội trọng mà không hề ăn năn, không thống hối suốt trong một thời gian dài thì bạn đang gọi ma quỷ đến với bạn. Ma quỷ hay chọn những nạn nhân khi họ không sống trong tình thương ân sủng của Thiên Chúa và họ thường liên hệ với những kẻ thờ tà thần, chơi bùa chú."
       Các môn đệ được Đức Giê-su trao quyền trừ quỷ cùng với sứ vụ loan báo Tin Mừng. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho biết các ông đã không trừ quỷ được. Điều này cho thấy hai điều: một mặt là sự bất lực của các môn đệ và mặt khác là uy quyền  của Đức Giê-su trên ma quỷ. Với khả năng của con người thì các môn đệ không trừ quỷ được, nhưng các ông chỉ là khí cụ qua đó Thiên Chúa biểu lộ quyền năng của Người. Nhờ vậy, các môn đệ mới khám phá ra rằng, thi hành quyền Chúa trao ban, không phải là  làm với sức riêng mình, mà phải cậy dựa vào uy quyền của Chúa. Do đó, người môn đệ của Chúa phải có đời sống cầu nguyện để kín múc nguồn sức mạnh thần linh, và siêng năng làm những việc lành phúc đức thì công việc tông đồ mới sinh ra hiệu quả.
      Lạy Chúa, xin cho chúng con biết siêng năng cầu nguyện với Chúa mỗi ngày trong suốt cuộc đời chúng con, để chúng con nhận ra rằng chúng con cần đến Chúa luôn.

       Lạy Chúa, xin củng cố đức tin còn yếu kém của chúng con. Xin thêm ơn trợ giúp để chúng con can đảm vượt thắng những đam mê thấp hèn, để chúng con làm chủ cuộc đời mình, để chúng con sống đúng với phẩm giá làm người của mình hơn. Xin giúp chúng con đừng bao giờ vì một chút danh lợi thú trần gian mà đánh mất thiên đàng mai sau. Amen


Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

ĐÓN NHẬN BÌNH AN

                                        

       Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (Ga 20,21-22)

Một phút suy gẫm

      Một tác giả tu đức đã nói: Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn. Người Ki-tô hữu sống buồn, thì không thể là nhân chứng của Tin Mừng. Như hơi thở cần cho sự sống, như nước cần cho mùa hoa trái, như lời cần được hơi thở chuyên chở, nhân loại cũng cần Chúa Thánh Thần nâng đỡ sự sống, làm tuôn trào niềm vui.
       Sau khi hiện ra với các môn đệ với lời chúc bình an, Đức Giê-su liền ban Thánh Thần cho các môn đệ. Bình an để các ông khỏi lo sợ trước những thế lực thù nghịch; Thánh Thần giúp các ông có thể can đảm ra đi làm chứng về Đức Giê-su Phục Sinh.
       Trước khi nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ là những người nhút nhát. Tuy nhiên, sau khi nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ được biến đổi, các ông không còn sợ hãi, nhưng trở nên mạnh mẽ.
        Sách Tông đồ Công vụ kể lại rằng, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã ra khỏi nhà, nơi các ông đã sống khép kín, và bắt đầu nói những ngôn ngữ khác nhau nơi công cộng. Chúa Thánh Thần không chỉ được ban cho các môn đệ mà còn cho những người khác nữa. Thánh Phao-lô cũng khẳng định như thế: "mỗi người đều nhận được ơn biểu lộ Thần Khí để gây ích cho hết thảy mọi người".
        Hôm nay, Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đã đến. Người mở ra cho các môn đệ chân trời của cuộc sống mới giúp các ông mở tung cánh cửa đang khép kín. Thánh Thần cũng cho chúng ta can đảm để mở rộng cõi lòng, ném đi chiếc mặt nạ để chúng ta hồn nhiên đến với tha nhân. Người cho tôi sự bình an để có thể mở nụ cười, có thể giang tay nối kết mọi người.

      Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống, xin cho chúng con luôn được ngụp lặn trong ơn thánh của Ngài, để cuộc sống của chúng con đơm hoa kết trái đẹp lòng Thiên Chúa. Amen.

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

LỜI CHỨNG XÁC THỰC

                                                

       Chính môn đệ này đã viết ra những điều đó và lời chứng của người ấy là xác thực. ( Ga 21, 20-25)

Một phút suy gẫm

       Vô số thân hữu và học trò cũ về để mừng thượng thọ 90 tuổi của thầy. Gần tàn bữa tiệc, thầy đứng dậy phát biểu: "Thưa quý vị, cuộc sống được đo lường bằng phẩm chất chứ không đo lường bằng số ngày số tháng mình đã trải qua".
       Đức Giê-su, với ba mươi ba năm trên dương thế, không phải là dài cho một đời người; ba năm rao giảng đây đó trong vùng đất nhỏ bé Palettina cũng còn quá ít so với nhiều vĩ tôn sư khác. Thế nhưng những Lời của Đức Giê-su là Lời Cứu Độ, Lời đem lại niềm hy vọng lớn lao cho con người.
       Đức Giê-su chính là Lời Hằng Sống, Lời có từ nguyên thủy với Chúa Cha. Người là Lời hiệu quả, ban ơn, tạo tác; là ánh sáng trong đêm tối, niềm vui trong những lúc buồn sầu, là con đường trong những ngõ cụt, là sự sống trường cửu trong thế giới bao quanh những dấu chỉ của sự chết. Lời đã đến với con người và Lời vẫn đang hiện diện trong thế giới này cho đến tận thế.
      Lời không rườm rà, triết lý cao siêu nhưng gần gũi, để bất cứ ai chân thành đều có thể đón nhận Lời và tìm ra được ý nghĩa cho đời mình.

    Lạy Chúa Giê-su là nguồn Anh Sáng Vĩnh Cửu, là Nguyên Lý Sự Sống và là Niềm Hoan Lạc Bất Tận, xin tuôn đổ ánh sáng thần linh của Chúa xuống trên chúng con. Xin xua đuổi khỏi tâm trí chúng con bóng tối của sự dữ và u mê; xin giúp chúng con biết đón nhận Lời của Chúa và biết can đảm làm chứng cho Lời Ngài giữa thế giới hôm nay. Amen.

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

NỖI LÒNG

                                                            

Hãy chăn dắt chiên của Thầy. (Ga 21,15)

Một phút suy gẫm

        Chỉ mấy ngày trước, ông Phê-rô đã mạnh mẽ xác tín tình yêu với Thầy: Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã". Nhưng không lâu sau đó ông đã chối Thầy ba lần.
        Hôm nay, ông Phê-rô cũng xác tín tình yêu của mình với Thầy ba lần, nhưng không mạnh mẽ, hùng hổ như xưa. Bởi ông biết lòng mình yêu Thầy lắm, nhưng ông cũng hiểu tình yêu của mình thật nhỏ bé, mong manh và dễ vỡ biết chừng nào khi đối diện với những thử thách, gian nan.
        Ông Phê-rô đã từng vấp ngã, vấp ngã đau đớn, nhưng ông đã đứng dậy sau lần vấp ngã để tiếp bước hành trình trong tín thác, cậy trông. O6ng không còn cậy dựa vào sức riêng của mình nữa. O6ng biết rằng, chỉ có tình yêu của Chúa mới đảm bảo cho tình yêu của mình mà thôi: " Thầy biết con yêu mến Thầy."

      Lạy Chúa Giê-su, xin cứu chúng con giữa sóng nước cuộc đời. Xin nắm tay chúng con khi chúng con quỵ ngã. Xin nâng đỡ niềm tin yếu mền của chúng con, để chúng con trở nên nhẹ tênh mà bước những bước dài hướng về Chúa, và cũng đừng để con rời xa Chúa bao giờ. Amen.

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

NÊN MỘT

       Xem hình

Xin cho họ được hoàn toàn nên một. ( Ga 17, 23)

Một phút suy gẫm

                       Mình với ta tuy hai mà một,
                       Ta với mình tuy một mà hai.
                       Tình yêu nối kết đôi ta,
                       Ta yêu nhau quá nên hai hóa ra thành một.

        Chỉ có tình yêu mới làm cho người ta nên một. Chỉ có tình yêu mới làm cho người ta biết cho đi mà không tính toán. Đức Giê-su cũng mong muốn cho các môn đệ được nên một, được hiệp nhất với nhau trong tình yêu. Sự hiệp nhất sâu xa và trọn vẹn đến mức " như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ ở trong chúng ta."
        Mong muốn của Đức Giê-su cũng là trách nhiệm của mỗi người Ki-tô hữu, bởi lẽ người Ki-tô hữu là thành phần của Giao hội, tức là những chi thể của Thân Thể Nhiệm Mầu; là nối dài sự hiện diện của Đức Giê-su trong thế giới này, vì thế người Ki-tô hữu phải có bổn phận sống phù hợp với tinh thần của Người.

     Lạy Chúa Giê-su, xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa. Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương, để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ. Xin cho mỗi người chúng con biết gạt bỏ những khác biệt, để cùng nhau xây dựng gia đình, cộng đoàn, giáo xứ chúng con mỗi ngày được tràn đầy ơn hiệp nhất, yêu thương. Amen.

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN

                                         

Lạy Cha , xin cho họ nên một như chúng ta. (Ga 17,11b)

Một phút suy gẫm

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá sen
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.  (Ca dao)
        " Thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian'. "Thế gian " là gì? Đó là lối sống cá nhân, ích kỷ, chỉ biết vun đắp cho chính mình mà chẳng biết nghĩ đến ai; là lối sống hưởng thụ, là chạy theo vật chất, coi đó như cứu cánh của mình và bỏ quên những thực tai tôn giáo, tâm linh. 'Thế gian" là sự ghen ghét, hận thù; là     sự chia rẽ và thiếu vắng yêu thương.
       " Thế gian" ấy đi ngược lại với tinh thần Tin Mừng của Đức Giê-su và thù ghét những ai không thuộc về nó. Người môn đệ Đức Giê-su sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, không theo thế gian nên bị thế gian và những ai thuộc về nó thù ghét, bách hại.
       "Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha giữ gín họ khỏi ác thần". Lời cầu xin của Đức Giê-su cho những ai thuộc về Người vừa là lời đảm bảo, vừa là lời mời gọi chúng ta biết tin tưởng vào ơn trợ lực của Chúa Cha, để can đảm sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng.

       Lạy Chúa, xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa. Xin hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa, và để con hưởng nhan Chúa đời đời (Thánh Âu- tinh). Amen.

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

                                           

                Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em. ( Ga 15,16)

Một phút suy gẫm

        Ở đời, thường người thay thế ít được biết đến, khi nhân vật chính lỗi hẹn, người thay thế mới có cơ hội. Khi nhân vật chính từ bỏ cuộc chơi, người thay thế d7uo7c5 chọn để tiếp nối hành trình còn dở dang.
       Với Đức Giê-su, không có chuyện phân biệt ai là chính, ai là phụ, ai là người thay thế; nhưng điều quan trọng là ta có ở lại trong tình yêu của Người hay không.
       Ở lại trong tình yêu của Người cũng có nghĩa tuân giữ lời của Người. Ở lại trong tình yêu của Người là đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Người: " Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu."
       Ở lại trong tình yêu của Đức Giê-su là biết sống kết hiệp với nhau, như cành gắn liền cây nho.

   Lạy Chúa, xin cho con biết yêu như Chúa yêu. Xin giúp con đừng bao giờ khép lại chính mình, nhưng luôn biết mặc lấy tâm tình bao dung và hướng đến người khác. Amen.

     

 TÔNG ĐỒ MaT THI A

        Tài liệu duy nhất đáng kể về thánh Mathia là tường thuật của sách Công vụ các tông đồ (Cv 1,15-26). Theo điều kiện mà thánh Phêrô đưa ra để chọn người thế chân cho Giuđa trong nhóm 12. Chúng ta biết thánh Mathia là một trong số các môn đệ của Chúa Giêsu. Ngài đã theo Chúa Giêsu “Khởi từ lúc Gioan thanh tẩy cho đến ngày Chúa Giêsu về trời” (c. 22). Sau khi Chúa Giê-su về trời, các tông đồ họp nhau lại để chọn sứ đồ thứ 12 thế chỗ của Judas Iscariot theo cách bắt thăm, cách mà người Do Thái thường dùng để xem ai là người được chọn theo ý của Thiên Chúa. Thăm trúng vào Matthias, người này trở nên tông đồ thứ mười hai (Công vụ 1. 23-26).

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

CAN ĐẢM LÊN !

                                                     

Can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian. ( Ga 16,33)

Một phút suy gẫm

        Các đệ tử bức xúc khi thấy lời dạy của Thầy bị chế nhạo trên một tờ tạp chí địa phương. Nhưng Thầy vẫn tỉnh bơ như không. Thầy nói: " Có cái gì là thật mà không bị nhạo cười không? " (Anthony de Mello)
Sống theo sự thật chẳng bao giờ dễ dàng. Qủa vậy, gian nan , và khốn khó luôn chờ đợi những ai muốn sống và làm chứng cho sự thật. Vì sự thật thường gây mất lòng, sự thật thường làm chướng tai gai mắt.
         Người môn đệ muốn sống theo sự thật của Thầy Giê-su luôn phải biết sẵn sàng đón nhận và kiên nhẫn trước những thử thách, gian truân.
        Nhạo cười, phỉ báng có là chi, vì cái giá mà người môn đệ phải trả để làm chứng cho Sự Thật còn cao hơn nhiều, thậm chí là mạng sống của chính mình.
        "Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian." Lời Thầy Giê-su chính là điều đảm bảo cho người môn đệ biết tin tưởng và sẵn sàng dấn thân cho Sự Thật, sống và chết cho Sự Thật.
     Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết can đảm làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của chúng con. Xin cho chúng con sức mạnh để sẵn sàng chấp nhận hy sinh và vượt qua mọi gian khổ, để chúng con luôn vững một niềm tin và một tình yêu nơi Chúa. Amen.

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

CHỨNG NHÂN LÊN TRỜI

                                                        

Đang khi  chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được lên Trời. (Lc 24, 50)

Một phút suy gẫm

        Chúa lên Trời, một hình ảnh huyền bí nhưng không huyền thoại. Chúa lên Trời, một thực tại và đối tượng của Đức Tin. Chúa lên Trời, là một bảo chứng cho niềm hy vọng của người Ki-tô hữu, bởi Người đã đi trước là để " mở đường " dẫn chúng ta vào nước Trời, khiến chúng ta là chi thể cũng nắm chắc phần hy vọng sẽ được cùng Người vào hưởng phúc vinh quang.
        Đối với người Ki-tô hữu, cùng đích của đời người không phải là cõi đời này. Kiếp nhân sinh không phải là hạnh phúc bền vững, đích thực cho người ta có thể bám vào. Chỉ có Nước Trời mới thực sự là cứu cánh muôn đời.
       Việc lên Trời diễn tả bản tính nhân loại của Chúa Phục Sinh đã được đưa vào thiên giới với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong uy lực và vinh quang. Do đó Đức Giê-su lên Trời không có nghĩa là rời xa vĩnh viễn các môn đệ, nhưng từ nay người hiện diện một cách mới mẻ. Sự hiện diện này đem lại kết quả tốt đẹp hơn, vì cả Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều hiện diện trong tâm hồn các môn đệ cũng như tâm hồn mọi tín hữu.
       Người hiện diện cùng chúng ta trong khắp mọi nẻo đường, qua công việc chúng ta làm hằng ngày nhất là khi chúng ta lắng nghe và sống Lời Người; và cách đặt biệt hơn mỗi khi chúng ta lãnh nhận chính Mình Máu Người trong Bí Tích Thánh Thể.
      Sống trọn vẹn ý nghĩa của biến cố Thăng Thiên nghĩa là đang tiếp bước theo Đức Giê-su, là hành trình mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với con người.
      Lạy Chúa Giê-su đang ngự bên hữu Thiên Chúa, xin cho những vất vả đời thường không làm chúng con quên trời cao; và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân con về bên Chúa. ƯỚC gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện. Amen.


Ngày Truyền Thông Thế Gioi 12/5/2013

                                           

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

CỨ XIN

                                                   

        Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy và tin vào Thầy. (Ga 16,27)

Một phút suy gẫm

       Hơn ba năm sống với Thầy, các môn đệ vẫn bị Đức Giê-su trách khéo: "Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nê trọn vẹn" ( Ga 16, 24). Các môn đệ không xin gì vì các ông chưa tin hay vì các ông chưa cần ơn Chúa giúp? Tuy nhiên,các ông sẽ được hưởng niềm vui trọn vẹn từ chính điều mình xin.
       Lạy Chúa, đã bao lần  chúng con  cầu xin nhưng không được chấp nhận. Chúng con còn thiếu điều kiện nào chăng? Đức Giê-su kêu mời hãy mạnh dạn đến với Chúa Cha và đưa ra những thỉnh nguyện, nhưng đừng quên nhân danh Người khi xin cùng Chúa Cha. Khi cầu xin nhân danh Đức Ki-tô là chúng ta hiệp nhất với Người, nên lời xin của chúng ta dễ được Chúa chấp nhận. Hơn thế nữa, nhờ tin nhận và yêu mến Đức Giê-su, chúng ta sẽ sống trong tình yêu Thiên Chúa ngay khi còn sống ở trần gian. Đó mới là kho tàng quý giá hơn mọi kho tàng khác.

     Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ, xin giúp chúng con quên mình hoàn toàn để ở lại trong Chúa, lặng lẽ và an bình như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu. Amen.

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

THẬP GIÁ VINH QUANG

                                    

Niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. ( Ga 16, 22)

Một phút suy gẫm

       Cuộc sống dường như không thể tránh khỏi những lúc phiền muộn: căng thẳng, cô đơn, lo lắng, xung đột...Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là không ai có thể sống nếu không có niềm vui. Sống có là gì nếu trống vắng niềm vui? Mà " ở đâu có niềm vui, ở đâu có sáng tạo: sáng tạo càng phong phú, niềm vui càng sâu sắc" ( H. Bergson).
       Trước biến cố thương khó và khổ nạn của Đức Giê-su, các môn đệ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Vì vậy, Đức Giê-su hứa các ông, Người sẽ sớm gặp lại các ông. Khi đó: "niềm vui của anh em, không ai lấy mất được" (Ga 16,22).
        Đức Giê-su ví kinh nghiệm tâm linh này như cuộc sinh nở của người phụ nữ. Người phụ nữ phải đau đớn khi chuyển dạ, nhưng mọi đau đớn ấy sẽ chẳng còn là gì trước niềm vui một trẻ thơ chào đời trong thế gian.
        Bước theo Đức Giê-su là một hành trình vác Thập giá đầy vất vả: từ bỏ sự an nhàn, tiện nghi, những đặc quyền...Nhưng nếu sống trung tín với Đức Giê-su đến cùng, thập giá sẽ trở thành vinh quang, nỗi buồn sẽ trở thành niềm vui. Đức Giê-su tiết lộ niềm vui ấy sẽ còn mãi: niềm vui của sự hiệp thông luôn được trao ban và luôn mới mẻ. Trong niềm vui thần linh ấy, con người đạt tới tầm vóc của mình.

     Lạy Chúa Giê-su, xin đừng để điều gì quyến rủ con, ngoài Chúa. Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa. Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

ÍT LÂU NỮA

                                     

   Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 

(Ga 16,20)

Một phút suy gẫm


       Ngày sống của mỗi chúng ta đều có 24 tiếng, thế nhưng thời gian có ý nghĩa và độ dài khác nhau, tùy vào tâm trạng của mỗi người: ai đang chờ đợi thì thấy thời gian trôi đi quá chậm, ai sợ hãi thì thấy thời gian lại đến quá nhanh. Cũng vậy, ai đang đau buồn thì cảm thấy thời gian dài lê thê, còn ai đang hưởng niềm vui thì thời gian như ngắn ngủi.
       Đức Giê-su nói: "It1 lâu sau, anh em sẽ không trông thấy Thầy" (Ga 16, 16).  "It lâu sau" là dài hay ngắn? "It lâu nữa" nghĩa là gì?
       Đức Giê-su nói tiếp; "Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ thành niềm vui" (Ga 16, 20). Có thể hiểu, "It lâu nữa" là thời gian khi lo buồn được biến đổi thành niềm vui. Lâu hay mau không quan trọng. "It lâu sau" là thời gian biến đổi từ thấy Đức Giê-su hữu hình sang kinh nghiệm Phục Sinh.
       Chúng ta cũng hay nói: "It lâu nữa..." Khi được nhờ vả một việc gì đó, chúng ta trả lời: "chờ một tí". Khi được mời gọi thay đổi, chúng ta nói: " Lạy Chúa,xin chờ con một chút". "It lâu nữa..." dường như là một khoảng thời gian vô định, khi chúng ta lưỡng lự, trì hoãn hay không muốn làm một điều gì đó.
        Đối với Đức Giê-su, "ít lâu nữa", "một tí nữa" lại là sự cố biến đổi và niềm hy vọng. Khi bạn cô đơn, tôi sẽ đến với bạn trong ít lâu. Khi bạn đau buồn, tôi sẽ ở đó để an ủi bạn trong ít lâu.
      Lạy Chúa Giêsu, có những ngày con cảm thấy đời sống thật nặng nề; có những lúc con muốn buông trôi, để mặc cho dòng đời đưa đẩy; có những khoảng thời gian dài, con như mảnh đất khô khan cằn cỗi. Xin cho con ánh sáng của Chúa để con biết lối mà đi. Xin cho con tấm bánh của Chúa để con có sức mà dấn bước. Xin cho con Lời của Chúa để con vững một niềm tin. Xin cho con sự sống của Chúa để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn, niềm vui và sáng tạo. 

      Lạy Chúa Giêsu, con thấy mình cần Chúa trong mỗi giây phút của cuộc đời.Ước gì ai gặp con cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.


    

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

CHẠM ĐẾN SỰ THẬT

                                                     

Thần khí sự thật sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (Ga 16, 13)

Một phút suy gẫm

       Ngày nay sự giả dối len lỏi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và thậm chí cả tôn giáo.
       Để sống trong sự thật, chúng ta cần đến Thiên Chúa: " Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.' (Ga 16, 13).
       Sự thật tuyệt đối chỉ có ở nơi Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể chạm đến sự thật khi có Thiên Chúa trong tâm hồn. Nguyên nhân sâu xa làm cho xã hội và con người không sống sự thật vì con người chối bỏ Thiên Chúa, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta quên rằng chỉ có sự thật mới cho chúng ta được tự do (x.Ga 8, 32).
        Sống giữa thời đại mà đời sống luân lý, nhân bản bị chà đạp; thời đại mà sự thật bị bưng bít và chối từ, thời đại "cả vú lấp miệng em", người nghèo bị coi khinh...chúng ta được mời gọi trở nên công cụ của Thần Khí sự thật để mang lại cho tha nhân tình thương và sự công bằng.
        Sống trong một xã hội vàng thau lẫn lộn như thế, việc kinh nghiệm đâu là sự thật và đâu là giả dối không phải chuyện dễ. Là một Ki-tô hữu, liệu rằng chúng ta có dám "nói thật, sống thật và làm thật" trong đời sống hằng ngày của mình?

      Lạy Chúa Thánh Thần, xin Người ngự đến. Xin giúp chúng con can đảm nói thật và sống thật cho dù phải chấp nhận nhiều thiệt thòi, rủi ro và nguy hiểm. Amen.


Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

THÀY ĐI THÌ CÓ LỢI CHO ANH EM

                                    

Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em. ( Ga 16,7)

Một phút suy gẫm

       Chú bé bị mù từ bẩm sinh. Nhờ cuộc giải phẩu, mắt chú dần dần sáng ra. Ngày nọ, mẹ dẫn chú ra đường và mở băng  che mắt, chú say sưa ngắm nhìn trời đất. Chú kêu lên: "Mẹ ơi, sao lâu nay mẹ không nói cho con biết đất trời đẹp như thế này." Bà mẹ bật khóc nói : "Con ạ! Mẹ đã cố găng nói cho con hay đấy chứ, nhưng lúc đó làm sao con hiểu được."
        Sau ba năm tình thầy- trò gắn bó, sự ra đi của Đức Giê-su khiến lòng các môn đệ tràn ngập nỗi u buồn. Nhưng sự ra đi này là điều kiện để Đấng Bảo Trợ đến với các môn đệ.
Đức Giê-su gọi Thánh Thần là " Đấng Bảo Trợ" Đấng Bảo Trợ sẽ chứng minh cho các môn đệ biết ba điều: Thế gian có tội, sự công chính thuộc về Đức Giê-su và Thủ lãnh thế gian đã bị xét xử rồi.
        Không chỉ riêng với các môn đệ, qua mọi thời, Đấng Bảo Trợ vẫn luôn đồng hành và không ngừng mặc khải cho chúng ta biết sự thật về thế gian. Đấng Bảo Trợ giúp chúng ta nhận ra mối tương quan giữa chúng ta và Đức Giê-su đã bị tội lỗi phá vỡ: tội từ chối tin vào Đức Giê-su.
        Đấng Bảo Trợ giúp chúng ta hàn gắn lại mối tương quan ấy, bằng cách làm cho chúng ta hiểu đầy đủ những giáo huấn của Đức Giê-su. Nhờ Đấng Bảo Trợ, chúng ta biết rằng mình không bị xét xử nhưng được yêu thương; không bị trừng phạt nhưng được tha thứ; không bị hư mất nhưng được cứu.

      Lạy Chúa Thánh Thần, xin đến giữa chúng con, xin ở lại với chúng con, xin dạy chúng con biết phải làm gì và phải đi đâu. Xin chỉ cho chúng con biết phải chọn gì, để nhờ ơn Chúa, chúng con chúng con có thể làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự. Amen.

                                                  

Xin Chúa Thánh Thần thánh hóa từng công việc chúng con làm.

                                            

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

ANH EM LÀM CHỨNG CHO THẦY

                                                        

Thần khí sự thật sẽ làm chứng về Thầy. (Ga 15,26)

Một phút suy gẫm

      Tại một trại giam thời Liên Xô, một cô gái trẻ cũng bị giam với chúng tôi kề miệng vào tai tôi khẽ nói: "Chị biết mai là ngày gì không? Mai là ngày lễ Phục Sinh"...Tối đó, bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề: "Đức Ki-tô đã sống lại thật"...Một tuần lễ sau, cô gái được thả về phóng giam, mặt cô xanh xao, người gầy đi thấy rõ. Nhưng tôi thấy ánh mắt cô vẫn lóe sáng lên như ngày nào.
" Làm chứng" là một lệnh truyền gắn với ơn gọi Ki-tô hữu. Thiếu khía cạnh làm chứng, cuộc đời Ki-tô hữu sẽ trở nên vô nghĩa. Làm chứng là một lời mời gọi, cũng là một lệnh truyền của Đức Giê-su; " Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu." (Ga 15, 27)
        Ngày nay, không phải ai trong chúng ta cũng ra đi làm chứng như các môn đệ ngày xưa. Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường, chúng ta vẫn có thể làm chứng cho Đức Giê-su trong khả năng và trách nhiệm của mình.
        Theo lời Đức Giê-su Đấng Bảo Trợ vừa làm chứng trước các môn đệ để các ông xác tín và giữ vững niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, vừa làm chứng trong các môn đệ để các ông được hiểu biết, khôn ngoan và can đảm làm chứng cho Đức Giê-su. Cũng vậy, lời chứng của chúng ta không thể  tách rời khỏi lời chứng của Đấng Bảo Trợ.

   Lạy Chúa Thánh Thần, giữa vai trò và trách nhiệm của đời sống, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Người đang hướng dẫn chúng con theo đường ngay lẽ phải, hầu xứng đáng là nhân chứng giữa lòng đời hôm nay. Amen.

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

YÊU MẾN THẦY

                                               

          Thánh Thần sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (Ga 14, 26)

Một phút suy gẫm

       Hai mươi nhà sư và một ni cô tên Eshun học thiền với một thiền sư. Ni cô Eshun rất đẹp, mặc dù ni cô đã cạo đầu và mặc áo cà sa rất thường. Vài vị sư thầm yêu nàng. Một vị viết cho  nàng một bức thư tỏ tình, xin được gặp riêng nàng. Eshun không trả lời. Ngày hôm sau, thiền sư giảng bài cho cả lớp, và khi thầy giảng xong, Eshun đứng dậy. Nhìn người viết thư tỏ tình cho mình, Eshun nói: " Nếu thực sự anh yêu tôi rất nhiều, hãy đến đây và ôm tôi." ( 101 truyện thiền)
      Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cũng đòi hỏi các môn đệ của Người công khai bày tỏ tình yêu của mình như thế: " Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy."
       Tình yêu không chỉ là những rung động cảm tính, mà còn được cụ thể hóa qua những hành động thiết thực. Không thể nói yêu mến Đức Giê-su nếu không nghe lời Người. Không thể thi hành lời Đức Giê-su trọn vẹn nếu không yêu mến Người.
       Song để yêu mến không phải chuyện dễ. Làm sao có thể yêu mến một người mà ta chưa từng gặp mặt và sống cách xa ta hơn hai mươi thế kỷ? Giữ lời Đức Giê-su chẳng phải đơn giản. Lời Người đòi chúng ta ra khỏi mình, bay lên cao và đụng chạm đến một tình yêu đích thực. Đó là một tình yêu đúng nghĩa, luôn tìm cách làm đẹp lòng người mình yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người mình yêu. Đây là một tình yêu không vị kỷ nhưng vị tha, không coi mình là " cái rốn" vũ trụ nhưng là nơi luôn rộng mở để người khác dễ dàng chia sẻ và có thể đón nhận: không phải là tương quan đổi chác, nhưng là " hoa trái" được sinh ra từ những gì đã lãnh nhận.
       " Ai yêu mến Thầy..." là một lời kêu gọi, một lời đề nghị cho những ai biết tự nguyện đón nhận và thực hành lời Người. Tình yêu thì không áp đặt, không chiếm đoạt, không làm mất tự do, không hạ thấp phẩm giá người thực hành yêu thương và người được yêu. Thiên Chúa muốn tự do và phẩm giá đó được thăng tiến.

        Chính Thánh Thần, như Đức Giê-su đã hứa, sẽ luôn nâng đỡ và hành động trong chúng ta, giúp chúng ta thấy Thiên Chúa thật gần. Nhờ đó, chúng ta có thể say mê Người và nhận ra giáo huấn của Người thật sống động và ý nghĩa. Từ đó, chúng ta có thể được thông hiệp vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. 

       Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, Chúa không muốn chúng con chỉ ngồi đó " Lạy Chúa, lạy Chúa..." mà không sống theo đòi hỏi của Tin Mừng là thực thi giới luật yêu thương Chúa đã truyền dạy. Xin cho chúng con luôn được sống trong tình yêu của Chúa, biết tuân giữ các lời Chúa dạy, và biết bày tỏ lòng mến Chúa, yêu người qua những hành động cụ thể. Amen.


Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

THẾ GIAN THÙ GHÉT


                                                

         Anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn anh em khỏi thế gian. (Ga 15,19)

Một phút suy gẫm


        Tôi hân hạnh thuộc về một Giao Hội người ta ghét. Đã hẳn, kẻ nhận biết bản tính thần linh của Giao Hội thì yêu Giao Hội. Nhưng, kẻ tưởng Giao Hội là lỗi thời, lạc hậu, dị đoan, ma thuật thì ghét Giao Hội. Kẻ chịu ơn thiêng liêng của Giao Hội, thì mến Người như Mẹ vậy. Các kẻ khác thì xua đuổi Người, hoặc ít là làm ngơ vậy. Các môn phái chia rẽ nhau về nhiều điều, mhưng hợp nhau trong sự coi Giao Hội là kẻ thù chung ( " Người Galile muôn thủa", Fulton Sheen).
        Vào thời Thánh Gioan viết Tin Mừng, các Ki-tô hữu sống giữa những người thù ghét Đức Giê-su. Lý do bị thù ghét là vì người Ki-tô hữu có lối sống không giống người khác.
Chắc hẳn cuộc sống của người Ki-tô hữu hôm nay, cũng gặp nhiều khó khăn thử thách. Bởi vì, cách nào đó, lối sống của người Ki-tô hữu như đi ngược lại với dòng chảy của xã hội. Người thế gian coi tiền bạc trọng hơn đạo đức, lọc lừa hơn chân thật, ai cũng ích kỷ lo cho bản thân...Vậy, nếu vì phải sống theo lý tưởng tốt đẹp của mình mà bị thế gian thù ghét, chúng ta hãy chấp nhận.

        Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đâu là điều thế gian muốn và đâu là điều Chúa muốn để chúng con thực thi ý Chúa, cho dù phải chịu sự bách hại của thế gian, hầu chúng con trọn vẹn thuộc về Chúa. Amen.


Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

THẤY THẦY LÀ THẤY CHÚA CHA

                                                       

Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau (Ga 15, 17)

Một phút suy gẫm

       Nếu bạn đến một thành phố xa lạ và hỏi thăm đường đi, có người chỉ dẫn rằng :" Đến ngã tư thứ nhất anh rẽ sang phải, đến ngã tư thứ hai anh rẽ sang trái, đi qua công viên, vượt qua một nhà thờ, đến ngã tư thứ ba thì rẽ sang phải nữa... con đường anh tìm là con đường thứ tư bên trái." Nếu chỉ dẫn như thế, có thể đi được nửa đường, anh đã bị lạc. Nhưng nếu có người nói: "Anh đi theo tôi, tôi sẽ dẫn anh đến đó"; người ấy sẽ đưa ta tới nơi không lạc đường.
       Khi Đức Giê-su giới thiệu về Chúa Cha thì Phi- líp -phê thưa với Thầy mình rằng: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện". Đức Giê-su trả lời: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha". Điều Phi-líp -phê xin cho thấy ông là người thực tế, thấy mới tin.
      Tuy nhiên, điều mà Đức Giê-su đòi hỏi nơi ông và các môn đệ khác chính là niềm tin. Tin rằng Đức Giê-su ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Đức Giê-su. Hay cách gián tiếp là nhìn những công việc Đức Giê-su làm, mà tin Đức Giê-su đến từ Chúa Cha. Bởi vì, tất cả những việc Đức Giê-su làm đều là thánh ý của Chúa Cha.
     Lạy Chúa, xin cho chúng con noi gương bắt chước hai Thánh Tông đồ Phi-líp-phê và Gia-cô-bê mà trở thành những tông đồ luôn nhiệt tâm tìm kiếm chân lý và góp phần xây dựng nước Chúa ở trần gian này. Amen.

                             Thánh Philípphê và Giacôbê Tông Đồ, lễ kính

      Thánh Philípphê sinh tại Bếtsaiđa, ở Galilê, đồng hương với thánh Phêrô và thánh Anrê. Ngay trong những ngày đầu đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã gặp ngài và kêu gọi theo Người. 

   Thánh Giacôbê chúng ta mừng kính hôm nay là Giacôbê hậu, khác với Giacôbê tiền là anh em với thánh Gioan. Ngài sinh tại Cana, ở Galilê, thuộc dòng tộc Giuđa, và hai em khác là Giuse và Simôn là môn đệ Chúa.




Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

KẾT HIỆP VỚI ĐỨC GIÊ-SU

                                          

        Hãy ở lại trong tình thương của Thầy, để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. (Ga 15,9)

Một phút suy gẫm

        Mối tương quan đích thực giữa hai ngôi vị là tình yêu. Có thể nói rằng tình yêu của Đức Giê-su với các môn đệ, cũng giống như tình yêu của Chúa Cha với Người. Sự kết hiệp trong tình yêu giữa các môn đệ và Đức Giê-su được so sánh với sự kết hiệp của Đức Giê-su với Cha Người. Bởi cả hai đều giống nhau ở chỗ: các môn đệ ở trong tình yêu của Đức Giê-su, cũng như Người ở trong tình yêu của Chúa Cha; các môn đệ giữ điều răn của Đức Giê-su, cũng như Đức Giê-su tuân phục thánh ý  Chúa Cha.
        Như thế, các môn đệ và Đức Giê-su đều tuân giữ các điều răn và cùng ở lại trong tình yêu Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi chúng ta phải trung thành tuân giữ mọi điều răn Chúa dạy. Đây là dấu chỉ chắc chắn và cụ thể nhất để tỏ lòng mến Chúa.

      Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống kết hiệp với Chúa mỗi ngày qua Thánh lễ, qua học hỏi, qua sống và tuân giữ mọi điều Chúa dạy, để chúng con luôn được đón nhận và sống trong tình yêu thương của Chúa. Amen.

THẦY LÀ CÂY NHO

                                          Gioan 15,1-8

         Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. (Ga 15,4)

Một phút suy gậm

       Sinh hoạt của Hội Thánh luôn được phát triển như các cơn thử thách là nhờ sức sống nội tại của Đức Giê-su Phục Sinh. Nhờ sự kết hiệp và hiệp nhất với Đức Giê-su qua đức tin mà các Ki-tô hữu như cành nho gắn liền với cây nho thì mới có thể sinh nhiều hoa trái cho sự sống đời đời. Nhưng nếu cành nào không sinh hoa trái sẽ bị chặt đi. Còn cành nào sinh hoa trái thì sẽ được cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái hơn trước. Có thể nói, đây là hình ảnh diễn tả công việc của Thiên Chúa đang thực hiện trong Hội Thánh, trong mỗi Ki-tô hữu qua các thời đại. Người cắt tỉa qua những thử thách bằng cách chịu bách hại, đau khổ và hy sinh vì Chúa để tôi luyện đức tin, lòng cậy trông và tình mến Chúa và qua đó để thanh luyện những kẻ yêu mến Người..

        Lạy Chúa, xin cho chúng con khi gặp thử thách trong cuộc sống, biết hướng lòng trông cậy lên Chúa, để củng cố đức tin, hầu biết yêu mến Chúa hơn. Amen.


NGƯỜI THỢ MỘC GƯƠNG MẪU

                                                         

Ông này không phải là con bác thợ sao? (Mt 13,55)

Một phút suy gẫm

Bài hát Giuse xóm nhỏ

Giuse trong xóm nhỏ khó nghèo 
Thuở xưa, miền Na-gia-rét Thánh gia Người vui sống 
Nêu gương cho tất cả gia đình cần lao 
Tình yêu tha thiết với cảnh đời đơn nghèo 

Cho người Cha hết sức yêu mến tận tình 

Biết nêu gương sáng chốn gia đình 
Dù bao phong trần lòng được luôn sướng vui 
Vững tay đưa thuyền qua sóng đời 
Cho người thân mẫu giữ hạnh phúc gia đình 
Sống vui trong chí hướng trung thành 
Nhiệt tâm giáo dục đoàn trẻ thơ dấu yêu 
Lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều 
Cho đoàn em bé biết thảo kính vâng lời 
Biết noi gương mến Chúa yêu người 
Hồn luôn giữ gìn được màu hoa Thánh ân 
Xưng nên ngôi đền Chúa Thánh Thần.

        Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của Cha cố Giám đốc Gioan...
       Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết...
     Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...

     Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực... Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.

     Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao...

     Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...