Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

TÂM TÌNH YÊU THƯƠNG

                                                    


Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông. ( Lc 13,31)

Một phút suy gẫm

        Một diễn giả thuyết trình cho các bậc phụ huynh về thái độ phải luôn thông cảm với con cái, nhất là khi chúng còn nhỏ. Diễn giả vừa dứt lời, một người mẹ phát biểu ý kiến: " Trong bài thuyết trình, ông đã nhiều lần nhắc đến những sai sót của cha mẹ không đủ kiên nhẫn để tỏ ra thông cảm với con cái. Phần tôi thì có kinh nghiệm ngược lại: tôi luôn luôn tìm cách thông cảm với con cái, nhưng chẳng những chúng không nghe lời tôi, mà còn chống lại tôi. Xin ông vui lòng cho chúng tôi biết phải làm gì nữa để con cái nghe lời chúng tôi. "
        Kinh nghiệm của người mẹ trên đây có thể giúp chúng ta hiểu thêm phần nào tâm tình của Đức Giê-su đối với người Do Thái và đối với thành Giê-ru-sa- lem, và một cách nào đó cũng là đối với tất cả chúng ta.
       Tuy bị người đời từ chối, nhưng Đức Giê-su vẫn không ngừng yêu thương và yêu thương họ đến cùng.
       Cơn khát của Đức Giê-su trong giờ hấp hối không chỉ là cái khát thể lý, nhưng hơn thế nữa, đó là nỗi khao khát của con người được ơn cứu độ, là nỗi khát khao con người biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa và sống trong tương quan mật thiết với Người.
           Lạy Chúa xin cho con biết những suy nghĩ của con chỉ là những ý định của phàm trần, còn chương trình của Chúa mới là hoạch định thần thiêng. Cái phàm trần không thể sánh được cái thần thiêng.
Xin cho con biết bước theo hoạch định của Chúa dành cho con một cách hiên ngang không gì cản trở. Và giả dụ có những gì cản trở theo kiểu ông Phêrô và những người Pharisêu, thì xin cho chúng con biết mạnh dạn vượt qua để đi trọn con đường tình với Chúa. Amen.




Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

HÃY LÊN ĐƯỜNG

                                   CNTN21C2


Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào. ( Lc 13,24)

Một phút suy gẫm

       Một buổi sáng náo nhiệt, người đàn bà sang trọng đi chiếc xe hơi bóng láng, lóng lánh như kim cương tới cửa thiên đàng. Nghe tiếng còi điện lừng vang, thánh Phêrô vội vã mở cửa dẫn vào. Khi vị thánh giữ cửa thiên đàng chỉ cho bác tài xế của bà một toà nhà đồ sộ, thì bà sung sướng nghĩ thầm: “Bác tài mà còn được ở một toà nhà nguy nga tốt đẹp như thế! Còn tôi chắc phải được một dinh thự sang trọng lộng lẫy đến chừng nào”. Và bà ta xoa tay vui sướng.Ngờ đâu khi bác tài đi rồi, thánh Phêrô lại chỉ vào một túp lều lụp xụp ở góc vườn và nói:- Đó là nhà của bà.Người nhà giàu hoảng hốt, choáng váng đầu óc:- Nhà của tôi đó thật sao? Không, tôi không thể nào sống trong một căn lều tồi tàn xấu xí như thế được!Thánh Phêrô vân vê chòm râu bạc, trả lời giữa hai cái nháy mắt.- Thưa bà, với vật liệu bà đã gởi lên cho tôi xưa nay, tôi chỉ làm được có ngần ấy thôi      “Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13,30). Đó là bất ngờ đau đớn cho “những kẻ đứng đầu”. Họ là những người được Chúa ban cho giàu có, nhưng lại sống trong ích kỷ, chỉ biết thu vén cho mình những của cải đời này, mà không biết chia sẻ trao ban như luật yêu thương Chúa dạy. Chính tài sản đã làm họ vướng víu nên không thể qua “cửa hẹp” mà vào được Nước Trời.       “Những kẻ đứng đầu” có thể là những ai được Chúa ban cho địa vị, chức quyền, khôn ngoan, nhưng lại sống trong huênh hoang tự đắc. Thay vì dùng ơn lành Chúa ban để nâng đỡ anh em, phục vụ cộng đoàn, họ lại nuôi dưỡng tham vọng cá nhân. Chính cái tôi cồng kềnh đã làm họ vướng víu nên không thể qua “cửa hẹp” mà vào được Nước Trời.        Lạy Chúa, cửa Nước Trời luôn rộng mở. Ngõ vào cửa Nước Trời là ngõ hẹp. Xin cho chúng con biết trút bỏ những tham sân si và bận vướng cuộc đời để thanh thản bước theo Chúa. Xin Chúa dẫn dắt chúng con đi vào đường ngay nẻo chính. Amen.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

TIN TƯỞNG VÀ HY VỌNG

                                                  

Hạt cải lớn lên và trở thành cây. ( Lc 13,19)

Một phút suy gẫm

         Nước Trời là một đề tài quan trọng trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu. Nhưng, Nước Trời là một mầu nhiệm, bởi thế để diễn tả, Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều dụ ngôn, chẳng hạn Nước Trời giống như một bữa tiệc, viên ngọc, chiếc lưới, như người gieo giống… Trong tin mừng vừa nghe, để diễn tả về Nước Trời, Chúa Giêsu dùng 2 dụ ngôn: hạt cải và nắm men. Mỗi dụ ngôn đều nói lên một khía cạnh riêng. Nhưng, chung quy chỉ muốn nói với chúng ta rằng:  Chuyện quan trọng không phải là nhỏ hay lớn, mà là sức sống. Chúa Giêsu dưới hình hài một em bé nghèo nhưng có sức sống của một vì Thiên Chúa, Ngài đến để lấy tình yêu mà biến đổi cả thế giới nầy. Như vậy, chỉ có tình yêu mới thay đổi được con người, mới làm cho con người trở nên tốt được. Lý luận sắc bén thần học hay triết học chẳng thay đổi được ai. Lịch sử Giáo hội minh chứng rằng không phải các triết gia hay các nhà thần học đã làm thay đổi và phục hưng Giáo hội, nhưng là các thánh, những người đã sống như Chúa Giêsu, đã yêu mến Chúa cũng như yêu thương anh em mình hết tình.

        Từ những ý nghĩa đó nhìn về hạt cải đức tin đã được gieo vào lòng ta. Lúc đầu tuy nó nhỏ bé, nhưng nếu ta biết chăm nom săn sóc, thì nó sẽ phát triển lớn mạnh và trở nên chỗ dựa cho nhiều người khác; còn Men Lời Chúa nếu được thấm nhập vào lòng ta sẽ giúp ta làm cho gia đình, môi trường ta sống dậy lên sự tương thân tương ái, lòng quảng đại bao dung và một tinh thần hiệp nhất sâu xa. Chớ gì nắm men Lời Chúa trong thánh lễ mỗi ngày sẽ làm cho hạt cải đức tin của ta được thêm lớn mạnh, đồng thời soi sáng, biến đổi cuộc sống chúng ta. Amen.


Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

ƠN GỌI

                                           Thanh_Simon_va_Giuda

Đức Giê-su chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. ( Lc 6,13)

Một phút suy gẫm

        Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, ơn gọi không phụ thuộc vào nguồn gốc tư cách, trình độ văn hóa hay những tài năng riêng của cá nhân. Đức Giê-su muốn chọn và chọn ai là tùy theo ý Ngài.
        Chắc chắn khi theo Đức Giê-su, hai môn đệ Si-mon và Giu-đa cũng mong muốn và cố gắng sống trọn vẹn tư cách người môn đệ. Tuy nhiên, cứ nhìn vào các vị khác thì chúng ta cũng biết được  đôi chút về tính tình và mong ước của hai ông: những con người bộc trực và muốn tìm một địa vị xứng đáng hơn khi theo đức Giê-su.
        Đức Giê-su nhìn thấy hiện trạng bất toàn nơi các môn đệ, nhưng Người biết rằng, với thời gian huấn luyện, với ơn Chúa Thánh Thần thì những con người ấy có thể thay đổi theo hướng tích cực và nhận ra được sứ vụ các ông được trao phó. Cũng với sự bộc trực ấy, cũng với những ước vọng ấy, cũng với tình huynh đệ keo sơn ấy, nhưng các ông không còn chỉ ước mơ danh vọng, địa vị tầm thường nữa, mà khát vọng lan rộng biên giới Nước Trời, khát vọng cho mọi người nhận ra Thiên Chúa yêu thương họ. Niềm khát vọng ấy rất mãnh liệt đến độ biến các ông là những con người sợ sóng gió, sợ quyền lực, sợ đủ mọi thứ đến chỗ gan dạ tột cùng của sự làm chứng, bằng lòng chết vì Thầy.

     Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã kêu gọi chúng con làm bạn hữu thân tình, mời gọi chúng con chia sẻ sứ mạng cùng Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết trân trọng tình bạn ấy. Amen.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

KHIÊM NHƯỜNG

                                      Phúc Âm bằng hình: Chúa Nhật XXX Thường Niên năm C

Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính; còn người Pha-ri-sêu thì không? (Lc 18,14)

Một phút suy gẫm

        Con đường khiêm nhường được khẳng định một cách chắc chắn trong Tin Mừng hôm nay. Hai người lên đền thờ cầu nguyện, nhưng một người được Chúa nhận lời còn người kia thì không. Người biệt phái vào đền thờ với thái độ tự mãn vì ông tự cho mình công chính hơn người khác : đạo đức hơn, thánh thiện hơn, giữ luật Chúa tốt hơn, không phạm tội gì. Vì thế, ông chỉ muốn khoe với Chúa nhiều hơn là tạ ơn Ngài về những gì mình đã làm. Cho nên, tâm tình tạ ơn của ông không được Thiên Chúa chấp nhận. Người thu thuế vào đền thờ với thái độ mong được thứ tha, được đón nhận. Ông không dám ngước lên vì mình quá tội lỗi. Ông không dám ngước lên vì mình quá bất xứng. Ông không dám ngước lên trước những lời khinh chê của thế gian. Ông chẳng biết thưa gì với Chúa cho phù hợp, chỉ biết đấm ngực xin Chúa tha thứ cho những tội lỗi của mình. Chắc ông cũng không ngờ rằng tâm tình thống hối của ông lại được Thiên Chúa tỏ lòng khoan dung.

      Lời Chúa hôm nay cũng soi sáng vào tận đáy lòng chúng ta, giúp chúng ta nhìn lại nơi chính bản thân mình trong đời sống đạo. Có thể, đôi khi, chúng ta là người biệt phái vì mình đọc kinh sớm hôm đầy đủ, tham dự thánh lễ không bỏ bữa nào, giữ chay vào ngày thứ sáu hằng tuần, nhưng chúng ta lại khoe khoang so đo với người khác, lắm lúc còn khinh chê họ. Tệ hơn nữa, đọc kinh cầu nguyện, tham dự thánh lễ chỉ vì để người ta biết mình là người đạo đức thánh thiện chứ không phải thờ phượng Chúa thực sự. Khi đến nhà thờ chúng ta hiện diện bằng thân xác nhưng lòng trí thì bận lo toan công những việc khác. Và như thế, Thiên Chúa trở thành Đấng để trang trí cho đời sống chúng ta đối với mọi người. Tâm tình sống đạo như thế quả là giả hình, giả hình đến mức không còn nhận ra mình là gì trước mặt Chúa. Để rồi từ đó, chúng ta lại vênh vang cho người này khô đạo, người kia tội lỗi. Với tâm tình như thế, cho dù ta có đọc kinh nhiều đi nữa, một ngày hai ba thánh lễ, công đức đầy dẫy cũng chẳng là gì đối với Chúa. Nếu không kịp thức tỉnh ắt chúng ta khó lòng đón nhận tình thương của Chúa.

       Ước gì với ánh sáng Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta nhận ra mình cần phải làm gì để đời sống đạo thực sự là thờ phượng, yêu mến Chúa. Đồng thời, chúng ta không còn mặc cảm vì tội lỗi mà không dám đến giao hòa với Chúa và tha nhân. Chúng ta tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa luôn che phủ cho những ai khiêm nhường nhận ra chính mình cần phải lệ thuộc vào Chúa, hầu chúng ta can đảm đấm ngực thưa với Chúa : “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.” Amen.

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

SÁM HỐI- CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG

                                                  

Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.

 (Lc 13, 5)

Một phút suy gẫm

       Cùng một biến cố, nhưng người ta có thể nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Bệnh AIDS (SIDA) chẳng hạn, các nhà Y học coi đó như một thách đố cho việc tìm tòi, một số kỹ nghệ gia coi đó là dịp để tung ra các sản phẩm phòng ngừa, các nhà đạo đức thì coi đó như là chiếc roi của Thiên Chúa trừng phạt nhân loại, còn người có đức tin thực sự lại nhận ra ở đó khởi điểm của tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
      Chúa Giêsu đã nhắc đến phản ứng rất thông thường của người Do thái và có lẽ cũng là của nhiều Kitô hữu, đó là qui trách cho Thiên Chúa mọi sự trừng phạt. Khi Philatô ra lệnh xử tử một số người Galilê nổi loạn, thì người Do thái cho rằng những người này đáng bị trừng phạt vì là những kẻ tội lỗi. Khi tháp Silôê đổ xuống làm một số người chết, người ta cũng bảo là họ bị Chúa phạt.
     "Chúa phạt", đó có thể là phản ứng của chúng ta khi đứng trước một tai họa cho người khác. Chúng ta vừa gán cho Chúa một hình ảnh không mấy đúng đắn về công bình, vừa vô tình kết án người khác mà quên đi thân phận yếu hèn của mình.
      Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào các biến cố với niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Dù con người tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ cho họ. Ý thức về tình yêu ấy, con người cũng được mời gọi hoán cải. Càng nhận ra tình yêu Thiên Chúa, càng ý thức về thân phận yếu hèn của mình và càng phải cảm thông và yêu thương người khác nhiều hơn. Sám hối trước tiên phải là sám hối trong cái nhìn về Thiên Chúa nhân từ, đồng thời thay đổi cái nhìn đối với người khác.
      Ước gì hoa trái của yêu thương, phó thác, tha thứ trổ bông trong tâm hồn và tràn ngập trong ánh mắt chúng ta.
       Lạy Chúa,

           Chúa biết con đây yếu đuối…           Xin dâng tất cả cho Chúa suốt đời con…
           “Này đây nước mắt nụ cười chen nhau” (HMT)
           Vì ngoài Chúa, con đâu có ai nương nhờ…


           “Xin dâng này máu đang tươi
           Xin nâng thương đỡ nâng con suốt cuộc đời. Amen.
                                                                         



Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

DẤU CHỈ

                                                  


Cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét. (Lc 12,55)

Một phút suy gẫm

        Con người thời xưa và nay đều có thể nhận đoán được những dấu chỉ qua các hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ như nắng, mưa, gió, bão ... để xoay sở, tính toán mọi công việc làm ăn của mình.  Điều đó rất hợp lý.  Nhưng ngược lại, cũng với những dấu chỉ hiển nhiên trước mặt họ, việc Con Người đến để loan Tin Vui, chữa lành bệnh tật cho người đau yếu, trừ quỷ cho người bị quỷ ám và làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ què được thấy v.v… thì họ lại không nhận ra đó là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa đang đến.  Chính vì không nhậy bén để nhận biết những dấu lạ của Con Người, nên Đức Giêsu đã khiển trách họ chỉ biết “nhận xét cảnh sắc đất trời” trong vũ trụ tự nhiên.
        Lạy Chúa , thế giới hôm nay đang đứng trước những cảnh màn trời, chiếu đất vì chiến tranh, động đất, lũ lụt và không thiếu những cảnh trẻ em bị bỏ rơi vì gia đình tan vỡ, ly dị, ly thân.  Xin Chúa ban Thánh Thần của Ngài nơi mỗi người chúng con, để chúng con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa qua các dấu chỉ trong mọi nơi, mọi thời, để chúng con được đổi mới và sẵn sàng trở nên những chứng nhân sống động về tình yêu thương dắt dìu của Chúa trong thời đại này. Amen.

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

CÁI GIÁ CỦA NIỀM TIN

                                               

Thầy không đến để ban bình an, nhưng là đem sự chia rẽ. ( Lc 12, 51)

Một phút suy gẫm

        Một chàng thanh niên trong thời gian tại ngũ trong quân đội thường bị các bạn đồng ngũ chế giễu vì anh ta luôn sống đạo một cách sốt sắng. Một lần kia, các bạn của anh đã bắt rắn đặt dưới chăn mềm của anh; khi anh vừa làm dấu Thánh giá thì con rắn bò ra và chuồn đi mất. Không dừng ở đó, họ đã trộm lấy chuỗi hạt Mâm Côi của anh và đưa lên cao giữa đám đông mà chế nhạo. Không chút lo sợ, anh nói với giọng điềm tĩnh: " Cho tôi xin lại, tràng hạt đó là của tôi." Một trong những người lính nhạo báng vội nhảy đến định đấm anh, nhưng một người khác vội can.
      Khi chọn lựa theo Chúa, chúng ta sống Lời Chúa dạy, mọi hành động và tư duy cuả  chúng ta đều phải quy chiếu vào Lời Chúa và các giáo huấn của Hội Thánh, các chọn lựa khác chỉ là thứ yếu và tạm bợ mà thôi. Cho nên khi chọn theo Chúa, có thể chúng ta sẽ bị thù ghét, chế giễu, nhục mạ trong xã hội đề cao vật chất này.
        Điều này chứng minh cách xác đáng rằng, những ai bước theo Chúa Giê-su sẽ luôn phải đối diện với những khó khăn, thử thách, thậm chí bị bách hại nghiêm trọng đén tính mạng nữa. Thế nhưng, đổi lại, chúng ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc đời đời làm gia nghiệp.
        Lạy Chúa, xin cho chúng con dám hết mình sống và minh chứng cho niềm tin vào Chúa, dù có phải trả giá bằng bất cứ thứ gì, kể cả bằng chính sinh mạng của bản thân. Amen.

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

CHỨC VỤ CÀNG TO THÌ HÌNH PHẠT CÀNG NẶNG

                                                  

Ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều. ( Lc12,48)

Một phút suy gẫm

        Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: Thiên Chúa cho ai nhiều, thì Ngài đòi hỏi người ấy nhiều. Ngược lại Ngài cho ai ít, thì lại đòi hỏi người ấy ít. Đức Giê-su đã từng nói: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48). Người được Thiên Chúa ban nhiều ân huệ mà không làm những ân huệ sinh lợi cho Thiên Chúa, cho bản thân, cho tha nhân, thì ân huệ ấy trở thành án phạt cho mình. Cho nên ân huệ nhiều thì trách nhiệm cũng nhiều. Vậy ai nhận được nhiều thì cũng nên lo lắng về trách nhiệm của mình. Còn ai được ít thì cũng nên tự an ủi vì trách nhiệm của mình ít. Như vậy kẻ được nhiều không hẳn đã hay, và kẻ được ít không hẳn đã dở. Mới nghĩ thì thấy Thiên Chúa không công bằng, nhưng nghĩ cho kỹ thì thấy Ngài tuy chủ trương đa dạng nhưng lại rất công bằng.

       Những ân huệ ta nhận được cũng như món tiền ta vay của ngân hàng, phải trả tiền lời theo định kỳ, mỗi tháng hoặc mỗi năm. Do đó, vay càng nhiều tiền thì càng phải sinh lợi ra nhiều để có thể trả số lời tương ứng với số tiền mình vay. Giả như lãi suất là 10% một năm (tức 0,83% một tháng), thì trong 10 năm, tiền lời sẽ lên cao bằng tiền vay ban đầu. Nếu vay trong 20 năm, tiền lời thành gấp đôi tiền vay ban đầu. Nếu vay nhiều mà không đủ khả năng sinh lợi ra nhiều, thì sẽ không có tiền để trả lãi, và vay càng lâu thì tiền lời càng cao, nếu không sinh lợi thì càng nguy hiểm. Vì tới kỳ hạn cuối cùng, phải thanh toán cả vốn lẫn lời, nếu không có khả năng trả hết thì có nguy hiểm phải ngồi tù. Do đó, nếu không có khả năng làm ăn sinh lợi, thì vay được nhiều không phải là điều tốt đẹp mà trái lại có thể là nguyên nhân gây ra tai họa. Vay càng nhiều, họa càng lớn. Tương tự, được Thiên Chúa ban nhiều thuận lợi chớ vội mừng hay tự hào, vì nếu không làm cho chúng sinh lợi thì rất có thể những thuận lợi ấy lại trở thành tai họa.
        Lạy Cha, nhiều khi con vui mừng vì được Cha ban cho rất nhiều thuận lợi trong đời sống. Và con đã hãnh diện và tự hào với những người kém may mắn hơn con. Qua bài Tin Mừng này, con thấy mình thật dại dột, vì nếu con không dùng những thuận lợi ấy để bù đắp lại cho những người kém may mắn hơn con, thì vào ngày Cha phán xét, chính những thuận lợi ấy lại trở thành những gì gây bất lợi cho con. Xin cho con ý thức được trách nhiệm của con đối với họ. Amen.

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

TỈNH THỨC


                                    Chúa Nhật XIX Thường Niên C

Thật là phúc cho những đầy tớ khi chủ về mà thấy đang tỉnh thức. ( Lc 12,36)

Một phút suy gẫm

         Một nhóm bạn đang chơi đá bóng ngoài sân trường. Trong lúc nghỉ ngơi sau hiệp thi đấu, thầy quản giáo hỏi các em rằng: “Giả như Chúa cho các em biết các em chỉ còn sống được 15 phút nữa là sẽ phải chết. Vậy các em sẽ làm gì trong thời gian còn lại này? Em thì trả lời sẽ về từ giã cha mẹ và những người thân. Em khác cho biết sẽ đi gặp cha linh hướng và xin xưng tội. Em khác nữa thì nói mình sẽ vào nhà nguyện chầu Thánh Thể thật sốt sắng. Còn một cậu bé vốn có lòng đạo đức nhất la Lu-y Gông-gia-ga thì lại thưa: “Thưa Thầy, còn em cứ tiếp tục chơi ạ !” Khi được hỏi lý do tại sao lại cứ chơi khi biết mình sắp chết, thì cậu bé đã trả lời: “Vì mỗi sáng thức dậy em đều dâng ngày mới cho Chúa. Và trong ngày em năng nói với Chúa những lời nguyện tắt. Em nghĩ Chúa cũng chỉ cần em làm như vậy”.
     -Như người đầy tớ trung tín (c 35-38)Tỉnh thức không phải là không ngủ, nhưng là ngủ trong tình trạng tỉnh thức, giống như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi ăn cưới về vào bất cứ giờ nào trong đêm để khi chủ về gõ cửa là mở ngay.
      LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho con biết tỉnh thức để đừng bao giờ ngủ quên trong những đam mê lạc thú giả tạo. Xin cho lòng trí con hiểu rằng: đồng tiền chỉ là phương tiện giúp con nên hoàn thiện hơn, giúp con có điều kiện thực thi bác ái là chia sẻ cơm áo cho người nghèo. Xin cho con xác tín rằng: Khi giờ chết đến, con sẽ không thể mang theo được tiền của mà con đã ky cóp bấy lâu. Chính những đồng tiền cho đi, đồng tiền quảng đại chia sẻ cho kẻ khác, sẽ trở nên kho tàng quý giá không bao giờ bị hư nát cho con ở đời sau. Xin giúp con luôn biết hướng lòng trí về những sự trên trời. Amen.





Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

NGU DẠI HAY KHÔN NGOAN




                               20130804CN18TNC

Những gì ngươi sắm sẵn đó thuộc về tay ai? ( Lc 12,20)

Một phút suy gẫm



        Trong cuộc sống, con người thường hay coi trọng tiền bạc, bởi vì người ta thường nói: “đồng tiền liền với khúc ruột”; hay: “có tiền mua tiên cũng được” hoặc có những câu nói mỉa mai như: “Tiền là Tiên là Phật; là sức bật của lò xo; là thước đo của lòng người; là tiếng cười của tuổi trẻ; là sức khỏe của tuổi già; là cái đà danh vọng; là cái vọng che thân; là cán cân công lý”. Chính vì thế, rất nhiều người khi đã kiếm được đồng tiền, người ta lo hưởng thụ, ăn chơi và dùng đồng tiền để làm những điều bất chính. Họ tôn vinh đồng tiền như một ông chủ trong cuộc sống của họ.
         Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật việc một người trong đám đông cất tiếng xin Chúa làm người phân xử và chia gia tài cho anh ta: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”, nhưng Đức Giêsu trả lời: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?". Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”. Qua câu nói đó của Đức Giêsu, Ngài muốn xác định sứ mạng của Ngài là loan báo ơn cứu độ để cho con người được sự sống đời đời chứ không phải chuyện phân chia tài sản; đồng thời mời gọi chúng ta hãy tìm nước Thiên Chúa trước tiên, mọi sự khác Chúa sẽ lo cho sau.

        Như vậy, Đức Giêsu không lên án, cũng chẳng ủng hộ việc này. Ngài cũng không thượng tôn tiền bạc cũng lại không khinh chê nó. Nhưng Ngài lại hướng cho anh ta và đám đông đang đứng quanh đó một hướng đi mới; hướng đi của ơn cứu độ. Hướng đi ấy chính là biết cách sử dụng đồng tiền sao cho hợp lý và biết cách làm giàu trước mặt Chúa để được hạnh phúc đời đời chính là Nước Trời. 

       Đức Giêsu cũng đưa ra hình ảnh của nhà phú hộ ngu ngốc. Ông ta sẵn sàng bỏ quên Chúa, không lo cho phần hồn của mình, ngược lại, ông ta tìm mọi cách để thu tích của cải trần gian và hả hê với những gì đạt được. Nhưng, Đức Giêsu đã khiển trách ông rất nặng nề: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai? Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy". Qua lời cảnh cáo đó, Đức Giêsu cũng tiên báo cho những người chung quanh đó biết rằng: sự sống sự chết là ở trong tay Chúa, nên đừng như nhà phú hộ kia, nên hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa để được hưởng sự sống đời đời. Nhà phú hộ kia đã mơ tưởng hão huyền, nhưng chưa kịp hưởng thụ như trong mơ thì ông đã chết.

       Quả thật, con người chúng ta có 3 người bạn luôn theo chúng ta trong cuộc đời, đó là: bà con, tiền bạc và phúc đức. Tuy nhiên, khi giờ chết đến, chỉ có ông bạn phúc đức là theo chúng ta sang thế giới bên kia và tiếp tục là bạn chung thủy của chúng ta mà thôi. Còn bà con họ hàng thì bỏ lại chúng ta ngay tại cửa mồ. Tiền bạc sẵn sàng chia tay chúng ta ngay khi chúng ta chết, nhưng nó lại sẵn sàng, hăng say tố cáo chúng ta trước tòa Phán xét. Ấy thế mà nhà phú hộ cứ ngỡ nó là người bạn tốt: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi". Ông ta đâu biết rằng cuộc sống của mình chỉ được cộng lại bằng những hơi thở ngắn ngủi, mong manh và người bạn bạc bẽo nhất chính là đồng tiền mà ông ta đang thượng tôn nó.
         Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh và lòng can đảm để tỉnh thức cầu nguyện và sống đức tin rong mọi hoàn cảnh. Amen.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN

                               


                                                                                                     

Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng cầu cứu với Người.

 ( Lc 18,7)

Một phút suy gẫm

        Trong truyện về Thán nữ Mô-ni-ca ( 332- 387) có kể rằng: với đức vâng lời và lòng yêu thương cha mẹ, bà đã chấp nhận với một chàng trai giàu có, nhưng rất ngang ngược tên là Patricius. Sau đó, bà sinh được ba con trai. Người con đầu lòng của bà tên là Âu- tinh cũng lười biếng và ăn chơi trác táng. Nhờ tâm hồn thánh thiện, lòng đạo đức sâu xa và sự kiên trì cầu nguyện của bà, chồng và con trai bà đã trở  về. Hơn nữa, sau này Âu- tinh đã trở nên vị thánh của Giáo hội.
        Thánh nữ Mô-ni-ca là gương sáng thuộc về nhân đức kiên trì cầu nguyện với Chúa. Trong bài Tin Mừng hôm nay,Đức Giê-su đưa ra dụ ngôn " Ông quan tòa bất chính" để dạy các môn đệ cách thức cầu nguyện.
         Bà góa nghèo đã kiên trì nài xin trước vị quan tòa bất chính, và lời nài xin của bà đã buộc ông ấy xử kiện. Thực ra việc so sánh ông quan tòa bất chính với Thiên Chúa là điều khập khiễng. Nhưng ở đây, Đức Giê-su muốn tryền tải một thông điệp đến các môn đệ cũng như những người tin qua mọi thời đại rằng: Phải biết cầu nguyện luôn, không được sờn lòng nản chí, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thiên Chúa là Đấng nhân lành, hằng thương xót những ai bé mọn. Người lạ không minh xét cho những con cái Người, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Chẳng những Người thương ban ân lành, mà còn ban dư tràn cho những ai đầy lòng tin tưởng, phó thác vào Người.

       Lạy Chúa Trời, xin lắng nghe lời con cầu nguyện, con khẩn nài, xin đừng nỡ làm ngơ, xin để ý đến con và thương đáp lại. Amen.

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

NHẠY CẢM TRƯỚC SỰ THẬT

                                                   

Ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.

 ( Lc 12,12)

Một phút suy gẫm

       Ngày nay, những cuộc bách hại đạo công khai không còn, nhưng những khó khăn mọi mặt  mà người Ki- tô hữu đang trải qua cũng đủ để họ tuyên xưng đức tin đến mức tử đạo. Ngược lại, khước từ sống theo những cam kết đức tin cũng là một hình thức chối đạo. Chối đạo khi không có những hành động cụ thể, khi đóng khung đức tin vào những việc đạo đức làm vì thói quen, khi không nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. ( Trích " Mỗi ngày một tin vui").
       Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy lừa lọc, gian xảo. Là người Ki-tô hữu, chúng ta vẫn can đảm sống ngay thẳng, tức là tuyên xưng Chúa là Đấng đã nói: " Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống". Còn từ chối Chúa hôm nay là từ chối sống những giá trị Tin Mừng, như sống tha thứ, sống yêu thương, chia sẻ.
      Công cuộc rao giảng Tin Mừng không phải luôn luôn dễ dàng và gặt hái thành công, nhưng Chúa Giê-su đã nói : " Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa".

       Lạy Chúa, xin cho chúng con có một tâm hồn yêu mến và nhạy cảm trước sự thật. Xin Chúa cho chúng con biết can đảm vượt qua những trói buộc của đam mê, ích kỷ, tội lỗi, để tìm đến với sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng con. Amen.

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

LÀM SÁNG DANH CHÚA

                                               

Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. ( Lc 10, 2)

Một phút suy gẫm

Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa

về.” (c. 2).Trong hành trình truyền giáo cuối cùng với thánh Phaolô (Cv 20, 5), Luca hẳn

 đã thấy những cánh đồng lúa chín ở mọi nơi, đang chờ nhiều người gặt hái gấp, kẻo

 lúa bị hư hoại.“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi…” (c. 3).

Dù chưa bao giờ gặp mặt Đức Giêsu,

nhưng Luca đã nghe được tiếng gọi sai đi của Ngài.

Ông đã là cộng tác viên ở bên thánh Phaolô khi người ở tù (Plm 24),

và đã một mình ở lại khi người bị giam lúc cuối đời (2 Tm 4, 11).

Thánh sử Luca là một người dân ngoại được ơn viết Sách Thánh.

Chúng ta cũng là dân ngoại được ơn lãnh nhận đức tin.

Dù không thể viết được những câu chuyện tuyệt đẹp như thánh Luca,



về người cha nhân hậu hay về hai môn đệ đi Emmaus,



nhưng chúng ta vẫn có thể kể câu chuyện đời mình cho người khác,câu chuyện đầy 

ắp ân sủng Thiên Chúa và chan chứa niềm vui tri ân. Amen.

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

DÒNG MÁU CỨU ĐỘ


                                           

Thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu các ngôn sứ, từ máu ông A-ben đến máu ông

 Da-ca-ri-a. (Lc 11, 50)

Một phút suy gẫm



      Nợ máu là cụm từ nói lên tội ác giết người sẽ phải đền mạng, nhưng cụm từ giết
 người bao gồm nhiều thứ tội ác.
      Vì không phải dùng gươm giáo hay thuốc độc làm cho người ta chết, mà nhiều
 khi lời nói lại là cách giết người không chỉ thiếu đạo đức, mà con thiếu nhân bản, 
người ta nói:
                     Giết nhau chẳng cái lưu cầu, giết nhau bằng cái ưu sầu mới ghê.
 Lưu cầu là thanh gươm báu của những gia đình có thế giá hay là gia đình có nghiệp
 võ ở xứ Lưu cầu. Ơ đó hễ ai làm điều gì có hại thanh danh cho gia tộc thì phải tự sát
 trước mặt cha mẹ anh chị em và cả hội đồng gia tộc. Người chết thì hết đau nhưng cha
 mẹ anh chị em thì không. Mà nhiều khi nạn nhân bị oan chỉ vì một lời vu khống mà khó
 chữa mình.
      Hầu hết các ngôn sứ đều đã bị giết , mà trước khi bị giết người ta đã làm cho các
 Đấng mất tiếng hay mất tín nhiệm một cách oan uổng.
      Chúa Giêsu đã nhắc cho dân Do thái, tội ác của tiền nhân họ là giết các tiên tri.
 Giết các tiên tri không chỉ là nợ máu, mà còn là tội phản bội Thiên Chúa, vì các tiên tri
 đều do Chúa sai đến. Giết các tiên tri cũng là tội phản quốc, vì các tiên tri được Chúa
 sai đến để hướng dẫn vua quan và toàn dân, giúp họ tránh điều dữ làm điều lành để
 tránh tai nạn hay hình phạt và xây dựng cho đất nước.
      Lạy Chúa, xin cho những dòng máu hy sinh cho chính nghĩa, những dòng máu chảy 
ra vì tình yêu, được trở nên khí giới sắc bén phá tan hận thù, bất công, để góp phần xây
 dựng một thế giới thấm nhuộm tình người, dẫn đến một nhân loại biết liên đới chia sẻ
 và yêu thương. Amen.

     

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

ĐẠO ĐỨC GIẢ

                            

Khốn cho các người, hỡi các người Phariseu! Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! ( Lc 11, 46)

Một phút suy gẫm

       Có khi nào người ta dám quẳng bỏ những tờ giấy bạc không? Thưa có, khi đó là tiền giả. Nhiều người đã quẳng bỏ Ki-tô giáo vì thấy Ki-tô hữu giả hình. ( W.E. Biederwolf)
       " Họ giống như những mồ mả tô vôi, bên trong chỉ toàn là những nắm xương hôi thối". Đó là hình ảnh của những người đạo đức giả, của những người rao giảng Tin Mừng nhưng không sống điều mình rao giảng, của những người mang danh Ki-tô hữu nhưng không sống tinh thần Ki-tô.
      Đức Giê-su khiển trách các Pha-ri-sêu vì tội quá lo đến hình thức lễ nghi mà bỏ mất tinh thần bên trong. Cũng vậy, Đức Giê-su khiển trách chúng ta trong những việc đạo đức chỉ chú ý về hình thức, đủ việc đủ giờ, nhưng đời sống lại thiếu công bình với tha nhân và lòng mến Chúa yêu người.
      Chúa khiển trách các Pha-ri-sêu về tội hay khoe khoang, tự đại. Chúa cũng khiển trách chúng ta về tội háo danh, tham địa vị, tính khoe khoang và tự đắc trong đời sống xã hội cũng như tôn giáo.
 Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta bỏ lối sống giả hình, thiếu thành thực, để sống chân thành với Chúa, ngay thẳng với anh em, và cả với chính mình nữa.
      Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sống đơn sơ, chân thành, không giả dối, để mỗi ngày, chúng con trở nên những môn đệ đích thực của Chúa hơn. Amen.


Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

BÊN NGOÀi - BÊN TRONG

                                                         


Hãy bố thí thì mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi. ( Lc 11, 41)


Một phút suy gẫm

        Thói quen rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh ăn uống. Ngày nay tại các trường mẫu giáo, các cháu bé đều được dạy năm bước rửa tay trước khi ăn. Thậm chí các cháu còn biết bi bô hát theo tiết mục quảng cáo trên trên truyền hình : “chưa rửa tay là chưa được ăn đó nghe”. Vậy tại sao Đức Giê-su lại có vẻ đã không tuân thủ mà lại còn lên án một thói quen văn minh tốt lành như thế? Thực ra mục đích của Đức Giê-su không phải lên án việc rửa tay cũng như rửa chén đĩa hay những thứ đồ vật khác trước khi ăn, nhưng Ngài muốn lợi dụng cơ hội để dạy cho các ông Pha-ri-sêu một bài học quan trọng hơn – một sự trong sạch đích thực đó là  “lòng nhân ái xót thương”.
      Lời Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Nó lại càng đúng cho con người hôm nay. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Người ta thích tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô, ham hố danh vọng, tiền tài. Người ta có thể an tâm với những việc giữ luật bề ngoài mà không màng tới tinh thần bên trong…. 
      Năm đức tin, người Ki-tô hữu chúng ta được mời gọi xét lại cách sống đức tin của mình một cách cụ thể trong một xã hội, một thế giới tự coi mình là văn minh tiến bộ, với những thành quả khoa học tột bậc, nhưng lại luôn đề cao chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân bằng lối sống ích kỷ, thực dụng.
       Lạy Chúa Giêsu! Đọc lời Chúa hôm nay, con nhìn vào chính tâm hồn mình. Tâm hồn con còn chất chứa đầy những ham hố ích kỷ, lợi lộc, thấp hèn. Cuộc sống con còn thiếu bác ái với anh em trong tư tưởng, lời nói cũng như hành động.Con xin Chúa thứ tha và thanh tẩy cho tâm hồn con được sạch. Xin cho con được sáng suốt, đừng tìm cách chải chuốt, tô vẽ cho vẻ bề ngoài, nhưng biết trang điểm tâm hồn mình bằng những nhân đức. xin cho con biết mạnh dạn, dám lội ngược dòng để sống tinh thần Tin mừng của Chúa. Và xin đổ đầy tình yêu Chúa vào trong tim con để con biết yêu thương anh em bằng tình yêu của Chúa. Amen.

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

TRỞ NÊN DẤU LẠ CHO NGƯỜI KHÁC

                                         


Thế hệ gian ác này sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. ( Lc 11,29)

Một phút suy gẫm

        Dấu chỉ là một dấu hiệu ẩn dấu một ý nghĩa. Tuy người ta không nghe dấu chỉ nói nhưng người ta có thể hiểu điều nó muốn nói khi nhìn thấy nó. Vậy khi người ta nhìn chúng ta, có những dấu chỉ nào giúp người ta nhìn ra chúng ta là môn đệ Đức Giê-su không? Mỗi người Ki-tô hữu vẫn luôn được mời gọi trở nên dấu chỉ về Chúa cho tha nhân. 

        Một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một sự tha thứ, một bàn tay nâng đỡ ủi an, một chén gạo, một manh áo, tất cả đều có thể là những đóng góp của chúng ta để Chúa làm một phép lạ. 

       Bài Tin Mừng hôm nay là lời nhắc nhở chúng ta rằng, đừng đòi Chúa làm phép lạ nữa, mà hãy tự mình, đóng góp phần của mình để Chúa làm những phép lạ.

      Con người ngày nay dễ bị cám dỗ đòi một dấu lạ, đòi Thiên Chúa làm dấu lạ để chứng tỏ Người đang hiện diện. Chúng ta có bị cám dỗ như vậy không?

       Lạy Chúa, “xin nâng đỡ đức tin còn non yếu của con”. Xin cho con có một đức tin vững mạnh để con nhận ra sự hiện diện của Chúa qua các biến cố trong cuộc sống thường ngày. Xin cho con biết đổi mới đời sống để con sống như Chúa muốn.  Amen.

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

LÒNG BIẾT ƠN

                      

Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? 

( Lc 17,18)

Một phút suy gẫm

        Chuyện kể rằng có một bà mẹ nọ, vì muốn khuyến khích đứa con nhỏ của mình chăm lo việc nhà, nhất là những công việc nhỏ nhặt, vừa khả năng của nó, nên hầu như lúc nào bà cũng thưởng cho nó một món tiền nhiều ít tùy theo công việc nặng nhọc. Lần kia, suốt cả một tuần, bà mẹ đau nằm liệt giường. Thế là con nhỏ phải giúp, kể cả thay thế mẹ trong nhiều công việc, nhưng không thấy mẹ tính thù lao. Cuối tuần, em nhỏ viết một cái hóa đơn ghi những công tác chưa nhận được tiền thưởng gồm; xách nước hai giờ, nấu cơm ba giờ, giặt quần áo năm giờ...tất cả các thứ linh tinh chung trong một tuần là tám mươi giờ. Xong, em rón rén vào phòng, dúi tờ đơn vào tay mẹ.

        Ba phút sau, bà mẹ đưa cho em một tờ hóa đơn khác, trong đó ghi: công sinh, công dưỡng nuôi, công dạy dỗ, công học hành, công thầy thuốc mỗi khi đau bệnh... chưa có mục  nào được thanh toán cả! Cầm tờ hóa đơn trong tay, em nhỏ chợt hiểu, vội vàng chạy vào xin lỗi mẹ.
       Ðức Giêsu chữa cho mười người phong hủi được lành sạch, nhưng sau khi được lành, thì chỉ có một người trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa, còn chín người khi thì không.
       Lạy Chúa, hình ảnh người phong cùi ngoại giáo sau khi được chữa lành đã quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa, làm cho chúng con phải suy nghĩ. Chúng con được lãnh nhận biết bao ơn lành của Chúa: được làm con Chúa, được Chúa cứu chuộc, được chăm sóc dưỡng nuôi. Trong khi có biết bao anh chị em chưa được biết Chúa... Vậy mà chúng con đã vô ơn khi chúng con đã coi thường, bỏ phí những ân huệ ấy. Xin Chúa thay đổi con người chúng con, giúp chúng con tin tưởng vào Chúa. Ðể trong mọi hoàn cảnh chúng con nhận ra tình yêu của Chúa và nói lên lời cảm tạ tri ân. Amen.



Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

HẠNH PHÚC

                                          

Phúc thay người Mẹ đã cưu mang Thầy. Đúng hơn: phúc thay kẻ lắng nghe lời Thiên Chúa. ( Lc 11,28)

Một phút suy gẫm

        Hai công nhân cùng thất nghiệp: Một người đi tìm công việc mới, một người gieo mình xuống sông để kết liễu đời mình. Hai người có cùng một hoàn cảnh, một người vui vẻ chấp nhận, một người tự tử. Một người thấy rủi ro, tai họa, một người thấy là cơ hội mới.
        Đức Maria được hạnh phúc, vì Mẹ là thân mẫu của Đức Giê-su, xét theo huyết nhục.
        Đức Maria còn hạnh phúc, vì Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa: Mẹ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa bằng tiếng : "xin vâng" suốt cả cuộc đời. Đức Maria tràn đầy hạnh phúc, không chỉ xét về mối liên hệ huyết nhục, nhưng cả về mối liên hệ tinh thần và liên hệ " đức tin".
        Con người luôn khắc khoải và khao khát hạnh phúc. Hạnh phúc luôn là đỉch điểm để con người kiếm tìm. Hạnh phúc đích thực: lắng nghe và tuân giữ lời Chúa, tin vào lời Chúa.

        Lạy Chúa, xin cho con luôn biết học hỏi mẫu gương Mẹ Maria, là luôn lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa, nhờ đó con mới có thể đạt tới được hạnh phúc đích thật của đời con. Amen.



Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

CẢNH TỈNH

                                           Lc11_15-26.jpg

Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. ( Lc 11, 20)

Một phút suy gẫm

         Một người thanh niên đến thăm nhà người bạn. Anh ta để xe ở ngoài, không khóa cổ, khi ra về: xe mất. Chủ quan , thiếu cảnh giác.
         Những kẻ tâm địa xấu xa luôn tìm cách thử Đức Giê-su. Khi Người trừ quỷ: họ bảo Người dựa vào thân thế quỷ vương Bê-en-dê-bun. Chúng còn thử Người: đòi một dấu lạ từ Trời. Đức Giê-su biết rõ tâm địa của họ: Người không bao giờ rơi vào bẫy của họ.
        Sức mạnh của Thiên Chúa chiến thắng sức mạnh của Sa-tan. Nhưng Thánh Luca cho thấy, ma quỷ vẫn chưa chịu thua Đức Giê-su, nó vẫn còn cám dỗ, nhiều lần làm khó dễ Đức Giê-su.
          Đức Giê-su dạy: không nên chủ quan, đừng tưởng quỷ xuất ra khỏi là không quay lại nữa. Con người mỏng dòn, yếu đuối, không thể chiến thắng một lần là tất cả. Ma quỷ luôn quay lại, các cám dỗ vẫn còn đó. Chúng ta đứng quá cậy vào sức mạnh của mình, phải cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa, nhờ vậy mới hy vọng đứng vững mà không bị ngã.
          Lạy Chúa, trong xã hội ngày nay, những cám dỗ còn nhan nhãn, trong khi con người của con thì yếu đuối. Xin cho con luôn biết cảnh tỉnh trước những cám dỗ của ma quỷ, nhờ sức mạnh của Chúa, để con không bị sa vào cạm bẩy của chúng . Amen. 


Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

KIÊN TRÌ

                                   
                                    

Anh em cứ xin thì sẽ được. ( Lc 11, 9)

Một phút suy gẫm

       Sau khi gieo trồng, người nông dân kiên trì đợi mùa gặt, mặc dù thời gian có khi kéo dài hàng năm trường.
       Đức Giê-su kể dụ ngôn: trong đêm trường giá lạnh, một người làng giềng qua nhà bạn để mượn bánh. Ông ta cứ lì ra đó, cuối cùng người bạn cũng phải dậy, nếu không, ông ta sẽ gõ cửa mãi.
      Đức Giê-su dạy các môn đệ khi cầu xin: cứ an tâm vững tin mà kiên trì cầu xin.
     Đức Giê-su cũng đang ngỏ lời với chúng ta: phải kiên trì và bền tâm cầu xin.Cầu xin bằng tất cả lòng yêu mến và niềm tin tưởng vào Chúa.
       Lạy Chúa, trước những nghịch cảnh của đời sống, xin cho con luôn kiên trì và bền tâm cầu xin, như những người nông dân chờ đợi mùa gặt, để con cũng thu được vụ mùa, là nguồn ơn của Thánh Thần. Amen.


Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

CẦU NGUYỆN

                                

Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện. (Lc 11, 1)

Một phút suy gẫm

Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu  là cầu nguyện.

        Các môn đệ bối rối không biết phải cầu nguyện thế nào, nên các ông đã xin Đức Giê-su dạy cầu nguyện. Phải chăng chúng ta chỉ cầu nguyện mong muốn một điều gì đó hay lúc gặp đau khổ? Liệu chúng ta có biết cầu nguyện giữa những giây phút thầm lặng của ngày sống hay những lúc tràn ngập niềm vui? Việc cầu nguyện không phải luôn dễ với mọi người, nhưng lại cần thiết cho mọi người.
        Đức Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện như thế nào? Phải chăng, Người muốn các ông đọc thật nhiều kinh, ngồi thật lâu giờ trong nhà thờ? Thánh Gioan Kim Khẩu nói: " Lời cầu nguyện được Chúa chấp nhận không tùy thuộc vào việc nói nhiều hay ít, nhưng tùy thuộc vào nhiệt tâm của linh hồn".
        Cầu nguyện là chúng ta phải thành tâm trước Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta tin điều chúng ta cầu nguyện đã được Chúa chấp nhận. Nhờ đó, đời sống của chúng ta sẽ được kết hiệp mật thiết với Chúa hơn.
        Lạy Chúa, xin cho chúng con khi cầu nguyện biết hướng lòng trí lên với Chúa, bước đi trong sự hiện diện của Ngài, và gọi danh Chúa Giê-su hòa điệu với hơi thở và nhịp đập con tim của chúng con. Amen.


Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

LẮNG NGHE

                                                        

Cô Mác-ta đón Đức Giê-su vào nhà. Cô Maria đã chọn phần tốt nhất. ( Lc 10,42)

Một phút suy gẫm

Nói là gieo, nghe là gặt. ( Pythagore)

        Hai nhân vật, hai tính cách: Cô Mác-ta đại diện cho hoạt động. Cô Maria đại diện cho chiêm niệm. Hai tính cách không loại trừ, nhưng bổ túc cho nhau.
       Chiêm niệm không có nghĩa là loại trừ hoạt động. Chiêm niệm là để nhận biết Chúa. Chiêm niệm là để nhận biết Thiên Chúa, để sẵn sàng trao cho người khác qua việc hoạt động.
       Hoạt động không có nghĩa là loại trừ chiêm niệm. Người hoạt động đích thực cũng là người chiêm niệm. Bởi vì, họ đã nhận biết Chúa qua chiêm niệm, nhưng họ không giữ cho mình mà phải làm điều gì đó, tức là hoạt động.
       Người chiêm niệm phải đi đến hoạt động. Người hoạt động phải trải qua chiêm niệm. Chiêm niệm và hoạt động luôn bổ túc cho nhau. Để thực hiện được hai tính cách này, tất cả đếu phải bắt nguồn từ việc lắng nghe Lời Chúa. Lắng nghe Lời Chúa là ưu tiên số một.
       Lạy Chúa, xin cho con biết dừng lại, khi con quá lăng xăng với nhiều việc bên ngoài. Xin cho con biết đến với tha nhân, đừng để co đóng kín mình trong bốn bức tường. Hơn hết, xin cho con biết lắng nghe Lời Chúa, để Lời Chúa hướng dẫn con theo Thánh ý của Ngài. Amen.


Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

SỰ VUI MỪNG

                                          


Này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai. (Lc 1, 31)

Một phút suy gẫm

         Chị Christina, giám tỉnh của các nữ tu Truyền Giáo Grenada kể với cha Timothy Radcliffe: trong cuộc chiến ở Congo, các chi em phải chạy trốn quân phiến loạn, vì họ sắp tới tiêu diệt. Đối diện với cái chết, các chị em đọc kinh Mân Côi, và Đức Mẹ đã che chở họ khỏi cái chết.
        Lời chào " kính mừng", tiếng Hy Lạp gọi là " khai-rê", đó là lời mời gọi vui mừng. Đức Ma-ri-a được mời gọi vui mừng, vì Mẹ được đầy ân sủng. Mẹ được Thiên Chúa yêu thương hết mực, Mẹ thuộc trọn vẹn về Chúa, được Thiên Chúa cứu độ.
        Lời chào " kính mừng Ma-ri-a " cũng gợi lên cuộc hành trình cá nhân mà mỗi người phải thực hiện, từ khi chào đời đến khi kết thúc cuộc sống nhân gian.
        Lời chào ' Kính mừng" tượng trưng cho cuộc đời của mỗi con người được lồng vào lịch sử cứu độ. Lời kinh ấy được lồng trong các mầu nhiệm Mân Côi. Mỗi ngày, chúng ta hãy suy niệm về công trình cứu độ của Thiên Chúa qua kinh Mân Côi.
        Lạy Chúa, xin cho chúng con khi suy niệm những mầu nhiệm Mân Côi rất thánh kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, chúng con được noi theo những điều được tích chứa trong các mầu nhiệm ấy, và được phần thưởng Chúa đã hứa ban. Amen.


Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

LÒNG TIN

                                                                                                         

Nếu anh em có lòng tin! (Lc 17,6)


Một phút suy gẫm



            Qua việc suy niệm Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể cảm nhận phần nào thực tế đức tin của mình. Qủa thực cũng như các tông đồ theo Chúa đó, chúng ta thực sự vẫn chưa hoàn toàn tín thác nơi Người. Chúng ta vẫn đi Lễ, vẫn cầu nguyện, vẫn tuyên xưng đức tin trong các Thánh Lễ Chúa Nhật, nhưng khi phải đối diện với các giông bão cuộc đời, thì hình như đức tin của mình vào Chúa biến mất, chỉ còn đọng lại vài lời kêu xin thảm thiết hoặc ngược lại kêu trách Chúa như các tông đồ trước cơn giông bão! Sự hiệp thông với Thiên Chúa tình yêu như Đức Giáo Hoàng nêu ra trong tông huấn, hay đúng hơn là mức độ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi còn qúa non yếu trong tâm hồn chúng ta. Đây là hình ảnh khởi đầu của hạt cải đức tin mới được gieo vào lòng đất. Nhận ra nó cũng là lúc giúp chúng ta khiêm tốn phó thác hành trình đức tin cuộc sống nơi Chúa, để có thể hiệp thông trong sự sống với Ngài. Và như các tông đồ cảm nghiệm về thực tại đức tin của mình nơi Chúa Giêsu, chúng ta cũng bắt đầu cầu xin Người ban thêm đức tin, để có thể tin thác nhiều hơn, và nhất là can đảm sống đức tin trong hành động giữa thế giới hình như lúc nào cũng bị bao vây bởi mây mù và giông bão. 
        Lạy Chúa trong tăm tối của Đức Tin, xin cho con luôn vững lòng tin vào Chúa, để con có thể vượt thắng mọi cám dỗ ở đời này, ngõ hầu con có thể đạt tới được vinh quang Nước Chúa. Amen.