Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

ĐỊA VỊ

                                          

Ai là người nhỏ nhất trong anh em, thi kẻ ấy là người lớn nhất. ( Lc 9,48)

Một phút suy gẫm

        Trẻ nào cưỡng lời cha mẹ, không thể thành công làm lớn trong xã hội được. Thực vậy, “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con đi”. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, tuần nào cũng kiếm giờ về thăm mẹ. Mẹ con bên nhau hàn huyên cả tiếng đồng hồ. Có lần mẹ lên tiếng hỏi : “Con quá nhiều việc bận rộn trong Hội Thánh, sao không để thời giờ lo việc Chúa cho chu đáo hơn?” Nhưng Đức Giáo hoàng thưa lại : “Được ngồi bên mẹ để nghe mẹ dạy bảo, đó là hạnh phúc trong đời con không bao giờ quên”.
      Ai cũng muốn mình hơn người khác, dùng những gì mình có để so đo với người khác nhưng lại quên rằng tất cả đều do Chúa ban tặng và tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Chúa. Chính Chúa Giêsu đã tự hạ mình để đến với con người trong thân phận như chúng ta, để chia sẻ và phục vụ con người. Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có biết quên mình để phục vụ tha nhân vô vị lợi không hay chúng ta chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân?
      Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương Ngài sống khiêm nhu và luôn mở rộng con tim, để tiếp nhận người khác dù họ là ai hay thuộc địa vị nào trong xã hội.



Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

SỰ PHÁN XÉT

                                                   

Con đã nhận được phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La- da- rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. (Lc 16, 25)

Một phút suy gẫm

       Cách đây mấy năm, một nguyệt san xuất bản tại Luân Đôn có yêu cầu độc giả đưa ra một định nghĩa về tiền bạc và cho biết độc giả nào đưa ra câu định nghĩa hay nhất sẽ được trọng thưởng. Toà soạn đã nhận được hàng ngàn câu định nghĩa khác nhau và đây là câu định nghĩa đã trúng giải nhất: Tiền bạc là giấy thông hành đại đồng, với nó chúng ta có thể đi bất cứ nơi đâu trên thế giới này ngoại trừ lên thiên đàng là không được. Với nó, chúng ta có thể mua sắm mọi sự, trừ hạnh phúc là không thể được.

        Tin Mừng hôm nay và chúng ta nhận thấy: La-da-rô không phải vì nghèo mà được vào thiên đàng, còn ông phú hộ không phải vì giàu mà bị sa hoả ngục. Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa hoàn toàn khác xa với tư tưởng và đường lối của người đời, bởi vì người đời coi danh vọng, tiền bạc và thành công là bảo đảm của ơn cứu độ để rồi không cần và không trông đợi gì nơi Thiên Chúa nữa. Trong khi đó, đối với Thiên Chúa thì chỉ có người nghèo, người biết sống theo quan niệm của Ngài, người có được cái nhìn của Ngài mới là những cộng sự viên cần thiết mà thôi.        Qua dụ ngôn này, Chúa muốn dạy ta biết: Ta sống trong cuộc đời không đơn lẻ, nhưng sống với người khác. Người ta không phải là những đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Trái lại vận mệnh chúng ta đan xen vào nhau. Vì thế trách nhiệm liên đới là không thể thiếu được. Do đó cần phải quan tâm đến những người chung quanh mình. Sự quan tâm này không phải tự nhiên có được, nhưng phải tập luyện hằng ngày. Phải rèn luyện một trái tim nhạy bén biết cảm thương những cảnh ngộ bất hạnh. Phải rèn luyện một trái tim quảng đại sẵn sàng chia sẻ với những anh em thiếu thốn.       Lạy Chúa, xin mở mắt  chúng con để con nhìn thấy Chúa trong những anh em sống chung quanh chúng con. Xin mở tai chúng con để chúng con nghe được tiếng họ đang than van đau khổ. Xin mở trái tim  chúng con để con biết chia sẻ với mọi người những niềm vui, nỗi buồn của họ. Amen.

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

KHỔ ĐAU NỞ NIỀM VUI

                                        

   Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.

 Các ông sợ không dám hỏi lại người về lời ấy. ( Lc 9, 44)

Một phút suy gẫm

        Thầy Nguyễn Ngọc Ký, nhà giáo " dùng chân viết nên số phận". Bạn Nguyễn Xuân Nghĩa được xem là Nguyễn Ngọc Ký thời hiện đại. Cô gái Trần Trà My à người đã viết nên câu chuyện cổ tích " Giấc mơ đôi chân thiên thần ". Họ đã vượt qua số phận nghiệt ngã, sự khuyết tật để đứng lên một cách mạnh mẽ.
        Có lẽ phần lớn cuộc đời con người đều được gắn liền với khổ đau. Chẳng trách Trần Tế Xương đã phải thốt lên với giọng chua cay: "Ta lên ta hỏi ông trời, Trời sinh ta ở trên đời làm chi?" Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao tội ác: vì không muốn hy sinh hay vì trốn trách nhiệm mà người mẹ sẵn sàng giết con trong lòng mình; vì không muốn thấy người thân đau khổ mà chọn cái chết êm dịu; vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm đến men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác.
        Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ hãy đối diện với khổ đau, vì khổ đau là một thực tại trong cuộc sống. Người đã chấp nhận sự thương khó đến cùng cực, kể cả cái chết nhục nhã. Tuy nhiên, sự thương khó chỉ là con đường ngắn ngủi Người đi qua để chuẩn bị cho Phục Sinh cao cả.

       Lạy Chúa, Chúa đã không tránh né trước đau khổ nhưng đã đón nhận và biến nó thành hy tế tình yêu. Giữa muôn nghìn đau khổ và thử thách của cuộc sống, xin Chúa cho chúng con đón nhận tất cả với lòng tin yêu, phó thác và luôn cảm tạ tình yêu Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

                                                   90904Dead_Sea.jpg

Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Con người phải chịu đau khổ nhiều. (Lc 9,20)

Một phút suy gẫm

        Trong số các trò chơi để trắc nghiệm mức hiểu biết của thiếu nhi, có trò chơi đưa hình một danh nhân cho các em xem, sau đó yêu cầu các em nói thật vắn tắt và chính xác về nhân vật ấy. Em nào trả lời đúng sẽ được thưởng.
        Ngày hôm nay Chúa cũng hỏi mỗi người chúng ta như đã hỏi các môn đệ của Người ngày xưa rằng : " Còn con, con bảo Thầy là ai?" Đặt câu hỏi trên đây với mỗi người chúng ta là Chúa muốn chúng ta mô tả dung mạo của Người. Tuy nhiên, chúng ta không có cách mô tả dung mạo của Chúa cách trung thực cho bằng để cho dung mạo của Chúa phản ánh trên cuộc đời của chúng ta.
       Muốn được như thế, chúng ta cần trở nên hình ảnh của Chúa. Mà nét nổi bật của Chúa, đó là Người sẵn sàng chịu đau khổ vì yêu. Như thế, khi chấp nhận xảy ra những đau khổ đến trong cuộc đời mình, vì yêu Chúa và yêu anh em đồng loại, là chúng ta đang phản ánh dung mạo của Đức Giê-su trong cuộc đời chúng ta. Cuộc đời đó càng đậm nét yêu thương bao nhiêu thì dung mạo của Chúa càng được phản ánh trung thực bấy nhiêu.

     Lạy Chúa, xin cho chúng con biết được giá trị của đau khổ trong cuộc sống, để trước những đau khổ, chúng con không khiếp sợ, chạy trốn, không phàn nàn kêu trách, trái lại sẵn sàng can đảm đón nhận để làm cho cuộc đời của chúng ta phản ánh trung thực dung mạo của Chúa. Đó chính là cách giới thiệu dung mạo Chúa cho người khác cách thiết thực và rõ ràng hơn hết. Amen.



Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

NHỜ DANH GIÊ-SU

                                        

Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ? ( Lc 9,9)

Một phút suy gẫm:

        Lạy Chúa Giêsu, những người Do thái đã gặp gỡ Chúa, đã sống với Chúa, nhưng họ vẫn không biết rõ về Chúa. Vua Hê-rô-đê đã nghe dư luận về Chúa và ông thắc mắc muốn tìm hiểu để biết Chúa là ai. Nhưng cuối cùng ông không được toại nguyện, vì ông chỉ muốn thoả mãn tính hiếu kỳ mà thôi.
        Lời Chúa hôm nay nhắc con tự vấn thái độ của con qua những lần con gặp Chúa trong thánh lễ và các bí tích. Khi tìm hiểu lời nói, hành động của Chúa trong Tin Mừng, con ngỡ rằng đã hiểu Chúa nhiều hơn, nhưng thực ra nhiều lần con đã chẳng hiểu gì. Xin Chúa giúp con không bao giờ đóng khung khuôn mặt của Chúa trong những chữ viết, trong những thành kiến, nhưng biết khám phá khuôn mặt Chúa đang sống động trong cuộc đời con, nơi anh em con, nhất là nơi những người nghèo khổ và bất hạnh.

        Lạy Chúa, không ai có thể khám phá khuôn mặt Chúa thay con được, nhưng chính con phải tự khám phá trong suốt cả cuộc đời. Xin Chúa giúp con luôn kiên nhẫn kiếm tìm. Xin ban cho con đôi mắt luôn trong sáng để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Xin ban cho con đôi tai luôn biết mở rộng để lắng nghe tiếng Chúa gọi mời. Xin giúp con sống điều Chúa dạy để người khác cũng nhận ra bóng dáng Chúa đáng yêu nơi chính cuộc đời con. Amen.



Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

HUẤN LỆNH TRUYỀN GIÁO

                                      

Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. ( Lc 9,2)

Một phút suy gẫm

        Khuôn mặt của người được sai cách đây hai ngàn năm thật là đẹp. Vừa quyền năng để trừ mọi thứ quỷ và bệnh tật, vừa khiêm tốn cậy dựa vào lòng quảng đại của người khác. Vừa có gì để cho, vừa có gì để nhận: cho Tin Mừng cứu độ và sự chữa lành, nhận sự giúp đỡ vật chất. Vừa gần gũi thân thiết với nỗi đau thân xác của con người, với những lo âu rất đời thường trong một gia đình, vừa thanh thoát với tiền bạc, không bị chi phối bởi nhu cầu vật chất. Nhóm Mười  Hai sẽ phải đối diện với sức mạnh của ác thần đang tác oai tác quái trong đời nhiều người. Họ sẽ phải dùng quyền Thầy trao để giải phóng con người khỏi nô lệ. Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ bảo ta đừng đem gì? Đâu là những nét đặc trưng của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ 21? Đâu là những bệnh tật và nô lệ của con người hôm nay?
       Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân,hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm : rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau. Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng  với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân. Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. Amen.
.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

AI LÀ MẸ VÀ ANH EM CỦA CHÚA?

                                           

Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. ( Lc 8, 21)

Một phút suy gẫm

        Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cách nhìn về con người của Đức Giê-su. Khi tuyên bố: " Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành", Đức Giê-su không có ý chối bỏ liên hệ ruột thịt đối với mẹ Người và thân thuộc, nhưng muốn mọi người hiểu rằng mối liên hệ quan trọng nhất đối với Người là liên hệ đức tin. Ai càng sống Lời Chúa, người đó càng kết hợp mật thiết với Người.
        Chúng ta mang danh hiệu Ki-tô, phải chăng đó là bảo đảm cho phần rỗi? Chúng ta đọc thuộc lòng kinh kệ, phải chăng chúng ta đã là môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô? Dấu hiệu đích thực của môn đệ Chúa Ki-tô không phải là vì danh hiệu Ki-tô chúng ta đang có, mà vì những hoa trái lời Người được chúng ta làm trổ sinh trong cuộc sống. Hoa trái ấy chính là hành động của yêu thương hòa bình, tha thứ, nhẫn nhục.

       Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn tỉnh thức để nhận ra và yêu mến Ngài nơi tha nhân trong từng phút giây của cuộc sống. Amen.



       

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

SỐNG CHỨNG TÁ CHO TIN MỪNG

                                  64776-ngonnen.jpg

Đèn được đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. ( Lc 8, 16)

Một phút suy gẫm

        Bài Tin Mừng của Thánh sử Luca hôm nay vỏn vẹn chỉ gồm 3 câu trong chương 8, nhưng đã nói lên ý nghĩa của cách thức lãnh nhận và truyền giảng Lời Chúa Giêsu. Đó là nhiệm vụ của người môn đệ theo Chúa Kitô và thực hành bằng việc sống lời Thầy của mình trong cuộc sống hàng ngày.
        Khi Chúa Giêsu rao giảng và làm chứng cho Lời Cha, Ngài muốn chúng ta cũng trở thành những người môn đệ của Ngài. Ngài cảnh báo về cách nghe và đón nhận Lời “ hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (c.18a). Chúng ta có thể là những mảnh đất sỏi đá, hay vệ đường, hay là một bụi gai um tùm.... mà Lời Chúa không thể nào đâm chồi nẩy mầm được ( x .8,4-15). Lời Chúa như sương sa, như mưa rơi...nhưng lòng chúng ta lại đóng kín, khô cằn nên Lời Chúa vẫn chỉ ở bên ngoài, không thấm nhập vào tâm hồn chúng ta được. Ấy là cách chúng ta nghe mà không được biến đổi. Chúng ta không muốn Lời Chúa biến đổi tâm hồn mình. Kết quả của việc sinh hoa kết quả là do Lời Chúa được mỗi người đón nhận như thế nào. Cùng một loại hạt giống Lời Chúa nhưng mảnh đất tâm hồn của chúng ta được vun xới, cày bừa khác nhau, nên hiệu quả cũng rất khác nhau. “Ai đã có thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng bị lấy mất” (18b). Ở dây. Chúng ta có thể hiểu về đức tin truyền thống đã có nơi người Israel, đức tin này hướng về Đấng Mêsia- Chúa Giêsu, nhưng có người nghe theo Chúa Giêsu thì được cho thêm là sự hiểu biết về Nước Trời, còn những người khác không nghe, không hiểu...thì đức tin truyền thống của họ sẽ bị mai một dần và ngày càng yếu đi. Đây là lời thức tỉnh mạnh mẽ của Chúa Giêsu đối với những người cứng lòng tin. Đó cũng là hậu quả mà họ sẽ đón nhận, cân xứng với hành vi của họ.
      Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho những lần chúng con để Lời Chúa rơi rớt dù vô tình hay hữu ý. Xin cho chúng con biết hăm hở học hỏi Lời Chúa và nhất là đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống hằng ngày, trong công việc bổn phận, nơi công sở, trường học và ngay tại gia đình chúng con. Amen.
                                                                         

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

KHÔNG THỂ LÀM TÔI HAI CHỦ

                                                  

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được. ( Lc 16,13)

Một phút suy gẫm

        Trong thời buổi "kinh tế thị trường" hôm nay, người ta rất chú trọng đến việc "đầu tư" nghĩa là bỏ vốn để sinh lời. Đồng tiền được "xoay vòng" là đồng tiền sinh lợi nhuận. Đó là định luật của kinh tế. Vì thế, nếu biết tính toán khôn ngoan thì nhờ vốn liếng bỏ ra, người ta có thể trở nên giàu có. Cũng vậy, với "định luật Nước Trời", người ta có thể dùng của cải trần thế để đầu tư vào hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Nghĩa là, người ta có thể dùng tiền bạc phi nghĩa ở đời này để mua lấy kho tàng hạnh phúc Nước Trời. Tuy nhiên, người ta chỉ có thể mua được hạnh phúc Nước Trời bằng những "đồng bạc biết cho đi". Chúa ban cho chúng ta của cải đời này dùng làm phương tiện giúp ta nên thánh và chia sẻ cho tha nhân. Hơn nữa, tiền bạc của cải không phải là cứu cách cuộc đời chúng ta. Chính Thiên Chúa mới là gia nghiệp mà chúng ta hướng tới như cùng đích cuộc đời mình, như lời Chúa dạy: "Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được"
       Lạy Chúa, xin cho con biết tận dụng tất cả những gì con có, để sinh lợi và làm giàu cho Chúa, chứ không phải cho riêng con. Vì tất cả là của Chúa. Amen.



Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

CHÚA GỌI

                                                JesusCallingMatthew

                                                               Ngày 21 tháng 9
Lễ Thánh Matthêu, Tông Ðồ, Tác giả sách Tin Mừng.
Lễ Kính


Theo gương thánh Mat-thêu xưa
Nghe Chúa gọi giữa cơn mơ tiền tài
Vội vàng đứng dậy đi ngay
Chẳng ngần ngại xác thân đầy uế nhơ
Vì tin tình Chúa bao la
Khoan dung lượng cả thứ tha tội đầy
Thuốc lành biệt dược chữa ngay
Lễ nghi đâu thể sánh tày lòng nhân.
( Theo gương Thánh Mat-thêu xưa - JB Nguyễn Quốc Tuấn)

“ Bỏ lại tất cả để đi theo Chúa” là thái độ đáp trả một cách dứt khoát của Matthêu. Có lẽ lúc đầu Matthêu chưa biết rõ lắm về Chúa Giêsu, nhưng sau khi Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà ông và Chúa Giêsu nói với người biệt phái : “ Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. ” Có lẽ Matthêu đã cảm nghiệm được câu nói này của Chúa Giêsu, vì ông làm nghề thu thuế và bị người đời gán cho là đồng loã với người tội lỗi… nên ông hiểu và đã đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí và hăng say làm tông đồ cho Chúa. 


Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, tôi có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không ? hay tôi còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi của Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

SỰ BÌNH ĐẲNG

                                         Picture

Các bà cùng đi với Đức Giê-su và Nhóm Mười Hai, đã lấy của cải mình mà giúp đỡ các Ngài. (Lc 8, 3)

Một phút suy gẫm

        Một nhà hiền triết nói rằng: Thượng Đế tạo ra người phụ nữ rất đặc sắc, Người làm cho đôi tay họ mát lành để che chở sự yêu thương, và Người cho họ một sức mạnh tiềm ẩn để mang nặng đẻ đau. Người cho họ một sự dũng cảm để nuôi  dưỡng và chăm sóc cả gia đình, người thân.
       Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su khẳng định sự bình đẳng của nữ giới không bằng tuyên bố suông. Người đã chứng minh điều đó khi để cho các phụ nữ gia nhập vào nhóm môn đồ của Người. Sự bình đẳng, hay đúng hơn, phẩm giá của con người được thể hiện trước tiên qua hành vi phục vụ: càng phục vụ, con người càng chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình. Thật ra, đây cũng chính là nghịch lý xuyên suốt Tin Mừng: càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất bản thân; trái lại, càng quên mình phục vụ, con người càng tìm lại bản thân và chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình.

       Lạy Chúa, xin ban cho con Đức Tin để chúng con luôn biết tôn trọng phẩm giá nơi mỗi người, nhất là biết thể hiện phẩm giá của mình bằng hy sinh, quảng đại phục vụ và yêu thương nhau trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

YÊU NHIỀU THA NHIỀU

                                      Text Box: [Type sidebar content. A sidebar is a standalone supplement to the main document. It is often aligned on the left or right of the page, or located at the top or bottom. Use the Text Box Tools tab to change the formatting of the sidebar text box.Type sidebar content. A sidebar is a standalone supplement to the main document. It is often aligned on the left or right of the page, or located at the top or bottom. Use the Text Box Tools tab to change the formatting of the sidebar text box.]

            Tội của chị rất nhiều,, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. ( Lc 7, 47)

Một phút suy gẫm

       Madeleine Danielou đã viết: " Tha thứ thật sự là hành động thần linh mà chúng ta chỉ học được từ nơi Thiên Chúa". Vâng, có thể nói: Lỗi lầm là của con người và tha thứ là của Thiên Chúa" ( A.Pope). Vì vậy, Thomas Carlyle đã nói một câu bất hủ: " Không nhận ra lỗi lầm là lỗi lớn nhất trong mọi lỗi lầm."
        Tin Mừng hôm nay ghi lại một phiên tòa; phiên tòa này không có luật sư biện hộ, không có bản án được đọc lên, nhưng kẻ được ân xá ra về với bình an trong tâm hồn. Để có được bình an ấy, điều kiện tiên quyết là con người phải có lòng sám hối. Sám hối vốn là nội dung chủ yếu trong sứ điệp của Chúa Giê-su.
       Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đã nhận ra sự cần thiết của sám hối. Bất chấp những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của người xung quanh, bà đã thể hiện một cách chân thành và trọn vẹn lòng sám hối của mình. Đức Giê-su đã nói lên ý nghĩa hành động của người phụ nữ như sau: "Bà đã được tha nhiều, vì bà đã yêu mến nhiều". Càng cảm nhận được ơn tha thứ, con người càng được thôi thúc thể hiện lòng yêu mến nhiều hơn.
      Nguyện xin Thiên Chúa nung nấu tâm tình đích thực nơi chúng con, và ban cho chúng con niềm bình an nội tâm, để chúng con cũng biết chia sẻ niềm bình an ấy với mọi người bằng cảm thông, tha thứ và những thể hiện của bác ái. Amen.





Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

TƯƠNG QUAN VỚI THIÊN CHÚA

                                         

Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho. (Lc 7, 35)

Một phút suy gẫm

        Nhiều người đương thời, vì lợi ích cá nhân, thường lên tiếng bảo vệ dân chủ, công bằng cho xã hội; thế nhưng, thực chất là họ muốn người khác phải  làm theo ý riêng của mình. Họ đã nhân danh công lý để trục lợi cho ý riêng bản thân, chứ không đi tìm Thánh Ý Thiên Chúa.
  Ðức Giêsu phê phán về sự cứng lòng và kiêu ngạo của người Do Thái, đặc biệt là các kinh sư và Pharisêu. Họ luôn tìm cách để biện minh cho mình và trốn tránh sự thật. Gioan Tẩy Giả sống khắc khổ, họ bảo là bị qủy ám. Còn Ðức Giêsu sống giản dị, gần gũi, hòa đồng với dân, họ lại cho là một tay ăn nhậu, bê tha. Thế nhưng, trước sự hiện diện và hành động yêu thương của Ðức Giêsu, càng chứng tỏ cho thấy họ thật ngoan cố và ác tâm.
 Nếu chúng ta cứng lòng không tin vào Ðức Giêsu, chúng ta cũng sẽ không nhận ra Ngài.
 Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng yếu đuối, cứng lòng trong niềm tin như những người Do Thái xưa. Ngày nay Chúa vẫn hiện diện và đang tích cực can thiệp vào lịch sử nhân loại, vào lịch sử cuộc đời chúng con. Chúa ban cho chúng con biết bao hồng ân. Thế nhưng chúng con vẫn không hài lòng, chúng con thường kêu ca than trách mọi chuyện. Xin cho chúng con biết nhìn ra những điểm tích cực trong cuộc sống. Và đó là dấu chứng của một tình yêu Thiên Chúa đang trào tràn trên chúng con. Amen.

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

CHẠNH LÒNG THƯƠNG

                           

Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! ( Lc 7, 13)

Một phút suy gẫm

        Ngày nay, lối hành xử vô lương tâm giữa người và người xảy ra rất nhiều. Trên các trang mạng Internet, ta có thể đọc thấy không ít những tin tức về việc cách con người giết hại lẫn nhau. Phải chăng con người ngày nay quá vô cảm.
        Trình thuật Tin mừng của Thánh Luca hôm nay đề cập đến việc Đức Giê-su chữa cho kẻ chết sống lại. Đức Giê-su đã " chạnh lòng thương" nên đã cho đứa con trai của bà góa sống lại. Đây là việc làm rất phi thường, xuất phát từ lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa. Qua phép lạ này, Đức Giê-su bày tỏ tình thương vô biên đối với con người, cách riêng là những người đau khổ và bần cùng trong xã hội.
        Giữa một xã hội dường như đang tôn thờ chủ nghĩa lợi ích cá nhân và bất chấp đạo lý chân chính, con người chạy tìm cho mình những nhu cầu trần thế để đáp ứng dục vọng bản thân, thì ngược lại, Giáo hội vẫn luôn nhắc nhở và mời gọi chúng ta học biết gương Chúa Giê-su mà " chạnh lòng thương" đối với anh chị em mình.

       Lạy Chúa, xin trợ giúp chúng con sống chứng nhân bằng tình yêu đối với Chúa và đối với mỗi người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Amen.


Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

LỜI CHỮA LÀNH

                

Ngay cả trong dân Is-ra -en, tôi cũng chưa thấy người nào có lòng tin mạnh như thế. ( Lc 7,9)

Một phút suy gẫm

Trong cuộc sống, đôi lúc ta cần đến những lời động viên của anh chị em mình. Mỗi khi thất vọng, chán chường, đau khổ với quá khứ bản thân, thậm chí không thiết tha sống trên cõi đời này, thì lời động viên tích cực của ai đó sẽ có thể là sức mạnh giúp ta có được niềm tin vào chính mình và trỗi dẫy để làm lại cuộc đời.

 Trong Năm Đức Tin, chúng ta được mời gọi noi gương nhân cách mà Chúa Giêsu đã đề cao để xác tín một cách mạnh mẽ niềm tin vào Thiên Chúa, đồng thời khiêm tốn nhìn nhận mình cần đến Thiên Chúa.Từ niềm tin đó dẫn chúng ta đến cuộc sống yêu thương mọi người xung quanh, nhất là những người thấp kém trong xã hội; và nhất là phải biết nâng đỡ đức tin cho người khác, tạo điệu kiện, giúp đỡ họ thờ phượng Chúa cho tốt.

“Lạy Chúa, Chúa vẫn biết chúng con cần đến Chúa, tháng năm ưu tư miệt mài. Chúa vẫn biết chúng con cần đến Chúa, dẫn đưa đời vui sống bình an”.


Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

SÁM HỐI

                                        

Trên trời ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối. ( Lc 15,7)

Một phút suy gẫm

        Người ta gọi Joe là bợm nhậu vì chàng uống quá nhiều rượu, say sưa tối ngày. Chàng và gia đình sống trên một nông trại nhỏ của cha mẹ ở Tennessee . Vợ và bốn đứa con của Joe khổ sở. Đời sống gia đình như một địa ngục trần gian vì Joe nhục mạ và hành hạ gia đình mỗi khi anh say rượu. Một hôm sau lúc say rượu, anh lái xe ra đường và bị tai nạn bể đầu. Khi chữa trị vết thương, bác sĩ nói với Joe rằng: một ngày nào đó anh sẽ tự giết mình và có khi cả người khác nữa. Bác sĩ khuyên anh bỏ rượu, trong thời gian vắn, anh đã cai rượu và bắt đầu đi nhà thờ. Gia đình anh sung sướng vô cùng.
        Trên mặt đất cũng vui mừng khi một người tội lỗi ăn năn hối cải. Sự thay đổi của Joe, sự trở lại của anh đem lại bao niềm vui cho người thân yêu của anh. Chúng ta cũng có thể nói như thế với mỗi tội nhân trở về cùng Chúa: Người cờ bạc biết sử dụng tiền bạc cho gia đình; người nóng nảy biết kiềm chế, người ích kỷ biết chia sẻ và cộng tác, người bất mãn biết thông cảm; người bỏ đạo biết nghe tiếng Chúa gọi trở về, những người được biệt đãi biết chia sẻ ân huệ cho người bị bỏ rơi.Cha mẹ biết thức tỉnh trong bổn phận và trách nhiệm, con cái và các bạn trẻ biết nhìn nhận tình yêu và sự chăm sóc của cha mẹ. Những người chồng, người vợ thất trung, hờ hững biết chú ý và chăm sóc người bạn đời, người bất lương biết sống lương thiện và công bình, những người khô khan biết nghe và đáp lại lời kêu gọi của Chúa Ki-tô để yêu Chúa và yêu người lân cận.
       Chủ chăn tìm con chiên lạc, người đàn bà tìm đồng tiền đánh rớt được nhắc nhở chúng ta hãy nhớ học tìm tương quan với Thiên Chúa.

     Lạy Chúa, xin giúp chúng con đem lại hân hoan cho những nguoi2 ở gần và thân yêu với chúng con trên mặt đất này. Amen.


Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

THẬP GIÁ - BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU

                                                

Con người sẽ phải được giương cao. ( Ga 3,14)

Một phút suy gẫm

        Năm 2009, bảy vị thẩm phán của tòa án nhân quyền Châu Âu đã đồng thanh đưa ra phán quyết tuyên bố Nước Ý đã vi phạm quy ước nhân quyền Âu Châu trong điều khoản nói về tự do giáo dục, và ra lệnh cho nước này phải tháo gỡ Thánh Gía khỏi các trường công lập. Ngày 18/3/2011, Tòa thượng thẩm nhân quyền Châu âu đã đảo ngược lại phán quyết này, cho phép Nước Ý cũng như các nước trong Liên Hiệp Âu Châu được trưng bày Thánh giá và các biểu tượng tôn giáo trong các trường công lập và các nơi công cộng nói chung.
       Thập giá là dấu chứng tình yêu. Qua cái chết của Đức Giê-su, Thiên Chúa đã tỏ lộ tình yêu của Người cho nhân loại. Nơi thập giá, tình yêu được trao ban. Nơi thập giá, sự sống đã chiến thắng sự chết, ánh sáng đã đẩy lui bóng tối, khoan dung tha thứ đã chiến thắng hận thù chia rẽ.
        Trong cuộc sống, có nhiều người đang mang trên mình thánh giá của Đức Giê-su, có thể thập giá là những cơn đau bệnh tật, cũng có thể, thập giá là những băn khoăn lo lắng trong cuộc sống vì thiếu thốn tình cảm, thiếu thốn vật chất, hay một tai họa nào bật đến bất ngờ, hay cũng có thể đang bị hiểu lầm trong cuộc sống.
        Lạy Chúa, ước gì thập giá trở nên mẫu gương cho chúng con, là ánh sáng cho đêm tăm tối, nhờ đó con không còn coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý, nhưng như một dấu chỉ cho thấy con đang thuộc về Chúa mãi mãi. Amen.

     Qua thập giá, Đức Giê-su đã mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Qua thập giá, tức là ngang qua những đau khổ và bệnh tật, con người tìm thấy ý nghĩa và giá trị cuộc sống.

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

KHÔNG XÉT ĐOÁN NGƯỜI KHÁC

                                            

Mù mà lại dắt mù được sao?  (Lc 6, 39)

Một phút suy gẫm

       Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu nói về chuyện thấy mình. Ngài dùng lối ngoa ngữ để dạy dỗ môn đệ. Tôi không thấy cái xà trong mắt mình, nghĩa là không nhận ra nơi tôi một khuyết điểm trầm trọng mà ai ai cũng thấy, trừ chính tôi. (Tôi không thể thấy hay tôi không muốn thấy!) Nhưng tôi lại thấy cái rác nhỏ trong mắt anh em. Dường như thấy cái rác nhỏ nơi mắt người khác dễ hơn là thấy cái xà nơi mắt mình Phải chăng vì đứng gần mình quá nên tôi không thấy rõ, hay vì tôi vẫn coi mình là hoàn hảo nên khó chấp nhận những thiếu sót nơi mình? Ðể thấy mình, cần khiêm tốn hỏi và nghe người khác. Anh em tôi biết về tôi hơn tôi biết tôi.      Lạy Chúa, xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng trước mọi biến cố của cuộc sống, khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm, hay gặp sự bất trung, bất tín nơi những người con tin tưởng cậy dựa. Xin giúp con gạt mình sang một bên để nghĩ đến hạnh phúc người khác, giấu đi những nỗi phiền muộn của mình để tránh cho người khác phải đau khổ. Amen.

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

THA THỨ

                                     

Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. ( Lc 6, 36)

Một phút suy gẫm

        Chúa Giê-su dạy phải có lòng nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ. Nhưng làm thế nào đây? Thưa, khi dạy như thế Chúa Giê-su cũng cho chúng ta câu trả lời bằng chính thân phận và cuộc sống của Ngài, đặt biệt "giờ" của Ngài là cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá. Ngài thương dân chúng " bơ vơ như chiên không có người chăn" và Ngài giảng dạy cho họ và còn cho họ ăn no. Ngài thổn thức trước nổi khổ của những người bệnh tật, trước người cha có đứa con bị quỷ ám, trước người mẹ có đứa con trai duy nhất phải chết đi. Và Ngài đã ra tay cứu giúp họ. Ngài không chỉ tuyên bố tha tội trong một số trường hợp, mà còn kêu cầu Chúa Cha tha tội cho kẻ đóng đinh Ngài.

        Khi bị xúc phạm, bình thường chúng ta có thể biểu lộ sự bực dọc ra bên ngoài bằng những trận nổi tam bành hay âm thầm nuôi dưỡng động cơ trả thù. Nhưng nhìn vào lòng nhân từ của Chúa, chúng ta dễ dàng tập biểu lộ tinh thần thiện chí, can đảm, kiên trì để tha thứ cho nhau. Chúng ta hãy quỳ dưới chân Thập giá nhìn ngắm tượng Chúa chịu đóng đinh, để cảm nghiệm lòng Chúa nhân từ.
      Lạy Chúa Giê-su, khi có người làm tổn thương đến con, bình thường con cảm thấy tức giận, lạnh lùng, nổi xung và nuôi động cơ trả thù. Nhưng từ rày về sau, xin cho con nhận ra lòng quảng đại tha thứ của Chúa để nhờ đó, con biết mở rộng con tim nhân ái đối với mọi người như Chúa đã dành cho con .Amen.

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

HẠNH PHÚC

                                          


Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có. (Lc 6,20 )

Một phút suy gẫm

Một học sinh nghèo trả lại chiếc bóp lượm được. 
Một giáo viên kiên trì theo đuổi nghề giáo. 
Một cán bộ về hưu trong cảnh thanh bạch. 
Một bạn nữ bỏ chỗ làm có thu nhập cao… 
Một nhân viên từ chối những đồng tiền hối lộ. 
Giữa cuộc sống khó khăn,  vẫn có bao người không bị mê hoặc bởi bạc tiền. 
Họ chọn sống trong cảnh nghèo,  lam lũ hơn, nhưng vui hơn và thanh thản hơn. 

Xin cho con nhìn thấy những người nghèo ở quanh con, ở trong gia đình con, đang cần đến con. Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo, xin cho con thấy Chúa trong họ. Vẫn có bao người nếm được mối phúc của Tin Mừng:  “Phúc cho anh em là những người nghèo khó,  Vì Nước Trời là của anh em. Amen.

      
.

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

CHỌN AI VÀ AI CHỌN

                                  

Đức Giê-su đã thức suột đêm cầu nguyện. Người đã chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ. (Lc 6,12)

Một phút suy gẫm

   Ðức Giêsu đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha trước khi chọn các tông đồ. Ðiều này chứng tỏ việc tuyển chọn các tông đồ rất quan trọng, vì để các ngài tiếp tục sứ mệnh của Ðức Giêsu. Từ trong hư vô Thiên Chúa đã cho chúng ta hiện diện và làm chủ mọi loài. Hơn nữa, Ngài đã chọn chúng ta giữa muôn dân, cho chúng ta sống trong tình con cái qua bí tích Rửa Tội. Ðể từ đây, chúng ta trở nên những Kitô hữu, môn đệ của Ðức Giêsu.
 Lạy Cha toàn năng và đầy yêu thương, chúng con ít khi dành những giây phút về với nguồn cội, để cảm nghiệm tình Cha, để nhận thức được nhân phẩm cao quý của chúng con trong công cuộc sáng tạo và cứu chuộc của Cha. Cha đã gọi con từ trong hư vô. Cha đã đặt tên cho con là kitô hữu. Cha tin tưởng và trao cho chúng con tiếp tục sứ mệnh của Ðức Giêsu con Cha. Xin giúp chúng con biết sống tình con thảo để trung thành thực thi ý Cha trong mọi công việc.
Chúng con là những anh chị em truyền thông - Loan báo Tin Mừng của Chúa cho khắp mọi người. Xin hãy đốt nóng tâm hồn chúng con để chúng con có trái tim yêu Chúa không biết mệt mỏi qua những anh chị em chung quanh con. Xin Chúa nhậm lời chúng con. Amen.

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

TRÁI TIM YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI

                                                 

Ngày sa-bát được phép cứu mạng người. ( Lc 6, 9)

Một phút suy gẫm

       Ngày nọ thiền sư Mokusen và người đệ tử đang đi dạo. Một người đàn bà hành khất đến trước mặt hai thầy trò. Thấy người đệ tử lúng túng chưa biết phản ứng ra sao. Vị thiền sư liền giơ bàn tay nắm chặt trước mặt người đệ tử. - "Vậy là có ý gì thưa thầy ?" người đệ tử ngạc nhiên hỏi. - "Giả sử nắm tay của ta cứ nắm như thế này mãi trước mặt người đàn bà. Con gọi nó là gì ?" vị thiền sư hỏi. - "Dạ đó là một bàn tay dị dạng" người đệ tử trả lời. - Rồi vị thiền sư xòe bàn tay ra trước mặt người đệ tử rồi tiếp tục hỏi : “Giả sử ta cứ xòe bàn tay như thế này mãi trước mặt người người đàn bà này, con gọi thế nào ?" - "Một loại tay dị dạng khác" người đệ tử trả lời. "Nếu con hiểu được như vậy, con sẽ là một người tốt. Bàn tay của con có bị loại dị dạng nào không hãy giúp người đàn bà này đi !" Thiền sư Mokusen kết luận.
        Đức Giêsu gọi anh bại tay ra giữa đứng ( x. c.3). Ngài muốn người Do Thái nhìn thẳng và nhận ra vấn đề vì thế Ngài hỏi họ: “ Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi ?” ( c.4). Câu hỏi của Ngài như một lời chất vấn lương tâm, dẫn họ lần bước trở về tính thiện ban đầu mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn con người.


   Trong cuộc sống hàng ngày đôi lúc chúng ta cũng có thái độ như người Do Thái khi đến nhà thờ hoặc khi làm những công việc đạo đức. Lúc đó thay vì chúng ta tìm ý Chúa, chúng ta lại dò xét và bình phẩm lẫn nhau. Thay vì kết tình thân ái giữa mọi người, chúng ta lại gây chia rẽ bằng việc “ xuyên tạc” lời nói và hành vi của người khác. Thay vì để tâm suy gẫm Lời Chúa, để Lời Chúa thấm vào tâm hồn, thì chúng ta lại âm mưu toan tính sao cho mình có lý hoặc luôn tìm phần thắng, phần lợi về cho mình. Chúng ta hãy xem thái độ của Chúa Giêsu như thế nào trước tâm địa độc ác của họ.

        Lạy Chúa Giêsu, Ngài là cầu nối, là con đường giữa Thiên Chúa và con người Ngài đón nhận Thập giá như là phương cách để thể hiện Tình Yêu Chúa Cha. Xin cho chúng con biết nhìn vào Tình Yêu ấy mà giữ luật, luật yêu thương trọn vẹn, luật để cứu sống, để làm việc lành, việc tốt cho nhau. Amen.

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

TỪ BỎ

                                                     

Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được. (Lc 14, 27)

Một phút suy gẫm

        Con đường theo Chúa vốn đầy những nghịch lý. Một trong những cái nghịch lý là điều kiện để theo Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta biết điều kiện đó, là phải từ bỏ tất cả: của cải, cha mẹ, vợ con, anh chị em và chính bản thân mình. Đó là điều kiện gắt gao, cho nên cần phải tính toán, suy xét thật cẩn thận. Điều kiện này không phải Chúa chỉ nói với các môn đệ mà với tất cả đám đông đang nghe Chúa giảng dạy. Và như vậy đây là điều kiện cho tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong hoàn cảnh của nền văn minh vật chất hiện nay.
        Để từ bỏ được chính mình như thế, cần phải có thật nhiều ơn Chúa và một sự can đảm vô bờ. Vì khi từ bỏ là chúng ta sẽ cảm thấy như bị thua thiệt rất nhiều ở đời này. Vì thế, từ bỏ được mình, quên mình, nói thì dễ nhưng thực hành thì không dễ dàng, nếu không có ơn Chúa trợ giúp thì không ai có thể thực hành được. Cho nên, chúng ta phải cầu xin Chúa và cố gắng rất nhiều.

       Giáo xứ của chúng con năm nay có bốn em vào năm tu đức, cuộc đời của một thanh niên với sức trẻ đang phơi phới, giờ các em từ bỏ tất cả đi theo con đường của Chúa Giê-su, với bao danh vọng tiền tài bỏ lại sau lưng. Xin Chúa nâng đỡ bốn em này, giúp các em trung thành với con đường mình đã chọn. Amen. 



Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

KHÔNG NỆ LUẬT

                                       

Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát? (Lc 6, 1-5)

Một phút suy gẫm

        Theo Đức Giêsu, ngày sabát được tạo cho loài người, chứ không phải ngược lại. Người Pharisêu có lẽ đã quên đi mục đích của việc giữ luật ngày sabát. Thiên Chúa lập nên ngày sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5, 14-15). Ngày sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa, nhưng nó cũng là ngày nghỉ cho loài người sau sáu ngày làm việc vất vả.
       Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách giữ luật của chúng ta. Nếu chúng ta giữ tỉ mỉ mọi lề luật mà không đếm xỉa đến tương quan yêu thương của chúng ta đối với những người xung quanh, hẳn chúng ta đang trở thành những người biệt phái giả hình. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết tuân giữ lề luật và làm mọi sự vì lòng mến Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

RƯỢU MỚI BẦU MỚI


                                    ChuaGiesu_daycaunguyen

Sẽ có ngày chàng rễ bị đem đi; ngày đó, khách dự tiệc mới ăn chay. ( Lc 5,35)

Một phút suy gẫm

      Ðức Giêsu không lập gia đình nên chẳng bao giờ là chàng rể trong một tiệc cưới. Vậy mà ở đây Ngài ví mình như một chàng rể, còn các môn đệ như khách dự tiệc cưới. Chẳng gì vui bằng tiệc cưới, chẳng ai vui bằng chàng rể. Chàng rể vui vì được chung sống với cô dâu. Ðức Giêsu vui vì được chung sống với loài người, với Hội Thánh là Dân Mới của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa hạnh phúc khi sống ở trần gian. Bầu khí giữa Thầy trò là bầu khí tiệc cưới. Một kỷ nguyên mới của ơn cứu độ đã được khai mở. Chính vì thế đây không phải là bầu khí ăn chay ủ dột. Ðức Giêsu đã ăn uống với nhiều tội nhân (x. Mt 11,19), để biểu lộ sự hiệp thông và hoà giải của Thiên Chúa. Cuộc sống của Ngài không khắc khổ, nhưng lan tỏa niềm vui.

       Lạy Chúa Giêsu, có những niềm vui Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay, có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại. Xin dạy chúng con biết tươi cười, cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con. Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống, dù không phải tất cả đều màu hồng. Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản, nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con. Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc, vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương và được sai đi thông truyền tình thương ấy. 
       Xin cho con tiếp nhận được ánh sáng của Lời Chúa, để Lời Chúa luôn là đèn soi bước cuộc đời con đi; để Lời Chúa nên lương thực bổ dưỡng; nên niềm hoan lạc của lòng con. Xin cho say mê Lời Chúa, được Lời Chúa thu hút và trở thành chứng nhân của Lời giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

VÂNG LỜI

                                           Vang loi Thay, con tha luoi


Các ông bỏ hết mọi sự mà theo Chúa Giê-su. ( Lc 5, 11)

Một phút suy gẫm

        Mẻ cá của Phêrô năm xưa đã làm cho ông nhận ra sự yếu đuối của mình và cuối cùng ông đã bỏ lại mọi sự để theo Chúa. Còn chúng ta, mẻ cá nào trong cuộc đời chúng ta đã mở lòng chúng ta cho Chúa và giúp chúng ta nhận ra sự thật về chính mình và vâng lời sẵn sàng bỏ lại những gì không thuộc về Chúa để theo Ngài trong mỗi bậc sống của chúng ta? Chúa không ngừng kêu gọi chúng ta trong mỗi hoàn cảnh để theo Ngài và sống trọn vẹn ơn gọi làm con Chúa mà Ngài dành cho ta. Có điều chúng ta có nhận ra Chúa khi Ngài đến, khi Ngài mời gọi từng con tim qua những dấu chỉ lớn cũng như nhỏ, qua những người xung quanh ta để ta biết vâng phục không?

      Ước gì mỗi người chúng ta biết dành những giây phút thinh lặng để nhìn lại chính mình, nhìn lại quãng đường mình đã đi qua với Chúa Giêsu và nhận ra được bao nhiêu phép lạ Ngài đã làm qua những người thân quen, trong gia đình mình và ngay chính trong chúng ta hầu qua đó chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là ai, và xin ơn để biết, hiểu và yêu mến Ngài hơn. Chúng ta xin ơn cho chúng ta yêu Ngài đủ để ta biết vâng phục trong tin yêu và phó thác. Chúng ta xin ơn để ta biết trông cậy vào Ngài khi những công việc ta làm đang mang đến cho ta niềm thất vọng vì qua đó ta biết biết phó thác vào Ngài và hy vọng được thấy sự thành công trong sự thất bại của chính mình. Amen!


Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

SỨC MẠNH CỦA LỜI






                                    

Tôi biết ông là ai rồi; ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa. ( Lc 4,34)

Một phút suy gẫm

      Thỉnh thoảng Tivi chiếu lại những bộ phim thật về việc trừ quỷ của một số linh mục được Chúa ban ơn đặc biệt. Họ phải rất vất vả và nhiều lần kêu tên cực trọng Giê-su và dùng những nghi thức xua đuổi tà ma mới có thể xua trừ được ma quỷ. Trước khi quỷ xuất ra quỷ thường vật vả, làm hại tới đương sự, thậm chí có thể dẫn đến cái chết. Thế nhưng, Chúa Giê-su trừ quỷ thật uy quyền và mạnh mẽ. Tin mừng của Thánh Luca hôm nay cho thấy quỷ dữ hoảng sợ, và kêu la lên khi thấy Chúa Giê-su, và Ngài quát mắng, ra lệnh và nó để nó tuân phục mà xuất ra khỏi người bị quỷ ám. Lời giảng dạy đầy uy quyền và những phép lạ phi thường của Chúa Giê-su làm cho mọi người trong hội đường đều phải sửng sốt. Chúa Giê-su giảng dạy và hành động không giống như các bậc kinh sư hay bậc thầy nổi tiếng, Chúa Giê-su độc lập và tự do giải thích và ứng dụng luật pháp.  
      Khởi đầu công cuộc rao giảng, Chúa Giê-su xuất hiện như một Bậc Thầy cao cả, đầy uy quyền không chỉ trong lời nói mà trong những hành động, đến nổi ma quỷ phải khiếp sợ, và Ngài có thể trục xuất quỷ dữ một cách dễ dàng và chúng phải tháo lui, điều đó Thánh Luca cho thấy rất rõ bản tính Thiên Chúa trong nhân tính của Chúa Giê-su. Không chỉ đơn thuần Ngài là con bác thợ mộc và bà Maria ở Na-za-rét, mà là Đấng Thánh của Thiên Chúa đang đồng hành và hiện diện giữa loài người.
      Cuộc sống của mỗi người trong lòng Giáo hội và xã hội hôm nay vẫn tiếp tục đối diện với những thế lực của những bóng tối, sợ hãi và sự dữ của Satan. Những thế lực của Satan trong bối cảnh hôm nay thật tinh vi, và làm cho ta đôi khi không thể tự chủ và cưỡng lại được. Những lúc này là lúc ta cần tin tưởng tuyệt đối vào uy quyền của Đức Giê-su, hãy để Chúa Giê-su có chỗ trong thâm sâu nhất của con người ta và như thế ta có thể nghe tiếng Chúa mạnh mẽ ra lệnh: “câm đi, hãy ra khỏi người này”. Amen.

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

LOAN BÁO TIN MỪNG



                                 

Chúa sai tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. ( Lc 4, 18,21)

Một phút suy gẫm


        Sau một thời gian đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giê-su đã về thăm quê hương là làng Na-da-rét. Dân làng ngạc nhiên trước lời giảng khôn ngoan và thán phục trước các phép lạ Người làm ở các nơi. Nhưng họ lại hoài nghi về thân thế của Người và không tin Người thực là Đấng Thiên Sai. Đức Giê-su đã không làm nhiều phép lạ tại đó vì họ cứng lòng tin.

       Vâng, cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao khi người người biết tôn trọng lẫn nhau, biết cảm thông, tha thứ và nâng đỡ lẫn nhau. Thay cho lời kết án, ghen tỵ là lời chúc mừng, khuyến khích. Thay cho những cái nhìn thiển cẩn, hẹp hòi là những cái nhìn nhân ái, bao dung. Cuộc sống sẽ thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết nhìn cái tốt nơi nhau, để khen ngợi, để khuyến khích nhau, thay vì nhìn điểm yếu của nhau để kết án, xem thường nhau. Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết trân trọng những thành quả, những đóng góp của anh em, thay vì ghen ghét, dửng dưng.



      Ước gì mỗi người chúng ta biết khiêm tốn để nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình. Vợ chồng cần có nhau để bổ túc và mang lại hạnh phúc cho nhau. Con cái cần đến cha mẹ để nương nhờ cậy trông. Hàng xóm cần đến nhau để “tốt lửa tắt đèn có nhau”. Và một khi đã nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình, thì hãy sống tôn trọng và kính trọng lẫn nhau, để cùng nhau xây dựng cuộc sống cho nhau những niềm vui và hạnh phúc. Amen

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

CHỮA LÀNH

                              

Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó. (Lc 4,43)

Một phút suy gẫm

        Ngày 11/2/1858, tại Lộ Đức, Đức Mẹ đã hiện ra với chị Bernadette. Và đến ngày 16/7/1858, Mẹ đã hiện ra với chị 18 lần. Từ nơi chị quỳ cầu nguyện mỗi khi Đức Mẹ hiện ra, một dòng suối nhỏ đã vọt lên có sức chữa trị mọi bệnh tật. Lộ Đức nổi tiếng như một nơi cầu nguyện và hành hương, nhưng được biết đến nhiều nhất là những phép lạ. Chính nơi đây, hàng ngàn người được chữa lành những bệnh tật thể lý, người cầu nguyện được nhận lời, tội nhân được ơn tha thứ; hàng triệu người được lôi kéo tới gần Thiên Chúa hơn, họ tìm được sự bình an cho tâm hồn, đồng thời có thêm sức mạnh để can đảm vượt qua đau khổ, thử thách và được kiên vững trong niềm tin. Những phép lạ tại Lộ Đức thật sự là những dấu hiệu chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa.
       Đức Giê-su thi hành sứ vụ cứu thế bằng việc chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền và trừ quỷ. Nhưng Thánh Luca dùng kiểu nói " Đức Giê-su truyền lệnh hoặc đe dọa" để diễn tả rằng: Đức Giê-su không diệt trừ quỷ và sự dữ, mà chỉ chế ngự nó thôi. Nhưng đến một ngày, Đức Giê-su sẽ tiêu diệt hết sự dữ và sự chết trong chính Người, nhờ Phục Sinh vinh hiển. Điều này giúp chúng ta nhận ra rằng, không ai tránh được sự dữ, bởi sự dữ và ma quỷ vẫn còn hoành hành trên trần gian. Nhưng nhờ ơn cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta có được sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng sự dữ cũng như ma quỷ.
      Lạy Chúa, xin cho chúng con biết trông cậy vào Chúa bằng đức tin, cậy , mến và sống theo Chúa để được Chúa ban ơn trợ lực, mà thắng vượt mọi sự dữ của thế gian này. Amen.

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

KHIÊM NHƯỜNG

                                         

Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. ( Lc 14,11)

Một phút suy gẫm

       Lạy Chúa Giê-su. Thích được người khác khen ngợi, thích được ăn trên ngồi trước, thích được danh vọng chức quyền... cũng chính là thói xấu của mỗi người chúng con. Hôm nay Chúa dạy các người Pha-ri-sêu bài học khiêm nhường và cũng gián tiếp dạy chúng con: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất... Nhưng hãy vào ngồi chỗ cuối”. Con biết Chúa không dạy con giả đò theo kiểu khiêm nhường giả tạo, nhưng Chúa muốn chúng con coi thường danh vọng hão huyền và luôn sống nhỏ bé khiêm hạ. Chúa cũng dạy chúng con phải noi gương Chúa rửa chân phục vụ lẫn nhau.
    Lạy Chúa. Chúa đã đi con đường khiêm hạ và mời gọi chúng con bước theo. Xin dạy chúng con biết khiêm tốn nhận ra những sai sót và quyết tâm sửa đổi. Xin cho chúng con biết thông cảm và mở rộng lòng đón nhận tha nhân. Xin giúp chúng con tránh lên mặt xét đoán ý trái cho kẻ khác, nhưng biết học tập những điều tốt đẹp nơi họ. Nhờ đó chúng con hy vọng sẽ được Chúa tôn vinh trước tòa phán xét sau này. Amen.