Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

SÁM HỐI

                                        chuavacanhdong.jpg

Đến ngày phán xét, thành Tia, thành Xi-đôn và đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. (Mt 11, 20-24)

Một phút suy gẫm

        Từ ngữ " sám hối " theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là thay đổi tư tưởng của một con người. Như thế, tin vào Đức Giê-su và tiếp bước sứ mạng của người đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách sống của chính mình hằng ngày.
      Đức Giê-su khiển trách  dân  thành Kho- ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um vì chứng kiến nhiều phép lạ Người làm nhưng vẫn ngoan cố không tin. Nguyên nhân là sự kiêu ngạo và lòng dạ hẹp hòi của họ. Họ không chịu mở tâm hồn ra để hạt giống Lời Chúa đi vào và sinh hoa kết trái.
      Ngày nay, tuy con người có nhiều tiện nghi về vật chất hơn, nhưng tính tự kiêu, sự ích kỷ, lòng tham lam và sự gian dối cũng tăng theo. Đó thực sự là những rào cản khiến Lời Chúa không thể thâm nhập và làm biến đổi cuộc sống của con người.
     Sống tinh thần sám hối là trở về với Chúa, với chính mình mỗi ngày để sửa đổi bản thân và nên hoàn thiện hơn trong cuộc sống. Sám hối luôn đi đôi với ăn chay cầu nguyện. Đây là những điều kiện trở về với Chúa và đón nhận ân sủng của Ngài.
    Lạy Chúa, xin cho con nhận ra những yếu đuối của bản thân, và xin ban sức mạnh để giúp con hoán cải. Xin giúp con biết từ bỏ chính mình hằng ngày qua những hy sinh nhỏ bé, để " cái tôi " của con nhỏ đi và ý Chúa lớn lên mỗi ngày. Amen
Đức Mẹ Camêlô - 16/07

Đức Mẹ Núi Camêlô

Núi Camêlô là nơi ngôn sứ Êlia ẩn trú trong cơn bách hại, để bảo vệ niềm tin cho mình và cho những người muốn trung thành với Chúa.Dần dần những người muốn dâng mình cho Chúa tụ họp về đây, tập sống đời nhiệm nhặt, ăn chay hãm mình, cầu nguyện. Năm 38, họ xây cất một nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ Maria và chọn Đức Mẹ làm Đấng Bảo trợ cho cả cộng đoàn. Dòng Đức Mẹ Núi Camêlô xuất hiện từ đó, và được Đức Giáo Hoàng Hônôriút thứ 3 chuẩn nhận năm 1226.
Trong thời gian người Hồi giáo tấn công Thánh địa, tàn sát người Công giáo, các đan sĩ dòng phải rời bỏ núi Camêlô, chạy về nước Pháp, thành lập nhà dòng ở đây và cũng đến lập dòng tại nước Anh. Chính nơi đây, nhà dòng được tiếp nhận Thánh Simon Stóckô vào dòng. Và năm 1245, Thánh nhân nhận làm bề trên dòng. Ngài chỉnh đốn lại nếp sống các đan sĩ, đặc biệt củng cố lại lòng sùng kính Đức Mẹ.
Thánh nhân tha thiết kêu xin Đức Mẹ ban cho nhà dòng một ân huệ. Tương truyền ngày 16 tháng 07 năm 1251, Đức Mẹ đã hiện ra với Ngài. Đức Mẹ mặc áo Dòng Camêlô, xung quanh có thiên thần hầu cận, nét mặt tươi cười tay cầm chiếc “áo Đức Bà Camêlô” trao cho Ngài và bảo: “Hãy nhận lấy bộ áo dòng này Mẹ ban cho dòng và cho tu sĩ như dấu chỉ của lòng ưu ái và sự săn sóc Mẹ dành cho các con. Đây là dấu hiệu cứu rỗi. Giải thoát mọi hiểm nguy. Ai chết mà mang biểu hiện bình an này, sẽ khỏi bị lửa thiêu đời đời và Mẹ sẽ cứu họ khỏi lửa luyện tội vào ngày thứ bảy sau khi họ qua đời”.
Ngày lễ kính Đức Mẹ Camêlô hôm nay nhắc lại việc Đức Mẹ ban ân huệ đó. Và gốc tích Áo Đức Bà Camêlô phát xuất từ đây.
Ngoài ra, Đức Mẹ cũng cho Đức Giáo Hoàng Gioan 22 biết: những ai sống theo tinh thần Dòng Camêlô thì sẽ được Đức Mẹ cứu ra khỏi luyện ngục, ngày thứ bảy sau khi chết.
Từ đó, những ai không có điều kiện gia nhập Dòng mà tin tưởng lời hứa của Đức Mẹ, đều xin nhận áo Đức Bà Camêlô và mang trong mình hằng ngày cho đến chết. Việc sùng kính Đức Bà Camêlô ngày càng lan rộng khắp nơi trong Hội thánh. Có thể nói tất cả những ai có lòng mộ mến Đức Mẹ và mong được ơn chết lành đều mang áo nầy!
Năm 1726, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô thứ 13 ban hành sắc lệnh mừng lễ Đức Mẹ Núi Camêlô trong toàn thể Giáo hội, để kính nhớ ngày Đức Mẹ hiện ra ban cho áo đặc biệt nầy.
Mẹ luôn là người chở che bênh đỡ chúng ta. Xin cho mỗi chúng ta luôn biết chạy đến cậy nhờ tình thương của Mẹ, nhờ Mẹ giải quyết những khó khăn bất trắc trong cuộc đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét