Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

THA THỨ KHÔNG GIỚI HẠN.

    0.jpg

         "Dù người anh em của anh xúc phạm anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần nó trở lại và nói với anh: 'Tôi hối hận' thì anh cũng phải tha cho nó." (Lc 17,4)

 Một phút suy gẫm  

          Còn nhớ ngày nào con người vẫn xử với nhau theo  "luật rừng", "mắt đền mắt, răng đền răng". So với thứ "luật rừng" đó, người Việt Nam chúng ta tha thứ tới mức "quá tam ba bận" đã là "cực kỳ" tiến bộ, quảng đại rồi. Ấy thế mà chưa thấm vào đâu so với tiêu chuẩn của Chúa Ki-tô: tha thứ tới 7 lần - chắc ai trong chúng ta cũng còn nhớ con số 7 trong Thánh Kinh, con số nói lên sự hoàn hảo tốt đẹp thấy được trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Phúc âm theo thánh Mattheu còn nói mạnh hơn "tha thứ đến bảy mươi lần bảy", tha thứ mà không đợi người xin lỗi. Phải chăng Chúa Giê-su muốn nói tha thứ là hành xử theo cung cách của Thiên Chúa, là góp phần làm cho người anh em được trở nên con người mới như thể được sáng tạo một lần nữa?
      Điều làm cho người ta khó tha thứ là khi bị xúc phạm người ta cảm thấy một cái gì đó bị uất nghẹt như thể bị đè nén, một cái gì đó mất mát như thể bị chiếm đoạt, một cái gì đó đau đớn như thể đang chết đi. Đó chính la một nửa của cái gọi là "cục tự ái" của chúng ta đấy ( xin mách nhỏ "nửa kia" của cục tự ái là cảm giác khó khăn khi chúng ta phài xin lỗi ai đó). Phải  "giải phẩu" cái khối u đó ra khỏi tim chúng ta thì chúng ta mới có thể tha thứ được - và cũng biết xin lỗi nữa.

Xin cùng hát : Kinh Hòa Bình

       Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
       Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

      Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Ở đời ai cũng cần có bạn bè. Ai cũng cần đồng loại để nâng đỡ và chia sẻ cho nhau. Thật bất hạnh cho những ai không có bạn bè, không có người thân. Cuộc sống liên đới đòi hỏi chúng con phải hòa tan chính mình mới có thể hài hòa với tha nhân. Chúng con phải bỏ tính tự cao tự đại. Chúng con phải có lòng bao dung tha thứ. Chúng con còn phải làm điều lành tránh điều ác để nêu gương sáng cho anh em. Xin giúp chúng con đừng bao giờ sống trong tội lỗi mà nên cớ vấp phạm cho tha nhân. Xin giúp chúng con luôn sống chân thành với tha nhân, luôn tin tưởng và giúp đỡ nhau hoàn thiện đời sống mỗi ngày một tốt hơn. 
      Lạy Chúa là Đấng chúng con tôn thờ. Xin ban cho chúng con đủ đức tin để chúng con tín thác vào Chúa và hết mình phục vụ tha nhân. Xin Chúa nhậm lời chúng con. Amen



THÁNH GIÔ-SA-PHÁT, giám mục, tử đạo
(St. Josaphat) 1580-1623
Ngày 12/11

      Giosaphat ra đời khoảng năm 1580 tại Vladimir nước Ba Lan. Năm 17 tuổi, ngài ngỏ ý xin cha mẹ cho đi tu, nhưng ông bà ngăn cản và muốn con mình kết hôn nói dõi tông đường. Dù gặp trở ngại, ngài vẫn luôn mang ý tưởng tu trì và nhất quyết từ chối việc kết hôn. Cuối cùng cha mẹ đành phải chiều lòng ngài.  

    Năm 20 tuổi, Giosaphat nhập dòng thánh Basilô ở Vilna. Lúc đó có một bè rối nổi lên chống lại Giáo Hội. Chính vị Bề Trên tu viện cũng ngả theo bè rối và buộc ngài cũng phải theo. Phân vân không biết đâu là ý Chúa, ngài đã cầu nguyện nhiều và cuối cùng giữ lập trường trung thành với Giáo Hội. Sau khi vị Bề Trên bị trục xuất, Ðức Giám Mục liền đặt ngài lên thay thế. Hai năm sau, ngài thụ phong linh mục, rồi Giám Mục và năm 1617 được đặt làm Tổng Giám Mục Polotsk. Ngài đã tỏ ra là mẫu mực của các nhân đức. Ngài lo vận động cho việc hợp nhất giữa Giáo Hội Hy Lạp và La Tinh. Ngài đã đem về cho Giáo Hội một số đông những người lạc giáo.   

  Trong một cuộc thăm viếng mục vụ tại Vitebsk, bọn ly giáo xông đến trước mặt Ngài và đòi giết, Ngài đã bình tĩnh trả lời: "Này các bạn, nếu chính tôi là người mà các bạn tìm giết, thì tôi đây!". Họ liền lôi Ngài đi đánh đập tàn nhẫn và kết thúc bằng một nhát gươm xuyên qua ngực. Sau đó họ ném xác Ngài xuống sông. 

   Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII phong Chân Phước cho ngài và Ðức Piô X tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1867 với tước hiệu "Ðấng bảo vệ sự thống nhất Giáo Hội". Ðây là vị thánh Ðông Phương đầu tiên được phong tước hiệu này.

     Lạy thánh Gio-sa-phát, giám mục, tử đạo xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con để chúng con luôn cổ võ cho sự hiệp nhất của mọi thành phần dân Chúa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét