Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

ƠN GỌI VÀ SỨ VỤ

                                              
                                               

Tên cháu là Gioan. ( Lc 1, 63)

Một phút suy gẫm

        Đã mang tiếng sống trong trời đất
Phải có công gì với núi sông. 
                                                                            ( Nguyễn Công Trứ )

        Ơn gọi không là tiếng gọi bất chợt nhưng là một xác tín sâu xa. Ngôn sứ I-sai-a xác tín ơn gọi là ý định ban đầu từ chính Thiên Chúa để chuẩn bị cho một sứ vụ. Cũng vậy, thánh Gioan được chọn ngay từ lòng mẹ để trở nên vị tiền hô dọn đường cho Đấng Mê-si-a. Thánh Gioan xác tín vào ơn gọi của mình là tiếng hô loan báo Đấng Cứu Thế. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi xác tín về ơn gọi của mình như một chứng nhân về Lời Chúa cho con người và thế giới hôm nay.
        Vậy, chúng ta nói và làm chứng thế nào về Thiên Chúa trong xã hội tục hóa hôm nay còn nhiều bất công, chia rẽ? Noi gương Thánh Gioan, chúng ta hãy trở nên bé nhỏ để Thiên Chúa được lớn lên qua chính đời sống chứng tá của mỗi người, đó là đời sống yêu thương, tha thứ, chay tịnh và thinh lặng như dấu chứng để mọi người nhận biết Thiên Chúa.

       Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con luôn hăng say thi hành sứ vụ và ơn gọi của mình. Amen.


                Lễ Sinh Nhật Thánh GIOAN TẨY GI


        Thánh Gioan sinh ra tại Herbon, vào cùng một năm Chúa Cứu Thế ra đời. Cha ngài, ông Giacaria, và mẹ ngài là Isave đều là những người công chính, thánh thiện, tuân giữ nghiêm ngặt luật Chúa không thể chê trách được. Dầu tuổi cao nhưng họ lại không có con.
        Một ngày kia khi Giacaria thi hành phận vụ tại đền thờ, một thiên thần đã hiện ra và nói với ông: “Giacaria, đừng sợ, vì lời khấn nguyện của ngươi đã được nhậm, và Isave, vợ ngươi sẽ sinh cho ngươi một người con, và người sẽ đặt tên cho nó là Gioan. Nó sẽ làm lớn trước mặt Chúa, từ trong lòng mẹ sẽ được đầy Thánh Thần” (Lc 1,13-17).
       Nhưng Giacaria ngạc nhiên và nghi ngờ nói với thiên thần: “Sự ấy làm sao tôi biết được. Vì tôi đã già rồi và vợ tôi cũng đã cao niên” (Lc 1,18).
        Đáp lại, thiên thần nói với ông: “Ta là Gabriel, kể chầu hầu trước mặt Thiên Chúa, Ta đã được sai đến với ngươi và đem Tin Mừng này cho ngươi. Và này ngươi sẽ phải làm thinh không thể nói được nữa, cho đến ngày các điều ấy xảy ra vì lẽ ngươi đã không tin những lời của Ta, những lời đến thời đến buổi sẽ nên trọn” (Lc 1,19-20).
        Ra khỏi đền thờ, Giacaria bị câm. Còn Isave, bà im lặng với niểm vui vì sẽ có con. 6 tháng sau, Thiên thần lại hiện đến Đức Trinh Nữ tại Nazareth, mang theo một sứ mệnh cao cả hơn nhiều. Đức Maria được chọn làm mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế. Dịp này, ngài cũng được báo cho biết về việc thụ thai của Isave trong lúc tuổi già, ngài vội vã lên đường thăm viếng người chị em diễm phúc của mình. Cuộc gặp gỡ đã ảnh hưởng tới con trẻ. Khi Đức Trinh Nữ vừa mới mở lời chào thì con trẻ trong lòng Isave nhảy mừng và đã được đức tin hoá bởi sự hiện diện của Thiên Chúa mà Đức Trinh Nữ cao cả vừa mang thai.
Isave cảm biết sự kiện và ơn thánh thanh tẩy trong con trẻ cũng được khai sáng bà mẹ. Bà đã biết Mầu nhiệm Nhập thể và được Thánh Linh thần hứng, bà đã kêu lên: “Trong nữ giới có Người là diễm phúc và đáng chúc tụng thay hoa quả lòng người. Và bởi đâu với được thế này là Mẹ Chúa tôi đến với tôi?” (Lc 1,42-43).
       Maria đã lưu lại với Isave chừng ba tháng. Hết thời thai nghén, Isave sinh con. Láng giềng và thân thích nghe biết Chúa đã xử rất nhân hậu với bà thì đều chung vui với bà. Ngày thứ tám, gia đình họp lại để làm phép cắt bì cho con trẻ. Mọi người đều gọi con trẻ là Giacaria. Nhưng Isave nói với họ: “Không, tên nó là Gioan”.
       Họ nói với bà: Nào có ai trong thân thích bà mang tên đó đâu?
Người ta ra dấu hỏi người cha đứa trẻ xem ông muốn đặt tên gì. Lấy một tấm bảng ông viết: “Gioan là tên nó”.
       Mọi người kinh ngạc nói với nhau: Con trẻ này rồi sẽ ra sao?
Còn Giacaria, ông hết bị câm và mở miệng xướng bài ca chúc tụng Chúa, trong đó ông nói tiên tri về sứ mệnh con trẻ và việc Chúa sắp đến. Lời ca này được Giáo Hội lặp lại mỗi ngày vào giờ kinh sáng.
Thánh Kinh ghi nhận rằng: Gioan lớn dần, tinh thần dũng mạnh và ở trong hoang điạ cho đến ngày thi hành sứ vụ. Khi ấy, ông đi khắp vùng quanh sông Giođan rao giảng sám hối và thực hiện phép Thanh Tẩy (Lc 3). Bởi vậy, ngài cũng được gọi là Gioan Tẩy Giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét